Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cái “Ôm Âu Yếm” Cứu Mạng - Le “Hug” Sauveur

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

(TV 07 : Thiên Chúa là Đấng Công Chính )
Tin Mừng Chúa Nhật XVII TN (Năm B): Ga 6,1-15

cai-om-cuu-mang.jpg

Câu chuyện nhỏ nầy được đăng trong báo “Worchester Telegram & Gazette” số ra ngày 11.08.1995, trong tờ “Life Magazine”, số tháng 6.1996,trang 18 và tờ Reader’s Digest số tháng 5.1996, trang 155 – 156). Đây là tấm hình chụp kèm theo một bài viết có tựa đề “Cái ôm cứu mạng”. Bài viết nêu chi tiết tuần sống đầu tiên của một cặp sinh đôi. Mỗi cháu bé sinh ra đều được cho nằm lồng ấp máy vì sinh thiếu tháng và quá yếu ớt. Người ta cho rằng một trong hai cháu bé sẽ chẳng thể sống sót lâu dài được. Một cô y tá phá lệ của bệnh viện, đã đem hai cháu bé đặt vào chung cùng một lồng ấp. Khi chúng được đặt nằm chung nhau, lạ lùng thay,cháu bé khoẻ mạnh nhất trong hai cháu sinh đôi đưa tay âu yếm ôm chặt cô em của nó. Nhịp tim cháu bé nhất tưởng chừng khó qua, bỗng bắt đầu ổn định và nhiệt độ trở lại bình thường.

Ngạn ngữ Trung Hoa có câu : ‘thà thắp một đốm lửa, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Trong cái châu lục mênh mông những dải sa mạc bất tận, thừa nắng nóng và bệnh tật, nhưng thiếu thức ăn nước uống, người dân Châu Phi có lẽ hiểu ơn ai hết thế nào là chia sẻ trong khó khăn thiếu thốn, vì thế mới có những câu châm ngôn đầy ý nghĩa :” Không ai giàu đến mức không cần đến người khác; không ai nghèo đến độ không có gì để cho”. Tất nhiên, như lời Chúa Giêsu dạy :” cho thì có phúc hơn là nhận”, nhưng “cách cho qúy hơn của được cho”. Hãy nhìn lại hai cách làm của nữ tu Mary Scullion và của mục sư Rick Warren, cùng tuổi 55 và cùng là những gương mặt được tạp chí Time chọn vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong năm. Nữ tu Mary Scullion ở trong danh sách năm 2009. Dự án của mục sư Rick Warren là PEACE, nhằm giúp đỡ những bệnh nhân HIV/Aids (như Qũy Bill – Melinda Gates); nữ tu Mary Scullion với kế hoạch HOME giúp những người vô gia cư có nhà ở (và người ta ghi nhận có đến trên 90% những người được Chị giúp, đã không tái vô gia cư).

Cái khác giữa cách thực hiện của hai nhân vật nầy, ấy là mục sư Rick Warren tuyên bố sẽ dùng tiền lãi bán sách để giúp các bệnh nhân, trong khi nữ tu Mary Scullion – do chẳng nổi tiếng ngoài Philadelphia, nơi Chị âm thầm thực hiện công việc tông đồ, bác ái của Chị - dùng hết thời giờ, tâm sức để xin nơi nầy, kiếm nơi nọ một ít tiền tài trợ. Chị không chờ cho nỗi tiếng, Chị không tính toán những con số Chị cần có : Chị chỉ biết thực hành bổn phận yêu thương. Kết quả ra sao, đó là việc của Chúa. Chị chỉ có “năm chiếc bánh lúa mạch” ngũ quan của Chị: mắt Chị không thôi sục tìm những mảnh đời bất hạnh và những cảnh tượng lầm than; tai Chị không ngừng nghe ngóng từng tiếng rên, lời than; mũi Chị ngửi nhưng mùi xú uế từ nghèo đói và Chị ôm ấp nâng niu những “Chúa Kitô bất hạnh”; lưỡi Chị nếm đủ đắng cay mà những anh em Chị đã và sẽ gánh chịu suốt cuộc đời. Và đây nữa, “hai con cá” là đôi chân đôi tay di chuyển không ngưng nghỉ: chân bước tới, miệng ’ăn xin” và tay chìa ra. Năm chiếc bánh ngũ quan và hai con cá chân tay – không phải là ngũ quan hay chân tay của người quyền cao chức trọng : bánh thì làm từ lúa mạch, đen đỉu khô cứng; cá thì chỉ là cá nhỏ. Nhưng Chị không chờ có cá to, bánh tốt mới dâng cho Chúa, phục vụ Chúa qua anh em nghèo vô gia cư của Chị.

Cách làm nầy thực ra cũng không có gì bí ẩn kỳ lạ: nó được hình thành từ một khuôn đúc giống nhau và nếu có điều gì đó khác biệt thì chỉ là ‘nguyên liệu’, nhưng đều hữu dụng và hữu ích cho Chúa : Đó là Mẹ Têrêxa Calcutta, ít học, xấu xí, nhưng Chúa đã dùng trái tim rộng mở và đôi tay to bè để ôm ấp, chăm sóc, yêu thương những người nghèo khổ ốm yếu nhất. Đó là Soeur Emmanuelle, người nữ tu từ trần ngày 20.10 vừa qua, khi chỉ còn ít ngày nữa là tròn 100 tuổi, sống giữa những người nhặt rác ở những khu ổ chuột Ai Cập, để dạy dỗ và yêu thương họ. Đó là nữ tu Etenka Marton vừa tròn 100 tuổi hôm 27 tháng 06 vừa qua, mắt bị loà, liệt giường vì bị té gãy cánh tay, nhưng miệng vẫn cười toe toét và ánh mắt lấp lánh sau 65 năm phục vụ người nghèo ở Ấn Độ. Cả ba nữ tu ‘vĩ đại” - trước mắt người đời - đều không chờ cho đến khi có thế giá, căn bản tài chính hoặc một chỗ dựa khả dĩ, mới bắt tay phục vụ và xây dựng kế hoạch nầy, chương trình nọ. Đó là Đức Cha Sanh (Jean Cassaigne) từ nhiệm giám mục giáo phận Sàigòn để lên tại phong Di-Linh sống với con cái phong cùi của Ngài. Đó là Cha Đamianô mà Giáo Hội sẽ tôn vinh hiển thánh ngày 11.10 tới đây, đã đến với anh em cùi của Ngài ở đảo Molokai. Cả hai vị đều bị lây bệnh hủi và chết tại những nơi đó. Người nghèo, người bất hạnh, người cùi hủi, đều đã đi theo Chúa Dân không chỉ ba ngày, mà ba vạn ngày và đã quá đau khổ. Bổn phận của các môn đệ Chúa là phải cho họ ăn. Nhiều hay ít không phải là lúc đặt ra, để rồi thối chí, bàn lui bàn rùn, nhưng cứ bắt tay vào việc. Chúa sẽ lo phần còn lại và là phần chủ yếu. Đáng sợ nhất là khi Kitô hữu cứ đằng vân giá vũ, con mắt dõi thiên cung, tâm hồn và con tim ở chốn cao siêu trừu tượng, đầu đội trời nhưng chân không hề đạp đất!

Tông thư “Tình Thương Trong Chân Lý” kéo chúng ta về lại với mặt đất, với thế gian, nơi cho chúng ta được sinh làm người và được sống làm người, nơi Chúa cho chúng ta cơ hội để lập công đức. Không có người nghèo, người bất hạnh, người ta sẽ lấy gì để lập công? Xây dựng văn minh tình thương, chính là tạo phúc cho chính chúng ta. Với Tin Mừng làm tôn chỉ, khởi đầu là bổn phận của chúng ta. Chính Chúa sẽ tiếp nối và kết thúc công trình theo lòng Chúa muốn. Quy trình nầy không ngược với việc tạo dựng ban đầu của Chúa, trái lại, Chúa đặt để cho con người khả năng cộng tác vào công trình tạo dựng (và cả công trình cứu chuộc) của Người. Chính Chúa sẽ làm cho những nỗ lực ấy của con người sinh hoa kết trái gấp nhiều lần. Bí Tích Thánh Thể không thể có nếu không có sự đóng góp – dù rất nhỏ nhoi - của con người. Năm chiếc bánh và hai con cá nhờ sự quảng đại của một cháu bé, đã giúp hàng chục ngàn người no nê, mà vẫn còn dư. Hàng tỷ tấn lương thực và hàng tỷ tấn thực phẩm lắm khi quá hạn phải đổ bỏ, hoặc đốt bỏ, trong khi có gần một tỷ người đang chết đói!

Thế gian đang gạt Chúa sang một bên, để không phải dùng lương thực,thực phẩm phân phối công bằng, giúp nhau no nê hạnh phúc, từ đó luôn có Công Lý Hoà Bình, nhưng lại muốn dùng chúng để đổi chác tài nguyên, để thống trị đồng loại. Và cái họ nhận lại được, là căm thù, bạo lực của những kẻ họ bóc lột, không có chút lòng trắc ẩn nào. Chủ nghĩa khủng bố tuy đáng lên án, song không có lửa thì đã không có khói : bất công, nghèo đói nên cớ cho bạo lực bén rễ và lớn mạnh! Le salaire de la peur (bộ phim Pháp 1953) : cái giá của sợ hãi! Ngày xưa, nhà không đóng cổng gài cửa : giấc ngủ vẫn ngon, không lo trộm cắp. Ngày nay, cửa kín then cài, phòng vệ đủ kiểu đủ cách (kể cả thuê người bảo vệ), nhưng ngày đêm vẫn nơm nớp sợ hãi. Le salaire de la peur! Gieo gió gặt bão. Chỉ tiếc là nhiều kẻ gieo gió, rồi bắt người khác phải gặt bão. Tông thư “Tình Thương trong Chân Lý” (Caritas in Veritate) đã chỉ cho thấy rõ nguyên nhân mọi khủng hoảng trên thế giới về kinh tế, chính trị, xã hội, trong đó có sự ‘đóng góp’ không nhỏ của Kitô hữu: chính là do đời sống thiếu ‘tình thương’ và thiếu “chân lý”, do thái độ tiêu cực, thụ động, vô tâm vô tình và thiếu trách nhiệm của các Kitô hữu, đặc biệt là chúng ta, tín hữu Công giáo. Trẻ em, người ngoại, biết hát : “trái đất nầy là của chúng mình”. Chúng ta thì vẫn cho rằng “trần gian là thung lũng nước mắt” (lacrimarum valis), - một loại nhà trọ, khách sạn hạng tồi - nơi chúng ta (và cả Giáo Hội) là ‘khách’lữ hành : tội gì mà gắn bó, chăm chút nơi tạm bợ không thuộc về mình!

Trái đất này là của chúng mình; …Hành tinh này - là của chúng ta” (thơ : Định Hải). Kitô hữu xa lạ ngay trong chính nhà mình! Buồn thật! Chỉ cần một chút hơi ấm của một cái ôm cũng đã cứu mạng sống một người anh em. Ai mà không cần đến hơi ấm tình thương? Song người ta lại chỉ thích nghĩ to, làm lớn. Những chuyện vặt vãnh chẳng bỏ bèn!

Đường Tình Chúa Dẫn Con Đi 07
Hãy Hát Lời Tình Yêu - Thánh Vịnh 07:

Phải để cho tiếng kêu Công Lý phát ra tự thẳm sâu tâm hồn. Khi con người bị bách hại và làm nhục kêu lên Chúa, thì Người sẽ nghe tiếng nó.Chúa đã không chấp nhận những lời trách móc dễ dãi của bạn bè ông Gióp. Người cho phép con người lo âu sầu não kêu lên Người như một người con kêu cầu cha mình khi gặp hiểm nguy. Chỉ cần đó là tiếng một người con kêu lên cha mình, chứ không chỉ đơn thuần là tiếng kêu đòi báo oán. Chỉ cần đó là tiếng kêu cầu nguyện và cậy tin, chứ không phải là lời chúc dữ chất chứa hận thù. Ai đang đau khổ và nói lên đau khổ của mình đã phải chịu một cách bất công, thì người đó có quyền nói lên những điều ấy, nhưng là thưa lên với Chúa: Người sẽ lắng nghe và nhậm lời họ. Vì thế phải để tâm tới những người bất hạnh kêu cầu mà không biết là họ có một Chúa để lắng nghe họ,một Thiên Chúa Cha của hết mọi người, Đấng dùng điều lành mà chiến thắng sự dữ (x. Rm 12,21). Nếu tiếng kêu của những người bất hạnh luôn tìm thấy được một tấm lòng niềm nở của Kitô hữu hoặc của linh mục, để chuyển lên Chúa trong Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc, THÌ CHẮC CHẮN THẾ GIỚI SẼ ĐỔI THAY (x. Tông Thư “Tình Thương trong Chân Lý: Đức Biển-Đức XVI).

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 26.07.2009. 10:21