Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cêsarêa Philippi và Giêrusalem: biểu tượng cho hai ý nghĩa khác

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên/A(Mt 16,13-20)

Ðể hiểu được bài Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay một cách đầy đủ hơn, chúng ta cần phải giới thiệu nơi và hoàn cảnh đã xảy ra sự việc, được trình bày trong đoạn Tin Mừng. Thánh sử Má-thêu nêu lên câu hỏi của Ðức Giêsu: "Người ta bảo Con Người là ai?" và tiếp sau đó là câu trả lời của Phêrô: "Thầy là Ðấng Messia, là Con Thiên Chúa hằng sống!", và sau cùng là lời báo trước cuộc khổ nạn: Tất cả đều xảy ra tại miền Cê-sa-ri-a Phi-lip-pi.

Chính ở đây, ở dưới chân ngọn núi cao Hermon, tiểu vương Hê-rô-đê Phi-líp-pô chọn làm thủ đô cho tiểu quốc của ông, với công trình xây dựng một đền thờ nguy nga đồ sộ để thờ kính hoàng đế Cê- sa-rê Au-gust-tô quá cố. Vì thế, thành phố đó mang tên là Cê-sa-rê-a Phi-líp-pi. Ở đây có một bức tường thành bằng đá tảng vĩ đại với những khám đục sâu vào trong bức tường để các tượng thần Pan Hy-lạp, vị thần chăn chiên, bởi vì bức tường bằng đá tảng vĩ đại được dâng kính ông thần mục đồng đó. Và từ bức tường đá đó có một cái cửa hầm tự nhiên, trông tựa như một cái miệng khổng lồ phun trào ra một trong các nguồn nước mát ngọt chảy vào sông Gio-đan.

Đức Giêsu nói cùng môn đệ Phêrô: "Thầy trao cho con chìa khóa Nước Trời"

Trong bối cảnh đó của thành phố Cê-sa-rê-a Phi-líp-pi: một nơi đủ các loại thần thánh cũng như những người phàm được dân chúng tôn thờ như những vị thần thánh, Ðức Giêsu đã nêu lên câu hỏi: "Người ta bảo Con Người là ai?" Ðối mặt với ngọn núi đá và các vị thần ngoại đạo hùng vĩ như thế, thì lời tuyên xưng của môn đồ Phêrô mang đầy tính cách thách đố của nó: "Thầy là Ðấng Messia, là Con Thiên Chúa hằng sống!" Ở đây, trong câu nói của Phêrô, chúng ta nhận ra được sự tuyên xưng đức tin kỳ cựu của Kitô giáo thời khai nguyên. Ngược lại với đại đa số các người đồng thời và đối mặt với các thần thánh và người đồng thời tin thờ, họ đã can đảm tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Ðức Chúa và Chúa Tể cả trời đất, cả khi sự tuyên xưng đó sẽ đưa đẩy họ vào cảnh tù tội và đủ mọi đau khổ khác. Ðiều đó chứng tỏ rằng đức tin vào Ðức Giêsu của các Kitô hữu tiên khởi thật vô cùng vững vàng và mạnh mẽ, khiến họ không còn sợ hãi trước bất cứ quyền lực trần thế cũng như các thần tượng ngoại giáo nào.

Ðức Giêsu đã rời bỏ miền trung bộ xứ Ga-li-lê bằng cách vượt qua biển hồ Ga- li-lê. Cùng với các môn đệ, Người đã đi về phía bắc. Ðó là vùng của những người sùng đạo và đồng thời cũng là những kháng chiến quân Zê-lốt Do-thái. Ở trong miền núi cao hiểm trở này, những người Zê-lốt đã rút vào đó ẩn lánh sự sát hại của quân Roma và để bằng an giữ vững đức tin vào Thiên Chúa Gia-vê, đồng thời cũng từ đây họ tung ra những trận đánh du kích tiêu diệt quân Roma, hy vọng giải phóng được cho đất nước. Nhìn bên ngoài, đoàn người ngày đêm theo sát Ðức Giêsu cũng rất dễ gây cho người ta có ấn tượng là họ giống những người Zê-lốt. Và có lẽ các môn đệ Ðức Giêsu cũng đã nhìn thấy nơi Sư Phụ của họ hình ảnh một vị Thiên Sai đã được sai đến để giải thoát họ ra khỏi ách nô lệ Roma. Vì thế, lời tuyên xưng: "Thầy là Ðấng Messia của Thiên Chúa" chứa đựng hai ý nghĩa. Chắc chắn rằng nhiều người - và trong đó có cả Phêrô nữa – đã coi Ðức Giêsu như là một vị lãnh tụ về chính trị. Nhưng chính Ðức Giêsu lại không hề có khuynh hướng làm chính trị để giải thoát dân ra khỏi ách nô lệ ngoại bang. Vì thế, Người đã muốn làm sáng tỏ vấn đề tuyên nhận sứ mệnh Messia của Người, hầu để tránh đi sự hiểu lầm và những mong đợi sai lạc về Người của các môn đệ cũng như của những người đương thời. Thánh sử Mát-thêu viết tiếp: "Từ lúc đó, Ðức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại" (Mt 16,21).

Sự đối đầu với các kỳ mục và các kinh sư chỉ có thể xảy ra tại thủ đô của Do-thái, tại Giê-ru-sa-lem. Và Giê-ru- sa-lem luôn luôn có một cái gì đó khác với Ga-li-lê-a và Cê-sa-rê-a Phi-líp-pi. Vào thời Ðức Giêsu:

* Giê-ru-sa-lem gồm có đền thờ và hàng ngàn người sống nhờ vào của dâng cúng và các lợi lộc của đền thờ; những người tuy phải sống dưới ách đô hộ hà khắc của ngoại bang, nhưng vẫn có chút an ủi là họ còn có phương kế sinh nhai kiếm sống.

* Giê-ru-sa-lem là nơi có nhiều các trường đào tạo của hai hệ phái Pha-ri-sêu và Sát-đu, những người tuy mang đầy tinh thần dân tộc, nhưng vẫn không dám nổi lên chống lại quân đô hộ, vì sợ hậu quả sẽ tồi tệ hơn, mạng sống họ và các tổ chức của họ sẽ lâm vào cảnh nguy hiểm có thể bị tiêu diệt. Giữa hai cái xấu, họ đành phải chọn cái ít xấu hơn!

* Tiếp đến, Giê-ru-sa-lem là nơi với lầu đài An-tô-ni-a hùng vĩ, tổng hành dinh của viên toàn quyền Phông-xi-ô Phi-la-tô, một người nổi tiếng độc ác và - để bảo vệ chiếc ghế toàn quyền của mình – y sẽ không ngần ngại sử dụng bất cứ biện pháp nào, miễn sao không để xảy các vụ lộn xộn và bất an trên toàn lãnh thổ dưới quyền y, hầu cho hoàng đế ở Roma không can thiệp vào.

Ðó là ba thành phần sống đối mặt với nhau tại Giê-ru-sa-lem. Họ luôn xa lạ và cách biệt với nhau. Họ chỉ có nhất trí với nhau trong một điểm duy nhất là không muốn có sự nổi dậy bất an trong thủ đô.

Ðối với Ðức Giêsu, Người đã ý thức được một cách rõ ràng rằng Người không thể tránh khỏi Giê-ru-sa-lem, một nơi mang tính cách quyết định sứ mệnh của Người, nếu Người vì vâng lời Chúa Cha mà muốn chu toàn sứ mệnh đó.

Thực ra, từ xưa tới nay Giê-ru-sa-lem vẫn là nơi mang tính cách quyết định. Thung lũng Gio-sa-phát, nằm giữa thành phố và núi cây dầu, đã đóng một vai trò quan trọng nơi các vị Tiên tri. Chính ở đây, Thiên Chúa sẽ xét xử các dân tộc. Ðể biết được là người ta đã thận trọng đối với vùng đất của những định đoạt này như thế nào, thì chỉ nhìn vào việc Ma-hô-mét và đoàn quân hùng hổ của ông ta sau đó mấy trăm năm khi tới thung lũng này đã phải kính cẩn xuống ngựa. Các tín đồ Hồi Giáo xác tín rằng có một dây thừng khổng lồ được giăng qua thung lũng, nối liền núi cây dầu và thành Giê-ru-sa-lem. Tất cả mọi người đều phải đi trên dây thừng đó để vào thành. Và chỉ những ai có tay sạch lòng thanh thì mới có thể vào tới thành được, thành phố của hòa bình và của sự sống! Còn tất cả những kẻ khác phải rơi xuống vực sâu.

Vì vậy, Ðức Giêsu phải vào trong thành này. Và Người cũng cảm nhận được rằng Người sẽ không thể đi tiếp đến đó mà lại không phải đối mặt với những xung đột được. Người phải chịu rất nhiều đau khổ. Và những ai muốn đồng hành với Người cũng phải chấp nhận hoàn cảnh tương tự.

Nhưng chúng ta đừng quên rằng, cũng chính ở Cê-sa-rê-a Phi-líp-pi Ðức Giêsu đã công khai gọi Phêrô, cột trụ chính của Giáo Hội, là bức tường đá. Ðối mặt với bức tường đá hùng vĩ của thần Pan thuộc dân ngoại, Ðức Giêsu đã giới thiệu Phêrô như bức tường đá vững chắc kiên cố, đến nỗi mọi quyền lực của âm phủ cũng không sao lay chuyển nổi (x. Mt 16,18). Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Phêrô là một người yếu đuối, là một bức tường đá biết khóc. Nhưng cũng như Ðức Giêsu tiến vào Giê-ru-sa-lem không vì bất cứ sứ mệnh chính trị nào; Người chỉ muốn mang lại sư cứu rỗi cho nhân loại bằng cái chết của mình chính ở nơi đây, cũng vậy, Phêrô khi theo chân Thầy và ngay trong chính sự yếu đuối của mình, là một nhân chứng hùng hồn cho Ðức Kitô và là người mang lại niềm hy vọng cho tất cả chúng ta.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 22.08.2008. 11:01