Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cúi Đầu Khiêm Cung

§ Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Khi còn nhỏ có dịp cùng với ngoại ra thăm đồng lúa. Tôi hỏi ngoại: Ngoại ơi sao cây lúa mới trổ bông lại đứng thẳng mà lúc chín lại cúi rạp xuống nước? Ngoại trả lời: Khi hạt lúa mới phát triển nó đầy kiêu hãnh. Muốn khẳng định mình trước trời đất gió bão nên đứng thẳng, nhưng khi hạt đã đầy và chắc, chúng bắt đầu khiêm nhường cúi đầu xuống nhờ vậy mà nó mới bảo vệ được hạt lúa khỏi rơi rụng bởi gió bão hay chim trời. Ông ngoại nói tiếp: Trong đời, người cao nhân thực sự cần phải thấu hiểu đạo lý khiêm tốn, càng làm lớn càng phải biết “cúi đầu”.

Cúi xuống không đồng nghĩa với sự nhục nhã, luồn cúi thấp hèn. Cúi xuống ở đây chính là cung cách của những người có văn hóa, biết sống khiêm tốn để nương tựa vào nhau. Cúi xuống trong khiêm tốn mới sẵn lòng phục vụ mọi người. Kẻ không cúi mình sẽ không bao giờ biết phục vụ mà chỉ biết chỉ tay năm ngón hay ăn hại mà thôi!

Đức Thánh Cha Phanxico cũng là một con người biết cúi đầu. Ngay ngày đầu tiên trên cương vị giáo hoàng khi gặp các tín hữu, ngài đã nói: Ta muốn xin các con một ân huệ, trước khi cha ban phép lành, cha xin các con đọc kinh thay cho lời chúc lành của cộng đoàn dân Chúa cho vị tân giám mục Roma. Ngài cúi đầu để nhận sự chúc lành của các tín hữu.

Hình ảnh một vị giáo hoàng cúi đầu nhận sự chúc lành của giáo dân là một cử chỉ đầy lòng khiêm tốn. Khiêm tốn phải thực sự là căn tính đời sống của ngài nên Đức Thánh cha mới có thể sáng kiến ra cách biểu lộ lòng khiêm tốn ấy.

Quả thực trong suốt cuộc đời ngài luôn sống khiêm tốn. Ngài không ở trong tòa lâu đài giáo phận. Không có người phục vụ nấu nướng mà tự mình nấu ăn. Ngài còn đi đến tận của khiêm tốn là quỳ gối rửa chân cho các thanh thiếu niên phạm pháp tại thành Rô-ma.

Đây chính là cung cách mà ngài đã học nơi thầy Giê-su. Chúa Giê-su đến không để người khác hầu hạ mà chính Ngài cúi mình phục vụ mọi người. Ngài đã từng nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn loài” (Mt 20, 28). Tinh thần hi sinh và phục vụ của Chúa Giêsu được biểu lộ trong suốt hành trình công khai của Ngài. Chúa Giêsu luôn phục vụ mọi thiện ích cho tha nhân. Người biến nước thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana, Ngài chữa lành các bệnh tật, xua đuổi ma quỷ... Đức hi sinh và tinh thần phục vụ của Ngài không dừng lại ở một vài khoảnh khắc nhưng là suốt đời Ngài, cho đến hơi thở cuối cùng.

Trước khi bước vào con đường chịu nạn, Chúa Giêsu đã khiêm nhường quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc cuối cùng. Hành động này nói lên con người khiêm cung và phục vụ cao độ của Chúa Giêsu. Khi cúi xuống như thế, là Ngài đã cởi áo ra, rũ bỏ tước vị, rũ bỏ địa vị Thiên Chúa của mình. Ngài chấp nhận trở nên tôi tớ cho mọi người trong phục vụ và hiến dâng.

Hôm nay linh mục làm lại cử chỉ ấy như muốn nói người môn đệ Chúa phải thực sự biết cúi mình phục vụ. Linh mục nâng niu từng đôi chân đã lắm bụi đời của người anh em tín hữu như muốn nói lên sự đồng cảm những khổ đau của anh em. Linh mục đổ nước và rửa chân cho các tín hữu như muốn nói địa vị của mình là để phục vụ trong tinh thần khiêm nhu thẳm sâu. Linh mục cúi xuống hôn từng đôi chân như muốn nói từ nay không còn khoảng cách chủ tớ mà là của những tín hữu biết sống liên đới sẻ chia với nhau trong mọi vui buồn.

Mỗi người chúng ta cũng là một ky-tô hữu nghĩa là một Ky-tô khác nên cũng được mời gọi cúi mình để sống phục vụ tha nhân. Vâng, là môn đệ theo Thầy Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi cởi bỏ tước vị, thế giá của mình để sống hòa nhập với mọi người, để trở nên mọi sự cho mọi người. Là người môn đệ của Chúa, chúng ta cũng được mời gọi bỏ đi cái tôi chật hẹp, ích kỷ của mình để cúi xuống phục vụ anh em bệnh tật, nghèo khó, ở bên cạnh chúng ta. Là người môn đệ của Chúa chúng ta cũng phải tập cúi mình để nhận ra sự yếu đuối của mình mà cần đến sự cảm thông của mọi người, nhất là tình thương tha thứ của Thiên Chúa.

Ước gì những nghĩa cử cao đẹp mà Thầy Chí Thánh Giêsu đã làm luôn tồn tại trong thế giới hôm nay, qua các nghĩa cử đầy yêu thương thắm đượm tình Chúa, tình người mà chúng ta trao tặng cho nhau. Ước gì lời nói “Hãy yêu thương nhau” không phải là khẩu hiệu hô cho vang trời dội đất mà là một lối sống đi sâu vào từng ngõ ngách cuộc đời khởi từ gia đình, xứ đạo và lan toả cho đến tận cùng trái đất. Xin cho chúng ta luôn biết cúi đầu để dấn thân mà không nề gian khó miễn sao danh Chúa được cả sáng. Amen

Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Đọc nhiều nhất Bản in 28.03.2018 20:33