Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chúa Ba Ngôi Thông Báo Lời Khôn Ngoan

§ Lm Đinh Quang Thịnh

Lễ Chúa Ba Ngôi Năm C
Cn 8, 22-31 ; Rm 5, 1-5 ; Ga 16, 12-15

BÀI ĐỌC I : Cn 8, 22-31

22 Hãy nghe đây lời minh định của Đức Khôn Ngoan : "Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. 23 Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. 24 Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra.25 Trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra, 26 khi Đức Chúa chưa làm ra mặt đất với khoảng không, và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ. 27 Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời, khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm, 28 khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm, 29 khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ, khi Người đặt nền mĩng cho đất. 30 Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, 31 vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người"

ĐÁP CA : Tv 8

Đ. 2a Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !

4 Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, 5 thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?

6 Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, 7 cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân.

8 Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng, 9 nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.

BÀI ĐỌC II : Rm 5, 1-5

1 Thưa anh em, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.2 Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.3 Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng ; 4 ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy.5 Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.

TUNG HÔ TIN MỪNG : x Kh 1, 8

Hall-Hall : Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa đã có, hiện có và đang đến, xin tôn vinh chúc tụng muôn đời. Hall.

TIN MỪNG : Ga 16, 12-15

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : 12 Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.

CHÚA BA NGÔI THÔNG BÁO LỜI KHÔN NGOAN

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm khó hiểu nhất. Nhưng mạc khải về Chúa Ba Ngôi không phải là để thách đố lý trí con người. Công Đồng Vat II trong Hiến Chế Mạc Khải số 6 dạy : “Chính nhờ Thiên Chúa mạc khải, mà tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, tự nó vốn không vượt quá khả năng lý trí con người, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, đều có thể biết được cách dễ dàng, chắc chắn mà không lẫn lộn sai lầm”.

Đức Giê-su đã mạc khải cho chúng ta : Thiên Chúa không phải là một ngôi vị đơn độc, mà là Thiên Chúa Ba Ngôi : “Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Nhân danh Ba Ngôi ta được tái sinh làm con Thiên Chúa, trở nên môn đệ của Đức Giê-su (x Mt 28, 19-20).

Ba Ngôi Thiên Chúa bằng nhau : cùng hằng hữu, cùng toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ. Ngài là chân lý, Ngài là tình yêu, Ngài là nguồn sống của những kẻ tin Đức Giê-su là Chúa. Ngài là Bánh trường sinh (x Ga 6, 35) ; Ngài là ánh sáng ban sự sống (x Ga 8, 12) ; Ngài là cửa chuồng chiên, cửa dẫn vào Hội Thánh, vào Thiên Đàng (x Ga 10, 7-8) ; Ngài là Mục Tử liều mạng vì chiên (x Ga 10, 11-14) ; Ngài là sự sống lại và là sự sống (x Ga 11, 25) ; Ngài là đường và là sự thật, sự sống (x Ga 14, 6) ; Ngài là cây nho thật, ta như nho dại được tháp vào Ngài (x Ga 15, 1).

Ta có thể tạm ví Thiên Chúa Cha Ngôi thứ I, “Ngài là tảng băng (nước đá)” ; Chúa Con Ngôi thứ II, Ngài là “tảng băng đã chảy tan (nước lỏng)” ; Chúa Thánh Thần Ngôi thứ III, Ngài là “nước lỏng bốc hơi (sương trời)”.

Như thế cùng là nước, có lúc ở thể cứng, có lúc ở thể lỏng, có lúc ở thể hơi (khí), dù nước ở thể nào cũng cùng một bản chất như nhau.

Vậy bất cứ việc làm hoặc Lời nói của Ngôi nào đều là Ba Ngôi Thiên Chúa thực hiện. Nhưng Hội Thánh thường hiểu cách biệt quy :

I. NGÔI THỨ I : CHÚA CHA SÁNG TẠO

Tác giả sách Cách ngôn gọi Ngài là sự KHÔN NGOAN tự hữu có trước mọi tạo vật, vì Ngài tác tạo nên muôn loài, xếp đặt, điều khiển nó, Ngài thích chơi đùa trên mặt đất và vui thích ở với loài người (x Cn 8, 22-31 : Bài đọc I).

II. NGÔI THỨ II : CHÚA CON HOÀN TẤT CUỘC SÁNG TẠO ĐỂ CỨU LOÀI NGƯỜI.

Thánh Phao-lô nói về sứ mệnh của Ngôi II làm người, có tên là Giê-su, “Ngài đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang thực hiện ; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa, nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng : Ai gặp gian truân thì quen chịu đựng ; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên ; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy” (Rm 5, 2-4 : Bài đọc II). Vì thế, thánh Phao-lô nói : “Tôi có sực chịu đựng mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4, 13). Nhất là nhờ, với, trong Chúa Giê-su ta thực sự trở nên giống Chúa, ta như một giọt nước, Chúa như đại dương. Giọt nước nhỏ vào đại dương mênh mông, nó đựơc chung sức mạnh với đại dương thế nào, thì khi ta được ở trong Chúa, ta cũng được thông dự vào sự toàn năng đến nỗi Đức Giê-su hứa : “Ai tin vào tôi, chẳng những làm được các việc như tôi mà còn hơn thế nữa, vì tôi về cùng Cha tôi” (x Ga 14, 12).

III. NGÔI THỨ III : CHÚA THÁNH THẦN LÀM CHO CON NGƯỜI ĐƯỢC THÁP VÀO CHÚA GIÊ-SU ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ.

Đức Giê-su nói về sứ mệnh của Chúa Thánh Thần : “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16, 13-15 : Tin Mừng).

Như thế, ba lần Đức Giê-su nói “Thánh Thần đến thông báo cho Hội Thánh và dẫn đưa Hội Thánh dần dần đến chân lý vẹn toàn” (Ga 16, 13.14.15), là có ý nhấn mạnh chỉ nhờ Chúa Thánh Thần Hội Thánh công bố chân lý giải phóng con người (x Ga 8, 32). Bởi đó, nếu ta tìm sự thật nơi người đời, thì sự thật đó chỉ là sự dối trá, vì “hết thảy mọi người đều giả dối” (Tv 116[114-115], 11).

Dù sao khi ta còn mang thân xác phàm trần, thì ta chỉ biết Thiên Chúa phần nào thôi. Kinh Thánh diễn tả ông Mô-sê chỉ nhìn thấy lưng của Thiên Chúa (x Xh 33, 23). Có nghĩa là

a- Nhìn thấy lưng ai, là biết cách bất toàn về người đó. Thánh Phaolô nói : “Hiện ta thấy như ở trong gương, cách mường tượng. Bấy giờ thì tận mắt, diện đối diện. Hiện giờ ta biết một cách khuy khuyết, nhưng bấy giờ ta sẽ biết, cũng như Thiên Chúa biết ta” (1 Cr 13, 12).

Do đó bao lâu ta còn sống, cứ mãi mãi tìm hiểu về Thiên Chúa là nguồn phong phú bất tận!

b- Nhìn thấy lưng ai là phải đi sau, đi theo người đó. Đời người mãi mãi phải đi theo Thiên Chúa, đó là lý do Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ : “Hãy bỏ mọi sự mà theo Ta” (Mt 4, 19-20 ; 16, 24 ; Lc 5, 27).

Vậy không ai được dựa vào lý trí con người để hiểu biết về Thiên Chúa, vì như thế Thiên Chúa chỉ là “phóng thể” của trí tuệ con người, chứ Thiên Chúa không còn là Đấng Tự Hữu. Ví dụ ta không được hiểu Thiên Chúa làm nên hỏa ngục để đẩy xô kẻ ác vào đó, mà phải hiểu Thiên Chúa chỉ làm nên sự sống hạnh phúc dồi dào! Kẻ nào không đi đường Chúa chỉ đến hạnh phúc ấy, thì họ tự làm mất hạnh phúc. Đó là hỏa ngục người ấy tạo ra cho mình! (x Dnl 30, 15-20 ; Hc 15, 16-20)

Ba Ngôi Thiên Chúa bằng nhau về hết mọi phương diện, nhưng lại rất tôn trọng nhau, và cần đến nhau, nhằm thực hiện một chương trình là cứu độ loài người. Đó là nguyên lý hiệp nhất dẫn đưa đến sự sống dồi dào vô cùng hạnh phúc.

Trên đời này có ai bằng ai đâu : ta hơn người điểm này, thì người hơn ta điểm khác. Tại sao ta không biết tôn trọng nhau và cần đến nhau để cùng làm việc tông đồ xây dựng Hội Thánh, phát triển Tin Mừng ?! Vì Chúa Giê-su đã thiết tha cầu nguyện cho những ai đã thuộc về Ngài biết sống hiệp nhất :

THUỘC LÒNG.

Lạy Cha, xin cho chúng con nên một, như Chúa Cha ở trong Chúa Con, và Chúa Con ở trong Chúa Cha. (Ga 17, 21)

Lm Đinh Quang Thịnh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.06.2010. 16:38