Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cuộc Trắc Nghiệm Tư Cách “Tiền Hô”

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Chúa Nhật III MV (Năm B): Ga 1, 6 – 8.19-28

"Hồn chúng con như chim non thoát khỏi lưới càn của người thợ săn" (Tv 123,7)

“Con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy; tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý; tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết. Hình thức đầu tiên của việc truyền giáo là chứng tá đời sống Ki-tô hữu; hình thức này là điều không thể thay thế được.” (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, ĐGH Gioan-Phaolô II)

Vụ nhân viên sứ quán Việt-Nam buôn bán sừng tê giác, vụ nhận hối lộ dự án Đông Tây của quan chức chính phủ, đã làm cho cả đất nước VN ê mặt và bị dân Nhật bắt ngưng khoản viện trợ ODA. Bôi tro trát trấu. Những người vốn không có tư cách đạo đức, chỉ biết lợi dụng chức quyền để bòn rút,lợi dụng cho đầy túi với mong ước là “hạ cánh” an toàn để ngày tháng hưu dưỡng tha hồ hưởng thụ, thì chẳng bao giờ có tư cách đại diện cho ai, chứ đừng nói là đại diện cho một quốc gia. Quýt làm cam chịu: người dân Việt đi đến đâu cũng bị hạch sách, coi khinh. Rồi những kẻ chỉ bước ra khỏi cánh cửa phòng xử án, đã vội bẻ cong ngòi bút, bóp méo sự thật như trong vụ tám giáo dân cách đây mới mấy hôm, có thể dám vênh váo trơ trẻn cho mình là tiếng nói của dân, ư? Những hạng người nầy, dù một chút liêm sĩ cũng không có, thì nói gì đến tư cách đại diện!

Dù kết quả không đúng như nhiều cử tri Mỹ mong muốn, hoặc sự việc hơi quá đà với vụ biểu tình kéo dài cả nửa năm ở Thái Lan, thì việc lần đầu trong lịch sử Hoa Kỳ một người da màu đắc cử tổng thống và có đến hai vị thủ tướng Thái Lan phải từ chức, cũng cho thấy quyền tự do chọn lựa của người dân được tôn trọng và những nhà lãnh đạo phải vượt qua được thử thách, thẩm tra năng lực, lý lịch của người dân, thì mới được chọn hoặc chấp nhận. Khác hoặc ngược ý dân, sẽ bị loại bỏ. Đây không phải là trò chơi chính trị theo kiểu nước Nga, và nhất là các nước dưới chế độ độc tài, chỉ có quyền được tán thành những gì đã sắp sẵn do mưu mánh hoặc chuyên quyền. Trong tuần vừa qua, chúng ta đã thấy hình ảnh một Gioan Tẩy Giả làm tổng chỉ huy cho “cuộc diễn tập mang tên Tiền Hô”, bảo đảm với mọi người về căn tính thiên giới và cứu tinh của Chúa Giêsu. Người ta vẫn chưa biết nhiều về tư cách “Tiền Hô” của Ông. Hôm nay, nhân dân thẩm tra tư cách ấy của Ông. Vì thế, dù là vì tò mò, dù xuất phát từ ác ý hoặc thực sự muốn biết rõ chân tướng của người vốn nỗi danh từ thuở chưa lọt lòng mẹ nầy, thì “thực vàng không sợ lửa”: Gioan không dấu diếm thân phận hoặc đề cao vai trò của mình. Hơn nữa, Ngài lợi dụng dịp tốt nầy để giới thiệu danh tính và lý lịch của Chiên Thiên Chúa, Đấng Kitô, Vị Thiên Sai. Hãy xem qua những nội dung của cuộc trắc nghiệm tư cách “Tiền Hô” nầy:

Gioan không phải là ánh sáng, mà chỉ làm chứng cho ánh sáng: người ta nhớ lại nhà điêu khắc Michel Ange khi ông tạc tượng Môsê ôm trong lòng hai tấm bia ghi 10 Điều Răn cho Thiên Chúa ban. Trên đầu [tượng] Môsê là hai cái “sừng ánh sáng” . Bức tượng điêu khắc thành công đến nỗi chính Michel Ange sững sờ và hô to lên như thể đang nói với một Môsê còn sống: “Hãy nói đi, Ông Môsê” (Parle, Moise). Kinh Thánh ghi rõ chi tiết nầy: khi Môsê từ trên núi xuống dân chúng phải lấy tay áo che mắt, vì Môsê sáng rực. Chỉ mới được ở gần ánh sáng thiên nhan, mà Môsê đã rực sáng như thế! Không lạ gì những người làm nhiệm vụ “tiền hô”, rao giảng về Chúa, cũng được hưởng ánh hào quang biết chừng nào. Nói khác đi, dấu hiệu để nhận ra những người dấn thân làm việc “tiền hô”, là “có ánh sáng toả ra”, khiến chỉ nhìn bề ngoài ấy, người ta có thể nhầm lẫn với Nguồn Ánh Sáng thật. Gioan “môn đệ” đã xác định rõ: Gioan “Thầy” chỉ là người làm chứng cho Ánh Sáng.

Nhóm Tư tế và Lê-vi hiểu rõ và không nghi ngờ về xuất thân và đạo đức của Gioan Tẩy Gỉa, nhưng họ muốn biết thẩm quyền của Gioan ở mức độ nào. Họ không đem các tiên tri “nhỏ” hay “vừa” ra đối chiếu, mà đặt luôn “tượng đài” Êlia ra với Gioan Tẩy Giả. Theo cách nói của các phim cổ trang, những người như Êlia được gọi là “ dưới một người, trên muôn người”, vì trong tâm trí người Do Thái, trong hàng ngũ tiên tri, Êlia chỉ “dưới” Thiên Chúa, nhưng “lớn” hơn mọi tiên tri. Gioan trả lời chẳng chút do dự: Ngài không phải là Êlia, không có nhiệm vụ như của Êlia. Trong suốt Cựu Ước, không có tiên tri nào giống nhau cả, vì Thiên Chúa giao cho mỗi người một sứ mệnh theo mỗi thời, như ý Thiên Chúa muốn nói với dân. Nếu ai hỏi tiên tri Ôsê, tiên tri Giêrêmia,… cũng sẽ nhận được câu trả lời tương tự. Điều đó cũng đúng cho mỗi Kitô hữu: Chúa không giao cho ai sứ mệnh hoàn toàn giống nhau. Chúng ta chỉ có thể học nơi nhau phương pháp, tinh thần truyền giáo, chứ không thể rập khuôn, vì như thế không thể đáp ứng đòi hỏi của sứ mệnh Chúa giao cho. Thánh Gioan Tẩy Giả không thể là “sosie” của Êlia và ngược lại. Chúng ta cũng không bao giờ là “sosie”(nhân vật giống hệt) của những vị tông đồ nỗi danh như Thánh Phaolô, như Thánh Phanxicô Xaviê, như Thánh Nữ Tiến Sĩ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, v...v…Chúa cũng không bao giờ muốn ta chỉ là “cái bóng” của bất cứ vị thánh nào.

Đến lượt người Biệt phái “hạch sách” về tính chất của phép rửa Thánh Gioan làm, cũng có nghĩa là muốn truy nguyên quyền lực cho phép Ngài thực hiện việc rửa tội nầy; cách mà ít lâu nữa họ sẽ làm đối với Chúa Giêsu, vừa theo kiểu “ghen ăn, tức ở”, vừa để vớt vát phần nào uy tín ngày càng bị sứt mẻ của họ. Lý lẽ trần tục xưa nay từng giúp họ “chiến thắng”, đè nén, đe doạ, áp chế người dân, làm cho họ trở thành một giai cấp ăn trên ngồi trốc, nay với Gioan Tẩy Giả (và ít nữa với Chúa Giêsu) bị sụp đổ tan tành. Chắc chắn những người Biệt-Phái không thoả mãn với câu trả lời của Thánh Gioan Tẩy Giả và họ sẽ bám dai dẳng để bắt bí và hành hạ Ngài mãi, nếu như đã không xuất hiện “cái đinh”,- hiểu cả theo nghĩa nhân vật nỗi trội và cả cái vật nhọn làm họ nhức nhối khi đã dẫm lên - Chúa Giêsu, người mà Gioan giới thiệu với thái độ vô cùng tôn kính, sùng bái!

Một thành xây trên núi không thể dấu được” (Mt 5,14). Vì thế dù muốn hay không, Giáo Hội trở thành cái bia để người ta nhắm vào công kích, bắn phá, cả với ý đồ tiêu diệt phá đổ nữa. Trong những khuôn mặt chứa chất hận thù, chống phá Giáo Hội ấy , không ít những gương mặt “quen thân”, luôn miệng tự xưng là con cái Chúa, là Kitô hữu, những chức sắn “có hạng” trong phẩm trật Hội Thánh, những nhà trí thức lớn, ưỡn ngực và mở to mắt kiêu căng, muốn vượt cả Xatan trong ý định bắt Gíao Hội phải qùy gối quy phục họ, tuân theo một mớ hiểu biết và lập luận được họ cho là duy nhất đúng với Kinh Thánh. Nhưng Giáo Hội vẫn vững vàng trước mọi phong ba. Tư cách “tiền hô” Nước Trời của Giáo Hội đã được khẳng định mãi đến tận thế.

Người ta không thắp đèn rồi đặt dưới đáy thùng” (Mt 5,15). Vì thế trắc nghiệm tư cách Kitô hữu không cứ ở địa vị, khả năng, thậm chí những việc đạo đức cá nhân, mà là ở hiệu quả “toả sáng” của người đó. Khác hoàn toàn với một cá nhân hoặc một bộ máy tuyên truyền ở đời, một Kitô hữu không thể có được bất cứ kết quả truyền giáo nào nếu không kết hiệp với Chúa Kitô qua các bí tich, nếu không hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh và tuân phục Đấng Đại Diện của người nơi trần gian. Và nên ánh sáng cho thế gian - giữ mãi ánh sáng của ngọn nến ngày rửa tội - để ai ai nhìn vào cũng nhận biết và ngợi khen Cha Trên Trời – Cha nào con nấy, - chính là tư cách một Kitô hữu được “kiểm định”.

Hãy ghi nhớ điều nầy: Chúa dùng “thế gian” - với cả những mưu toan xấu xa độc ác nhất - để trắc nghiệm tư cách Kitô hữu và “tiền hô” của mỗi môn đệ, của mỗi cộng đoàn. Mọi lúc mọi nơi! Không có ngoại lệ! Người đời - bằng đủ hình thức - sẽ đặt chúng ta dưới kính hiển vi, mổ xẻ từng phần nhỏ cuộc đời Kitô hữu, sẽ làm cho chúng ta bầm dập, trầy vi tróc vảy - không loại trừ có thể khiến ta mất mạng. Khi họ ngừng tay mà không đạp đổ hủy diệt được đức tin chúng ta, thì chúng ta đã lọt qua được trắc nghiệm tư cách “tiền hô”.

Tình Ca Cho Người Được Yêu 132

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 11.12.2008. 14:03