Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chứng nhân của sự thật

§ Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Nhập đề

Hôm nay, toàn thể Giáo hội Việt Nam long trọng mừng kính các vị anh hùng tử vì đạo. Họ không phải chỉ gồm 117 vị đã được tôn phong hiển thánh, nhưng còn là hàng trăm ngàn người đã làm chứng cho đức tin và tình yêu bằng một đời sống hào hùng. Trong số đó có những người là tổ tiên, ông bà chúng ta. Đúng như các lời Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe:

“Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”, “dù là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo hay cái chết” (Rm 8,35-39).

Họ còn là những chứng nhân của sự thật vì đã sống và dám chết cho những sự thật mà Thiên Chúa đã dạy bảo họ qua Đức Giêsu Kitô: “Lời Cha là sự thật”. “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hoá họ… Vì họ, Con xin thánh hiến chính mình Con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,17-19).

Những chứng nhân cho sự thật

1. Những sự thật về giá trị và quyền lợi căn bản của con người, về bình đẳng nam nữ, về sự chung thuỷ trong gia đình, về giá trị của khoa học, kỹ thuật… mà chúng ta thấy dường như hiển nhiên, rõ ràng trong thời đại ngày nay, thì các bậc tiền bối đã phải vất vả truyền giảng cho người đương thời với mình bằng biết bao nỗi tủi nhục, hy sinh và có khi bằng cả sự sống quý báu.

Thời đó, các vị sống dưới chế độ quân chủ, chuyên chế. Ai cũng coi vua là thiên tử, là con Trời, có toàn quyền sinh sát trong tay, vua bắt bầy tôi chết, mà bầy tôi không chết thì người bầy tôi đó bị coi là bất trung. “Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung”. Các bậc tiền bối chúng ta đã dạy cho đồng bào hiểu rằng: mọi người đều bình đẳng trong đại gia đình nhân loại và ai cũng phải tôn trọng quyền sống của con người. Chính Đức Giêsu Kitô mới đúng là “Thiên Tử”, là con của Vua Trời, thế mà Người đã chịu chết để cứu độ chúng ta. Vì thế, các ngài sẵn sàng dâng hiến mạng sống để trình bày sự thật ấy.

2. Sống trong một xã hội theo chế độ đa thê “trai thì năm thê bảy thiếp”, trọng nam khinh nữ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, các bậc tiền bối làm chứng cho sự thật về quyền bình đẳng giới tính, về hôn nhân một vợ một chồng, về hạnh phúc gia đình dựa trên tình yêu chung thuỷ và tình yêu Thiên Chúa. Những điều chúng ta thấy ghi trong hiến pháp của nước ta hiện nay đã được đánh đổi bằng chính mạng sống của biết bao con người trong các cuộc bách hại, nhất là do những nhà Nho bị ảnh hưởng của Khổng giáo gây nên.

3. Sống trong xã hội mà học thức là một cái gì quý giá chỉ dành cho một thiểu số ưu đãi, giàu sang thì tổ tiên người Công giáo lại muốn phổ biến sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho mọi người. Mỗi làng ngày xưa chỉ có một vài người đi học để viết được cái văn tự bán nhà bán đất, làm sổ đinh sổ điền thay cho cả làng. Nếu may mắn hơn thi đỗ thì làm quan. 99% dân số còn lại đều mù chữ, thất học. Còn làm người Công giáo, ai cũng phải học, phải biết chữ. Lúc đầu học chữ Hán, chữ Nôm, sau lại cùng nhau khám phá ra thứ chữ dễ đọc hơn, dễ viết hơn là chữ Quốc ngữ như chúng ta đang dùng để phổ biến sự thật cho mọi người. Hàng trăm bộ sách Hán Nôm của người Công giáo còn để lại trong kho tàng văn hoá dân tộc như muốn chứng minh điều đó.

Đời sống hằng ngày với những kinh sách, với những tuồng kịch diễn mỗi ngày lễ trọng, mỗi mùa phụng vụ làm cho tất cả từ trẻ đến già đều biết chữ biết nghĩa, trở thành người có văn hoá, dạy văn hoá cho đồng bào. Năm 1865, người miền Nam có tờ báo tiếng Việt đầu tiên tên là Gia Định Báo. Năm 1883, miền Bắc mới có tờ báo tiếng Việt đầu tiên.

4. Nhờ chữ viết, nhất là nhờ các vị thừa sai dạy cho biết khoa học, kỹ thuật Tây Phương, các bậc tiền bối của chúng ta trở thành những người truyền bá sự thật của Thiên Chúa ghi khắc trong vũ trụ vạn vật. Thời đó, mỗi làng có vài ba cái ao: tắm rửa, ăn uống đều lấy nước từ đó. Người Công giáo hiểu rằng cần phải gìn giữ thể xác của mình cho khoẻ mạnh, cho xứng đáng với ơn Chúa nên dạy bảo nhau cần phải lọc nước bằng than, cát, sỏi mới được dùng, rồi phải đun sôi mới nên uống. Hồi xưa, cứ 10 đứa trẻ thì may ra có 3 đứa sống, rất nhiều đứa bị chết yểu vì bệnh tật. Vì dùng nước ao tù nên cả làng cứ 100 người thì có khoảng 95 người toét mắt, lúc nào cũng che miếng vải đen sùm sụp trước mắt. Nhưng con cái của người Công giáo đứa nào cũng khoẻ mạnh, nên nhiều người lương cho người Công giáo con của mình để nó được sống. Nhiều chàng trai ngoài Công giáo chỉ muốn lấy vợ Công giáo vì người nào đôi mắt cũng đẹp. Người ta tả trong sử là họ có đôi mắt giống như Mẹ Maria, dù chưa biết Đức Maria là ai! Còn những cô gái ngoại đạo lại muốn lấy chồng Công giáo để gia đình có những đứa con khoẻ mạnh và hoà thuận yêu thương nhau trong đời sống một vợ một chồng.

5. Những chân lý mà chúng ta tưởng rằng chúng quá hiển nhiên ấy, các vị tiền bối đã phải chịu bao nhục nhã khổ đau để làm chứng cho chúng. Với những chữ “tả đạo” thích trên trán, có nghĩa là đạo tà, người Công giáo không thể đi học, không thể buôn bán trong xã hội. Lúc bấy giờ, họ hiểu rằng mình phải yêu thương nhau, phải đoàn kết và chia sẻ nghề nghiệp cho nhau. Làm ra hàng gì thì phải thật tốt, bán ra cái gì thì phải thật rẻ. Nhờ vậy, ai cũng muốn trao đổi hàng hoá với người Công giáo, và tổ tiên chúng ta đã vượt qua được giai đoạn khó khăn.

6. Bắt bớ quá thì chúng ta trốn vào rừng sâu làm rẫy, nhờ thế mà mở mang bờ cõi đất nước, như chúng ta đã làm ở La Vang, Trà Kiệu. Với lý lịch “tà đạo”, cha ông ta khó sống ở miền Bắc nên phải xuôi vào miền Trung, đi vào miền Nam và trở thành những người mở đường, dựng nước. Chính trong miền Nam, sống với những người có thể nói là đầu trộm đuôi cướp theo chính sách di dân thời xưa, người Công giáo lại sống dễ thở hơn, dù phải hy sinh rất nhiều. Cha ông ta phải chiến đấu với từng đàn thú dữ, với những đám muỗi bay dày như đám mây. Người Công giáo trở thành những người tiên phong với tinh thần hào phóng, rộng rãi của người phương Nam thuở trước. Chúng ta chia sẻ tình yêu thương với hết mọi người, muốn người ta quên đi những quá khứ xấu xa, quên đi những lý lịch đen tối của nhau để sống hoà thuận bên nhau. Không cần biết rõ lý lịch, người ta chỉ cần gọi nhau là anh Hai, chị Ba, cô Tư, chú Tám và coi nhau như một đại gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta phải hãnh diện về quá khứ hào hùng ấy của cha ông.

7. Như vậy, chúng ta thấy những người Công giáo đã đóng góp cho xã hội như thế nào. Các nhà Nho tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh với phong trào Đông Du; Lương Văn Can, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã hô hào dân chúng cắt bỏ búi tóc, gọt móng tay, mặc Âu phục, học chữ quốc ngữ, sống một vợ một chồng như người Công giáo. Tất cả phong trào ấy đã làm cho đất nước của chúng ta phát triển.

8. Câu hỏi mà chúng ta đặt ra hôm nay là chúng ta sẽ làm gì để cho dân tộc trong thời đại này được tiến bộ hơn, bắt nguồn từ những đóng góp mà cha ông chúng ta để lại?

Chúng ta đang được mời gọi để sống một niềm tin mãnh liệt hơn của Thiên Chúa trong một xã hội như muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống con người, người ta muốn chối bỏ lương tâm ngay chính của mình nhân danh khoa học kỹ thuật. Thật sự người Việt Nam luôn luôn tin tưởng Thiên Chúa ngay từ thời lập quốc đến bây giờ mà người ta gọi là ông Trời, Đấng Chí Tôn, Đấng Thiêng Liêng. Lúc nào trẻ em cũng có thể hát: “Lạy trời mưa xuống lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp…”, lúc nào người lớn cũng tin tưởng rằng “Trời cao có mắt”; “Thiên bất dung gian”. Chúng ta muốn khơi dậy lại niềm tin vào Chúa Trời ấy để cho tất cả mọi người tôn trọng nhau, để bớt đi tham nhũng và những tệ nạn khác, dù người đời không biết nhưng mà Trời biết, Đất biết, nên chúng ta mới sống thật với nhau.

Kết luận

Lúc bấy giờ, chúng ta mới tạo nên nền nhân bản tâm linh, nền văn hoá sự sống, văn minh tình yêu cho dân tộc của chúng ta. Lúc bấy giờ, chúng ta mới có thể nói với các bậc tiền bối rằng: Thưa các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng con đã trở thành những người đi theo con đường của tình yêu, của sự thật như các ngài.

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 25.11.2008. 11:26