Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cung Hiến Đền Thờ Latêranô

§ Lm Jude Siciliano, OP

(Ga 2,13-22)

Thưa quý vị.

Hôm nay là lễ cung hiến đền thờ Latêranô (9/11/2008). Đền thờ này còn được gọi là đền thờ Chúa Cứu Thế, rất quan trọng trong thế giới công giáo, nó ghi dấu một bước ngoặt quyết định của đạo thánh, cho nên tôi khai triển ý nghĩa của nó, ngõ hầu giúp đỡ mọi người ý thức về bản thân mình, như ngôi đền sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Những tín hữu chỉ tham dự thánh lễ ngày chúa nhật, thì ít có cơ hội cử hành lễ này. Hoạ hiếm lắm mới gặp được sự trùng hợp. Dễ thường là phải bảy năm. Nhưng ý nghĩa của nó thì lại rất quan trọng trong cuộc sống đức tin của người tín hữu, không thể bỏ qua. Trước hết tôi xin kể sơ qua lai lịch của ngày lễ. Theo tác giả Patricia Datchuk Sanchez trong tạp chí “Celebration” tháng 11/2003 thì nhà thờ Chúa Cứu Thế (Lateran) là một ngôi biệt thự kiểu La Mã, được xây vào thế kỷ thứ IV sau công nguyên, nó là nhà thờ chính toà của Đức Giám Mục địa phận Rôma, kiêm giáo tông của toàn thể thế giới công giáo. Vì vậy đã từ lâu được công nhận là thánh đường mẹ của mọi người công giáo. Các tín hữu cùng chia sẻ tính linh thiêng của nó bởi nhà thờ có lịch sử liên quan đến sự trở lại của hoàng đế Constantin và việc tha đạo theo chiếu chỉ Milan của ông năm 313.

Do đó, lễ kỷ niệm năm nay có liên hệ chặt chẽ đến hết mọi người, còn sống cũng như đã khuất. Và chúng ta cũng cử hành hết mọi nơi cầu nguyện của mình trên toàn thế giới. Hiện nay còn bao nhiêu linh hồn đang bị bách hại vì lòng tin, trong số 50 quốc gia thù địch ? Chúng ta cầu nguyện cho họ và tưởng nhớ đến các thánh đường đã hiến dâng lên Thiên Chúa. Đối với người Do Thái, đền thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện đặc biệt. Họ cảm nghiệm rất cụ thể Thiên Chúa có mặt nơi đó. Họ cầu nguyện, tạ ơn, đàm đạo với Ngài. Họ bày tỏ nỗi lòng thâm sâu cùng Ngài, thờ phượng Ngài.

Còn đối với các tín hữu thì bài Tin Mừng cho biết Chúa Giêsu chính là đền thờ để họ gặp gỡ Thiên Chúa một cách sống động và hữu hiệu. Họ cũng cần phải tin rằng nếu như họ thành tâm tụ họp thành cộng đoàn yêu thương, thì Thiên Chúa ngự giữa họ như trong một đền thờ. Cho nên qua Lời Chúa và qua các bí tích, hôm nay mọi nơi thờ phượng của thế giới công giáo, kể cả tâm hồn tín hữu, được canh tân và đổi mới, tiến dâng một lần nữa lên tôn nhan Đấng Chí Tôn, kêu gọi mọi người sống thanh khiết và thánh thiện.

Tiên tri Ezechiel có một sứ vụ đặc biệt cho dân Israel đang lưu đày ở Babylon. Bài đọc 1 cho biết : Ông là một tư tế, giống như linh mục thời nay, ông phải sống phát lưu gần sông Cơba, bởi vì Giêrusalem đã bị phá huỷ năm 586 tcn. Ông đã được thị kiến trông thấy một đền thờ mới, sẽ được xây dựng lại trên quê hương. Và có lẽ bởi sống bên cạnh sông nên ông thấy nước chảy là biểu tượng cho ơn ban sự sống tuôn trào từ đền thờ : “Người ấy dẫn tôi trở lại phía cửa đền thờ và này có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa đền thờ về phía đông, bởi vì mặt tiền đền thờ quay về hướng đông. Nước từ dưới bên phải đền thờ chảy xuống phía nam bàn thờ” (47,1). Như vậy, Ezechiel nhắc nhớ cho đồng bào lưu lạc của mình về quyền năng và sức mạnh Thượng Đế, cho nên mặc dù đang bị thua trận, đền thờ bị phá huỷ, nhưng cứ tin tưởng, cứ hy vọng vào tương lai. Chương trình phục hồi quê hương do Thiên Chúa ấn định không thể bị tan biến, trái lại, sẽ thành công rực rỡ.

Tuy nhiên vị tiên tri rất nghiêm khắc với các lỗi lầm của dân tộc. Ông tuyên bố không úp mở rằng : bởi lẽ họ đã phản bội, từ chối Thượng Đế để đi theo con đường riêng của mình, cho nên Ngài đã để cho quốc gia gặp thất bại; đền thờ bị phá huỷ. Ông cũng nhắc nhớ rằng Thiên Chúa không ngự cố định một nơi hoặc bị nhốt vào một đền thánh nào cả. Ngài hoàn toàn vô hình, tự do. Dân Israel đi lưu đày, thì Ngài cũng đi tha phương với họ. không một địa điểm nào, kiến trúc nào, kể cả các nghi lễ phụng vụ tôn giáo, thói tục dân gian, có thể cầm giữ được Ngài. Cho nên tiên tri Ezechiel đã dự cảm và báo trước ý định phục hồi của Thiên Chúa và ngày trở về của dân tộc. Lúc ấy sẽ có thánh đường mới và vinh quang, phúc lành của Thiên Chúa sẽ tràn ngập đền thờ và sứ sở. Thật chẳng có điều chi phấn khởi hơn cho những người Do Thái lưu đày và chúng ta hôm nay.

Xin suy nghĩ rộng hơn về những lời loan báo của vị tiên tri : Sự thánh thiện đáng lý phải có, không thể giới hạn vào đền thờ hoặc khuôn viên mà phải lan tràn ra khắp mọi nơi : “Người ấy đưa tôi ra theo lối cổng Bắc và dẫn tôi đi vòng quanh theo lối bên ngoài, đến cổng ngoài quay mặt về phía Đông và này : Nước từ bên phải chảy ra, người ấy đi ra phía Đông, tay cầm cây đo, đo 500 thước rồi dẫn tôi đi qua, nước ngập đến mắt cá chân, người ấy đo 500 thước nữa rồi dẫn tôi đi qua, nước ngập đến đầu gối… đến ngang lưng… đó là một con sông, tôi không thể đi qua,… chỉ bơi mới được thôi” (47, 2-5). Nước từ đền thờ còn có sức chữa lành, mọi bệnh tật gặp nước đều được khỏi :

“Trên hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết. Mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ có nước chảy ra từ thánh điện. Trái dùng làm lương thực còn lá dùng làm thuốc” (47,12). Biểu tượng của vị tiên tri rất cụ thể kích thích trí tưởng tượng độc giả nghĩ về quyền phép Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể dùng biểu tượng này để suy gẫm, cầu xin. Thiên Chúa chẳng thể bị người ta quản lý, chuyển hướng vào những lợi lộc ích kỷ. Ngay cả đối với não trạng cử hành các bí tích theo truyền thống, cứ ngỡ rằng thân xác và tinh thần chúng ta sẽ được ngài ban ơn tại nơi này, thời điểm nọ. Thực ra các bí tích của Giáo Hội tuyên bố : Trong Đức Kitô, Thiên Chúa vươn tới và liên tục chữa lành nhân loại trong những đường lối hoàn toàn nhiệm màu và hiệu quả mà chúng ta chẳng thể nào lường trứơc được.

Khi tuyên sấm những điều này, nhà tiên tri đứng trước cửa đền thờ, chỗ có nước đang chảy ra. Chúng ta cũng đang có mặt tại ngôi thánh đường giáo xứ, đền thờ của Thiên Chúa, cho nên không thể nào không đồng hoá mỗi người với vị ngôn sứ. Thánh đường giáo xứ là nơi đặc biệt để chúng ta hội họp và cầu nguyện, nơi bồi dưỡng tâm linh, phục hồi tinh thần và tái hiến dâng mình cho Thiên Chúa. Qua các cửa chúng ta tiến vào thánh điện, rồi lại bước ra, đi khắp muôn phương rao giảng quyền năng Thiên Chúa, đúng như Ezekiel mô tả “Nơi đâu có nước chảy đến thì ở đó có sự sống” (47,9). Nơi đâu người tín hữu có mặt, thì ở đó đầy dẫy ơn thánh và phúc lành của Thiên Chúa cho chư dân. Hình ảnh này nhắc nhớ chúng ta bổn phận phải thoả mãn khát vọng yêu thương, nhân phẩm và ủi an của những người chung quanh mình.

Chính Giáo Hội cũng phải là dấu chỉ bền vững cho thế gian về tình yêu chữa lành của Chúa Giêsu. Mỗi giáo xứ phải là một cộng đồng yêu thương để những người có nhu cầu gặp được tình yêu của Đức Chúa Trời. Xin hãy để cho hoà bình chảy thành sông, công lý ngập tràn bờ, không còn áp bức, nghèo đói, bất công. Xin hãy để các tín hữu làm ngập lụt thế giới bằng sự hiện diện của Thiên Chúa tốt lành, nhân ái. Những thanh niên, thiếu nữ, người già, con trẻ được bình an ngồi dưới bóng mát của các cây xanh mọc hai bên bờ…

Như vậy tiên tri Ezechiel cũng đưa ra lời an ủi cho Giáo Hội hôm nay trong bài đọc một, và ông cũng nhắc nhớ chúng ta về cội nguồn cổ xưa của mình. Có những lúc, những nơi Hội Thánh gặp khó khăn bách hại hoặc gương mù gương xấu, phản bội. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Bằng chứng cụ thể là nước hằng sống liên tục chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thủng của Đấng Cứu Chuộc, mang thần dược chữa lành và ơn tái sinh xuống cho nhân loại. Những ngày này, khắp trên thế giới dồn dập các tin não lòng về chiến tranh, chém giết, kỳ thị và trong lòng Hội Thánh, không thiếu những sự kiện đen tối làm cho các tâm hồn nhiệt huyết cảm thấy nhát đảm, đoạ đày như đang bị phát lưu ở Babylon, nhìn về đền thánh Giáo Hội với luyến tiếc nhớ nhung. Nhưng chúng ta vẫn hy vọng thế giới này rồi sẽ cò hoà bình, Giáo Hội này rồi sẽ được tái thiết.

Từ xa xưa, tiên tri Ezekiel đã hy vọng thay cho chúng ta ngày nay, độc giả của ông, chúng ta đựơc xây dựng vững vàng bằng các thị kiến, khát khao cho chúng mau trở thành hiện thực trong cuộc đời mình. Bất chấp những tai hoạ hàng ngày, Thiên Chúa không bao giờ lãng quên chúng ta. Nhà tiên tri nhiều lần bảo đảm như vậy. Thiên Chúa là nơi chúng ta ẩn náu và Chúa Giêsu là đền thờ cực thánh của mỗi linh hồn. Chúng ta có quá khứ và cũng có tương lai. Quá khứ và tương lai ấy chúng ta phải đảm nhận, không thể dửng dưng.

Trong buổi phụng vụ hôm nay, xin Chúa khơi dậy ơn bí tích rửa tội trong mỗi linh hồn và ban khả năng cho tất cả mọi người góp phần vào sự nghiệp đổi mới đền thờ Giáo Hội, bằng cách tích cực lãnh phần trách nhiệm là viên đá sống động của toà nhà Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong cách diễn tả riêng của mình gọi chúng ta là “ngôi đền của Thiên Chúa”. Đúng vậy, Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta thành một cộng đoàn và biến đổi chúng ta nên đền thánh của Ngài, trong đó Thần Khí ngự trị. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở mọi người phải cộng tác xây dựng ngôi đền đó. Bằng các hành trình giảng dạy của mình, thánh nhân đã đặt nền tảng, chính chúng ta là kẻ tiếp tục làm cho ngôi đền đó hoàn thành tốt đẹp.

Cho nên thật hợp lý, trong ngôi đền này, ở buổi phụng vụ hôm nay, chúng ta thành khẩn kêu xin Chúa Giêsu rằng vì Ngài là đền thánh sống động của toàn thể nhân loại, thì hãy chữa lành các bệnh tật của chúng con, những tan nát tâm hồn cũng như thể xác, nhất là những vết thương rướm máu, do gương xấu của hàng giáo sĩ gây nên gần đây. Xin Ngài đồng hành với chúng con, khám phá và công bố sự hiện diện của Đấng Tối Cao, nuôi nấng những ai đói nghèo, chữa khỏi những ai đau yếu, hoà giải các thù nghịch. Tiên tri Ezechiel đã có phứơc khi đựơc xem thấy ngôi đền Giêrusalem mới, đầy tràn vinh quang và quyền năng Thiên Chúa. Xin cho chúng con cùng chung hạnh phúc ấy hôm nay và hô lớn: “Ước chi được như vậy”. Amen.

Lm Jude Siciliano, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 12.11.2008. 03:35