Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chúa Giêsu: Vua Vũ Trụ, Vua Tình Thương

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Mỗi năm, mừng Lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ là dịp thuận tiện cho chúng ta suy niệm một lần nữa về chân dung và những đặc tính của Vua Giêsu và Vương quốc của Người. Thật vậy, thông thường, khi nói đến tước hiệu Vua, người ta liên tưởng ngay đến những hào quang trần thế gắn liền với tước vị đó trong mọi nền văn hóa nhân loại từ đông sang tây và từ cổ chí kim. Sở dĩ thế vì ngôi vua là tột đỉnh của danh vọng và vinh quang trần thế, là niềm mơ ước của biết bao nhiêu người vì làm Vua có nghĩa là được hưởng mọi vinh quang, uy quyền, giầu sang và lạc thú trên đời này.

Nhưng Chúa Giêsu có làm Vua với những đặc ân, đặc quyền đó của các vua chúa trần gian hay không ?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy đọc lời than sau đây trích trong Sách Ngắm Mùa chay của Địa phận Hà Nội: “Lậy Chúa tôi, giờ này làm Vua mọi sự khốn khó, vì chẳng thiếu giống gì dữ mà Chúa tôi chẳng chịu : con mắt xem những kẻ nghịch vây chung quanh, tai nghe những lời xỉ vả nhiếu nhóc nhạo cười, miệng uống những của đắng đót, chân tay đanh sắt thâu qua, cả và mình chẳng con nơi đâu lành…

Đó là hình ảnh sống động của Chúa Giêsu, Vua Vũ trụ mà Giáo Hội mừng kính hôm nay. Đó là vinh quang và vui thú mà Vua Giêsu đã được hưởng khi Người ngự trên ngai vàng là cây thập giá dựng trên Núi Sọ năm xưa. Sở dĩ Chúa được hưởng những “vinh quang và vui thú” mà không một vua Chúa trần gian nào dám hưởng chỉ vì Người không làm Vua như bất cứ vua chúa loài người nào từ xưa đến nay.

Thật vậy, chỉ vì yêu thương và muốn cứu nhân loại khỏi tội và khỏi chết mà Chúa Giêsu đã trở nên Vua của mọi sự khốn khó, nhục nhã, ê chề, với vương miện là vòng gai bén nhọn quấn quanh đầu, mặc áo hoàng bào là chính thân mình trần trụi dính bê bết máu đào ứa ra từ những vết thương bầm giập trên khắp thân thể và ngự trên ngai vàng là cây thập giá giữa hai tên trộm cướp trên Núi Sọ năm xưa!

Đó là chân dung của Vua Giêsu, Vua của đau khổ, bị lăng nhục, nhưng cũng là Vua của yêu thương, vâng phục, khiêm cung, nhịn nhục và tha thứ như chúng ta thấy thể hiện rõ trong suốt cuộc đời và qua những việc Chúa đã làm từ khi sinh ra cho đến ngày chết đi trên thập giá.

Người “vỗn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vi ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự ...” (Pl 2:6-8)

Những lời ca tụng trên đây của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã tô đậm thêm những nét độc đáo về Vua Giêsu khác biệt với mọi vua chúa loài người từ xưa đến nay.

Khác mọi vua chúa trần gian chỉ quen sống trong cung điện ngọc ngà, mong đợi mọi người đến bái phục, suy tôn, và hưởng thụ mọi lạc thú trên đời này, Vua Giêsu, ngược lai, sinh ra trong hang bò lừa, sống lang thang như người vô gia cư và chết không có nơi an táng, nên phải mượn ngôi mồ trống của Giô-xép để nằm tạm trong 3 ngày ! (x. Mt 27:57-60). Khác với nhiều vua chúa loài người chỉ biết sống ích kỷ, không một chút quan tâm đến người khác, Vua Giêsu đã xót thương trước hết những người tội lỗi, và thứ đến những người đau khổ vì bệnh tật, tai ương, nghèo đói nên đã nhiều lần làm phép lạ chữa lành cho biết bao người mù, què, câm điếc, cũng như biến bánh ra nhiều để nuôi bao ngàn người đi theo, nghe giảng dạy và không có của ăn trong ngày… Sau hết, khác với mọi vua chúa trần gian chỉ biết ra oai và nghiêm khắc trừng phạt, Vua Giêsu đã đi tìm những người tội lỗi như lang y đi tìm bệnh nhân để chữa trị, và đặc biệt tha thứ và cầu nguyện cho cả kẻ thù, tức những kẻ đã sỉ nhục và đóng đinh Người vào thập giá vì “chúng không biết việc chúng làm” như Người đã cầu xin cùng Chúa Cha đang khi bị treo trên thập giá. (Lc 23:34).

Tóm lại, đó là tất cả những đặc tính độc nhất vô nhị của Vua Giêsu, Vua tình yêu, Đấng đã đến “không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống của mình làm giá chuộc muôn người” (Mt. 20: 28).

Nhưng Chúa Giêsu làm Vua cho ai và Vương Quốc của Người ở đâu?

Với những đặc tính vừa nêu trên, thì Chúa Giêsu chắc chắn không thể làm Vua cho những ai đang sống và tôn thờ “văn hoá sự chết”, đối nghịch hoàn toàn với Phúc Âm sự Sống mà Chúa đã rao giảng và trả giá bằng chính mạng sống của mình. Đó là lối sống của những người đang chà đạp lên mọi giá trị nhân bản, đạo đức và luân lý, đang chậy theo mọi quyến rũ của tiền bạc, lợi danh phù phiếm và vui thú bất chính hiện nay. Trong viễn ảnh này, Vương Quốc của Người chắc chắn không dành cho những người đang sống thù nghịch với Phúc âm sự Sống, để tôn thờ chủ nghĩa vật chất vô luân và vô nhân đạo vì Vương Quốc của Ngài là Vương Quốc của yêu thương, bình an, công lý và thánh thiện. Nghiã là, Người chỉ làm Vua cho những ai thực tâm sống với những giá trị này ở khắp mọi nơi mà thôi.

Như vậy, muốn là thần dân của Vua Giêsu với những đặc tính quá lạ lùng nói trên, chúng ta phải làm gì để xứng đáng với danh vị cao quí ấy ?

Phải chăng chúng ta hãy cố gắng sống cân xứng với những đòi hỏi của Phúc Âm sự Sống để tôn vinh Vua Giêsu và mang ánh sáng của Người chiếu rọi vào những nơi tăm tối của thế giới gian tà này ?

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 18.11.2009. 14:55