Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Con Lừa ngày lễ Lá

§ Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Bên các nước Âu Châu trong dân gian ngày xưa có câu nói: Ngày Chúa nhật lễ Lá mà đi lễ trễ muộn, bị chế diễu là „chú Lừa ngày lễ Lá!“.

Câu nói chế diễu đó ngày nay không còn ai nói nữa. Vì lễ ngày Chúa nhật lễ Lá không còn sớm như xưa nữa, nhưng bây giờ thường vào lúc 10.00 hay 11.00 giờ sáng.

Là Lễ Lá nên Lá ngày lễ vẫn có đó và chú Lừa vẫn được đọc nhắc đến trong phúc âm.

Trong kinh Thánh nói nhắc đến nhiều loại thú vật khác nhau. Hai con vật được nhắc đến trong phụng vụ ngày tuần thánh lễ Lá là con Lừa, mà Chúa Giêsu cỡi đi vào thành thánh Giêrusalem, và con Gà gáy lúc Phero chối Chúa Giêsu.

Vậy đâu là vai trò của con Lừa trong Kinh Thánh và trong đời sống đức tin?

Con Lừa được nhắc đến 139 lần trong Kinh Thánh. Tổ phụ Abraham cỡi Lừa đi dọc đường đến miền đất Thiên Chúa sai đến. Con Lừa theo tập tục Do Thái ngày xa xưa là con vật chuyên chở sang trọng để cho những nhân vật trưởng tộc hay vua chúa cỡi đi.

Ông Giuse, thuở xa xưa là thủ tướng nước Ai cập, khi hay tin cha mình là ông Giacop còn sống đang trong hoàn cảnh bị nạn đói hoành hành bên quê nhà Do Thái, đã gửi một con Lừa chất đầy hàng hóa chở về cho cha mình.

Thánh tiên tri Maisen cỡi Lừa chạy trốn vua Pharao cùng với gia đình. Sau này, khi Chúa Giêsu giáng sinh làm người, Thánh Giuse cũng cỡi Lừa cùng với hài nhi Giêsu và đức mẹ Maria trốn tỵ nạn sang Ai Cập tránh sự lùng bắt của Vua Herode.

Trong Kinh Thánh nơi sách Sáng Thế thuật chuyện con Rắn ở vườn địa đàng, đã nói chuyện cùng con người, nó nói lời đường mật cám dỗ Bà Evà ăn trái Chúa cấm ăn.

Trong Kinh thánh nơi sách Dân số (22, 2-32) thuật cảnh Tiên tri Bileam cỡi con Lừa cái. Con Lừa đã dẫn Bileam vượt qua khốn khó, nhưng Bileam đánh nó tới ba lần. Sau cùng nó nói chuyện với Ông và nhờ nó mà Ông nhận ra Thiên Thần Chúa hiện đến.

Chúa Giêsu gíang sinh làm người trong chuồng xúc vật Chiên Bò Lừa ở Bethlehem. Con Lừa là con vật nhân chứng như tiên tri Isaia đã nói trước hàng ngàn năm về điều này ( Isaia 1, 3). Như thế con Lừa có mặt trong đời Chúa Giêsu từ lúc Chúa sinh ra trong máng cỏ, đi tỵ nạn, trở về quê nhà Nazareth sinh sống, rồi sau cùng đi vào thành Thánh Giêrusalem chịu khổ hình.

Từ thế kỷ thứ tư trước chúa gíang sinh ở bên Ai Cập con Lừa đã được huấn luyện thuần thục làm con vật chuyên chở đồ vật, và từ đó nó trở nên con vật quan trọng chuyên chở hàng hóa, cày ruộng, việc buôn bán góp phần phát triển nền kinh tế

Là con vật chuyên chở người và đồ vật nặng, nhưng con Lừa cũng là tài sản của con người. Vì thế trong 10 Giới răn của Thiên Chúa cũng nói đến nó: “Ngươi không được ham muốn nhà người ta, người không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò, con Lừa hay bất cứ vật gì của người ta” ( Xuất hành 20,17, Đệ nhị Luật 5,14)

Tiên tri Sacharia đã diễn tả vị vua hòa bình đầy lòng khiêm tốn cỡi trên lưng con Lừa: “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò!

Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,

khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.” (Sacharia 9,9)

Chúa Giêsu, vua hòa bình Giêsu đã cỡi Lừa thay vì đi ngựa, xe chiến mã. Con Lừa đã trở nên dấu chỉ sự cứu rỗi và hòa bình.

Dù đã trở nên dấu chỉ hòa bình ơn cứu rỗi, nhưng con Lừa vẫn phải mang chịu một số phận hẩm hiu bị khinh bỉ coi thường. Trong dân gian bên phương tây, người ta nhìn cho con Lừa là con vật ngu dốt, cứng đầu, lười biếng. Vì thế người ta cũng dùng nó để ví von phê bình coi khinh người khác mà họ không ưa thích.

Dẫu vậy, như trong Phúc âm thuật ghi lại: Chúa Giêsu cần con Lừa ( Mc 11,3) để cỡi đi vào thành Giêrusalem. Con Lừa dưới con mắt của Chúa Giêsu là con vật nói lên sự khó nghèo, lòng khiêm nhượng và chịu đựng làm việc nặng nhọc chăm chỉ.

Cuộc đi vào thành của Chúa Giêsu cỡi trên con Lừa có vẻ như một khải hoàn chiến thắng của một vị Vua thôi. Ngài đi vào thánh Giêrusalem để hoàn thành sứ mạng chịu hy sinh đau khổ, và sau cùng chết cho tội lỗi loài người, nhằm đúng ngày lễ Vượt qua của người Do Thái. Đời sống của Chúa Giêsu sau cùng bị hất hủi coi khinh, bị bắt và bị đóng đinh trên thập gía. Ngài là con người và tôi tớ của Thiên Chúa, là Chúa cứu thế cùng là con Thiên Chúa

Thánh Augustinô đã gọi con Lừa là “con vật chuyên chở đồ vật nặng của Thiên Chúa”. Thánh Ambrosio kêu gọi hãy học gương đời sống của con Lừa đã mang vác chuyên chở Chúa Giêsu Kitô.

Trong đời sống làm người, hầu như ai cũng có lúc được vinh quang thành công. Nhưng lúc thất vọng, bị coi thường cũng không ít.

Cũng trong đời sống con đường thênh thang rộng mở cũng có. Nhưng con đường khó khăn phải hy sinh chịu đựng hầu như luôn có đó trong mọi hoàn cảnh.

Những khi bị coi thường, phải hy sinh chịu đựng không hẳn là bước đường xấu hay tận cùng. Trái lại, rất nhiều khi bước đường đó lại giúp đời sống tinh thần giầu có thêm, vững mạnh thêm hơn nhiều. Nhất là giúp đạo luyện bản tính trở nên con người thuần thành hơn.

Con Lừa ngày xưa mang chở Chúa Giêsu, vị Vua hòa bình tình yêu trên lưng. Là con người, nhất là người tín hữu Chúa Giêsu Kitô, chúng ta mang Ngài, Đấng là tình yêu ơn tha thứ làm hòa trong trái tim tâm hồn luôn mãi cho chính mình cùng cho mọi người.

Lễ Lá 05.04.2009

Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.04.2009. 13:28