Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cộng Đồng Gia Đình Thánh

§ Lm Phêrô Hồng Phúc

Chúa Giêsu mười hai tuổi. Mười hai tuổi, đối với người Do Thái, được coi là mức độ tuổi trưởng thành, có thể đi tự lập với bạn bè hay đi theo cha hoặc đi theo mẹ. Đó là lý do để thánh Giuse lúc trở về tưởng rằng Chúa Giêsu đi với Đức Mẹ, còn Đức Mẹ thì nghĩ rằng Chúa Giêsu đi với thánh Giuse cho đến khi hai đoàn gặp nhau mới biết rằng vắng thiếu con mình.

Ba ngày vất vả đi tìm con, Đức Mẹ gặp thấy Chúa Giêsu trong Đền thờ và lẽ dĩ nhiên thánh Giuse cũng như Đức Mẹ có quyền để trách Chúa Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48). Nhưng Chúa Giêsu lại trả lời một cách rất lạ lùng: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Đó sẽ là một sự không thể hiểu nổi khi có một người ngoài nghe thấy, cha đây mẹ đây còn cha nào khác nữa? Nhưng Đức Maria đã ghi nhớ tất cả những sự kiện đó và suy niệm trong lòng. Còn Chúa Giêsu, Ngài đã tuyên bố không chỉ cho thánh Giuse và Đức Mẹ mà là cho tất cả Hội Thánh Công Giáo trong mọi thời đại, rằng: “Ngài lo công việc của Cha Ngài ngay từ khi bắt đầu lên Giêrusalem trong tư cách của một người trưởng thành” (x.Lc 2, 49).

Thực sự, Chúa Giêsu đã cho chúng ta – tất cả mọi người một mẫu gương tuyệt hảo về việc luôn luôn cầu nguyện với Cha, không phải mình Ngài, mà Ngài dạy cho tất cả chúng ta mô hình đó: “Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện danh cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Lc 11, 1-4). Và như vậy, chúng ta nhìn vào gia đình Thánh Gia, chúng ta thấy một cộng đồng những con người thánh. Đó là một trật tự được đảo ngược. Xét theo phương diện bề ngoài: Thánh Giuse là gia trưởng, là quan trọng, là lớn nhất, rồi đến Đức Maria là hiền mẫu, Chúa Giêsu là người con. Thế như trong gia đình Thánh Gia, Đức Giêsu là Thiên Chúa, Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, còn thánh Giuse là dưỡng phụ. Trật tự đảo ngược không quan trọng ở vị thế ai cao nhất, ai nhỏ nhất nhưng quan trọng là một cộng đồng của những con người thánh luôn luôn làm việc theo ý của Thiên Chúa Cha. Từ Đức Giêsu đến Đức Mẹ xưng mình là tôi tớ: “Tôi xin vâng như lời Sứ thần truyền” (Lc 1,38), rồi đến thánh Giuse – người đã âm thầm đón nhận Đức Maria theo lời của Sứ thần báo mộng (Mt 1,24). Những người thánh luôn luôn biết chăm lo, làm việc theo ý của Thiên Chúa Cha. Chính trong cộng đồng yêu thương và thánh thiện ấy chúng ta nhận ra một mái ấm gia đình không chỉ có cha, có mẹ, có con mà trong gia đình luôn luôn cần có sự hiện diện yêu thương và vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Gia đình Thánh Gia đã đi hàng mấy ngày trời để lên Giêrusalem, một cuộc hành trình như vậy là vất vả nhưng biểu lộ tấm lòng đạo đức của những người Do Thái, dù xa mấy họ cũng về, vì Giêrusalem là thủ đô, là trung tâm về tôn giáo tín ngưỡng, về văn hóa xã hội, thậm chí cả về chính trị nữa. Vì vậy, về Giêrusalem là niềm tự hào, là hạnh phúc, là trung tâm phát xuất mọi sự thờ phượng. Gia đình Thánh Gia không quản ngại đi mấy ngày đường để có thể tới thờ phượng và dâng của lễ. Chúng ta đã từng gặp thấy khi cha mẹ Chúa Giêsu dâng Con trong Đền thờ đặt tên cho Chúa Giêsu và hàng năm cũng vẫn lên Đền thờ Giêrusalem để dự những lễ lớn. Những việc làm thờ phượng của gia đình Thánh Gia cho chúng ta thấy sự chu toàn về lề luật nhưng nhất là một lòng yêu mến của cộng đồng gia đình thánh luôn luôn về với Thiên Chúa là Cha.

Hôm nay, các gia đình Công giáo nhìn vào Thánh Gia Thất để chúng ta rút được bài học cho mỗi người.

- Những người chồng, nhìn vào gương thánh Giuse, gương mẫu cho các gia trưởng, tận tâm tận tụy, hết lòng yêu thương và bảo vệ cho hạnh phúc của gia đình, bảo vệ Đức Mẹ, bảo vệ Hài Nhi Giêsu. Thánh Giuse thực sự là gương mẫu cho các gia trưởng noi theo, sống một cuộc sống phục vụ tận tâm, không ích kỉ, không hưởng thụ, không làm khổ những người trong gia đình nhưng bảo vệ tận tình. Có biết bao nhiêu những bà vợ khổ sở vì chồng quá chén, rượu chè say sưa về đánh đập vợ con. Có bao nhiêu những ông chồng chơi bài chơi bạc hoặc là chơi đề, hoặc là cá cược để đến mất cả gia sản. Một lần, người ta phỏng vấn một người phụ nữ ở Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp World Cup rằng: “Chị có ước mong gì lớn nhất không?” Người phụ nữ nói: “Tôi chỉ mong gia đình tôi được bình an, bởi vì mỗi kỳ World Cup về, có năm nhà tôi mất hết cả tủ, mất hết cả bàn ghế không có gì mà ngồi vì chồng tôi cá cược bị thua”. Đó là những gì nhỏ bé thôi, nhưng các ông chồng cũng cần phải suy nghĩ nhiều.

Một vị quan khách đã đưa cả gia đình về tham quan Nhà thờ Phát Diệm, ông chỉ vào người vợ rồi giới thiệu với tôi: “Đây là một nửa cuộc đời của tôi”. Sau đó ông khách suy nghĩ một lát rồi tiếp: “Không, là ba phần tư cuộc đời tôi mới đúng!”. Đầu tiên tôi chưa hiểu, sau suy nghĩ mới thấy ông khách nói thật đúng. Bởi vì hai người nên một, mỗi một người là một nửa của người kia, nhưng rồi người vợ phải đảm đang cả các con các cháu trong gia đình, sự gì cũng đến tay: “Phúc đức tại mẫu”, “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” cho nên gọi người vợ là “ba phần tư ” mới đúng! Các ông chỉ có một phần tư để lo việc xã hội, lo việc bảo vệ gia đình đừng lạm dụng và làm cho gia đình mình khổ thêm !.

- Những người vợ, nhìn vào gương của Đức Trinh Nữ Maria dịu dàng và yêu thương, thương chồng, thương con và sống đạo đức, đó là tư cách của một hiền mẫu. Có biết bao nhiêu gia đình tan nát bởi vì người vợ “vung tay quá trán”, “ném tiền qua cửa sổ”... Một gia đình như vậy, người chồng có làm giầu đến mấy thì cũng khánh kiệt và gia đình trở nên đói khổ. Đấy là chưa kể chúng ta bảo vệ hạnh phúc gia đình: “Mẹ con nhà lửa đóng cửa bảo nhau”. Bây giờ đóng cửa rồi người ta vẫn có thể dùng điện thoại để mà thổ lộ, để mà tâm tư những câu chuyện trong gia đình mà người chồng không muốn nói ra. Đó cũng là vấn đề tế nhị để những người vợ hiền biết cách cảm thông, thông cảm với chồng và gìn giữ hạnh phúc trong gia đình.

- Những người con, nhìn vào gương Chúa Giêsu để sống đời hiếu thảo và vâng lời cha mẹ. Giới trẻ ngày nay đang gây nên nỗi lo âu không chỉ cho gia đình mà làm bức xúc cho cả xã hội. Bởi vì giới trẻ ngày nay sống tự do buông thả, tự mình muốn định liệu lấy tương lai bấp bênh của mình.

Chúng ta nhớ đến sách Huấn ca đã ghi:

Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái,
cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con.
” (Hc 3,2)

Vì vậy, sách khuyên rằng:

Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già;
bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi
.” (Hc 3,12)

Những người con, hãy nhìn vào Chúa Giêsu khi trở về Nadareth vâng phục cha mẹ và lớn lên trong ân nghĩa Thiên Chúa và trước mặt mọi người.

Lạy Thánh Gia Thất,
Xin cho giới trẻ ngày nay biết chăm lo đời sống
Xin cho các gia đình có người chồng yêu thương vợ
như Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh
và như thánh Phaolô khuyên:
Người vợ hãy phục tùng chồng mình vì chồng là đầu của vợ. (Cl 3,18)
Những lời chúng con nghe trong sách Huấn ca,
trong thư của thánh Phaolô
là những lời khuyên nhủ chí tình
giúp cho gia đình của chúng con giữ gìn mái ấm tình yêu.
Xin đừng để cho những cơn nóng giận dội lên
dập tắt lửa tình yêu trong gia đình.
Xin đừng để cho những ích kỷ đè bẹp
làm cho mái ấm gia đình bị vỡ toang
và gia đình bị lung lay.
Xin đừng để cho những tự do quá chớn bị mở toang cửa,
gió lùa và người lạnh không còn giữ được hòa khí,
không còn giữ được ấm sốt nhà lửa.
Xin cho mỗi người chúng con hôm nay
biết sống trong tinh thần yêu thương
để gia đình chúng con hạnh phúc
và mưu cầu ơn cứu độ cho nhau
và cho chính mỗi người chúng con. Amen.

Lm Phêrô Hồng Phúc

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 30.12.2009. 16:58