Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chúa Giêsu Thánh Thể: Mầu Nhiệm Đức Tin

§ Trần Mỹ Duyệt

Sau nghi thức truyền phép, linh mục hai tay chỉ vào Bánh Thánh và Chén Thánh, hô to: “Đây là mầu nhiệm Đức Tin”, cộng đoàn đáp lại: “Lậy Chúa chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến”. Lời tuyên xưng này là một hành động của đức tin trước một mầu nhiệm của Đức Tin.

Chúa Giêsu Thánh Thể – Mầu nhiệm Đức Tin - Mầu nhiệm đã là một điều khó hiểu và không thể giải thích được bằng trí khôn con người. Mầu nhiệm Đức Tin lại càng không thể giải thích được bằng sự hiểu biết thông thường của con người. Do đó, trước Thánh Thể, thánh Tôma cũng đã không thể nói gì hơn, nhưng là: “Praestet fides supplementum, sensuum defectui” – Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì. Vậy Đức Tin dậy chúng ta những gì về Mầu Nhiệm Thánh Thể?

Thánh Thể

“Hãy cằm lấy mà ăn”. Ăn gì? Ăn bánh hằng sống.

“Tất cả anh em hãy cùng uống”. Uống gì? Uống nước ban sự sống.

Nhưng bánh ấy làm bằng gì và nước ấy phát xuất từ nguồn mạch nào?

Cũng theo Đức Tin, thì bánh ấy làm bằng “thịt” và nước là “máu” của Con Thiên Chúa: “Hãy cằm lấy mà ăn này là mình Thầy” (Mt 26:26); và “Tất cả hãy uống. Vì đây là máu giao ước mới của Thầy sẽ bị đổ ra vì nhiều người để được ơn tha tội” (Mt 26:26-27).

Ăn thịt và uống máu Chúa! Câu nói có khó nghe lắm không? Thật ra không phải mãi hôm nay chúng ta mới có những suy nghĩ như thế này, nó đã xẩy ra ngay từ lúc Chúa Giêsu nói với người Do Thái đương thời về dự tính mà Ngài muốn thực hiện, là biến Mình và Máu Ngài làm của ăn và uống thiêng liêng cho nhân loại: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời; bánh ta ban là thịt ta, cho thế gian được sống” (Gioan 6:51). Họ đã phản ứng lại: “Làm sao người này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn” (Gioan 6:52).

Phần Chúa Giêsu thì lại càng quả quyết hơn: “Thật ta bảo thật các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu người, các ngươi không có sự sống trong mình. Ai ăn thịt ta và uống máu ta thì sống đời đời và Ta sẽ làm cho sống lại ngày sau hết. Vì thịt ta thật là của ăn, và máu ta thật là của uống. Ai ăn thịt ta và uống máu ta thì ở trong ta, và ta ở trong người ấy” (Gioan 6:53-56). Và điều này đã đưa đến sự bất mãn của nhiều người: “Lời nói chói tai, ai có thể nghe cho được” (Gioan 6:60).

Phản ứng tiêu cực ấy vẫn không làm thay đổi chương trình của Ngài. Ngay cả thành phần các Tông Đồ, Ngài cũng cho họ được tự do lựa chọn, nghe hay không nghe. Phêrô đứng trước sự ra đi của nhiều người, đã mạnh dạn thưa với Chúa Giêsu: “Lậy Chúa, chúng tôi còn biết theo ai? Chúa có lời ban sự sống đời đời” (Gioan 6:68).

Lời ban sự sống đời đời ấy là Chúa. Là Mình và Máu Chúa. Tóm lại là chính Ngài. Và trước điều mà trí khôn và và giác quan con người không thấu triệt nổi ấy, như thánh Tôma A’quinas đã viết, chúng ta “hãy lấy Đức Tin bù lại”.

Mầu Nhiệm Đức Tin

Thật vậy, có lần nào bạn đã nhìn thấy Chúa Giêsu trong tấm bánh nhỏ sau khi linh mục đọc lời truyền phép chưa? Hoặc đã có lần nào bạn thấy chén rượu sau khi linh mục đọc lời truyền phép trở thành một chén máu đỏ tươi chưa? Nhưng điều mà con mắt của bạn và của tôi không nhìn thấy, thì Đức Tin đã chỉ cho thấy. Và cũng chỉ có Đức Tin mới cho phép trí khôn con người chấp nhận điều mà con mắt tự nhiên không nhìn thấy, và lý trí tự nhiên không giải thích được.

Vậy do Đức tin mà chúng ta biết được tấm bánh nhỏ bé, trắng tinh kia thật sự là Mình và chén rược kia thật sự là Máu Chúa Giêsu sau khi đã được truyền phép. Tóm lại, chỉ có Đức Tin mới làm cho chúng ta, những Kitô hữu tin theo Chúa Giêsu, nhìn ra Ngài, tin nhận Ngài thực tại hữu hình trong Thánh Thể

Trong khi ánh mắt nhân loại không nhìn ra Chúa; thì nhờ cặp mắt Đức Tin đã làm cho chúng ta cảm nhận và tin tưởng vững vàng Bí Tích Thánh Thể nhiệm mầu khi quì gối trước Thánh Thể. Và cảm thấy an vui, hạnh phúc, và bình an mỗi khi được rước Mình Máu Thánh Chúa trong các Thánh Lễ. Từ cảm nhận thần linh này đưa chúng ta vào mầu nhiệm hiệp nhất trong tình yêu với Thiên Chúa. Bí Tích Thánh Thể làm cho chúng ta được trở nên giống Chúa Kitô, khi được Ngài hòa tan và trở nên một với chúng ta. Có bao giờ bạn mơ mình được thử làm ông vua, bà hoàng chưa? Giấc mơ ấy tuy không xẩy ra trong đời thường nhưng trong thế giới siêu hình, mỗi lần chúng ta rước Thánh Thể là mỗi lần chúng ta được trở nên giống Chúa Kitô và như Chúa Kito: : “Ai ăn thịt ta và uống máu ta thì ở trong ta, và ta ở trong người ấy” (Gioan 6:56). Một người tầm thường như chúng ta, nhưng nhờ rước Thánh Thể đã trở nên như Chúa Kitô.

Chỉ có Thánh Thể mới cho chúng ta cái cảm nhận được Thiên Chúa sống trong chúng ta và làm cho chúng ta có thể nói được như Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20). Thánh nhân đã cảm nhận được sự sống này và đã quả quyết: “Với tôi, sống là Đức Kitô” (Phil 1:21). Phần Chúa Giêsu thì tha thiết mời gọi chúng ta: “Hãy ở lại trong tình yêu Thầy” (Gioan 15:9). Tất cả những điều này đều không thể cắt nghĩa được bằng trí khôn, bằng giác quan, nhưng chỉ có thể hiểu được qua ánh mắt Đức Tin.

Thánh Thể Tình Yêu Hiệp Nhất

Thật vậy, mỗi lần rước Thánh Thể chúng ta được cảm nhận một sự hiệp nhất sâu xa với Chúa Kitô và với anh chị em mình qua sợi dây nối kết là Giêsu. Thánh Phaolô đã diễn tả sự hiệp nhất này như sau: “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, chúng ta tuy nhiều cũng chỉ là một thân thể, vì tất cả chúng ta cùng chia một tấm bánh” (1Cor 10:17). Tư tưởng này được tóm gọn trong lời nguyện bác ái: “Tình yêu Chúa Kitô đã kết hợp chúng ta nên một”.

Kết hợp với Chúa Giêsu, và kết hợp với anh chị em. Nhờ Bí Tích Thánh Thể, Kitô hữu chúng ta không những được mật thiết với Chúa Kitô, mà còn được gắn bó và trở nên mật thiết với tất cả mọi người. Đây là điều không ai có thể làm được, nếu không nhờ vào, và qua Bí Tích Thánh Thể.

Kết Luận

Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Luca 22:19). Làm việc này là bẻ bánh – tham dự và dâng Thánh lễ. Và “hãy cầm lấy mà ăn. Hãy cầm lấy mà uống” – tức là rước Mình và Máu Thánh Chúa. Hành động bẻ bánh và ăn, uống đã cho chúng ta ý niệm về sự sống. Sống và sinh động để không những nhớ đến Ngài, mà còn làm chứng nhân cho Ngài trong chính cuộc sống của mỗi Kitô hữu.

Tại sao chúng ta đôi lúc thờ ơ đối với Thánh Thể? Thưa vì yếu kém đức tin. Vì Đức Tin yếu kém nên sinh hoài nghi. Và vì hoài nghi nên không tha thiết. Mà vì không tha thiết, nên Chúa Giêsu Thánh Thể không là gì trước con mắt phàm nhân loại của chúng ta. Nhưng với Đức Tin, thì mỗi lần đến trước Chúa Giêsu Thánh Thể, và mỗi lần rước Mình Máu Thánh Ngài là một đặc ân vô giá.

Chúa Giêsu Thánh Thể – Mầu nhiệm Đức Tin. Chính vì Thánh Thể là một Mầu Nhiệm của Đức Tin, nên không còn gì hơn là chúng ta phải đến với Thánh Thể và rước lấy Thánh Thể để nuôi dưỡng và tăng bổ đức tin ấy. Đồng thời qua việc tăng trưởng Đức Tin, chúng ta càng ngày càng nhìn ra Chúa một cách rõ ràng và yêu mến Người hơn. Tóm lại, khi đã tin vào Thiên Chúa, thì mầu nhiệm Thánh Thể sẽ trở thành một niềm hoan lạc, hạnh phúc và bình an.

Được ở trong Chúa và Chúa sống trong ta. Và bởi vì được ở trong Chúa, và được Chúa sống trong ta, nên chúng ta lại được chia sẻ tình thương ấy đến với tất cả anh chị em mình. Và nhờ đó, hạnh phúc chúng ta càng dồi dào, niềm vui của chúng ta càng sung mãn, và bình an của chúng ta càng lắng đọng, sâu lắng. Vì Thánh Thể một mầu nhiệm Đức Tin, nhưng cũng là một mầu nhiệm của Tình Yêu.

Trần Mỹ Duyệt

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 17.06.2006. 22:49