Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp nhất

§ Linh Tiến Khải

Sáng thứ tư 7-5-2008 đã có hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ cũng có các đoàn hành hương Đông Âu như Hungari và Croat. Từ Á châu có các nhóm hành hương Ấn Độ, Indonesia và Đại Hàn.

Trong các khách cấp cao hiện diện đặc biệt có Đức thượng Phụ Karekin II Giáo Chủ Giáo Hội Armeni Tông Truyền toàn thế giới đang hướng dẫn phái đoàn viếng thăm Tòa Thánh. Buổi tiếp kiến đã bắt đầu bằng lời chào mừng Đức Thượng Phụ và phái đoàn.

Vì đang trong tuần cửu nhật chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nên trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về Chúa Thánh Thần như là tình bác ái vĩnh cửu và mối dây hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và mọi người trong cộng đoàn Giáo Hội khắp thế giới. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, như anh chị em thấy, hiện diện giữa chúng ta hôm nay có Đức Katholicos Karekin II Thượng Phụ Giáo Chủ mọi tín hữu Armeni và phái đoàn đặc biệt. Tôi xin lần nữa bầy tỏ niềm vui được tiếp đón Người sáng nay: sự hiện diện của Người hôm nay làm sống dậy niềm hy vọng vào sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các tín hữu Kitô. Tôi cũng xin nhân dịp này cám ơn Người về sự tiếp đón dễ thương đã dành cho Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mới đây tại Armeni. Tôi cũng vui sướng nhắc lại chuyến viếng thăm không thể quên được của Đức Thượng Phụ tại Roma hồi năm 2000, sau khi Người được bầu làm Thượng Phụ. Vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là Đức Gioan Phaolo II đã trao tặng Người một thánh tích của thánh Gregorio Vị Sáng Soi và sau đó đi thăm đáp lễ Người bên Armenia.

Giáo Hội Armeni Tông Truyền nổi tiếng dấn thân cho cuộc đối thoại đại kết và tôi chắc chắn rằng cả chuyến viếng thăm lần này của Đức Thượng Phụ cũng góp phần củng cố các tương quan thân hữu huynh đệ nối kết các Giáo Hội của chúng ta. Các ngày chuẩn bị mừng lễ trọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống khích lệ chúng ta làm sống dậy niềm tin cậy vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để tiến tới trên con đường đại kết. Chúng ta xác tín rằng Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong việc kiếm tìm sự hiệp nhất, vì Thần Khí của Người hoạt động không mệt mỏi để nâng đỡ các cố gắng của chúng ta hướng tới việc thắng vượt mọi chia rẽ và khâu lại mọi vết rách trong cơ phận sống động của Giáo Hội.

pentecost9.jpg

Đó chính là điều Chúa Giêsu hứa với các môn đệ những ngày cuối cùng trong sứ mệnh trần gian của Ngài, như chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin Mừng: Ngài bảo đảm với các vị sự trợ giúp của Thánh Thần, Ngài sẽ gửi đến để tiếp tục làm cho các vị cảm nhận được sự hiện diện của Ngài (x. Ga 14,16-17). Lời hứa ấy trở thành sự thật khi Chúa Giêsu vào trong Nhà Tiệc Ly sau khi sống lại, và chào các môn đệ với các lời sau đây: ”Bằng an cho các con, và Ngài thổi hơi trên các ông và nói: ”Hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Ngài cho các ông quyền tha tội. Như thế ở đây Thánh Thần hiện ra như là sức mạnh của việc tha tội, của việc canh tân con tim và cuộc sống của chúng ta, và như thế Người canh tân trái đất và tạo dựng sự hiệp nhất ở nơi đâu có chia rẽ.

Rồi trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Thánh Thần tỏ lộ ra qua các dấu chỉ khác: qua dấu chỉ của gió mạnh, của các lưỡi lửa và các Tông Đồ nói tất cả mọi thứ tiếng. Đây là một dấu chỉ mà sự phân tán bên Babilonia, hậu qủa của sự kiêu căng phân rẽ con người, đã được thắng vượt trong Thánh Thần, là tình bác ái trao ban hiệp nhất trong sự khác biệt. Ngay từ lúc khởi đầu cuộc sống của mình Giáo Hội nói mọi thứ tiếng - nhờ sức mạnh của Thánh Thần và nhờ các lưỡi lửa - và Giáo Hội sống trong tất cả mọi nền văn hóa, không phá hủy gì trong các ơn và các đặc sủng khác nhau, nhưng thâu tóm tất cả vào trong một sự hiệp nhất mới mẻ và lớn lao hòa giải: hiệp nhất trong đa dạng.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Thánh Thần là tình bác ái yêu thương, là mối dây sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, kết hiệp các người tản mác với sức mạnh của mình trong tình bác ái của Thiên Chúa, và như thế tạo ra cộng đoàn Giáo Hội to lớn và đa dạng trên toàn thế giới này.

Trong những ngày sau lễ Chúa lên trời cho đến Chúa Nhật Ngũ Tuần, các môn đệ đã cùng với Mẹ Maria tụ họp trong Nhà Tiệc Ly để cầu nguyện. Các vị biết là không thể tạo ra tổ chức Giáo Hội: Giáo Hội phải sinh ra và được tổ chức do sáng kiến của Thiên Chúa. Nó không phải là một thụ tạo mới, mà là một ơn của Thiên Chúa. Và chỉ như thế Giáo Hội mới tạo ra cả sự hiệp nhất, một sự hiệp nhất phải lớn lên. Giáo Hội trong mọi thời, đặc biệt là trong 9 ngày giữa lễ Thăng Thiên và lễ Hiện Xuống, hiệp nhất tinh thần trong Nhà Tiệc Ly với các Tông Đồ và Đức Maria để liên lỉ khẩn nài Thánh Thần xuống. Được làn gió mạnh của Người thổi Giáo Hội sẽ có khả năng loan báo Tin Mừng cho tới tận cùng bờ cõi trái đất. Từ đó Đức Thánh Cha đưa ra lời khích lệ như sau:

Vì đó tại sao trước các khó khăn và chia rẽ, các tín hữu Kitô không thể chịu trận cũng không thể nhượng bộ sự ngã lòng. Điều Chúa xin chúng ta đó là kiên trì trong cầu nguyện để duy trì sống động ngọn lửa lòng tin, lòng cậy, lòng mến, dưỡng nuôi ước mong hiệp nhất trọn vẹn. Ước chi chúng ta nên một như Chúa nói. Lời mời gọi đó của Chúa Kitô luôn vang vọng trong tim chúng ta. lời mời gọi mà tôi đã có dịp gióng lên trong chuyến tông du Hoa Kỳ, trong đó tôi đã nói lời cầu nguyện là trung tâm của phong trào đại kết.

Và Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Trong thời đại toàn cầu hiện nay, cùng với sự phân hóa, nếu không có lời cầu nguyện thì các cơ cấu, các tổ chức và chương trình đại kết sẽ không có con tim và linh hồn của chúng. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì các kết qủa đã đạt được trong cuộc đối thoại đại kết nhờ hoạt động của Thánh Thần: chúng ta hãy ngoan ngoãn lắng nghe tiếng nói của Ngài, để cho con tim của chúng ta được tràn đầy hy vọng, không ngừng rong ruổi trên con đường dẫn tới sự hiệp thông trọn vẹn giữa tất cả mọi môn đệ Chúa Kitô.

Trong thư gửi tín hữu Galat thánh Phaolô nhắc lại rằng ”hoa trái của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23). Đó là các ơn của Chúa mà hôm nay chúng ta cũng khẩn nài cho mọi Kitô hữu, để trong việc phục vụ chung và quảng đại đối với Tin Mừng trên thế giới họ có thể là dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại. Chúng ta hãy tin tưởng hướng nhìn lên Đức Maria, Đền thánh của Thánh Thần và qua Mẹ chúng ta cầu xin: lậy Thánh Thần xin hãy đến tràn đầy con tim của tín hữu và đốt lên ngọn lửa tình yêu của Chúa. Amen.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungari, Craot và Ý trước khi cất kinh Lậy Cha và ban phèp lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.05.2008. 13:09