Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chúa Nhật II Mùa Chay

§ Lm Jude Siciliano, OP

Sáng Thế 22: 1-2, 9a, 10-13, 15-18; Tv 115; Rom. 8: 31b-34; Máccô 9; 2-10

Bài đọc thứ nhất ngày hôm nay cho biết Thiên Chúa thử thách ông Abraham bằng cách bảo ông ta dâng Isaac là con một của ông ta để tế lễ. Thật đây là một bài rất khó hiểu, không những cho các bậc phụ huynh mà thôi mà cả cho chúng ta nữa. Bài này cho biết rõ vì sao người ta sợ Thiên Chúa, và nghĩ Người là Đấng rất khó khăn từ trên trời thử thách suốt đời chúng ta phải không? Và ai lại muốn có một Thiên Chúa như thế?

Người Do thái gọi câu chuyện đó là "chuyện buộc tội Isaac". Đối với cộng đoàn Do thái, câu chuyện đó là hình ảnh của sự đau khổ và cả sự lưu đày của họ suốt bao thế kỷ. Họ đã đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa mặc dù Thiên Chúa hình như không hiện diện trong những lúc họ bị thử thách.

Đối với Kitô hữu, câu chuyện ông Abraham và Isaac là như là hiện tượng của sự vâng phục thánh ý Chúa của Chúa Giêsu, ngay cả dến sự chết của Ngài. Trong bài đọc thứ 2, thánh Phaolô suy gẫm đến sự chết của Chúa Giêsu là dấu chỉ về lòng rộng lượng của Thiên Chúa. "Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta".

Câu chuyện Chúa Giêsu tỏ mình sáng láng nhấn mạnh Chúa Giêsu là "Con yêu dấu" của Thiên Chúa. Suốt câu chuyện trên núi các môn đệ được khuyến khích nhìn nhận Chúa Giêsu không phải chỉ là Vị hay làm phép lạ và như là một ngôn sứ. Trái lại, Thiên Chúa hiện diện nơi Chúa Giêsu là tỏ uy quyền của Ngài để chữa lành và cứu rỗi chúng ta.

Trong khi từ trên núi xuống. Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ đừng nói những việc họ đã nghe và thấy cho bất cứ ai "cho tới khi Con Người đã từ cõi chết sống lại". Đến đây, trong phúc âm thánh Máccô hình bóng cây thập giá bắt đầu ló dạng. Ngay trước lúc Chúa Giêsu tỏ mình sáng láng Ngài giáo huấn lần đầu tiên về sự thương khó và sự chết sắp đến của Ngài. Rồi Ngài nói cho các người đi theo Ngài rằng: "ai muốn theo ta phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (8:31-38).

Ngay từ đầu, tất cả câu chuyện trong Kinh Thánh nói về lòng yêu thương của Thiên Chúa luôn tha thứ tội lỗi cho loài người. Vậy chúng ta có phải tin rằng Thiên Chúa đã làm điều ông Abraham không phải làm đó là hy sinh tế lễ con một của Người vì chúng ta hay không?

Chúa Giêsu chết trên cây thánh giá vì Ngài vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn Chúa Giêsu loan báo một triều đại mới về sự thông cảm và lòng hòa giải với Thiên Chúa và với tất cả mọi người trong chúng ta với nhau, một triều đại bình an cho tất cả: cho những người bé mọn nhất, những người tội lỗi, và cả những người sống bên lề. Chúa Giêsu thi hành thánh ý Thiên Chúa và chứng tỏ Ngài trung thành với những điều Ngài dạy dỗ và sứ vụ chửa lành của Ngài. Ngài trung thành với sứ vụ Thiên Chúa giao cho Ngài, ngay cả khi Ngài khuấy động những quyền uy tôn giáo trên trần gian. Và vì thế các uy quyền chống đối này giết chết Ngài.

Quả thật tội lỗi có uy quyền trong thế gian phải không? Tội lỗi có uy quyền đến nỗi chống đối lại việc Thiên Chúa đưa tay cứu vớt chúng ta qua Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Đấng vô tội, và là hình ảnh tuyệt vời về một người Con của Thiên Chúa, dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài đã đau đớn chịu hiểu lầm, bị nghi ngờ, và bị chống đối vì lòng ganh tị, sự thù hận và nghi kỵ bởi tội lỗi chúng ta.

Trong bài phúc âm hôm nay Chúa Giêsu nói đến lòng Thiên Chúa đáp lại sự chống đối của loài người và của tội lỗi như thế nào. Thiên Chúa sẽ cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, để chứng tỏ là tình Thiên Chúa thương yêu chúng ta vô biên, có thể vượt bao nhiêu chống đối và thử thách. Tình thương yêu của Thiên Chúa sẽ chiếu tỏa qua sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Tiếng nói trên núi chứng tỏ Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Dù vậy Thiên Chúa vẫn không ngăn chận quyền uy giết Chúa Giêsu và để dập tắt tin mừng Ngài loan báo. Nhưng, những quyền uy đó không thể nào chận đường Thiên Chúa trong việc Chúa Kitô sống lại và ban sự sống mới của Ngài cho tất cả những ai tin vào Ngài. Tội lỗi loài người gây nên sự chết của Chúa Giêsu, nhưng qua Chúa Kitô chúng ta được ơn hoàn toàn hòa giải.

Làm sao chúng ta biết điều này? Vì Chúa Kitô luôn tiếp tục chết lại để giúp những người rời xa Thiên Chúa. Sự chết để đền tội của Chúa Giêsu không phải do Chúa Cha gây nên, nhưng là do hậu quả của sự vâng lời của Chúa Giêsu qua sự loan báo Triều Đại Thiên Chúa và tình thương yêu của Thiên Chúa cho chúng ta. Khi Thiên Chúa cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, đó là dấu hiệu Thiên Chúa "chấp nhận" đời sống và tin mừng của Chúa Giêsu.

Trong một thế giới bạo lực, Chúa Giêsu từ chối không muốn có một đạo binh xung quanh Ngài để lật đổ quyền uy đàn áp dân Ngài. Trái lại, Ngài chọn thái độ vô bạo lực, thái độ tha thứ và bình an. Điều đó luôn luôn là sự đe dọa cho các uy quyền đàn áp và để đáp với Chúa Giêsu họ quyết định đẩy Ngài vào cõi chết. Nhưng việc Thiên Chúa làm đã thắng.

Chúng ta sẽ dâng gì lên Thiên Chúa để tạ ơn Ngài? Chắc là trong bí tích Thánh Thể này, chúng ta sẽ dâng đời sống chúng ta cùng với bánh và rượu là của lễ của chúng ta dâng lên Thiên Chúa theo Thánh ý của Ngài. Chúng ta cầu xin ơn Chúa Thánh Thần xuống trên của lễ của chúng ta để thay đổi thành Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta cũng cầu xin Chúa Thánh Thần xuống trên mỗi người chúng ta để thay đổi chúng ta nên chứng nhân của sự hiện diện của Chúa Kitô trong thế gian. Chúng ta xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta có thể làm điều Chúa Giêsu muốn là vác thập giá của chúng ta theo Ngài như sứ giả của hòa bình và hòa giải. Chúng ta cũng có thể dâng con cái chúng ta cho Thiên Chúa bằng cách dạy dỗ và nêu gương mẫu đức tin, đức cậy và đức mến cho chúng.

Đây là Mùa Chay, chúng ta cầu xin cho được biến đổi trong tình thương của Thiên Chúa. Ước gì chúng ta được trưởng thành trong sự chấp nhận lời giáo huấn của Chúa Giêsu về sự hiện diện Triều Đại Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Chúng ta xin trong đời sống chúng ta biết vâng lời Thiên Chúa và phản chiếu sự vâng lời của Chúa Giêsu là Đấng luôn luôn diễn tả tình yêu thương của Thiên Chúa cho tất cả, qua lời nói, việc làm và qua sự chết của Ngài.

Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP

Lm Jude Siciliano, OP

Tags: Năm B MC2

Đọc nhiều nhất Bản in 22.02.2018 18:09