Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chúa Kitô chết và phục sinh, trung tâm điểm của lòng tin Kitô

§ Linh Tiến Khải

Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 26-3-2008

Sáng thứ tư 26-3-2008 đã có khoảng 40 ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về biến cố Chúa Kitô phục sinh như nòng cốt lòng tin Kitô. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Pope_20080326_03.jpg

Anh chị em thân mến, ”Và ngày thứ ba người đã sống lại như lời Thánh Kinh”. Mỗi Chúa Nhật với Kinh Tin Kính chúng ta lập lại lời tuyên xưng lòng tin vào sự phục sinh của Chúa Kitô, là biến cố gây kinh ngạc và là chìa khóa của Kitô giáo. Trong Giáo Hội chúng ta hiểu tất cả từ mầu nhiệm cao cả này, là mầu nhiệm đã thay đổi dòng lịch sử và trở thành thời sự trong mọi buổi cử hành Thánh Thể. Tuy nhiên mùa phục sinh là thời điểm phụng vụ trong đó lòng tin Kitô và sự phong phú giáo lý và sức sinh động bất tận của nó được đề nghị với tín hữu một cách mạnh mẽ nhất.

Hằng năm trong ”Tam Nhật Thánh của Chúa Kitô chịu đóng đanh, chết và phục sinh” như thánh Agostino quen gọi, Giáo Hội đi trở lại các chặng kết thúc cuộc sống dương thế của Chúa Giêsu trong bầu khí cầu nguyện và chay tịnh. ”Ngày thứ ba” Giáo Hội sống trở lại cuộc phục sinh của Chúa: đó là lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu từ cái chết bước vào sự sống, trong đó thành toàn các lời hứa xưa. Toàn phụng vụ mùa phục sinh hát ca sự chắc chắn và niềm vui sự sống lại của Chúa Kitô.

Chúng ta phải thường xuyên canh tân sự gắn bó của chúng ta với Chúa Kitô chết và sống lại vì chúng ta: lễ Vượt Qua của Người cũng là lễ Vượt Qua của chúng ta, vì sự phục sinh chắc chắn của chúng ta là nơi Chúa Kitô. Tin Mừng phục sinh không già nua, Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài luôn sống mãi. Thánh Agostino ghi nhận rằng ”Lòng tin của Kitô hữu là sự phục sinh của Chúa Kitô”. Sách Công Vụ giải thích điều này một cách rõ ràng: ”Thiên Chúa đã cho mọi người một bằng chứng chắc chắn về Đức Giêsu bằng cách cho Người sống lại từ cõi chết” (Cv 17,31). Thật ra cái chết không đủ để chứng minh rằng Đức Giêsu thật sự là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế.

Trong dòng lịch sử đã có biết bao nhiêu người đã hiến mạng sống của họ cho một lý do chính đáng và họ đã chết. Cái chết của Chúa chứng minh cho tình yêu thương vô biên Ngài đã yêu chúng ta cho tới hiến mạng vì chúng ta: nhưng chỉ sự phục sinh là ”bằng chứng chắc chắn”, cho thấy điều Ngài đã khẳng định là sự thật cũng có giá trị đối với chúng ta và cho mọi thời đại. Khi cho Người sống lại Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Người. Thánh Phaolo viết trong thư gửi tín hữu Roma như sau: ”Nếu miệng bạn tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Chúa và con tim bạn tin rằng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết thì bạn sẽ được cứu rỗi” (Rm 10,9).

Đề cập tới tầm quan trong của sự thật này Đức Thánh Cha nói:

Thật là điều quan trọng nhấn mạnh trở lại chân lý nền tảng này của lòng tin, mà tính chất lịch sử được minh chứng rộng rãi bởi các tài liệu, cả khi ngày nay cũng như trong qúa khứ không thiếu những người nghi ngờ hay chối bỏ nó bằng nhiều cách. Sự yếu kém của lòng tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu khiến cho chứng tá của tín hữu cũng yếu kém. Thật thế, nếu trong Giáo Hội lòng tin vào sự phục sinh suy giảm, thì tất cả đều ngưng đọng, tất cả đều rạn nứt. Trái lại, sự gắn bó tâm trí với Chúa Kitô chết và sống lại thay đổi cuộc sống và chiếu soi toàn cuộc sống của con người và của các dân tộc. Không phải sự chắc chắn rằng Chúa Kitô đã sống lại trao ban lòng can đảm, liều lĩnh ngôn sứ và sự kiên trì cho các vị tử đạo thuộc mọi thời đại hay sao? Không phải cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu sống động hoán cải và thu hút biết bao nhiêu người nam nữ ngay từ thời Kitô giáo khai sinh tiếp tục bỏ tất cả để theo Người và tận hiến cuộc đời để phục vụ Tin Mừng hay sao? Thánh Phaolo nói: ”Nếu Chúa Kitô đã không sống lại, thì sự rao giảng của chúng tôi trống rỗng và lòng tin của anh chị em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14).

Lời loan báo mà chúng ta nghe đi nghe lại trong các ngày này là ”Chúa Giêsu đã sống lại, Ngài là Đấng Đang Sống và chúng ta có thể gặp gỡ Ngài”. Cũng như các phụ nữ đã gặp Chúa buổi sáng ngày thứ ba, ngày thứ nhất sau ngày sabát, khi các bà ra mộ; cũng như biết bao nhiêu chứng nhân khác đã gặp Ngài trong các ngày sau khi Ngài phục sinh. Và cả sau khi lên trời Chúa Giêsu cũng tiếp tục hiện diện giữa các bạn hữu Ngài như đã hứa: ”Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế” (Mt 28,20). Chúa ở cùng chúng ta, ở cùng Giáo Hội Ngài cho tới tận thế. Được Chúa Thánh Thần soi sáng các thành phần của Giáo Hội tiên khởi đã bắt đầu loan báo tin mừng phục sinh một cách công khai và không sợ hãi. Lời loan báo đó đã được chuyền lại từ thế hệ này tới thế hệ khác cho tới chúng ta và hàng năm vang lên trong lễ Phục sinh với sức mạnh luôn luôn mới mẻ.

Đặc biệt trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh phụng vụ mời gọi chúng ta gặp gỡ riêng tư với Chúa Phục Sinh và nhận biết hoạt động trao ban sự sống của Ngài trong các biến cố của lịch sử và cuộc sống thường ngày của chúng ta. Như là thí dụ Đức Thánh Cha đã lấy lại Phúc Âm ngày thứ tư trình thuật cuộc gặp gỡ của hai môn đệ trên đường về làng Emmaus với Chúa Kitô phục sinh. Chúa giải thích cho hai người hiểu những gì Kinh Thánh nói về Ngài. Việc dậy dỗ, giải thích các lời tiên tri đó của Chúa Kitô đã là một mạc khải bất ngờ, rạng rỡ và ủi an đối với hai môn đệ. Chúa Giêsu cho các ông một chìa khóa mới giúp đọc hiểu Kinh Thánh, và tất cả trở thành rõ ràng được hướng tới lúc này đây. Và chính trong lúc Chúa Giêsu bẻ bánh, mắt các môn đệ mở ra và họ nhận ra Ngài. Và họ bình luận với nhau: ”Dọc đừơng khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32)

Đức Thánh Cha kết thúc bài hhuấn từ như sau: Trong suốt năm phụng vụ, đặc biệt là trong Tuần Thánh và Tuần Phục Sinh, Chúa đồng hành với chúng ta và giải thích Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm này: đó là tất cả đều nói về Ngài. Và điều này cũng phải làm cho con tim chúng ta nóng lên và như thế đôi mắt của chúng ta có thể mở ra. Chúa ở với chúng ta và chỉ cho chúng ta con đường đích thật. Cũng như các môn đệ đã nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh, ngày nay cũng thế chúng ta cũng nhận ra sự hiện diện của Chúa khi bẻ bánh. Việc bẻ bánh ấy khiến cho chúng ta nhớ tới buổi cử hành Thánh Thể đầu tiên trong bối cảnh Nhà Tiệc Ly, khi Chúa Giêsu bẻ bánh và cử hành trước cái chết và sự sống lại của Ngài, bằng cách trao ban chính mình cho các môn đệ. Chúa Giêsu cũng bẻ bảnh với chúng ta và cho chúng ta, Ngài hiện diện với chúng ta trong bí tích Thánh Thể, Ngài trao ban mình cho chúng ta và rộng mở con tim của chúng ta. Trong Thánh Thể, trong cuộc gặp gỡ với Lời Ngài chúng ta cũng có thể gặp gỡ và nhận biết Chúa Giêsu, trong Tiệc Lời Chúa và Tiệc Bánh và Rượu được thánh hiến. Như thế mỗi Chúa Nhật cộng đoàn sống trở lại lễ Vượt Qua của Chúa và lãnh nhận từ Chúa Cứu Thế di chúc tinh yêu và phục vụ huynh đệ.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm hiện diện. Ngài chúc các bạn trẻ, đặc biệt các bạn trẻ thuộc nhiều giáo xứ tổng giáo phận Milano, trở thành các tác nhân hăng say trong Giáo Hội và trong xã hội và dấn thân xây dựng nền văn minh tình thương, đặt nền trên Chúa Kitô tử nạn và phục sinh. Ngài xin ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh soi chiếu và đỡ nâng các người dau yếu trong cuộc sống thường ngày và biến khổ đau của họ sinh ích lợi cho toàn nhân loại. Đức Thánh Cha cầu chúc các cặp vợ chồng mới cưới hằng ngày kín múc từ Mầu nhiện phục sinh sức mạnh cho tình yêu chân thành và bất tận của họ đối với nhau.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 26.03.2008. 09:55