Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cha và Con

§ Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM

Dụ ngôn Người con hoang đàng, cũng gọi là dụ ngôn Người cha nhân hậu (Lc 15,11-32) hẳn là dụ ngôn đẹp nhất của Tin Mừng. Và có lẽ bất cứ ai chăm chú đọc dụ ngôn này đều phải ngạc nhiên (và có khi thắc mắc) về cách cư xử của người cha với hai đứa con. Ta thử lược lại và lưu ý về những điểm "khác thường" trong cách cư xử ấy để tìm ra ý nghĩa sâu xa của nó.

Một người cha "không giống ai"

Người cha có hai đứa con, và ngay kia thằng con thứ bất thần đến xin ông cho nó phần tài sản nó được hưởng. Và ông đã chia của cải cho hai con một cách dễ dàng theo lời xin của đứa con thứ, mà không thấy phải cân nhắc đắn đo kỹ trước. Rồi sau khi thằng con ngỗ nghịch này bỏ nhà ra đi, ăn chơi trác táng, phung phí hết sạch, phải rơi vào tình cảnh sa đọa tột cùng nên quyết định quay về, thì ông đã nhìn thấy nó từ xa -( chắc hẳn không phải tình cờ, nhưng lại hẳn là từ khi con ra đi, ông vẫn mong chờ nó và có thói quen ra đứng nhìn về phía trước nhà …) ; rồi không đợi nó bước vào nhà, ông đã chạy ra đón nó, ôm cổ và hôn lấy hôn để (hãy chú ý cách hôn vồn vã, dồn dập). Sau đó đứa con bắt đầu "xưng tội", nhưng không đợi nó đọc hết "công thức" đã chuẩn bị sẵn --( mà chắc ông cũng chả để ý nghe)- người cha bảo đầy tớ mau mau lấy áo đẹp nhất (không phải chỉ cái áo đẹp nào đó) mặc cho nó, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân nó, bắt con bê đã vỗ béo làm thịt ăn mừng (có sẵn một con bê đã vỗ béo, phải chăng là người cha đã chuẩn bị sẵn cho ngày hội ngộ hôm nay?), ông còn mời cả một ban nhạc và múa cho bữa tiệc mừng nữa. Thật là linh đình!

Còn cách người cha cư xử với đứa con cả cũng đặc biệt nữa. Khi ở ngoài đồng về đến gần nhà, anh ta dọ hỏi chuyện gì đang xảy ra rộn ràng trong nhà, và sau khi biết lý do của bữa tiệc, anh ta nổi giận không chịu vào. Giận ai? Giận cha đối xử không công bằng. Mình suốt đời hầu hạ cha không sai một điều, vậy mà cha chẳng bao giờ cho lấy được một con dê con - chỉ dê con thôi, không phải bê béo- để vui vẻ với bạn bè, đàng này, thằng hư hỏng kia … Biết chuyện, người cha lại ra tận chỗ đứa con cả đang đứng mà năn nỉ. Hạ mình đến thế là cùng! Trước lời trách móc của đứa con, ông vẫn một mực dịu dàng: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng ta phải ăn mừng vì em con đây đã chết à nay lại sống [- "em con" chứ không phải chỉ là "thằng con của cha đó" như anh ta đã gọi đứa em-], đã mất mà nay lại tìm thấy."

Chúng ta không bao giờ tin vào tình thương của Chúa cho đủ

Ta không hiểu và ta khó chấp nhận cách cư xử của người cha trong dụ ngôn khi theo các tiêu chuẩn thông thường của người đời. Một ông cha tốt đến mấy cũng không hành xử như thế. Chúng ta viện đủ lý lẽ : nào là thiếu khôn ngoan, nào là mềm yếu quá ("con cái nó khinh thường"), hay là thiếu phương pháp giáo dục, thiếu chừng mực, không công bằng. Nhưng dụ ngôn đang nói về Thiên Chúa, không phải về các bậc làm cha thường tình. Đây là cách hành xử của chính Thiên Chúa. Quả thực, ở đây chúng ta thấy có cái gì đó thiếu chừng mực, quá mức, có cái gì quá hào phóng, không tính toán hay cái gì như là mù quáng vậy. Người cha để cho mình bị tình thương "chi phối" hoàn toàn. Ông không hành động theo chỉ dẫn của lý trí nhưng dưới thúc đẩy của trái tim một người cha. Một người cha mà giống y như một người mẹ. Còn chúng ta, căn cứ theo lý trí, ta thích sự chừng mực, đưa chừng mực lên thành một nhân đức. Người Hy-lạp xưa cũng như người hiền của Đông phương cổ đều đặt nhân đức nằm ở giữa cái bất cập và cái thái quá. Mềm quá không được mà cứng quá cũng không được. In medio stat virtus (nhân đức đứng ở giữa).

Khi chúng ta phạm tội, ta hãy khắt khe với mình nhưng hãy vững tin vào tình yêu vô hạn của Thiên Chúa, hãy quay về phó thác vào trong tay Cha yêu thương. Không bao giờ ta tin vào tình thương Chúa cho đủ. Người cứ tốt, cứ tốt, cứ tốt mãi hơn những gì ta nghĩ về Người. Cha Auguste Valensin nhận xét: "Chúng ta không tốt cho đủ nên dù chỉ là ý tưởng về lòng tốt thôi, chúng ta cũng không có được cách dễ dàng. Ta hiểu rõ sự công minh hơn tình yêu. Công minh làm cho ta toại nguyện, tình yêu làm ta bối rối … Với những ý nghĩ như chúng ta có, Thiên Chúa đã chẳng bao giờ nhập thể và nhất là Đức Giêsu đã chẳng bao giờ chịu khổ hình. Sự thật là tình yêu có lý lẽ riêng của nó" (Nhật ký 11/11/1937).

Sống với Chúa như con với cha, không như người làm công với ông chủ

Đứa con cả không phải là xấu, trái lại anh ta đã luôn phục vụ cha đầy đủ, không bao giờ trái lệnh cha điều gì. Nhưng anh ta chỉ là một con người của bổn phận. Sống trong nhà cha mà anh ta ăn ở không khác gì một người làm công, không phải như một đứa con, nên anh ta kể công với cha và cứng cỏi với em. Xem ra cuộc sống anh ta chẳng có gì vui vẻ.

Còn đứa con thứ, anh ta hư hỏng thì đã rõ rồi, nhưng cái cứu vớt anh ta trước hết là trong tận cùng của nhục nhã và sa đọa- (đi chăn heo, một con vật dơ nhớp đối với người Do-thái…)-, anh ta đã biết hồi tâm, biết nhớ nhà và nhớ cha : "Ở nhà cha tôi thì …" Một cách lờ mờ anh ta hiểu mình không những đã mất hết của cải mà trầm trọng hơn, đã mất hết phẩm giá và tư cách làm con. Nên trong đầu anh đã hình thành một câu xưng thú: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa, xin coi con như một người làm thuê cho cha vậy." Nhưng trong lúc đó người cha trước sau vẫn coi anh là con, nên khi anh ta quay về, ông đã lập tức đưa anh ta trở vào địa vị làm con với tất cả niềm vui sướng. Và đó mới thực là điều đã cứu vớt người con hư hỏng. Bây giờ anh ta mới hiểu rằng chỉ ở trong nhà cha mới tìm được tự do, hạnh phúc và phẩm giá đích thực.

Đức Gioan Phaolô viết: "Người con này, kẻ đã nhận phần gia tài của cha chia cho và bỏ nhà ra đi để tiêu sạch ở một xứ xa xôi bằng cách "sống trác táng", theo một nghĩa nào đó là con người mọi thời đại, kể từ kẻ đầu tiên đã làm mất gia tài ân sủng và sự công chính nguyên thủy" (Tđ Thiên Chúa giàu lòng thương xót, số 5,#3).

***

Đến chúa nhật IV Mùa Chay, chúng ta đã đi được nửa chặng đường chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh là lễ lớn nhất của năm phụng vụ Kitô giáo. Giáo Hội cho chúng ta đọc lại dụ ngôn này vào chính giữa chặng đường Mùa Chay như một cách lặp lại với chúng ta --dưới hình thức một truyện kể rất cảm động -- lời kêu gọi của ngày thứ tư Lễ Tro: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!" Lời kêu gọi đó, hôm nay trở thành: "Hãy sám hối, hãy bỏ đường tội lỗi mà trở về sống lại trong tình nghĩa của Cha yêu thương trong chức vị làm con!"

Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 14.03.2010. 15:11