Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chính tôi đã ước ao được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích anh em của tôi

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Chú Giải Thánh Thư Chúa Nhật XIX Thường Niên – A (Rom 9:1-5)

Trong những tuần trước Thánh Phaolô cho chúng ta biết về niềm hy vọng của những ai yêu mến Thiên Chúa là được trở nên giống Đức Kitô. Một khi chúng ta kết hợp với Đức Kitô là Đấng đã yêu chúng ta trước và đã chết cho chúng ta thì không ai và không có gì có thể tách biệt chúng ra ra khỏi tình yêu của Người.

Hôm nay Thánh Phaolô than phiền về việc người Do Thái đã không nhận ra Chúa Giêsu là Đức Kitô hay Đấng Mêsia. Họ là những người anh em và đồng bào của ngài mà ngài luôn luôn hết lòng thương mến. Trước khi đi vào chi tiết của bài Thánh Thư hôm nay, cũng cần nhắc lại rằng trong Chương 1 Thánh Phaolô đã nhìn nhận rằng ngài có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho người Do Thái trước và ngài “không hổ thẹn vì Tin Mừng. Ðó là quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ bất cứ ai có đức tin, trước tiên là người Do Thái, sau đó là người Hy Lạp” (Rom 1:16). Nhưng vì người Do Thái không sẵn lòng đón nhận Tin Mừng ngài rao giảng nên ngài đã bảo họ, “Mặc cho máu các người đổ trên đầu các người! Tôi không còn trách nhiệm gì nữa; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với Dân Ngoại” (CV 18:6). Tuy nhiên Thánh Nhân luôn cầu nguyện cho họ và tin tưởng rằng Thiên Chúa vẫn trung thành với lời Ngài hứa cùng các tổ phụ và ơn kêu gọi họ làm dân riêng của Ngài. Và “ơn kêu gọi của Thiên Chúa không thể thu hồi được” (Rom 11:28).

Câu 1 - Tôi xin nói thật trong Đức Kitô, tôi không nói dối:

Nói thật trong Đức Kitô - Ở đây Thánh Phaolô trịnh trọng thề trong Đức Kitô rằng tất cả những điều mà ngài sắp nói về dân Do Thái là phát sinh tân đáy lòng ngài. Ít khi mà Thánh Phaolô lại rào trước đón sau như ngài viết ở đây. Trong đoạn này ngài đang nói với những Kitô hữu gốc Do Thái, nên câu nói này có hiệu lực của một lời thề nhân danh Đấng Mêsia. Điều này chứng tỏ lòng tin của ngài rằng Đức Kitô là Thiên Chúa. Ngài thề trong Đức Kitô vì Người có thể thấy rõ lòng ngài chân thật hay gian dối.

lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần:

Như chúng ta biết, lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa trong tâm hồn mỗi người. “Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người.” (GLCG 1776). “Với lương tâm, chúng ta nhận trách nhiệm về những hành vi đã thực hiện. Nếu con người làm điều xấu, phán đoán ngay chính của lương tâm làm chứng cho chân lý phổ quát của điều thiện và tố cáo việc lựa chọn sai trái.” (GLCG 1781). Vì thế mà Thánh Phaolô nói rằng lương tâm của ngài làm chứng cho ngài. Ngài thêm “trong Thánh Thần” vì Chúa Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý là Đấng soi sáng lương tâm và giúp chúng ta nhận ra chân lý. Đây không phải đơn thuần là một lương tâm, mà là lương tâm được đào luyện kỹ càng trong chân lý.

Thánh Phaolô nói những điều trên không phải vì ngài sợ chúng ta không tin ngài, nhưng là để chuẩn bị cho chúng ta đón nhận những gì ngài sẽ nói sau đó. Vì những điều ngài sẽ nói là những điều quan trọng và khó hiểu.

Câu 2 - là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn.

Trước khi đưa ra những lý do của điều ngài muốn nói, Thánh Phaolô diễn tả nỗi lòng của ngài. Câu này vừa nói lên sự đau đớn trong lòng, vùa nói lên niềm âu lo của ngài đối với người Do Thái. Khi nói “lòng tôi hằng đau đớn luôn” Thánh Phaolô không có ý nói rằng lúc nào ngài cũng đau đớn, mà nói rằng khi nào ngài nghĩ đến dân Do Thái là ngài đau đớn. Ngài sẽ giải thích nguyên nhân của sự đau đớn này là gì trong những đoạn thư sau đó.

Đôi khi trong đời chúng ta có những vấn đề khó khăn mà chúng ta phải nói, dù biết rằng “sự thật mất lòng” cho nên chúng ta cũng chẳng sung sướng gì khi nói. Nhưng để tránh mất lòng thường chúng ta phải khéo léo bằng cách nói lên cảm giác của mình chứ không phê bình hay chỉ trích người khác. Thánh Phaolô cũng đang làm như thế.

Câu 3 - Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác.

Mới đọc xem ra câu này trái ngược với những gì Thánh Phaolô nói ở Chương 8. Cuối Chương 8 ngài quả quyết rằng “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rom 8:39), bây giờ ngài lại nói rằng ngài “ao ước được loại khỏi Đức Kitô.”  Thật là mâu thuẫn!

Thực ra hai tư tưởng này bổ túc cho nhau. Chính tình yêu Đức Kitô đã thúc đẩy Thánh Phaolô phải làm mọi sự, phải hy sinh tất cả để giúp mọi người, đặc biệt là người Do Thái, nhận ra Đức Kitô là Đấng Cứu Thế. Trong trường hợp này Thánh Phaolô muốn hy sinh cả hạnh phúc được cảm nghiệm tình yêu của Đức Kitô để người Do Thái có thể nhận biết Người.

Hành động của Thánh Phaolô cũng giống như của ông Môsê khi ông cầu nguyện cho dân Do Thái sau khi họ phạm tội thờ bò vàng tại núi Sinai. Ông đã thưa cùng Thiên Chúa, "Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xoá tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết" (Xh 32:31-32).

Trong trường hợp này, Thánh Phaolô không tình nguyện xuống Hỏa Ngục để người Do Thái được lên Thiên Đàng, nhưng tình nguyện chịu đựng tất cả, kể cả việc cảm thấy bị Đức Kitô bỏ rơi, không được Người an ủi, như Chúa Giêsu đã cảm thấy bị Đức Chúa Cha bỏ rơi trên Thập Giá để cứu đồng bào của ngài. Giáo phụ Origen viết, “Tại sao lại ngạc nhiên khi thấy vị Tông Đồ ao ước bị chúc dữ vì anh em của ngài, khi mà Đấng đồng hình dạng với Thiên Chúa đã trút bỏ chính Mình, mặc lấy hình dạng một tên nô lệ và trở thành đồ bị chúc dữ vì chúng ta (x. Phil 2:6-8)? Tại sao không ngạc nhiên khi Đức Kitô trở nên đồ bị chúc dữ vì các đầy tớ của Người, mà lại ngạc nhiên khi một trong những đầy tớ của Người phải trở nên đồ chúc dữ vì anh em mình?” (Origen (A.D. 244), Chú Giải thư Rôma).

Câu 4 - Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa;

Họ đều là người Israel - Trong câu này, Thánh Phaolô gọi là người Israel thay vì người Do Thái. Theo lịch sử thì tất cả người Do Thái (Jews) đều là người Israel, nhưng không phải tất cả mọi người Israel đều là người Do Thái. Israel là danh hiệu mà chính Đức Giavê đã đặt cho ông Giacob, và cho con cháu ông là dân Israel (St 32:28), dân riêng của Thiên Chúa. Sau thời vua Sôlômôn, dân Israel chia thành hai vương quốc. Vương quốc Giuđa ở phiá nam gồm hai chi tộc Giuđa và Bengiamin. Vương quốc Israel ở phiá bắc, gồm 10 chi tộc còn lại. Rồi sau đó ngài nhắc lại tám đặc quyền đi kèm với danh hiệu ấy. Khi gọi lài người Israel, Thánh Phaolô có ý nói đến dân của cả 12 chi tộc Israel. Trong sách Giáo Lý Công Giáo, Hội Thánh cũng đề cao địa vị của dân Israel trong tương quan với Hội Thánh.

“Khi tìm hiểu kỹ càng mầu nhiệm của chính mình, Hội Thánh, Dân Thiên Chúa trong Giao Ước mới, khám phá ra mối liên hệ giữa mình với dân Do thái là dân đầu tiên được Thiên Chúa ngỏ lời. Không như các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo, đức tin Do Thái đã là lời đáp ứng mặc khải của Thiên Chúa trong Cựu Ước. ‘Chính dân Do Thái được Thiên Chúa nhận làm con, cho thấy vinh quang, ban tặng giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa. Họ là con cháu các tổ phụ và sau hết chính Ðức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ’ (x. Rm 9, 4-5), vì ‘khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý’ (Rm 11: 29)” (GLCG 839).

Sáu đặc quyền đầu tiên được kể ra trong câu này là:

1. Quyền làm nghĩa tử - Trong lịch sử cứu độ, việc Thiên Chúa chọn dân Israel làm dân riêng nâng họ lên địa vị nghĩa tử của Ngài. Không những làm ghĩa tử mà Ngài còn nhận họ làm trường nam. Trong Cựu Ước Thiên Chúa phán “Israel là con Ta, tức con đầu lòng của Ta” (Xh 4:22, cũng xem Dnl 14:1; Is 1:2; Ger 3:19-22; 31:9; Hs 11:1).

“Tình thương của Thiên Chúa dành cho Israel được so sánh với tình thương của một người cha đối với con mình (Hs 11:1). Tình thương đó còn mạnh hơn tình thương của một người mẹ dành cho con cái ( x. Is 49:14-15)” (GLCG 219).

2. được vinh quanglà vinh quang Thiên Chúa tỏ ra cho dân Israel trong cột lửa lúc xuất hành (Xh 13:21-22; 15:6;11); trong Thần Hiện trên núi Sinai (Xh 19:24); trong hoàng địa nơi Lều tạm (Xh 34:30); và sau này tại Đền Thờ Giêrusalem (1 vua 8:10-11)

3. giao ướcđúng ra phải dịch là các giao ước vì ở đây Thánh Phaolô dùng διαθηκαι là số nhiều. Thiên Chúa lập nhiều giao ước với các tổ phụ của dân Israel. Đặc biệt nhất trong các giao ước ấy là giao ước với ông Abraham (St 15:18); với ông Môsê cùng dân Israel ở núi Siani (Xh 24:7-8), và với vua Đavid (1 vua 8:25).

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khi còn là Hồng Y đã viết rằng, “Trong Chương 9, Thánh Phaolô hát bài ca ngơi Israel: Trong số những đặc ân Chúa ban cho dân Ngài là ‘các giao ước’, và theo truyền thống Khôn Ngoan là nhiều. […]. Thánh Phaolô hiểu rõ rằng trước Lịch Sử Cứu Độ Kitô giáo, chữ ‘giao ước’ phải được hiểu và đề cập đến ở số nhiều; vì từ những giao ước khác nhau, ngài chọn hai giao ước đặc biệt và đặt chúng trong thế đối nghịch nhưng bổ túc cho nhau, và nói lên sự liên hệ giữa mỗi giao ước với giao ước trong Đức Kitô: đó là giao ước với ông Abraham và giao ước với ông Môsê” (Many Religions, One Covenant, tr. 55).

“Việc qui tụ Dân Thiên Chúa được ‘chuẩn bị xa’ với ơn gọi của Abraham. Thiên Chúa hứa là ông sẽ thành cha của một dân tộc vĩ đại ( x. Ga 12:2; 15:5-6). Cuộc chuẩn bị gần bắt đầu bằng việc tuyển chọn Israel làm Dân Thiên Chúa ( x. Xh 19:5-6; Ðnl 7:6). Ðược Thiên Chúa tuyển chọn, Israel phải là dấu chỉ cho việc qui tụ tất cả các dân tộc trong tương lai ( x. Is 2:2-5). Nhưng các ngôn sứ tố cáo Israel đã phản bội giao ước và cư xử như một gái điếm ( x. Hs 1; Is 1:2-4; Gr 2; v.v...). Các Ngài loan báo một giao ước mới và vĩnh viễn ( x. Gr 31:31-34; Is 55:3). ’Giao ước mới này do chính Ðức Kitô đã thiết lập’(LG 9)” (GLCG 716).

4. lề luật– Là Ngũ Kinh, những điều diễn tả ý muốn của Đức Giavê mà Ngài đã ban cho ông Môsê (Xh 20:1-17; Dnl 5:1-22). Lề luật này không chỉ giới hạn ở những gì được viết trong Ngũ Kinh mà còn các Truyền Thống và tất cả những sách Thánh khác trong Cựu Ước mà Thiên Chúa trao cho dân Israel.

“Chúa Giêsu không hủy bỏ Lề Luật núi Sinai, nhưng đã kiện toàn (x. Mt 5: 17-19) cách tuyệt hảo (x. Ga 8: 46): Người mặc khải ý nghĩa tối hậu (x. Mt 5: 33) của Lề Luật và chuộc tội lỗi người ta đã phạm đối với Lề Luật (x. Dt 9: 15)” (GLCG 529)

5. việc phượng tự - Trong lúc các dân ngoại còn dùng điếm thần và giết người để tế thần, thì Thiên Chúa truyền cho dân Israel một cách phụng tự mới. Cách phụng tự này được ghi lại chi tiết trong sách Xuất Hành từ chương 25 đến chương 31. Các nghi lễ phụng tự lúc đầu được tổ chức ở Lều Tạm trong hoang địa rồi sau đó ở Đền Thờ Giêrusalem.

6. và lời hứa -  Đây là những lời Thiên Chúa hứa với các ông Abraham (St 12:2;13:14-17; 15:4; 17:4-8, 16, 19; 21:12; 22:16-18); Isaác (St 26:3-5); Giacob (St 28:13-14); Môsê (Đnl 18:18-19), Aarôn (Lv 2:13), Phinêa (Ds 25:11-15), vua Đavid (2 Sam 7:16-11), và qua các Ngôn Sứ.

Dân tộc phát sinh từ Abraham sẽ lãnh nhận lời Thiên Chúa đã hứa với các tổ phụ. Ðây là dân tuyển chọn ( x. Rom 11:28), được gọi để chuẩn bị cho cuộc qui tụ con cái Thiên Chúa một ngày nào đó trong Hội Thánh duy nhất ( x. Ga 11:52; 10:16); dân này sẽ là gốc rễ mà các dân ngoại khi tin vào Thiên Chúa sẽ được tháp vào ( x. Rom 11:17-18:24) (GLCG 60).

Câu 5 - các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Đức Kitô sinh ra phần xác,

Câu này nói về hai đặc ân cuối cùng mà Thiên Chúa ban cho dân Israel:

7. các tổ phụ - Dân Israel được thừa các gia sản mà các tổ phụ để lại. Họ vẫn tiếp tục tôn thờ Thiên Chúa và thừa hưởng gia tài đức tin của của tổ tiên họ là Abraham, Isaac và Giacob (x. Rom 11:28).

8. Đức Kitô – hay Đấng Mêsia (Đấng Được Xức Dầu). Thiên Chúa hứa một đấng cứu độ trong tương lai, trước hết cho toàn thể nhân loại (St 3:15), và đặc biệt là cho dân Israel. Đấng ấy sẽ đến với dân Israel như một Ngôn Sứ (Đnl 18:18-19), một Thượng Tế (Tv 110:4), và một Vị Vua (2 Sam 7:11-16).

Đức Kitô là đặc ân cao quý nhất Thiên Chúa ban cho dân Israel. Tiếc rằng đa số dân Israel đã không chấp nhận Người.

“Chúa Giêsu có những hành vi như việc tha tội tỏ ra Người là chính Thiên Chúa Cứu Ðộ (x. Ga 5:16-18). Một số người Do Thái không nhìn nhận Người là Thiên Chúa Làm Người, chỉ thấy Người "là một phàm nhân mà lại tự cho mình là Thiên Chúa" (Ga 10:33), nên đã kết tội Người là phạm thượng” (GLCG 594).

Mặt khác, khi nhìn về tương lai, Dân Thiên Chúa của Cựu Ước và Dân Mới của Thiên Chúa đều mong chờ Ðấng Mêsia (đến hoặc trở lại). Nhưng Hội Thánh mong chờ sự trở lại của Ðấng Mêsia đã chết và phục sinh, được nhìn nhận là Ðức Chúa và là Con Thiên Chúa; còn dân Do Thái mong chờ một Ðấng Mêsia không rõ nét, sẽ đến vào ngày tận thế, một sự mong chờ đầy bi thảm vì không biết và không nhận Ðức Giêsu là Ðấng Kitô (GLCG 840).

Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời. Amen.  

Trong câu này Thánh Phaolô tuyên xưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Giáo Lý Công Giáo dạy: “Khi dành cho Ðức Giêsu danh hiệu thần linh là Ðức Chúa, những lời tuyên xưng đức tin của Hội Thánh xác nhận ngay từ đầu (x. Cv 2:34-36) rằng quyền năng, danh dự và vinh quang của Chúa Cha cũng thuộc về Chúa Giêsu (x. Rom 9:5; Tt 2:13; Kh 5:13), vì Người có ‘địa vị ngang hàng với Thiên Chúa’ (Pl 2:6), và Chúa Cha đã bày tỏ quyền tối thượng của Ðức Giêsu khi cho Người sống lại từ cõi chết và biểu dương Người trong vinh quang (x. 1Cr 12:3; Pl 2:9-11; Rom 10:9)” (GLCG 449). Cho nên Người đáng được chúc tụng muôn đời.

Lạy Thiên Chúa, ngày xưa dân Israel được Chúa tuyển chọn, thương yêu và chúc phúc. Nhưng vì mơ tưởng một Đấng Mêsia theo ý họ chứ không theo Thánh Ý Chúa, nên khi Đức Kitô đến họ đã không nhận ra Người. Xin ban cho con biết nhận ra Thánh Ý Chúa trong mọi sự để được ơn Cứu Độ mà Chúa đã hứa. Lạy Mẹ, Mẹ được Thiên Chúa ban cho hồn xác lên trời vì Mẹ đã dâng hiến trọn đời Mẹ để làm theo Thánh Ý Chúa. Xin Mẹ cầu bầu cho con. Lạy Thánh Phaolô xin tiếp tục chỉ dạy con biết sống thế nào để cho mọi người nhận ra vinh quang của Đức Kitô qua đời sống của con. Amen.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 10.08.2008. 10:56