Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cùng chung nhịp đập với tim Đấng tử nạn và phục sinh

§ Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

“Trước lễ Vượt qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”(Ga 13,1). Đã yêu thì không biết dừng, vì biên giới của tình yêu là yêu thương không biên giới. Chúa Giêsu yêu thương nhân loại chúng ta, Người yêu thương từng người trong chúng ta bằng một tình yêu đến cùng cả trong mức độ lẫn trương độ. Tình yêu ấy được biểu lộ rõ nét và lên đến đỉnh cao nơi cuộc tử nạn và phục sinh của Người.

CHÚA YÊU THƯƠNG TA ĐẾN CÙNG TRONG MỨC ĐỘ:

“ Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình hiến dâng mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 13,13). Chúa Giêsu đã thể hiện điều này bằng tấm thân trần trụi chẳng còn hình thượng nào trên thập giá. Sự hiến thân này được quyết định dứt khoát khi Người lập Bí tích Thánh Thể.

Mầu nhiệm Thánh Thể, một đề tài thật phong phú đã làm tiêu tốn biết bao nhiêu giấy mực mà dường như vẫn không tát cạn chút nào sự bao la và sâu thẳm của Tình Yêu Thiên Chúa qua mầu nhiệm này. “Giọt máu đào hơn ao nước lã”. Ngạn ngữ này không chỉ đề cao ưu thế của “tình huyết nhục” mà còn gợi cho chúng ta thấy một trong những biểu tượng của tình yêu mang đậm nét hiện sinh là máu-thịt. Tình yêu con người lên đến đỉnh cao khi nên một xương một thịt với nhau (x.Mc 10,8). Trích huyết ăn thề cũng là một cách thế tỏ bày tình yêu và sự tín thành với nhau. Máu- thịt vừa biểu trưng cho sự sống vừa biểu trưng cho tất cả những gì ta là. Không phải tôi có thịt máu này, mà thịt máu này chính là tôi.

“Các con hãy nhận lấy mà ăn. Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Này là Máu Thầy, Máu giáo ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Là tín hữu, chúng ta vốn quen và dễ thuộc những lời này. Dù rằng công thức truyền phép trong Thánh Lễ hiện nay có thay đổi vài chữ, nhưng nội dung lời Đức Kitô không hề đổi thay. Chúa Giêsu tự nguyện trao ban trọn vẹn bản thân mình để thể hiện tình Chúa yêu chúng ta, yêu nhân loại đến cùng. Thầy sẽ bị nộp vì các con, nghĩa là vì yêu, Chúa tự nguyện nhận lấy mọi hậu quả do tội chúng ta gây ra. Khi cho chúng ta tiếp nhận sự sống của Chúa, qua việc nhận Máu của Người là Chúa bày tỏ lòng khoan dung tha thứ. Và hiệu quả của sự thứ tha ấy là nhân loại chúng ta được cứu sống, được giải phóng khỏi ách nô lệ, được trở về làm con cái Chúa và thừa hưởng hạnh phúc Chúa trao ban.

Chúa Kitô lập bí tích Thánh Thể là vì chúng ta, nhân loại chúng ta đã phạm tội và đang ở trong cảnh nô lệ Thần Dữ. “Người mạnh khoẻ không cần đến thầy thuốc mà là người đau yếu. “Con Người đến để cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10). Như thế có thể nói Bí Tích Thánh Thể có ra là vì người tội lỗi chứ không phải cho người công chính. Mẹ Hôi Thánh đã nhắc nhớ chúng ta điều này nhiều lần trong Thánh Lễ bằng những công thức thống hối. Ngay trước khi lên “chịu” Thánh Thể, chúng ta một lần nữa được hướng dẫn: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”. Phải, nếu Chúa không vì yêu thương tự nguyện đến với ta thì trên trần gian này chẳng một ai xứng đáng đón nhận Người. Chính Chúa đến mới làm ta nên xứng đáng chứ không phải vì ta xứng đáng rồi nên Chúa mới ngự vào. Không phải do Giakêu xứng đáng, nhưng chính nhờ Chúa Giêsu đến viếng thăm đã khiến cho Giakêu đổi thay và nên xứng đáng (x.Lc 19,1-10).

Hãy nhận lấy… và hãy làm việc này… Hai mệnh lệnh của tình yêu từ Bí tích Thánh Thể. Hãy nhận lấy để được thứ tha. Hãy nhận lấy để được cứu sống, được giải phóng và nên xứng đáng. Tuy nhiên chúng ta đừng quên mệnh lệnh thứ hai. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Theo giáo lý truyền thống ta dễ xem đây là lời lập Bí tích Truyền Chức Thánh, lập nên hàng Tư tế thừa tác. Là con cái trong lòng Mẹ Hội thánh Công giáo, chúng ta tin nhận chân lý này theo thần học Bí tích. Thế nhưng đọc Thánh kinh, đặc biệt Tin Mừng, ta cũng phải thừa nhận một chân lý khác: bên cạnh một ân sủng luôn có đó một sứ mạng. Ân sủng càng cao quý thì sứ mạng càng trọng đại. Được thứ tha nhiều là để ta tha thứ cho tha nhân cách quảng đại. Được cứu sống là để ta biết nỗ lực giải phóng tha nhân khỏi ách nô lệ ma quỷ.

Hãy làm việc này…đâu phải chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài dành cho các bậc tư tế thừa tác. Cầm lấy bánh, rượu rồi đọc công thức truyền phép quả là khá dễ dàng, nhưng sống nội hàm của mệnh lệnh ấy mới là vấn đề. Hãy làm việc này… là tất cả những ai đã đón nhận ân ban qua Thánh Thể thì hãy dùng chính máu thịt của mình để gánh lấy hậu quả tội lỗi của nhau đồng thời giúp cho nhau được sống, sống dồi dào.

Là tín hữu giáo dân, chúng ta vốn thích thực hiện mệnh lệnh đầu tiên: hãy nhận lấy…Là hàng tư tế thừa tác, chúng ta có thực hiện thêm mệnh lệnh thứ hai: hãy làm việc này… Tuy nhiên, phải chăng chỉ dừng lại ở nghi thức cử hành Bí tích theo luật dạy. Tin Mừng Thánh Gioan không tường thuật việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể nhưng lại tường thuật việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Mẹ Hội Thánh cho ta nghe bài Tin Mừng này trong Thánh Lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh, lễ Tiệc Ly, hẳn có ý nhìn nhận hành vi phục vụ trong khiêm hạ này chính là hành vi yêu thương tự hiến của Chúa thật cao quý không kém như khi Người tự hiến trong Bí tích Thánh Thể. Sau khi rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu đã minh nhiên truyền lệnh: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”(Ga 13,14).

Không thực hiện mệnh lệnh thứ hai thì có làm mệnh lệnh thứ nhất cách đầy đủ nghi tiết theo luật dạy thì vẫn không chắc có được hiệu quả mong muốn. Xin hãy nhớ lại câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể về anh đầy tớ chỉ biết nhận mà không biết cho đi trong Mt 18,23-35: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?”(c.32-33). Cuối dụ ngôn, Chúa Giêsu khẳng định anh này đã chẳng nhận được sự gì.

Chúng ta đã từng rước Thánh Thể rất nhiều lần. Chúng tôi, các linh mục đã từng cử hành Bí tích Thánh Thể dường như hằng ngày. Chúng ta có dốc hết tâm huyết của mình để gánh lấy những hậu quả xấu xa do tội lỗi của những người trong đạo lẫn ngoài đời, đã và đang thấy đó trên quê hương Việt Nam, trên thế giới hay trong Hội Thánh ? Để cho Hội Thánh ngày thêm tinh tuyền, để cho quê hương và xã hội loài người phát triển trong công lý và hoà bình, chúng ta đã hao mòn máu thịt mình chút nào chưa đây ?

CHÚA YÊU THƯƠNG CHÚNG TA ĐẾN CÙNG TRONG TRƯƠNG ĐỘ:

Yêu thương, yêu hết cả lòng mà trong một lần, một lúc thì có thể đựơc lắm chứ. Tuy nhiên yêu hết mình, yêu hết sức, hết tâm hồn không chỉ một lần mà suốt cả đời, với mọi người, ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh thì quả là không thể. Thế mà Chúa Giêsu đã và đang yêu chúng ta bằng mói tình ấy. Qua sự Phục sinh vinh hiển Chúa Giêsu vẫn tiếp tục ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế bằng Thánh Thần của Người để yêu thương chúng ta mãi mãi.

Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của anh em ra vô ích và chúng ta là những kẻ khốn khổ nhất (x. 1Cor 15,16-19). Ra vô ích có nghĩa là mất tất cả. Thánh Tông đồ dân ngoại lại nói rằng “khốn khổ nhất” thì dường như là “mất cả chì lẫn cả chài”. Mầu nhiệm Chúa phục sinh quả là mầu nhiệm có ý nghĩa sống còn đối với niềm tin Kitô hữu chúng ta. Việc Đức Giêsu phục sinh chính là bảo chứng cho phần phúc của chúng ta. Thế nhưng việc Ngài sống lại mãi vẫn là mầu nhiệm đối với các kẻ tin còn lữ thứ trần gian này. Đã nói đến mầu nhiệm là nói đến lý trí và nói đến mầu nhiệm cũng là nói đến sự góp phần của trí khôn. Đức tin là ân sủng Chúa ban, nhưng nó cũng là sự đáp trả của con người không nguyên bằng ý chí mà cả lý trí. Ngoài ơn Chúa ra thì truyền thống các tông đồ còn là nền tảng của đức tin chúng ta. Việc dùng trí khôn để đào sâu vào các mầu nhiệm thật chẳng khi nào thừa và hoài công cả, nhất là với mầu nhiệm có tính sống còn của đời Kitô hữu là mầu nhiệm Chúa Phục sinh.

CHÚA PHỤC SINH: MỘT MẦU NHIỆM

Chúa Kitô phục sinh không phải là một sự kiện hiển nhiên. Một Đức Giêsu đã chết, với nhiều người Do Thái hẳn đã rõ, còn việc Ngài phục sinh thì ít ai hay, và chắc chắn không một ai chứng kiến giây phút Ngài chỗi dậy từ cõi chết. Tân Ước, đặc biệt bốn Tin Mừng làm chứng cho ta điều này. Quả thật nếu việc Chúa Kitô sống lại mà hiển nhiên, nghĩa là tự nhiên rõ ràng thì chẳng còn vấn đề tin hay minh giáo. Việc một người đã chết và tự mình phục sinh không còn chết nữa hiện đang sống sờ sờ trước mắt ta thì quả là không cần khổ công rao giảng. Thế mà việc Chúa phục sinh mãi vẫn là một mầu nhiệm, là đối tượng của đức tin chúng ta tức là vẫn mãi cần đến sự suy luận của lý trí, cần đến chọn lựa và dấn thân của mỗi người.

Chúa Phục sinh đối tượng của đức tin. Ông đã thấy và ông đã tin (x. Ga 20,1-10). Đã không ít lần chúng ta được nghe giảng về mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô dựa vào chứng cứ là ngôi mộ trống. Một bằng chứng xem chừng có vẻ hùng hồn nhưng khó thuyết phục vì “cái không” chưa nói đủ về “cái có”. Tôi không buồn chưa chắc minh chứng là tôi vui; tôi không phản đối thì chưa chắc là tôi đã đồng thuận… Một kiểu chứng minh tương tự các lý lẽ minh chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa theo triết “kinh viện”. Thiên Chúa không là như thế này, không là thế kia tuy nhiên các lý lẽ ấy cũng khó dẫn người ta đến một kết luận rằng có một Đấng siêu việt, vì thực tế cho hay vẫn còn đó nhiều người không tin có Thượng đế.

Chúng ta còn được nghe các lý lẽ hùng hồn khác để luận bác những giả thuyết cho rằng Chúa không sống lại. Chẳng hạn giả thiết các môn đệ “chôm” xác Thầy thì có việc lính quân canh phòng cẩn mật và cả sự thiếu logic trong lời phao đồn của lính canh. Đã có lệnh rất nghiêm từ cấp trên thì sao lại ngủ quên hoặc đã ngủ quên thì sao lại có thể chứng kiến việc các tông đồ lấy trộm xác (x. Mt 28,12-15). Với giả thiết do động đất làm mất xác Đức Giêsu thì có tấm vải liệm và dây buộc làm phản chứng. Tương tự như thế với giả thiết cho rằng số hương liệu tẩm xác Chúa đã làm hủy thi hài… Những cố gắng lý luận dựa trên sự logic hay căn cứ khoa học dẫu sao cũng là những lý chứng tiêu cực. Dù ta có bác bỏ một cách thuyết phục các luận chứng của kẻ khác nói rằng ta không đúng thì cũng không chắc chứng minh được rằng ta đúng. Xin đừng sa đà vào một trong những cách thế “nguỵ biện” của khoa luận lý học: tìm cách chứng minh đối phương sai để minh chứng rằng mình đúng. Vẫn có đó nhiều trường hợp đối phương sai mà ta cũng lầm.

Thế là ta phải cần đến các chứng cứ tích cực, tức là những lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra. Giả như Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cho toàn dân thì ta khỏi phải loay hoay minh chứng. Đằng này Ngài hiện ra với trên năm trăm người theo lời Thánh Phaolô thuật lại (1Cr 15,6). Theo bốn Tin Mừng tường thuật, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra chỉ dăm ba lần với một số người ít ỏi thuộc Nhóm Mười Hai, các Môn Đệ, những bà đã từng theo giúp Ngài trước đây.

Đây là điểm ta cần lưu ý cách đặc biệt vì nó là dấu chỉ của đức tin. Các Tông đồ, các môn đệ đã gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh. Vị Thầy mà họ gặp lại sau khổ nạn đã có nhiều đổi thay. Thân xác Thầy Chí Thánh đã biến đổi không còn như xưa nữa. Thân xác ấy nay không còn lệ thuộc thời gian, không gian, chợt có đó, chợt biến mất, hay dù cửa đóng then cài cũng không làm cản trở Ngài vào ra theo ý. Vóc dáng bên ngoài của thân xác ấy dường như cũng đổi thay. Khi Lazarô, người thanh niên con bà góa thành Naim, cô bé con bà Giaia cũng thân xác đó, hình dáng đó và chẳng một ai nghi ngờ còn Đức Giêsu khi sống lại thì ít ai nhận ra ngay Thầy mình dù là người rất thân quen.

CHÚA PHỤC SINH: CÓ ĐIỀU GÌ ĐÓ ĐÃ ĐỔI THAY

Ngày thứ nhất trong tuần Maria Madalêna ra mộ không thấy xác Chúa. Bà ở gần bên mộ mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào mộ thì thấy hai Thiên Thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu… Bà thưa với Thiên thần: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi và tôi không biết họ để Người ở đâu”. Nói xong bà quay lại thấy Đức Giêsu đứng đó nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu hỏi “ Này bà sao bà khóc ? Bà tìm ai ? “ Bà Maria tưởng là người làm vườn … (Ga 20,1.11-15). Một phụ nữ hết sức gắn bó với người mình yêu thì làm sao quên được dáng hình người ấy và cũng thật khó mà lầm lẫn với người khác. Madalêna đã được Thầy Chí Thánh trừ bảy quỷ, đã từng theo chân Thầy đến dưới chân thập giá, hẳn hình bóng người Thầy mình yêu đã khắc đậm vào tâm khảm thế mà giờ đây lầm tưởng là người giữ vườn, kể ra hơi nghịch thường. Ta có thể lý giải rằng Madalêna đang trong cơn phiền muộn và đôi mắt đang ngấn lệ, rất dễ “ trông gà hóa cuốc”. Thế nhưng với hai môn đệ đi thành Emau mà Tin Mừng Luca tường thuật thì chẳng có lý do gì để bào chữa. Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra cùng đi với hai ông cả đoạn đường trên dưới 11 cây số thế mà họ cũng không nhận ra Ngài. Nếu dáng hình Đức Giêsu vẫn như xưa thật khó mà biện minh cho đôi mắt không chỉ một người mà cả hai người trong khoảng thời gian gần cả ngày ròng rã bách bộ bên nhau (x. Lc 24,13-29). Những lần Đức Giêsu hiện ra với các tông đồ và môn đệ thì các Ngài đều tưởng là ma hoặc hoài nghi và hết sức kinh sợ (x. Lc 24,37; Mc 16,14; Mt 28, 17). Riêng Tin Mừng Mathêu có tường thuật Đức Giêsu Phục Sinh gặp các bà và họ ôm lấy chân Người và bái lạy Người nhưng vẫn còn sợ hãi. Trên bờ hồ Tibêria tuy trời đã sáng, Đức Giêsu đứng bên bờ hồ nhưng các môn đệ đều không nhận ra (Ga 21,4).

Với các chứng cứ Tin Mừng nêu trên chúng ta có thể khẳng định thân xác của Đức Giêsu Phục Sinh đã được biến đổi khác trước nhiều. Điều này được thánh Phaolô xác nhận: “Ngày sau thân xác của chúng ta cũng sẽ được biến đổi như thân xác Phục Sinh của Đức Kitô” (x. Pl 4,21). Giả như sau này thân xác loài người chúng ta được sống lại mà vẫn như cái dáng vóc hiện tại thì bảo đảm 100% rất nhiều người chẳng muốn được sống lại. Là người, hình như ít ai hài lòng với số phận mình và với cả cái vóc dáng bề ngoài hiện nay của bản thân nhất là những người dị tật bẩm sinh (On n’est pas toujours content de son sort et même de son corps). Thật chẳng công bình chút nào đến khi thân xác được sống lại người ta lại phải mang lấy cái dáng vóc bất hạnh như hiện nay.

CHÚA PHỤC SINH: CÓ MỘT ĐIỀU KHÔNG THAY ĐỔI

Thế thì chúng ta cần truy tìm một cái gì đó không thay đổi nơi Đức Giêsu Phục Sinh để làm căn cứ cho các tông đồ, các môn đệ, các bà nhận ra Thầy của mình. Phải có một cái gì đó không hề đổi thay. Xin mạo muội khẳng định đó là tình yêu của Đấng Cứu Độ. Dù trời đất có qua đi thì Lời của Ngày vẫn tồn tại và nhất là mối tình của Ngài dành cho nhân loại chẳng hề thay đổi. Cái tình, tấm lòng của một người được bày tỏ bằng nhiều cách thế: kiểu nói, cách làm, lối sống…

Phêrô và người môn đệ kia chạy ra mộ, hai Ngài vào trong mộ và người môn đệ Chúa yêu đã thấy và đã tin. Cái mà ông thấy đâu chỉ có cái ngôi mộ trống nhưng là băng vải để đó và khăn che đầu Đức Giêsu khi tẩm liệm. Khăn này không để lẫn với các dây băng nhưng cuộn lại xếp riêng ra một nơi (x. Ga 26). Ông đã thấy dấu chỉ của một vị Thầy xưa đã từng ở giữa các ông như kẻ hầu người hạ (x. Lc 22,27). Mỗi người có nét riêng trong kiểu sống, cách thế làm việc. Đã yêu nhau thời rất dễ nhận ra nhau qua các dấu chỉ quen thuộc: tiếng dép lê, cách ho, kiểu nói, cách sắp xếp vật dụng… Sự gọn gàng ngăn nắp như thế này chính tay Thầy chứ không một ai khác vào đây. “Ông Phê-rô và môn đệ liền kia đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tời mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn đó, nhưng không vào. Ông Si-mon Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.”(Gio 19,3-8).

Hai môn đệ trên đường Emmau cả ngày bên Thầy chí thánh mà mắt vẫn như mù dù trời vẫn sáng. Đến khi trời đã tối, vị khách được mời cầm bánh bẻ ra trao cho hai ông. Người mời phải là người phục vụ chứ. Sao khách lại làm công việc phục vụ của chủ ? Khách chủ đổi ngôi. Dù trời đã tối nhưng mắt hai ông chợt sáng, vì bóng dáng vị Thầy “ đến không phải để được hầu hạ nhưng để hầu hạ…” đây rồi. Hẳn đã hơn hai lần các ngài quen thuộc hành vi bẻ bánh phục vụ này của Thầy Giêsu. Năm ngàn và bốn ngàn người đàn ông ăn no nê chưa kể đàn bà và con trẻ. Diện mạo dù có đổi thay nhưng trái tim của Thầy vẫn mãi thế.

“Maria” quay lại Madalêna thưa: “Rabbôni”. Kiểu gọi ấy Madalêna làm sao quên được. Từ khi ngươi còn trong lòng mẹ, Ta đã gọi tên ngươi. Tình cảm con người vẫn thường được bộc lộ nơi cách gọi tên nhau. Lũ nhỏ khi mẹ gọi tên chỉ cần phân biệt cung cách, giọng gọi là có thể biết phải nhanh chân để nhận quà, hoặc phải chần chừ để khỏi bị rầy la.

Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá (x.Ga 21,6). Trời đã tảng sáng bắt được gì đây ? Vị khách lạ muốn làm thầy các tay ngư phủ lão luyện này chắc ? Dẫu sao cũng là một tấm lòng. Đã có lòng thì quan tâm đến kẻ khác bất chấp hoàn cảnh thuận nghịch. Ba năm trước đó, Phêrô tuân lệnh cách chẳng đặng đừng, nhưng hôm nay có cái gì đó khiến ông và các môn đệ làm ngay cái điều xem ra nghịch lẽ với nghề đánh cá. Thả lưới ban ngày mà được ngay một mẻ cá lạ lùng đủ các loại (153 con). Giác quan thứ sáu chăng hay tình gặp tình. Người môn đệ Chúa yêu nói với Phêrô: “Chúa đó” (Ga 21,7). Đấng mà năm xưa động lòng xót thương đoàn lũ dân chúng đói khát, Đấng mà năm xưa động lòng trước bao vất vả sinh kế của ngư dân giờ đây vẫn mãi chạnh lòng và thương xót. Xưa, cũng hoàn cảnh tương tự thì Phê-rô sợ hãi: “lạy Thầy, xin tránh xa con vì con là người tội lỗi” thì nay chính ông đã vội vã nhảy xuống biển, bơi đến với Thầy.

“Bình an cho anh em Thầy đây đừng sợ !” (x. Lc 24,26; Ga 20,21.26; Mt 28,10). Tấm lòng của vị Thầy năm xưa lo lắng cho các môn đệ đang vất vả vì sóng gió giữa đêm khuya trên biển cả, giờ đây trong thân xác phục sinh chẳng có đổi thay. Thầy ban cho anh em sự bình an, sự bình an không như thế gian ban tặng. Đừng sợ, Thầy đã chiến thắng thế gian.

TIN LÀ THẤY MỘT ĐIỀU VÀ QUA ĐÓ TA NHẬN MỘT ĐIỀU KHÁC

“Và đây, Thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b). Đức Giêsu Phục Sinh vẫn hiện diện và đồng hành với chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Vấn đề đặt ra là chúng ta có nhận ra Ngài hay không ? Chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi “những tấm lòng” đang sống chung quanh ta chăng ? Có thể là một người cùng niềm tin mà cũng có thể là một người khác chính kiến với ta là chính Đức Giêsu Phục Sinh đang hiện diện. Ta dễ nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi một Mẹ Têrêsa thành Calcutta, nhưng có thể chưa thấy Ngài nơi những người tự nguyện đứng giữa làn đạn của Palestin và Israel để mong nối lại nhịp cầu yêu thương hòa bình. Ta dễ tin nhận Chúa phục sinh hiện diện nơi Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II hay nơi nhiều vị thánh, ước gì ta cũng tin nhận Ngài nơi một người anh em lương dân hay một người chị phụ nữ khác tôn giáo đang xả thân vì hạnh phúc của đồng loại, đang hiến mình để cứu sống những mảnh đời bất hạnh...

Đức Giêsu Phục Sinh luôn là mầu nhiệm, vậy cần phải có con mắt đức tin. Có được một chút đức tin hẳn ta cũng sẽ nhận ra Chúa Phục Sinh nơi một khán giả đang cổ võ cách vô tư và hết tình cho cả đội bóng đá Công Giáo lẫn đội Tin Lành ở Bắc Ailen trước những pha bóng đẹp trong một trận đấu sinh tử cho dù người ngồi kế bên có thể hiểu lầm đây là tên, nếu “không vô thần thì cũng là cộng sản”. (Lm. Antony De Mello)

Nhân tình thế thái, thời hiện đại có vẻ nhiễu nhương vì hận thù, chiến tranh, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh… Đừng sợ ! Đức Giêsu Phục Sinh vẫn hiện diện và đang đồng hành với chúng ta. Vẫn có đó những tấm lòng quyết sống chết cho hòa bình xanh, những con người hiến mình cho môi sinh trong lành. Vẫn có đó những con người chấp nhận đổ máu để cho nhân phẩm con người được tôn trọng. Vẫn có đó những con tim rộng mở cho những mảnh đời bất hạnh, bị bỏ rơi. Vẫn và đang còn đó những tấm lòng chấp nhận mọi hậu quả chỉ mong cho quê hương dân tộc cất cánh vươn cao trong hoà bình và công lý, mong cho đồng bào thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu. Vẫn có đó và vẫn còn đó… nhiều con người và nhiều cuộc đời để ta nhận ra Chúa Phục sinh mãi cùng ta đồng hành.

Tin rằng Chúa phục sinh, Chúa đang sống cũng có nghĩa là tin rằng trái tim con người vốn chai đá đang được Thánh Thần nung đốt để hoá nên thịt mềm (x. Ed 36,26). Một vị tổng thống nước cờ hoa đã từng xin thầy giáo dạy cho con mình rằng dẫu khi nào đó trong cuộc sống nó gặp vài ba người vô lại thì hãy vững tin rằng vẫn còn đó những con người có tâm, có lòng.

Chúa đã phục sinh, Chúa đã thắng thần dữ nhưng cuộc chiến giữa thiện-ác, lành-dữ vẫn đang tiếp diễn. Xin góp một chút tình nhỏ cho Chúa Phục Sinh hiện diện với con người nơi chính bản thân ta. Chúa đã phục sinh, nghĩa là Chúa vẫn tiếp tục rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ. Ngài vẫn đang diệt trừ sự dữ, điều xấu xa và làm cho nhân loại được sống, sống dồi dào qua người này, người kia cách nhiệm mầu. Góp một tiếng nói thẳng thắn để khử trừ sự bất công, gian ác ra khỏi môi trường ta sống, góp một việc làm bé nhỏ để xoa dịu nỗi đau của người bé phận, kém may mắn kề bên có lẽ là một trong những phương thế tuyên xưng Chúa đã phục sinh cách khả tín. Phải chăng chính vì khi ấy “tôi sống nhưng không phải tôi sống mà Chúa Kitô Phục sinh đang sống trong tôi ?”.

Kitô hữu chúng ta tiên vàn không lấy những ý thức hệ làm nền tảng cho động lực xây dựng thế giới, xây dựng xã hội loài người tiến đến chỗ hoàn thiện, nhưng động lực ấy phải được đức tin hướng dẫn và đức tin sẽ hoạt động trong đức ái (x. Gl 5,6). Trước hết, họ phải là những con người được tình yêu của Đức Kitô đụng chạm tới; những con người mà trái tim của họ đã được Đức Kitô chinh phục bằng tình yêu tự hiến cách vô điều kiện và đến cùng. Và qua đó, Người khơi dậy tình yêu tha nhân trong lòng họ. Như thế, Lời hướng dẫn của họ sẽ là câu rút từ Thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô: “ Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (5,14). (x. TĐ. Thiên Chúa là Tình Yêu. Số 33).

MỘT VẤN NẠN MANG TÍNH THỜI SỰ:

Nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nhưng đừng quên phải trân trọng hoa trái ơn cứu độ. Chúa Kitô đã chịu tử nạn và phục sinh để ban sự sống đời đời cho nhân loại. Dù rằng sự sống đời đời là sự sống đằng sau cánh cửa sự chết, nhưng lại được đặt nền tảng ngay trong sự sống hôm nay, một sống trong công lý và sự thật, một sự sống trong tình yêu và an bình.

Ngôi Hai Thiên Chúa làm người để con người được làm con cái Thiên Chúa. Chúa Kitô tự nguyện nên khó nghèo để chúng ta được nên sang giàu. Người chấp nhận chịu kết án bất công để chúng ta được sống trong công lý. Người chấp nhận bị cáo gian để chúng ta được sống trong sự thật, vì Người đến thế gian này là để làm chứng cho chân lý. Người đón nhận mọi hậu quả của sự ganh tương, hận thù để chúng ta được sống trong an bình và tình yêu. Người chấp nhận chịu đóng đinh vào khổ giá để giải phóng chúng ta khỏi cảnh nô lệ, giúp ta bước vào cảnh đời tự do của con cái Chúa…

“Thế hệ chúng ta phải hy sinh, phải chịu khổ, để cho thế hệ mai sau được hạnh phúc” Một khẩu hiệu hữu lý, hữu tình nhưng đã được lạm dụng và lợi dụng cho các chiêu bài chính trị một thời. Phải hy sinh, phải chịu khổ mãi cho cái ngày mai không bao giờ thấy mà vô tình hay hữu ý lãng quên rằng ngay thế hệ hôm nay cũng cần được trân trọng, cũng đáng được hưởng hạnh phúc. Tương tự như thế, một thái độ sống thụ động, cam chịu sự bất công, cam chịu bao cảnh gian dối, gian ác…với tình cách đại trà và lâu dài cũng có thể là đáng trách vì chưa trân trọng hoa trái của ơn cứu độ.

Thánh Luca tường thuật về sự kiện Chúa lên trời: Các Tông đồ trở về lòng đầy hân hoan đi rao giảng Tin Mừng. Các Ngài hân hoan vì cảm nghiệm luôn có Thầy Chí Thánh ở với mình. Đức Kitô Phục Sinh luôn đồng hành với ta, đặc biệt bằng Thánh thần Người ban tặng. Chúa đang sống với chúng ta trên con đường gặp gỡ, yêu thương tha nhân của chúng ta. Tuy nhiên con đường ấy không phải lúc nào cũng êm ả, thuận buồm xuôi gió. Tình yêu đích thật luôn gắn liền với thập giá. Một lần nữa ta hãy nghe lời của Đức Kitô sai bảo chúng ta như xưa với các Tông Đồ: “Thầy sai anh em đi như con chiên ở giữa sói rừng. Vậy anh em hãy sống khôn ngoan như rắn và đơn sơ như chim bồ câu” (Mt 10,15). Hãy sống yêu thương bằng cả con tim và khối óc, hết cả tấm lòng và hết cả sức lực, bằng cả tình cảm rất con người với mọi tính toán cân nhắc đồng thời bằng cả đức tin và niềm cậy trông. Đừng sợ, vì Chúa Kitô Phục Sinh đã chiến thắng thế gian.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 08.04.2009. 02:38