Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cuộc Trở Về Nội Tâm

§ Phêrô Vũ văn Quí

(CN II MV-B – Mc 1, 1-8)

Qua bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Marcô giới thiệu một nhân vật mà có lần Chúa Giêsu đã ca ngợi: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11, 11).

Với cách hành văn ngắn gọn xúc tích, với văn phong Do Thái mang dấu ấn khải huyền, Marcô đã phác họa chân dung của một người dọn đường cho Đấng Thiên Sai ngự đến trong tâm hồn, một người sống Mùa Vọng bằng vào những nét đặc trưng hiện thực nhưng chứa đầy ý nghĩa cao siêu, như:

- “xuất hiện trong hoang địa” để “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”, sau khi Ông đã lắng nghe được tiếng Chúa mời gọi sâu thẳm qua sách ngôn sứ Isaia;

- không chỉ đi vào không gian hoang vắng cần sự tĩnh lặng của tâm hồn mà Ông còn thể hiện bằng hành động cụ thể là “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”.

- Chính qua những cách thể hiện vượt trội vừa tận sâu trong tâm hồn và vừa kiên quyết trong tiết chế, hãm mình nơi thân xác, mà khi Ông ra đi “rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”, Ông đã “kéo đến với Ông mọi người từ khắp miền Giuđa và thành Giêrusalem”. Chưa hềt, mặc dầu được nhiều người mến mộ cũng như khâm phục vâng theo, Ông vẫn một mực khiêm nhường khẳng định: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” và “Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”, còn tôi chỉ nhờ nước mà thôi. (Mc 1, 1-8)

Và rồi, chưa hết, khi xuất hiện những xáo trộn do một số thầy dậy giả hiệu, thánh Tông Đồ Phêrô đã lên tiếng để hướng dẫn mọi ngừơi hiểu về sự “mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày ấy mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị tiêu hủy và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng” chính là “theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị”.

Vì thế, thánh Tông Đồ Cả, sau khi kêu gọi mọi người “đi tới chỗ ăn năn hối cải” vì “Thiên Chúa kiên nhẫn đối với anh em và vì Người không muốn cho ai phải diệt vong”, ngài tiếp tục tha thiết giáo huấn: “trong khi mong đời ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an”, cũng như “anh em hãy lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta.” (2Pr 3, 8-18)

Qua sứ điệp Sống Mùa Vọng mà Phụng Vụ Lời Chúa nhắc nhở trong tuần thứ hai này, tôi cảm thấy như được thấm nhuần hơn, khi lắng nghe được huấn từ rất thời sự về cuộc sống thực dụng hiện nay của ĐHY Joseph Ratzinger với ký giả Peter Seewald trong tác phẩm “Thiên Chúa và Trần Thế” của Ngài. Ngài giới thiệu với ký giả này, khi mà thế giới đang phải đối diện với một khủng hoảng ghê gớm, vì bao lâu người ta coi quyền và của tự chúng là cùng đích giá trị, thì quyền luôn cũng là quyền chống lại người khác, và của luôn cũng là của chỉ riêng mình. Vì thế, Ngài nhấn mạnh đến một cuộc trở về nội tâm sâu xa và rất cần thiết như sau:

”Thiên Chúa đầy quyền lực đã không dẫm đạp ta, mà trái lại cúi xuống để nâng ta lên ngang tầm với Ngài. Thiên Chúa có thể trở nên bé nhỏ, đó là tất cả bí ẩn trong cái cao cả của Ngài. Ngài không bước xúông từ bệ cao, và cũng không an ngự trên tầng trên. Với cử chỉ hạ mình đó, Ngài muốn thay đổi ý nghĩ về quyền lực và về cai trị nơi ta. Ngài chỉ ra, khi ta có thể sai khiến đám đông và có được mọi thứ mình muốn, lúc đó ta đang rơi vào nhỏ mọn – còn khi ta phục vụ kẻ khác, đó là lúc ta trở nên cao cả.

Chấp nhận điều đó là cả một cuộc cách mạng. Cách mạng này chẳng bao giờ đơn giản chỉ bằng hành động mà thôi, mà nó luôn đòi hỏi một cuộc trở về nội tâm – nhưng đây là cuộc trở về lành mạnh và quan trọng nhất trong mọi cuộc trở về. Chỉ khi nào quyền lực được thay đổi từ trong, chỉ khi nào ta thay đổi từ trong thái độ của ta đối với của cải, và khi ta chấp nhận lối sống suốt đời rửa chân của Đức Giêsu, thì lúc đó thê giới mới trở nên lành mạnh, và con người mới có thể sống hạnh phúc bên nhau.

Đức Giêsu là khuôn hình mà con người cần đi theo, là đích điểm mà chúng ta phải đạt tới.”

Rồi mới đây, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như sau trong buổi tiếp hơn 8000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 26-11-2008 vừa qua:

”Sống lòng tin là kết hiệp với Chúa Kitô, và trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Nếu nó đích thật, lòng tin phải trở thành tình yêu và biểu lộ trong các hành động bác ái. Vì không có hoa trái bác ái thì lòng tin không đích thật. Nó là lòng tin chết”.

Quả thật, Mùa Vọng rõ là “một cuộc trở về nội tâm” như thánh Gioan Tẩy Giả đã đi vào hoang địa để dọn tâm hồn mình thành “con đường của Đức Chúa”, đồng thơi “sửa lối cho thẳng để Người đi” với những cách thức cụ thể xứng hợp với lòng sám hối là: “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” (Lc 3, 11)

Lạy Cha Chí Ái,
Chúng con đang trở về với tâm hồn còn mang nhiều vết nhơ yếu hèn ích kỷ lắm.

Xin cho chúng con lắng nghe được tiếng Chúa mời gọi, ví Mùa Vọng là mùa hồng ân Chúa ban, để rồi qua đó, chúng con được sống hạnh phúc bên nhau và được “lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng con”. Amen.

Chúa Nhật II Mùa Vọng, 07/11/2008

Phêrô Vũ văn Quí

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 06.12.2008. 02:06