Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Câu trả lời hay nhất

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

Chúa Nhật VI Phục Sinh (A/2008)

Dẫn nhập đầu thánh lễ:

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Có thể nói được, sứ điệp phụng vụ hôm nay tập chú vào bí tích Thêm Sức và mầu nhiệm Chúa Thánh Thần. Việc Đức Kitô long trọng hứa ban Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, đến với các tông đồ, và việc các Tông Đồ đặt tay ban Thánh Thần cho các tín hữu tân tòng Samari đã cho thấy vai trò của bí tích Thêm Sức và sự tác động của Chúa Thánh trên những ai tin nhận Đức Kitô, và trên cộng đoàn Hội Thánh. Mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay, nhờ bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, cũng được trao ban Thần Khí của Đấng Phục Sinh là chính Thánh Thần Thiên Chúa, để chúng ta tiếp nối sứ mệnh của các Tông đồ ra đi làm chứng và loan báo Chúa Kitô trên mọi nẽo đường cuộc sống.

Chúng ta cầu nguyện cho nhau, đặc biệt cho những anh chị em vừa lãnh nhận bí tích Rửa tội và Thêm Sức trong dịp Phục Sinh vừa qua được sống tích cực - phong phú ơn goi Kitô hữu, làm chứng đức tin cách mạnh mẽ và đầy thuyết phục trước mọi chất vấn của nhiều người hôm nay.

Giờ đây, để xứng đáng cử hành Thánh Lễ, chúng ta hãy khiêm hạ đón nhận Nước Thánh với tâm tình thống hối chân thật.

Giảng Lời Chúa:

Gần 4 thế kỷ trước đây, trên quê hương Việt nam, đã có một một lời chứng tuyệt vời “về niềm hy vọng của người Kitô hữu”: Chàng giáo lý viên trẻ tuổi Anrê Phú Yên, vào buổi chiều ngày 26.07.1644, trên con đường từ Dinh Chiêm đến Gò Xử ở Quảng Nam để chịu tử hình, miệng không ngớt động viên mọi người “lấy tình yêu đáp trả tình yêu, đem mạng sống báo đền mạng sống”, hân hoan đi chịu chết như người chiến thắng đi lãnh phần thưởng vinh quang !

Để diển tả lời chứng đặc biệt nầy, cha Cosma Hoàng Văn Đạt, dòng Tên, đã có những nhận xét:

“Tôi nhớ đến anh, một người trẻ vui khi bị bắt, vui khi bị hành hình. Anh không phải là một triết gia lạnh lùng trước sự sống và cái chết. Anh có một niềm hy vọng. Khi theo đạo, anh bước theo Đức Giêsu. Khi nhập Hội Thầy Giảng, anh muốn trở thành cộng sự viên của Chúa. Khi tử đạo, anh hân hoan thấy mình nên giống Chúa trên thánh giá. Đức Kitô đã phục sinh: đó là hy vọng duy nhất của anh. Anh vui vì tìm được niềm hy vọng. Anh vui hơn vì dấn thân với niềm hy vọng. Anh vui nhất khi đạt được niềm hy vọng. Anh trở thành chứng nhân của niềm hy vọng. Những lời cuối cùng từ miệng anh, từ lòng anh, là Chúa Giêsu. Tôi hiểu hết. Đó là trái tim của anh.

Nhìn mọi sự nhạt nhòa đi, tôi thấy anh nổi bật, ít là trong lòng tôi, giữa những người trẻ đã bước theo Đức Giêsu đến cùng: Tôma Thiện, Anrê Trông, Giuse Tuân... Và cả những Luy Gonzaga, những Têrêsa Hài Đồng nữa.”

Phải chăng đó là câu trả lời “chính xác và đầy thuyết phục” cho những ai muốn chất vấn về niềm hy vọng của người Kitô hữu. Chính qua cái chết anh hùng đó, qua thái độ thanh thản vui tươi đón nhận cực hình vì niềm tin vào cuộc phục sinh trong cõi vĩnh hằng đó, Anrê Phú Yên và bao nhiêu chứng nhân anh hùng tử đạo đã thay mặt cho Hội Thánh muôn nơi muôn thuở, thay mặt cho muôn thế hệ Kitô hữu trả lời cho con người hôm qua, hôm nay về niềm hy vọng của mình, về cùng đích và ý nghĩa cuối cùng của sự lựa chọn Đức Kitô và Tin Mừng do Ngài mang tới.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay đang mời gọi chúng ta tiếp nối những lời chứng như thế qua chính lời nhắn gởi của Thánh Phêrô trong BĐ 2: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em”.

Nhưng để có được “lời chứng như thế” trước những chất vấn đầy tính bách hại của thế gian, chúng ta cần những yếu tố nầy:

a/. Tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy:

Trước khi rời khỏi thế gian nay để về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu nói với các môn đệ:"Lòng anh em đừng xao xuyến...".

Trích đoạn Tin Mừng ngày hôm nay trình bày bối cảnh ngày thứ Năm Tuần Thánh vào cuối bữa ăn sau cùng của Đức Giêsu và các tông đồ. Quả thật bầu khí của nhóm các môn đệ thật bi thương: Đức Giêsu vừa loan báo sự phản bội của Giuđa và y đã đi ra khỏi căn phòng trong bóng đêm vừa đổ xuống (Gioan 13,21-30)..; rồi Đức Giêsu bảo rằng Người sẽ ra đi và nơi Người đi, các bạn hữu Người không thể theo được (Gioan 13,31-36)... Sau cùng, đầy nỗi lo sợ, Đức Giêsu báo trước cho Phêrô rằng ông sẽ chối Người "ba lần” trong đêm hôm ấy trước khi gà gáy (Gioan 13,37-38). Qua đó, Tin mừng cho chúng ta biết được sự xao xuyến kinh hoàng đang vây bọc tâm hồn và tư tưởng các môn đệ.

Trong đời sống của chúng ta cũng thế có những giờ phút sự sợ hãi xuyến xao ập xuống trên chúng ta: một tương lai bấp bênh, một tai nạn không thể vượt qua, những suy sụp của tuổi già, một căn bệnh nan y không thể chữa khỏi… Và còn có những sợ hãi mang tính tập thể: nạn khủng bố, chiến tranh, bạo lực, ô nhiễm môi trường, chết đói, thất nghiệp, những nguy cơ của vũ khí giết người hàng loạt, những căn bệnh thế kỷ: Siđa, Sars, cúm gia cầm... Đứng trước những thách đố nầy, cả những Kitô hữu trưởng thành và “dạn dày sương gió “nhất cũng lắm lúc phải “xuyến xao”. (Trong những ngày cuối tháng 4 nầy, khi nhìn lại những kỷ niệm về cuộc chiến của 33 năm trước, chắc chắn có rất nhiều người trong chúng ta đã có cái kinh nghiệm thất vọng não nề, chán chường tê tái đó khi chế độ VNCH sụp đổ !).

Chính trong bối cảnh đen tối và thê lương đó, ánh sáng hy vọng của Đức Giêsu bùng lên như một ngọn lửa nồng nàn, cháy sáng trong đêm tối! Bởi vì, ngay trước “ngưỡng cửa thập giá, Đức Kitô đa long trọng củng cố niềm tin của các môn sinh: "Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy".

Đức Giêsu yêu cầu các bạn hữu đang xao xuyến của người quay tầm nhìn về một hướng duy nhất: Đức tin – Tin vào Thiên Chúa. Sự bình an sâu xa của Đức Giêsu vượt qua mọi nỗi sợ hãi. Niềm tin đó không dựa trên sức người, nhưng dựa trên chính sự hiện diện và quyền năng yêu thương của Thiên Chúa: "Hãy tin vào THIÊN CHÚA” được biểu lộ cụ thể qua Con Một Ngài, Đấng đã đến, đã sống, đã chết và sống lại: “Hãy tin vào THẦY...".

Năm 1787, để lập hiến pháp đầu tiên cho Hợp Chủng Quốc, là nước Mỹ bây giờ, các đại biểu họp nhau lại để bàn luận. Trong dịp nầy, đại biểu Franklin đứng lên nói một câu rất cảm động:

- “Thưa các bạn, chúng ta hãy nguyện kinh trước đã. Sống lâu năm, và càng sống thêm, tôi càng nhận rõ điều nầy là: có Thiên Chúa điều khiển mọi sự. Nếu một con chim sẻ không rớt xuống đất khi Thiên Chúa không cho phép, thì một quốc gia được thành lập thế nào được khi không có Ngài nâng đỡ?”

“Tin vào Thiên Chúa – Tin vào Đức Kitô”: phải chăng đó cũng chính là chủ đề trọng tâm mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chọn cho cuộc tông du mục vụ thành công vang dội tại Mỹ vừa qua: “Đức Kitô niềm hy vọng của chúng ta”. Trong suốt 6 ngày, tại nhiều nơi của hai thành phố lớn W.DC và New York, với nhiều cuộc gặp gỡ, cử hành phụng vụ hay tiếp xúc, chia sẻ hay đọc diễn từ...Đức Thánh Cha đã chinh phục hàng triệu con tim của nước Mỹ không phải bằng cái dáng vẽ ồn ào náo động của các ca sĩ nhạc Rock, cũng không phải bằng cơ bắp của các võ sĩ quyền anh nhà nghề hay bằng đôi chân điêu luyện của các siêu sao bóng đá...mà đơn giản, Ngài hiện diện và làm chứng về Thiên Chúa, về Tin Mừng Đức Kitô phục sinh chẳng khác nào Phêrô ngày xưa đã làm chứng tại Giêrusalem như lời nhận xét thâm thúy của Linh mục Thomas Rosica, CSB/ Zenit News Agency:

Phêrô tuần trước đã ở Mỹ, nơi Sân cỏ phía nam tòa Bạch ốc, nơi trường Đại học Công giáo Hoa kỳ. Nụ cuời rộng mở và khuôn mặt thanh thản rõ rệt của Phêrô, đã thắp sáng một quốc gia, một giáo hội và một đại lục bằng niềm hy vọng giữa không gian hoài nghi và tuyệt vọng, giữa khi nhiều người có lẽ mong muốn cái chết đến mau cho một giáo hội còn đang sống động và trẻ trung.

Những lời Phêrô nói với đại diện của hơn 190 nước thành viên LHQ về nhân quyền, phẩm giá, đối thoại và hòa bình trong một thế giới đang có chiến tranh ở nhiều nơi. Sự im lặng, lời nguyện cầu và các cử chỉ hùng hồn tại Ground Zero của Phêrô đã mang lại ủi an và an bình cho các nạn nhân những cuộc tấn công khủng bố vào cả một quốc gia hôm 11 tháng 9 năm 2001.

Nhưng để có thể có được niềm tin như thế, để có thể bình thản và lạc quan như thế, để có được những hạt mầm hy vọng vươn lên trên những mảnh đất đời như thế, chúng ta hãy nhớ lời Đức Giêsu nói với chúng ta hôm nay: "Thầy không để anh em mồ côi đâu... Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”.

b/. Chúa Thánh Thần Đấng Bảo Trợ chúng ta:

Kể từ sau biến cố “Ngày Thứ nhất trong tuần khi nhận được hơi thở Thần linh của Đấng Phục Sinh”, nhất là khi chính thức nhận được những “hình lưởi như lửa đổ xuống trên mình vào dịp đại lễ Ngũ Tuần”, quả thật cuộc đời của các anh dân chài xứ Galilê đã đổi thay tận căn: Không còn “ngồi im đóng cửa ở trong nhà vì sợ người Do Thái”, mà đã tung cửa ra đi khắp bốn phương trời, bất chấp mọi gian nguy thử thách, ngục hình, tù tội và cả cái chết; không còn thất vọng nản lòng quay về nương cũ vườn xưa như hai môn đệ Emmau, nhưng đã hân hoan chạy nhanh về Giêrusalem bất kể đường khuya giá lạnh để thông báo tin vui; hay không còn thối chí trở lại nghề xưa với thuyền với lưới mà đã một lần dứt bỏ ra đi để theo Thầy, nhưng can đảm “chèo thuyền ra tận chỗ nước sâu để buông lưới bắt người”...

Một khi Chúa Thánh Thần đã hành động thì mọi sự được sửa lại từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.

-Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng, giúp ta ngày càng hiểu rõ Đức Kitô và những lời dạy của Ngài hơn.

-Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ: Ngài ban sức mạnh giúp chúng ta sống, sống một cách phi thường trong cuộc đời bình thường; sống bình thản và lạc quan trong những lúc khó khăn; sống quảng đại và yêu thương đang khi vác thập giá...

-Chúa Thánh Thần còn là nguồn tình yêu. Nhờ tình yêu mà Chúa Thánh Thần đổ tràn vào lòng chúng ta biến cuộc sống chúng ta luôn giữ được gam màu hồng của tin yêu, gam màu xanh của hy vọng, trong muôn vạn gam màu tối của gian truân và thử thách, của thất bại đắng cay, của vô ơn bội nghĩa, của đố kỵ bất công... Chính Đức Kitô đã biến “nổi ô nhục thập giá thành phương thế cứu rỗi con người”, và hôm nay, Thánh Thần cũng sẽ làm cho phương cách ấy của Đức Kitô được tái diễn nơi thập giá cuộc đời của các Kitô hữu, để, như chứng từ bất diệt ngày nào của Thánh Phanxicô khó khăn:

Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Và khi có được ngọn lửa Thánh Thần rực sáng trong tim, thì mỗi người Kitô hữu sẽ đủ can đảm và nghị lực, tình yêu và lòng quảng đại để:

Tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu...

Phải chăng đó chính là một trong những “câu trả lời hay nhất và chính xác nhất về niềm hy vọng của chúng ta”, nếu chúng ta bị chất vấn về niềm tin, về hy vọng của mình; mà dù không có ai chất vấn đi nữa, thì cuộc sống đức tin của người Kitô hữu phải luôn là một “thuyết minh sinh động” về Tin Mừng của Đức Kitô, về những “hoa trái của Chúa Thánh Thần”, như hàng hàng lớp những bài thuyết minh tuyệt vời trong suốt 2000 năm lịch sử của Hội Thánh từ các thế hệ đầu tiên như Phêrô, Gacôbê, Philipphê, Phaolô... cho đến những bài thuyết minh mới nhất như Đức cố GH Gioan-Phaolô II, Mẹ Têrêsa Calcutta, Đức cố Hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận, chị Chiara Lubich...

Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau được đứng chung trong hàng ngũ của những người đó để viết tiếp câu trả lời về niềm hy vọng Kitô hữu, tiếp tục lời chứng sống động về tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Amen.

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 26.04.2008. 18:01