Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chúa Kêu Gọi Các Môn Đồ Đầu Tiên

§ Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

Chúa Nhật 5 Thường Niên – C
Is 6,1-2a.3-8; 1Cr 15,1-11; Lc 5,1-11

Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 5,1-11) Thánh Luca kể lại cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu kêu gọi các môn đồ đầu tiên. Câu chuyện này nói với chúng ta nhiều điều về ơn gọi của chúng ta và của Hội Thánh.

Mở đầu câu chuyện, tác giả viết: “Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Ghennêxarét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông” (cc.1-3).

Thoạt nghe người ta có thể nghĩ rằng đoạn văn trên hình như chẳng “ăn nhập” gì với câu chuyện được kể ở cc.4-11, trong đó Đức Giêsu làm phép lạ và kêu gọi ông Phêrô và các bạn ông trở thành những kẻ thu phục người ta. Nhưng thực ra, cc.1-3 có vai trò rất quan trọng: vai trò đặt trình thuật về phép lạ đánh cá và về việc kêu gọi ông Phêrô vào trong một ngữ cảnh mang chiều kích Giáo Hội học. Quả thực, chính là trong tương quan với đám đông dân chúng đang chen lấn nhau để nghe lời Thiên Chúa mà phép lạ đã xảy ra và ông Phêrô cùng với các bạn ông đã được kêu gọi làm đồ đệ của Đức Giêsu.

Thánh Luca mở đầu trình thuật với cảnh Đức Giêsu giảng dạy ở bờ hồ (nơi sẽ xảy ra phép lạ). Người giảng cho họ “lời Thiên Chúa” (c.1). Trong Cv, một tác phẩm khác của Thánh Luca, hạn từ “lời Thiên Chúa” là một thuật ngữ chỉ lời rao giảng của các Tông Đồ (x. Cv 4,31; 6,2.7; 8,14…). Như thế, giữa lời giảng dạy của Đức Giêsu và lời rao giảng của Hội Thánh sau này có một sự liên tục: lời rao giảng của Hội Thánh tiếp nối lời giảng dạy của Chúa Giêsu và làm cho lời Thiên Chúa vang đến tận cùng cõi đất. “Đám đông dân chúng chen lấn nhau để đến gần Đức Giêsu mà nghe lời Thiên Chúa” chính là hình ảnh của tất cả những con người mà các Tông Đồ, những vị sắp được Đức Giêsu kêu gọi, phải nói “lời Thiên Chúa” cho họ. Đó là hình ảnh của nhân loại đang đợi chờ để nghe sứ điệp Tin Mừng. Chính trong tương quan với đám đông dân chúng đó mà xảy đến lời kêu gọi và lời hứa dành cho Phêrô: “Anh sẽ là người thu phục người ta” (c.10b).

Đức Giêsu nhìn thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ. Những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Họ đã chẳng đánh được con cá nào dẫu đã vất vả suốt đêm (x. c.5). Họ đang giặt lưới, tức là đã quyết định không thả lưới trong ngày hôm đó mà chỉ chuẩn bị để tối đến mới ra khơi. Đức Giêsu xuống thuyền của ông Simôn. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Người chọn thuyền của ông Simôn. Những gì diễn ra sau đó cho thấy ông Simôn sẽ có một ơn gọi đặc biệt trong cộng đoàn các đồ đệ của Đức Giêsu. Rồi Người ngồi xuống, tức là Người hiện diện trong thuyền của ông Simôn với phong thái của một vị tôn sư. Và từ trên chiếc thuyền của ông Simôn, người mà sau này sẽ được gọi là Phêrô, Đức Giêsu giảng dạy dân chúng.

“Giảng xong, Người bảo ông Simôn: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá." Ông Simôn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới" (cc.4-5).

Đối diện với đề nghị bất ngờ và có phần kỳ lạ của Đức Giêsu (c.4), ông Simôn trình bày một hoàn cảnh bi đát: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả” (c.5a). Theo lẽ thường, đó là một hoàn cảnh bế tắc; lời đề nghị của Đức Giêsu có vẻ sai lầm, thiếu kinh nghiệm và đi ngược lại với tất cả những hiểu biết cũng như kinh nghiệm của những người từng trải trong nghề đánh cá như ông Simôn. Lời đề nghị của Đức Giêsu, vì thế, bao hàm một đòi hỏi ông Simôn và các bạn ông phải từ bỏ chính mình, từ bỏ kinh nghiệm của mình, từ bỏ những hiểu biết của mình. Các ông được mời gọi chỉ dựa vào lời của Đức Giêsu mà thôi.

Dù sao, sau khi trình bày hoàn cảnh, ông Simôn cũng đã lấy một quyết định rất quan trọng: “Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (c.5b). Quả thực ông Simôn rất liều lĩnh, nhưng ông không hề mù quáng và thiếu suy nghĩ như nhiều người có thể nghĩ. Thật ra, ông đã từng được chứng kiến quyền năng của Đức Giêsu khi Người làm cho bà mẹ vợ của ông khỏi sốt (4,38-39). Bây giờ ông liều “vâng lời Thầy”, nhưng là liều trong lòng tin vào lời của Thầy và vào quyền năng của Thầy.

Vậy ông Simôn và các bạn ông đã quyết định làm theo lời đề nghị của Đức Giêsu cho dù lời đề nghị ấy có vẻ… không bình thường. Và phép lạ đã xảy ra: “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm” (cc. 6-7).

“Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (c.8). Nơi sự hiện diện của Đức Giêsu, ông Phêrô trải nghiệm sự gần gũi đến như sờ đụng được của chính Thiên Chúa siêu việt. Ông sấp mình dưới chân Đức Giêsu trong tư thế của một hành vi thờ phượng, và ông thưa “Lạy Chúa”. Rồi ông xưng nhận sự bất xứng của mình: “Xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Ta gặp thấy ở Phêrô trong trình thuật này kinh nghiệm và phản ứng của Môsê, Isaia… trong các cuộc thần hiện xưa kia.

Có lẽ sẽ là không chính xác nếu hiểu lời tế nhận của ông Phêrô “con là kẻ tội lỗi” (c. 8b) chỉ theo nghĩa luân lý, như là lời xưng thú của một tội nhân trước Nhan Thiên Chúa. Thật ra, lời nói ấy của ông Phêrô trước hết nhắm nhấn mạnh khoảng cách lớn lao giữa con người với Thiên Chúa. Và khi đặt lời xưng nhận chân thật của ông Phêrô (“con là kẻ tội lỗi” – c.8b) với lời mời gọi rõ ràng của Đức Giêsu (“Từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” – c.10b), chúng ta có thể nói: ông Phêrô sẽ không thực hiện nhiệm vụ của mình dựa trên phẩm chất con người của ông. Và cũng như Phêrô, toàn Hội Thánh mà ông lãnh đạo cũng sẽ không dựa trên khả năng và sự xứng đáng phàm nhân để thi hành sứ mạng thừa sai của mình.

Cùng với Phêrô, các bạn đồng nghiệp của ông cũng kinh ngạc và sợ hãi trước những gì đang diễn ra. “Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy” (cc.9-10a). Đó là phản ứng bình thường của người ta sau khi chứng kiến các phép lạ Chúa Giêsu thực hiện.

“Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simôn: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta" (c.10b). Sự can thiệp của Đức Giêsu lúc này đã được tường thuật theo đúng kiểu cách của những gì thường được kể lại trong các trình thuật về các cuộc thần hiện: sau phép lạ và sau lời tuyên xưng của ông Phêrô, Đức Giêsu nói với ông “Đừng sợ!”. Đoạn Người công bố sứ mạng của Phêrô: “Từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Đây không phải là một lệnh truyền, mà là một lời ngôn sứ đầy hiệu năng. Lời này loan báo sứ mạng tương lai của ông Phêrô nhưng có tác động khiến ông Phêrô, ngay từ bây giờ, đã trở nên một con người mới và sống một cuộc sống mới: “Họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người” (c.11).

Phép lạ thứ hai và là phép lạ lớn lao hơn, đã xảy ra một cách thật kỳ diệu: phép lạ biến những chàng trai chài lưới thành đồ đệ của Đức Giêsu và làm cho họ trở thành những người thu phục cả trần gian về cho Thiên Chúa.

Gợi ý suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta nhiều điều về Hội Thánh và về ơn gọi thừa sai của mỗi người chúng ta.

- Nếu trong Mc 1,16-20 ơn gọi của các đồ đệ của Đức Giêsu được thiết lập chính yếu trên quyền năng của lời Đức Giêsu kêu gọi họ theo Người, thì trong trình thuật Lc 5,1-11 hôm nay, tuy không gặp một lời kêu gọi đúng nghĩa, nhưng chúng ta gặp kinh nghiệm của Thánh Phêrô về quyền năng của lời Đức Giêsu, quyền năng bảo đảm cho tính hữu hiệu của lời hứa được ban cho ông liên quan đến sứ mạng của ông và của Hội Thánh. Nói cách khác, thay vì lời kêu gọi, chúng ta có một lời công bố sứ mạng và cũng là lời bảo đảm sự thành công của sứ mạng ấy, sự thành công đặt cơ sở trên lời quyền năng của Chúa Giêsu.

- Biến cố Đức Giêsu kêu gọi các môn đồ đầu tiên trong trình thuật Tin Mừng hôm nay đã xảy ra trong một khung cảnh có những thành tố đặc biệt: đám đông đang khao khát nghe lời Thiên Chúa; Đức Giêsu đang giảng dạy lời Thiên Chúa cho đám đông; Đức Giêsu hiện diện trong phong thái của một vị Tôn Sư ngồi trên thuyền của ông Phêrô và trong phong thái của vị Chúa quyền năng; ông Phêrô và các bạn trải nghiệm quyền năng của lời Đức Giêsu; ông Phêrô ý thức về sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa và về sự bất xứng của con người mình… Tất cả những thành tố đó làm nên một biến cố đặc biệt trong đó xảy đến lời mời gọi các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu và lời công bố rõ ràng về sứ mạng của ông Phêrô và của Hội Thánh (sẽ được xây dựng trên ông như là đá tảng).

- Chúng ta có thể gặp nơi dung mạo ông Phêrô trong bài Tin Mừng hôm nay, kinh nghiệm của nhiều anh chị em tín hữu chúng ta. Ông Phêrô vốn là một người làm nghề chài lưới. Ông đã hơn một lần kinh nghiệm thế nào là sự vất vả lao nhọc của những đêm làm việc cật lực mà không thu được gì. Nhưng bỗng xảy đến trong cuộc đời ông một sự Hiện Diện huyền nhiệm, mời gọi ông lao tác theo lời Người. Nói cách khác, ông được mời gọi sống cuộc sống và nghề nghiệp của mình hoàn toàn như một biến cố quyền năng của Chúa Giêsu Kitô. Ông đã buông mình theo lời mời gọi đó và đã gặp thấy một kết quả phong nhiêu mà trước đây ông chưa bao giờ biết đến. Đó có lẽ cũng là kinh nghiệm của rất nhiều Kitô hữu ngày nay.

Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 08.02.2010. 11:25