Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Con đang nối dài bàn tay cứu độ Chúa đến với mọi người

§ Lm Thomas Trần Ngọc Tuý, OP

Lễ Chúa Thăng Thiên (A)
TĐCV1:1-11; Tv 47; Êphêsô:1:17-23; Mat.28:16-20

Thưa qúi vị,

Sách Sáng Thế Ký kể rằng: Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài (St 1,26). Sau đó con người phạm tội chống lại Thiên Chúa. Rõ ràng chương trình của Ngài bị con người làm hư hỏng. Vậy thì Thiên Chúa thất bại chăng? Các ngôn sứ và thần học giáo lý trả lời rằng “không”. Thiên Chúa chẳng hề thất bại trong ý định và việc làm của Ngài. Chúng ta lý giải ra sao đây? Vấn đề thật hóc búa.

May thay Tin Mừng hôm nay cung cấp chìa khóa để giải quyết khó khăn: “Thày đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. Tức là Thày được Thiên Chúa đặt làm ông chủ trên trời và dưới đất. Trước đó, trong bài đọc một, các môn đệ hỏi Người rằng: “Thưa Thày, có phải bây giờ là lúc Thày khôi phục nước Israel không? “câu trả lời tỏ rõ lòng khao khát của các tông đồ về quyền bính của chúa Giêsu và tương lai của dân tộc Do thái. Nhưng chúa Giêsu mở rộng tầm nhìn của họ xa hơn nhiều. Và như chúng ta hiểu ngày nay, thì không phải chỉ có thế thôi mà là toàn bộ chương trình của Thiên Chúa cho nhân loại, chúng ta cần suy nghĩ kỹ để có cơ sở cử hành lễ lên trời cho sốt sắng và đúng hướng.

Cách đây hơn bốn mươi năm, chính xác là vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Con người đã đặt chân lên mặt trăng, họ nhìn về trái đất, tức ngước mắt “lên trời” để nhìn xem địa cầu và thấy nó là một hành tinh tuyệt đẹp, màu xanh vàng đỏ như viên ngọc bích. Tương tự như hôm nay các môn đệ nhìn lên đám mây khi chúa Giêsu rời xa họ. Vậy thì “trời đất” ở đâu? Và biến cố “lên trời “ là gì và hứa hẹn cho nhân loại những chi ?

Đọc kỹ các bài đọc Chúa nhật này chúng ta có cảm tưởng câu trả lời này rất gắn gọn: “Đức Mêsia đã dến, Ngài rời bỏ trái đất ra đi và hứa sẽ trở lại”. Tuy lòng các môn đệ buồn sầu vì cảm thấy như bị bỏ rơi, nhưng được Chúa trao phó nhiệm vụ: Đi khắp thế gian làm chứng cho Chúa và thâu thập các linh hồn cho Ngài. Nghĩa là đấng Mêsia trở về trời cùng Cha Ngài nhưng sẽ trở lại đón nhân loại, trong khi các môn đệ phải tiếp tục công việc cứu thế của Ngài “ Tạo dựng một thế giới mới.

Như vậy chúng ta có thể quyết đoán không cần suy nghĩ việc lên trời phần xác của Chúa Giêsu chỉ có tính biểu tượng vì chúng ta chẳng biết trời ở đâu và Cha Ngài ngự chốn nào? Việc vắng mặt của Ngài chỉ trong không gian và thời gian, còn sự hiện diện thì vĩnh viễn: “Này đây Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế”. Tức Chúa vượt ra khỏi thế gian hữu hình mà đi vào cõi vĩnh hằng với đức Chúa Cha để chia sẻ vinh quang đời đời.

Chúng ta có thể hiểu biến cố “lên trời” trong hai mặt: chiều kích tiêu cực thể lý và chiều kích tích cực siêu nhiên. Về tiêu cực, lên trời là vắng mặt thân xác và linh hồn đức Giêsu. Các môn đệ không còn được thấy nữa từ lúc ấy về sau, tương tự như tín hữu ngày nay. Các công việc phần xác của Ngài kể như chấm dứt, không cần một công trình nào khác. Nhưng về thiêng liêng tức mặt tích cực trong nhân loại thì Ngài vẫn hiện diện. Chính Ngài bày tỏ trong bữa giã từ: “Thày nói thật với chúng con, Thày ra đi thì ích lợi hơn cho các con, vì nếu Thày không ra đi, thì Đấng bảo trợ không đến với các con. Còn nếu Thày ra đi, Thày sẽ sai Ngài đến với các con.” Sự ra đi vật lý của Chúa Giêsu là điều kiện cần thiết để Đức Thánh Linh ngự đến với nhân loại.

Chúng ta hãy vào vai các phi hành gia ngước mắt “lên trời” xem trên mặt đất Đức Chúa Cha đã tạo dựng nhân loại mới thế nào nơi Con của Ngài là đức Giêsu Kitô. Xin nhớ Ngài đã “thất bại” nơi Ađam, Evà. Hình ảnh và họa ảnh của Ngài không chiếu sáng nữa khi hai ông bà phạm tội. Sự thật về hình ảnh và họa ảnh của Đấng tạo hóa bị lu mờ, thì nay, sự thật ấy lại được khôi phục trong đức Giêsu Kitô. Linh hồn và thể xác đức Giêsu lại giãi sáng huy hoàng trong Đấng phục sinh. Như thế, hình ảnh và họa ảnh của tạo hóa nguyên vẹn như cũ, và trong Ngài ơn biến đổi nhân loại thành tạo vật mới giống Thiên Chúa và như Thiên Chúa thật dồi dào. Chúng ta chỉ còn việc mặc lấy và chiếm hữu như lời khuyên của thánh Phaolô (Rm 13,14). Như vậy Tạo Hoá đâu có thất bại, bất chấp con người phản bội.

Hôm nay Chúa lên trời là trong ý nghĩa ấy. Xin tưởng tượng tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con của mình cao độ biết bao. Và ngược lại tình yêu của Đấng phục sinh và lên trời đối với Cha Ngài thắm thiết biết mấy! Do đó mà phát xuất Ngôi Thánh Thần và được sai đến trần gian làm Đấng bảo trợ. Các tông đồ sẽ được kinh nghiệm ấy trong ngày lễ ngũ tuần. Họ sẽ được biến đổi hoàn toàn và những ai tin vào đức Kitô cũng được như vậy. Phải chăng họ là những tạo vật mới và thế gian này sẽ dần dần trở nên trời mới đất mới? Đó là nhiệm vụ đức Giêsu trao cho các môn đệ. Ở ý nghĩa này tỏ rõ tính tích cực của việc thăng thiên. Thánh Thần sẽ đến với Hội Thánh và ngự trên những kẻ tin kính đức Giêsu, chỉ dẫn họ trở nên những tạo vật hoàn toàn giống Thiên Chúa và như Thiên Chúa, ngõ hầu ngày nào đó cũng được hưởng vinh quang.

Cho nên không lạ gì sách Tông Đồ Công Vụ liên kết biến cố thăng thiên với việc trông đợi và đi rao giảng. Thật khó mà tin rằng những người hoạt động trong Giáo Hội tiên khởi không cảm thấy thất vọng với mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Anh em không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa!” đợi điều gì đây? Họ không có một tư tưởng nào trong đầu óc. Sự đơn sơ của họ chỉ có thể cho rằng Thày sẽ khôi phục lại Israel. Nhưng Ngài ra đi thì lấy ai ra làm việc đó? Dĩ nhiên khôi phục lại Israel có nghĩa đánh đuổi quân Rôma bằng binh hùng tướng mạnh. Đất nước sẽ có vua chúa, ngôn sứ, tư tế, chính trị, kinh tế như thời còn độc lập. Nhưng ý Chúa Giêsu là trông đợi phép rửa của Thánh Thần và đi ra làm chứng về Ngài. Thật khó mà tưởng tượng những ngư phủ Galilêa chân chính hiểu được lệnh truyền đó, nếu không có trợ giúp của Thần Khí.

Và họ đã trông đợi, rồi làm chứng, không những ở Giêrusalem mà còn khắp Giuđêa, Samaria, cho đến tận cùng trái đất. Thiên Chúa đã tưới gội họ bằng sức mạnh thiêng liêng. Họ nhận ra mình hoàn toàn lệ thuộc vào trời cao để chu toàn sứ vụ.

Tâm lý loài người là chúng ta không ưa đợi chờ. Cái chi cũng phải có lập tức, mì ăn liền, cafê instant, fastfood, hỏa tiễn, máy bay phản lực, Honda phân khối lớn. Ngày nay, mấy ai chịu khó đi bộ đâu? Vài bước cũng phải cưỡi xe máy. Nhất nhất đều phải có kết qủa tức thời, thí dụ: vé cào. Xô lấn, tranh giành là chuyện bình thường. Hai người cũng tranh nhau. Nếu không là cảm thấy thất vọng, chán chường. Tai nạn giao thông phần lớn đều mong mỏi giải phóng nhanh chóng. Chiến tranh Iraq, Afghanistan, Phi Châu, Trung Đông, đều đòi hỏi tốc độ phi mã. Loài người không mấy ưa đợi chờ.

Nhưng đức Kitô lại bắt các môn đệ: “Chờ đợi điều Chúa Cha hứa” họ không thể đi rao giảng điều mắt thấy tai nghe tức thời, do sức riêng mình. Cho nên phúc âm cho hay họ có khuynh hướng hiểu sai Lời Chúa: “Thưa Thày đã đến lúc Thày khôi phục nước Israel chăng? Ngày nay cũng vậy, không đủ kiên nhẫn để chịu huấn luyện, không đủ kiên trì tiêu hóa giáo lý thần học. Phải thực tập ngay. Chẳng lạ gì gặp bao nhiêu vấp váp, sai lầm. Cho nên đức Giêsu căn dặn môn đệ phải biết chờ đợi, phải biết suy đi nghĩ lại những biến cố họ vừa trải qua để nhận ra ý nghĩa thực của nó. Nhất là không kiêu căng cậy sức riêng. Các hiền triết xưa nay đều bắt học trò phải kiên nhẫn đợi chờ là vì vậy. Tự chế, tự chủ là đức tính cần thiết để thành công.

Cho nên cũng như các tông đồ, chúng ta phải học kiềm chế tính nông nổi của mình, cầu nguyện và chờ đợi ơn Chúa. Thiên Chúa làm tròn lời hứa của Ngài theo chương trình và thời gian Ngài ấn định. Không phải chúng ta ấn định. Chúng ta thường có khuynh hướng hành động vội vàng. Có những dự án, chương trình muốn thi hành ngay mà không suy nghĩ cho chín chắn, chúng ta muốn gạt ý Chúa ra khỏi suy nghĩ của mình, tự quyền, tự quyết hết thảy. Nói tắt, độc tài chuyên chính, chẳng cần thăm hỏi ý ai, nhất là cầu xin Ý Thiên Chúa. Cứ quan sát thiên hạ hành động, tự khắc rõ điều này.

Làm việc theo Thần Khí đức Giêsu đòi hỏi thái độ ngược lại, thận trọng và khôn ngoan. Sứ vụ rao giảng đến tận cùng trái đất không phải một sớm một chiều mà hoàn thành. Cũng không phải “Đứng đấy mà nhìn lên trời” cứ để sự việc tự nhiên thành công. Chúng ta phải cộng tác với ơn Chúa, làm dụng cụ cho quyền năng Ngài. Chương trình của Thiên Chúa là: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thày”.

Một tác giả đạo đức đã viết: “Hãy đi và giảng dạy muôn dân, đó là mệnh lệnh từ giã của đức Giêsu Kitô. Nhưng lúc này Ngài chẳng còn tai, mắt mũi, họng, chân tay, lời nói, việc làm. Ngài nhờ vả chúng ta cả. Ngài chẳng còn tay mà nâng đỡ người vấp ngã… nhưng chúng ta còn. Ngài chẳng còn mắt mà trông xem những giọt lệ đang rơi vì đau khổ. Nhưng chúng ta có. Ngài chẳng còn miệng lưỡi đễ khuyên nhủ nói năng. Ngài chẳng còn trái tim để thương cảm những kiếp cô đơn. Nhưng chúng ta có. Vậy thì Ngài hành động nhờ thân thể chúng ta, nhưng Ngài thường săn sóc những số phận bất hạnh khổ đau. Ngài dùng những phương tiện hèn mọn để làm việc lớn. Nghĩa là Ngài sử dụng chúng ta để hoàn thành kế hoạch của Đức Chúa Cha. Bổn phận của mỗi tín hữu là gieo vãi Tin Mừng.

Phải làm thế nào? Sách Tông Đồ Công Vụ kể lại các môn đệ đã hiểu lầm nhiệm vụ này, tức khôi phục lại nước Do Thái. Nhưng đó không phải là chương trình của Đức Chúa Cha. Chương trình của Ngài là xây dựng nhân loại thành tạo vật mới theo hình ảnh và họa ảnh nguyên thuỷ của Ngài. Ngày nay thiên hạ thường rơi vào một trong hai cực đoan: chẳng làm gì hoặc hành động qúa mức và rỗng tuếch, hành động vì hành động. Thí dụ họ cố gắng sắp xếp để Giáo Hội Chúa Kitô trở thành đảng xã hội thiên tả hay thiên hữu, trong khi Giáo Hội là đoàn người tiến bước về nước trời. Khuynh hướng thứ hai là khuyên người ta ăn bánh vẽ, toàn những hứa hẹn siêu hình, trong khi thực tế Giáo Hội lữ hành ngay trên mặt trái đất này.

Chúng ta không thể rao giảng nguyên chỉ đạo lý của Ngài suông. Chúng ta còn phải thực hiện những công việc yêu thương Ngài đã làm nữa. Giáo Hội không chỉ là đức tin mà còn là đức ái. Người ta có khuynh hướng thất bại trong đức ái nhân danh đức tin như xẩy ra trong thời cổ. Ngày nay trái ngược lại: thất bại trong đức tin nhân danh đức ái. Thí dụ vấn đề phá thai, nghiên cứu tế bào gốc, chết tự tử… thánh Augustinô đã trông thấy các sai lầm ấy khi viết: “Sự khác biệt giữa người tốt và người xấu là ở chỗ này: người tốt sử dụng thế giới để hưởng mặt Thiên Chúa. Người xấu lợi dụng Ngài để hưởng thụ thế gian”. Nghĩa là cả hai đều sử dụng trái đất, nhưng với mục tiêu khác nhau. Chúng ta không phải chỉ là những người hoạt động xã hội. Chúa lên trời mở rộng tầm nhìn cho nhân loại. Chúng ta phải nhìn qua không gian, thời gian hiện tại vào vĩnh cửu và siêu nhiên. Hành động bằng quyền năng của một tạo vật mới. Đức Kitô phục sinh đang ngự trong mỗi người như lời cầu nguyện hiệp lễ nói: “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu. Chúa cho chúng con ngay khi còn ở dưới thế đã được nếm thử phúc lộc quê trời. Xin cho lòng chúng con luôn hướng về bên Chúa, là nơi đức Kitô, thủ lĩnh chúng con đang hiển trị”. Chúng ta đụng chạm đến màu nhiệm tạo vật mới. Chương trình của Thiên Chúa bao gồm công tác phục vụ của chúng ta cho thế gian. Hãy giúp đỡ thiên hạ phát triển đầy đủ khả năng nên giống Chúa Kitô, chứ không đứng đấy ngó nhìn lên trời. Công việc đòi hỏi đức tin và đức ái trong thế cân bằng. Như vậy nhân loại mới có hy vọng tiến bước về Chúa Kitô phục sinh và lên trời. Amen

Tổng hợp theo: Sicilianô, OP

Lm Thomas Trần Ngọc Tuý, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.05.2008. 23:35