Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

“Con Thiên Chúa trở nên con người, để con người trở nên Con Thiên Chúa”

§ Bình Hòa

Kinh Truyền tin lễ Chúa Giêsu lãnh phép rửa (năm 2010)

Có lẽ đối với nhiều người, lễ Chúa Giêsu lãnh phép rửa chấm dứt muà Giáng sinh bởi vì từ nay Người đã trưởng thành và bắt đầu lên đường hoạt động, chứ không còn nằm trong hang đá nữa. Sụ thực không phải như vậy:

Lễ Chúa lãnh phép rửa là một thành phần của lễ Giang sinh, nếu chưa dám nói là cao điểm. Các nhà sử học ghi nhận hai truyền thống phụng vụ trong việc cử hành lễ Giáng sinh: truyền thống Rôma và truyền thống Đông phương. Bên Rôma, người ta mừng biến cố Chúa ra đời tại Belem, với những chi tiết đi kèm, tựa như các hiền sĩ đến thờ lạy. Bên Đông phương người ta chú ý đến ý nghĩa thần học nhiều hơn. Lễ Giáng sinh được coi như là “hiển linh”, nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra: ngài đã tỏ mình ra qua ngôi sao chỉ đường cho dân ngoại nhận biết đường cứu rỗi; Thiên Chúa còn tỏ mình ra nơi Đức Giêsu tại sông Hòa giang, như một người tôi tớ và là Con Chúa; đồng thời đó cũng là lúc tỏ lộ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi: Chúa Cha qua tiếng nói, Chúa Con nơi đức Giêsu, Chúa Thánh Thần qua hình chim bồ câu. Như vậy, việc Chúa Giêsu lãnh phép rửa tại sông Giorđanô làm thành một tổng hợp của mầu nhiệm Hiển linh, tuy dù xét về thời gian thì diễn ra 30 năm sau việc giáng sinh.

Từ nhiều năm qua, vào lễ Chúa Giêsu lãnh phép rửa Đức Thánh Cha ban bí tích rửa tội cho các nhi đồng, còn trong đêm Vọng Phục sinh thì ban ba bí tích khai tâm cho người lớn. Tuy cùng là một bí tích rửa tội, nhưng mỗi mùa phụng vụ nêu bật một khía cạnh thần học của nó. Vào lễ Phục sinh, bí tích rửa tội được giải thích như là sự thông dự vào cái chết và sống lại của Đức Kitô: điều này trở nên rõ rệt khi mà vào thời xưa, các dự tòng lãnh bí tích bằng việc dìm mình trong giếng. Còn vào dịp lễ Giáng sinh, một nét được nêu bật trong bí tích rửa tội là ơn được trở thành con cái Chúa. Đó là chân lý mà các giáo phụ thường nhắc tới mỗi khi bàn về mục tiêu của mầu nhiệm Nhập thể, tức là “Con Thiên Chúa trở nên con người, để con người trở nên ConThiên Chúa”. Điều này được Đức Bênêđictô XVI giải thích trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin, lặp lai những điểm chính của bài giảng trong Thánh Lễ cử hành vào lúc 10 giờ sáng ngày 10/1/2010 khi ban bí tích cho 14 em nhi đồng.

Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến

Sáng nay trong thánh lễ cử hành tại nguyện đường Sistina, tôi đã ban bí tích Thánh tẩy cho vài nhi đồng. Tập tục này gắn liền với lễ Chúa Giêsu lãnh phép rửa, kết thúc mùa Giáng sinh. Bí tích rửa tội diễn tả rất chính xác ý nghĩa của các lễ mùa Giáng sinh, trong đó đề tài nổi bật là nhờ Con Một Thiên Chúa đến giữa loài người mà chúng ta trở nên con cái Chúa. Con Thiên Chúa trở nên người để cho con người trở nên con Thiên Chúa. Thiên Chúa đã sinh ra để cho chúng ta được tái sinh. Những tư tưởng này được nhắc đi nhắc lại trong các bản văn phụng vụ mùa Giáng sinh, và trở nên một chủ đề rất phấn khởi cho việc suy tư và hy vọng. Chúng ta hãy nhớ đến điều mà thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Galat: “Thiên Chúa đã sai Con của mình, sinh bởi một phụ nữ, sinh ra dưới Lề luật, để cứu chuộc những kẻ sống dưới Lề Luật, ngõ hầu họ được nhận làm nghĩa tử của Chúa” (Gl 4,4-5), hoặc như thánh Gioan viết trong Tự ngôn: “Những ai đón nhận Người, thì Người ban quyền được trở nên con cái Chúa” (Ga 1,12). Mầu nhiệm tuyệt vời ấy – sự sinh lại – việc tái sinh của con người “từ trên cao”, từ Thiên Chúa (xc Ga 3,1-8)- được thực hiện và được tóm lại trong dấu chỉ của bí tích rửa tội.

Nhờ bí tích này con người thực sự trở nên con cái của Chúa. Từ đó, mục tiêu của cuộc đời hệ tại chỗ đạt được cách tự do và ý thức điều mà ngay từ đầu đã được coi là cứu cánh của con người. Nguyên tắc cơ bản của việc giáo dục con người được cứu rỗi nhờ ân sủng là: “bạn hãy trở nên giống với căn cước của mình”. Nguyên tắc này có nhiều điểm tương tự như sự tăng trưởng tự nhiên, nơi mà mối tương quan giữa cha mẹ và con cái phải trải qua nhiều lúc cách ly và khủng hoảng, từ chỗ lệ thuộc hoàn toàn đến chỗ ý thức mình là con cái, đến chỗ nhận biết hồng ân của sự sống mà mình đã lãnh, và đến chô trưởng thành và có khả năng trao ban sự sống. Người tín hữu được sinh vào đời sống mới nhờ bí tích thánh tẩy cũng bắt đầu con đường tăng trưởng trong đức tin đưa đến chỗ kêu cầu Thiên Chúa một cách ý thức rằng “Cha ơi”, bày tò lòng biết ơn với Chúa và sống niềm vui vì được làm con cái Chúa.

Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, nảy sinh ra một khuôn mẫu của xã hội, khuôn mẫu huynh đệ. Tình huynh đệ không thể nào được thiết lập bằng một ý thức hệ, lại càng không thể áp đặt bằng một nghị quyết của một quyền lực. Người ta nhìn nhận nhau làm anh em nhờ việc ý thức khiêm tốn nhưng sâu đậm rằng tất cả đều là con cái của một Cha trên trời. Nhò ơn Chúa Thánh Thần được lãnh nhận trong bí tích rửa tội, các Kitô hữu chúng ta nhận được như một món quà và một quyết tâm sống như con cái Chúa và như anh chị em với nhau, để trở thành như là “men” của một nhân loại mới, liên đới và đượm bình an và hy vọng. Điều này được thể hiện nhờ vào ý thức rằng ngoài một Cha chung trên trời, chúng ta có một bà mẹ là Hội thánh, mà đức Maria là một nhân vật tiêu biểu. Chúng ta hãy ký thác cho Mẹ các hài nhi vừa mới được rửa tội cùng với gia đình của các bé, và chúng ta xin cho tất cả mọi người được niềm vui vì được tái snh mỗi ngfy “từ trời cao”, từ tình thương Thiên Chúa biến chúng ta thành anh chị em với nhau.

Sau khi ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đã bày tỏ mối quan tâm đối với hai vụ baọ động xảy ra trong tuần qua tại Ý và Trung đông. Một bên là những cuộc xô xát giữa những người tị nạn và các lực lượng an ninh; bên kia là các tín đồ Kitô hữu bị hành hung. Về các người tị nạn, đức Bênêđictô XVI lưu ý rằng tuy họ khác màu da văn hóa, nhưng là một con người, với những quyền lợi và nghĩa vụ cần được tôn trọng. Vì thế không được phép khai thác bóc lột họ, lại càng không thể sử dụng vũ lực để giải quyết những cuộc tranh chấp. Cần phải nhận ra nơi họ khuôn mặt của con người giống như chúng ta, được Thiên Chúa yêu thương. Cũng cần phải nói tương tự như vậy đối với những công dân khác tín ngưỡng sống trên cùng một lãnh thổ quốc gia. Thật là buồn khi các Kitô hữu bị tấn công vào ngày lễ long trọng nhất của họ. Không ai được phép nhân danh Thiên Chúa để sử dụng baọ lực tàn sát đồng loại,. Chắc chắn Thiên Chúa không được tôn trọng khi mà phẩm giá và tự do của con người bị xúc phạm

Bình Hòa

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 11.01.2010. 16:37