Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Câu chuyện Lễ Hiển Linh: Đừng tưởng bở!

§ Lm Lê Công Đức

Thật ra không phải đợi đến hôm nay mới mừng Chúa Hiển Linh. Đêm Giáng Sinh, ta đã mừng Chúa Hiển Linh rồi: hiển linh cho chính cha mẹ Ngài, hiển linh cho những người chăn chiên ở ngoài đồng Bê-lem. Hôm nay, Chúa hiển linh cho các đạo sĩ – là những người đến từ xa, rất xa. Và Chúa còn tiếp tục hiển linh, ít là theo truyền thống Giáo Hội Đông Phương vẫn gán cách riêng ý nghĩa ‘hiển linh’ cho cả biến cố Chúa chịu Phép Rửa và biến cố ‘nước hóa rượu’ ở tiệc cưới Ca-na nữa.

Câu chuyện về các nhà đạo sĩ hôm nay là một câu chuyện rất lạ!

Rất lạ, vì các ông ở tận bên đông phương, các ông không thuộc dân Chúa chọn, không biết truyền thống Lời Hứa, không Lề Luật, không Thánh Kinh..., thế mà các ông đã đi tìm và gặp được Chúa. Đúng người. Đúng nơi. Và đúng lúc.

Rất lạ, vì các ông rong ruổi hành trình chỉ bám vào một ánh sao. Mà ngôi sao ấy ở đâu vậy? Nó ở trên trời! Vâng, nó không thể ở trong túi áo hay trong va li hành lý của các ông; nó cũng không thể gắn trên lưng lạc đà (như chiếc đồng hồ định vị gắn trên ô-tô ngày nay) để cho các ông có thể độc quyền. Ngôi sao ở trên trời, nhưng chỉ các ông thấy, còn bao người khác thì không thấy!

Rất lạ, vì những người được trang bị ‘tận răng’ như Hê-rô-đê và giới lãnh đạo Do Thái, kể cả nhóm Biệt Phái, Sa-đốc, và các kinh sư – có lịch sử Giao Ước, có Lề Luật, có Thánh Kinh, có Đền Thờ, có phụng vụ – nhưng chẳng hay biết gì và đã bắt hụt Đấng của Lời Hứa.

Song đó cũng là một câu chuyện rất quen, vì đó vốn là ‘kiểu’ của Chúa. ‘Kiểu’ của Chúa, đó là những người tưởng ‘ngon lành’ hóa ra ‘trớt quớt’, và những kẻ tưởng chừng ‘trớt quớt’ lại hóa ra ‘ngon lành’!

“Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn... Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.” (1Sm 2,4-8)

‘Kiểu’ của Chúa, đó là cụ bà Sa-ra héo úa vẫn mang thai và sinh được đứa con trai mang tên “tiếng cười.” Đó là chú em Gia-cóp thừa kế Lời Hứa chứ không phải ông anh Ê-sau. Đó là Giu-se bị vứt bỏ lại trở thành ‘phao cứu nạn’ cho cả gia đình. Đó là thằng út Đa-vít mỏng mảnh yếu ớt được chọn chứ không phải các ông anh vai u thịt bắp của nó. ‘Kiểu’ của Chúa, đó là bà Ê-li-sa-bét son sẻ trở thành mẹ của vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai. Đó là cô thôn nữ Maria rất vô danh lẩn khuất, rất âm thầm khiêm hạ lại trở thành “có phúc nhất giữa các phụ nữ” vì được chọn làm Mẹ của Con Chúa Trời.

Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
” (Lc 1,48-53)

‘Kiểu’ của Chúa, đó là chính Con Thiên Chúa đã làm người trong hình hài một đứa trẻ nghèo hèn – nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi... Người “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,7-8)

‘Kiểu’ của Chúa, đó là tất cả công cuộc sứ mạng của Chúa được đặt vào tay một nhóm môn đệ ‘tài ít tật nhiều’ với thành phần xuất thân tối om om. Hình như Chúa thích nhặt rác, và tái chế rác để làm ra vàng. Hình như Chúa thích làm ‘fan’ của đội yếu, chứ không ủng hộ đội bóng ‘rừng sao’! Hình như một thông điệp Chúa vẫn muốn nhắc đi nhắc lại từ xa xưa, dọc theo suốt dòng lịch sử, cho tới hôm nay, và Ngài sẽ còn tiếp tục nhắc mãi, đó là: Đừng tưởng bở!

Đừng tưởng bở. Đừng tưởng mạnh là ngon và yếu là dở.

Ở đây, chợt nhớ một luận đề luân lý của Cha James F. Keenan, S.J. trong quyển Moral Wisdom. Nhà thần học luân lý người Mỹ này chỉ ra rằng không phải ta phạm tội vì ta yếu đâu, mà vì ta mạnh. Mọi trình thuật trong Tin Mừng về tội lỗi đều làm chứng rằng người ta phạm tội vì họ mạnh chứ không phải vì họ yếu.

Khi người thu thuế và người Pharisêu cầu nguyện trong đền thờ, tội của người Pharisêu nằm ở chỗ ông ta mạnh, ông ta rất ý thức những gì ông có (Lc 18,9-14). Khi người phú hộ dửng dưng đối với anh Ladarô đói rách trước cửa nhà, tội của ông không nằm ở chỗ ông yếu mà ở chỗ ông mạnh; ông có thể làm điều gì đó, thế nhưng ông đã không làm (Lc 16,19-31). Người đầy tớ được tha món nợ lớn nhưng đã không tha cho bạn mình món nợ nhỏ hơn nhiều, anh ta phạm tội chính từ cái thế mạnh chứ không phải từ cái thế yếu của mình (Mt 18,21-35). Hay như trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, tội nằm ở đâu? Ngay cả tội của những tên cướp cũng không phải là tiêu điểm được ‘soi’ ở đây, mà chính là tội của người Lê-vi và thầy tư tế. Họ có thể làm điều gì đó, nhưng đã không làm; và vì thế họ phạm tội từ thế mạnh của mình (Lc 10,25-37). Trong cảnh Phán Xét Chung cũng vậy, chiên và dê được phân ra tùy theo khả năng đã có thể làm những điều gì đó và đã thực sự làm hay không (Mt 25,31-46).

Từ những ghi nhận căn bản ấy, Cha Keenan, trong quyển sách nói trên, đã không tiếp cận luân lý qua ngả tự do hay sự thật theo cách thường tình, mà ngài chọn tiếp cận qua ngả tình yêu. Người ta phạm tội vì người ta mạnh mà người ta không yêu thương, không có khát vọng hướng thiện, hành thiện!

Trở lại với câu chuyện ‘hiển linh’ hôm nay, ta thấy Hêrôđê và những người Do Thái ở thế mạnh, vì có hầu như đủ mọi phương tiện (để tìm gặp Chúa) – nhưng lại thiếu một cái gì đó... Còn các nhà đạo sĩ ở thế yếu, vì hầu như chẳng có manh mối nào (để tìm gặp Chúa) – song các ông lại có một cái gì đó... Sự khác biệt nằm ở chỗ có hay không có KHÁT VỌNG, hay TẤM LÒNG, hay TÌNH YÊU!

Sự việc càng tệ hại hơn, khi người ta không có khát vọng hướng thiện, hướng thiên, mà thay vào đó là tham vọng và ích kỷ. Người ta sẽ dùng các phương tiện Chúa ban cho, tức thế mạnh của mình, không phải để tìm và gặp Chúa mà là để tìm và diệt Chúa. Đây chính là điều Hê-rô-đê đã làm.

Bài học từ câu chuyện Lễ Hiển Linh vẫn còn nóng hổi cho chúng ta, cho tôi, hôm nay! Chúng ta có những thế mạnh, những phương tiện để tìm gặp Chúa? Hãy tạ ơn Chúa, nhưng cũng... đừng tưởng bở!

Lm Lê Công Đức

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.01.2010. 11:50