Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cuộc Tổng Diễn Tập Mang Tên “Tiền Hô”

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Chúa Nhật II MV (Năm B): Mc 1, 1 - 8

Bộ phim Trung Quốc dài 45 tập “Thung Lũng Bạch Ngân” mô tả thật hay sự thất vọng của ông chủ chuyên nghề đổi tiền họ Khang khi bỏ ra bao công sức và tiền bạc để có được vinh dự lớn lao xưa nay cả vùng Sơn Tây chưa ai có được, là diện kiến Hai Cung, tức là Từ Hi Thái Hậu và hoàng đế Quang Tự nhà Thanh trên đường bôn tẩu vì Bắc Kinh bị liên quân Tây phương xâm chiếm. Ông xót của tiếc công và mô tả Hai Cung như là đại diện cho những gì nhu nhược, kém cỏi, hèn nhát nhất. Những hình ảnh tôn qúy về các “thiên tử” tan thành mây khói, và càng đau trước một hậu quả mà ông phải gánh chịu : “Hai Cung” sẽ lợi dụng thói hám danh của ông để bòn rút của cải và đe doạ tính mạng bản thân ông. Sau cùng quả thật ngân hiệu Sơn Tây một thời vang bóng biến mất cùng với triều đại nhà Thanh thối nát bất tài. Cuộc diễn tập công phu tốn kém và gây đại hoạ về sau đó, ít ra cũng cho ông bài học đặt giá : bộ mặt thật của các “thiên tử” và của những giá trị xưa nay vẫn úy kính.

“Diễn tập” có thể là một trong những từ ngữ thường đọc thấy nhiều nhiêu nhất trên các trang tin thời sự quốc tế. Một quốc gia diễn tập để phô trương thanh thế và khả năng tự vệ. Hai hoặc nhiều quốc gia diễn tập chung để củng cố mối liên kết của họ, cũng là để “nhắc nhở” những nước khác. Người ta diễn tập chống khủng bố; người ta diễn tập chống hải tặc, chống không tặc và cả chống tin tặc. Những đồng minh như Mỹ Hàn, Mỹ Nhật, Nhật Hàn, v..v...diễn tập chung là chuyện thường thấy, nhưng không ít người ngạc nhiên khi nghe thấy BBC ngày 28. 06. 2008 đưa tin : Mỹ và VN diễn tập hải quân chung. Việt Nam dường như cũng muốn tăng cường hợp tác với các đồng minh quân sự của Mỹ trong khu vực dù phía Mỹ tuyên bố cuộc diễn tập chung đầu tiên với Việt Nam có lẽ sẽ tập trung vào hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. Phải chăng bắt tay với kẻ thù cũ đã phân minh rạch ròi, vẫn hơn gần kề người bạn luôn miệng đoàn kết ,núi liền núi sông liền sông, nhưng luôn sẵn sàng nuốt chững người anh em nhỏ bé của mình? Diễn tập chung,lúc ấy, sẽ là lá chắn không hề nhỏ. Diễn tập luôn tỏ ra có lợi!

Trong các cuộc gặp gỡ song phương nhân dịp hội nghị thượng đỉnh APEC bế mạc ngày 23.11 vừa qua, có rất nhiều chi tiết “bên lề” đặc thù của ngành ngoại giao khiến ta ngạc nhiên, chẳng hạn những cuộc vận động hành lang (lobby) của Chi-lê, để có được phiếu bầu của các nước cho chân ủy viên không thừơng trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014 – 2015! Bao nhiêu cuộc gặp gỡ song phương, đa phương bên lề hội nghị, tranh thủ ký kết hàng loạt ghi nhớ, thoả thuận, hợp đồng không ai dại gì bỏ qua. Trong thể thao, các quốc gia dùng mọi cách để quảng cáo, vận động - kể cả “đi đêm” – mong được chọn đăng cai một sự kiện thể thao cấp quốc tế, như thế-vận-hội, giải bóng đá thế giới, trước nhiều năm, hầu có thời giờ cho việc”dọn đường” luôn vô cùng tốn kém thời giờ, công sức, tiền bạc. Cuộc diễn tập vĩ đại sẽ tiếp liền sau công bố bầu chọn, thu hút toàn bộ nhân vật lực đất nước đựôc chọn đăng cai, vì lợi ích phát triển, nhưng chủ yếu là danh dự : bao công trình nhỏ hơn, ít thích hợp hơn, ít hiện đại hơn, đều dễ dàng bị phá bỏ, để xây dựng mới. Không ai chờ nước đến chân mới nhảy! Không ai ngại phải hy sinh cái cũ để có được cái mới xứng hợp! Những cuộc diễn tập được chuẩn bị chu đáo nầy sẽ đem lại lợi ích to lớn về mọi mặt cho cả đất nước và cho mỗi người dân.

Trở lại chuyện mưa lũ và triều cường ở Việt-Nam đã dìm nhiều thành phố làng mạc trong những biển nước, không chỉ làm chết hàng trăm người một cách oan ức tất tưởi, gây ách tắc và hàng loạt tai nạn giao thông, làm hư hại nặng nề nhà cửa, đường sá sẽ tốn rất nhiều công sức tiền của để vá víu sửa chữa, mà còn làm mất hẳn niềm tin nơi khả năng của chính phủ trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản người dân. Trong những trận lũ nầy, quả thật có rất nhiều điều trùng hợp : trận lũ ở Hà Nội và cơn triều cường ở Sàigòn đều là “lịch sử”, vì năm mươi năm mới xảy ra một lần. Lẽ ra “nửa thế kỷ”phải là một khoảng thời gian rất dài để người ta có thể nghiên cứu, lập ra và thực hiện bất cứ đề án to lớn nào đủ khả năng chế ngự những thiên tai thất thường xảy ra, nhưng người ta chỉ biết đổ lỗi cho dự báo sai, đổ lỗi cho triều cường quá cao. Vậy nếu dự báo chính xác, thì với những gì người ta bỏ hàng núi tiền ăn gian làm dối, liệu đã hết lụt lội chăng. Nếu có diễn tập, chắc chắn sẽ lộ diện hết mọi gian dối. Diễn tập ít ra cũng buộc người ta phải “cảnh giác” (Chúa Nhật I Mùa Vọng) và “dọn đường” cẩn thận (Chúa Nhật II Mùa Vọng).

Hôm nay,bên dòng sông Gio- đa-nô có chiều dài trên ba trăm cây số, nay dùng làm ranh giới giữa hai quốc gia Israel và Jordanie, Thánh Gioan Tẩy Giả cũng đang thực hiện cuộc tổng diễn tập bàn giao giữa Cựu Ước và Tân Ước , giữa phép rửa bằng nước và phép rửa trong Thánh Linh. Dòng sông Gio-đa-nô được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh, là nơi quan trọng đối với các ngôn sứ, nhưng cũng như Môsê hơn 1.200 năm trước đó đã không đựơc qua dòng sông nầy để tiến vào đất hứa, - một sứ mệnh được trao cho ông Giô-duê -, thì Gioan Tẩy Giả cũng phải dừng lại bên “bờ” Dòng Sông Tân Ước, trong tư cách một Tiền Hô, một Người Dọn Đường, một tổng chỉ huy cuộc Tổng Diễn Tập trước khi giới thiệu và bàn giao cho Tân Ước, cho Đấng dù đến sau ông, nhưng ông “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1,7). Cũng như Môsê, ông làm trọn nhiệm vụ Thiên Chúa giao cho, nhưng phải dừng lại khi tới sát gần Đất Hứa, để bản thân hai Vị cũng như mọi người mọi thời không lầm nghĩ kết quả có được ấy là do công lao,tài năng của các Vị. Cả hai vị, cũng như mỗi người trong chúng ta, khi đã làm tròn bổn phận, thì chỉ có quyền thưa với Chúa :"Chúng coi là đầy tớ vô dụng: vì chúng con đã làm điều chúng con phải làm" (Lc 17,10).

Hôm nay, không chỉ qua lời giới thiệu và bảo đảm của Thánh Gioan Tẩy Giả, mà còn bắng ân sủng đức tin, bằng chính Lời của Chúa Giêsu và chứng từ của Giáo Hội, không phải từ phép rửa tượng trưng từ nước, mà chính là bằng phép rửa trong và do Thần Khí Chúa ( x. Mc 1, 8) chúng ta biết rõ Vị “Thiên Tử” mà chúng ta không những được diện kiến, được thoả chí cận kề tâm sự, mà còn được đón vào lòng, là Con Một Chúa Cha, là Đấng Cứu Chuộc chúng ta, vậy chúng ta đã làm gì để tiếp đón Người? Chúng ta đã cố gắng để chí ít hằng năm làm một vài cuộc diễn tập, luôn trong tư thế sẵn sàng và đầy đủ cho ngày Chúa đến, không ai biết được ngày giờ nào, nhưng lại là điều chắc chắn sẽ xảy đến nhất? Là vinh dự, là ước mơ hay là đau khổ,miễn cưỡng, thì không ai có thể tránh né được cuộc gặp gỡ sau cùng, lần cuối, với Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ. Do đó, một cuộc tổng diễn tập bàn giao đời nầy tạm bợ và đời sau vĩnh cửu sẽ định đoạt sự sống đời sau của mỗi người : phúc vinh ngàn thu hoặc trầm luân muôn kiếp!

Tình Ca Cho Người Đựợc Yêu 131

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.12.2008. 11:41