Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

I. Những cảm nghiệm về sự chết trong văn chương nhân loại

Có lẽ khi nghe nói đến cụm từ "cảm nghiệm về sự chết"(1), sẽ có người phản ứng ngay là làm sao chúng ta có thể có được cảm nghiệm thực sự về sự chết. Bởi vì, ngoài một vài trường hợp ngoại lệ như trường hợp Đức Giêsu, đã sống lại từ cõi chết, hay trường hợp ông La-da-rô quê ở Bê-ta-ni-en (Ga 11,1-44), hay trường hợp con gái ông Gia-ia, chủ Hội đường Do-thái (Lc 8,40-56), v.v… sau khi chết thật rồi, đã được Đức Giêsu cải từ hoàn sinh cho sống lại, thì hoàn toàn chưa có một ai trong con cái loài người sau khi chết lại được quay trở về với cuộc sống trần thế trước kia của mình và kể lại cho những người còn sống nghe những gì họ đã trải qua trong cái chết!

Điều thắc mắc đó quả là không sai, nhưng cũng chưa hoàn toàn đúng. Thật vậy, trước hết dựa theo những dẫn chứng cụ thể trong văn chương nhân loại, chúng ta thấy rằng kinh nghiệm về sự chết và định luật nhất định của sự chết không hẳn là một sự phát minh mới của thời đại ngày nay, nhưng đã được lưu truyền trong quan niệm và truyền thống của các dân tộc qua các thời đại và trong các nền văn hóa khác nhau. Sau đây chúng ta thử trình bày một vài dẫn chứng:

1) Trong "Gilgamesch-Epos", một tác phẩm văn chương thể thơ cỗ nhất và nổi danh nhất, gồm có tất cả 3000 câu, đề cập đến các vấn đề: thiên nhiên, quyền lực, tình yêu, chính mình và sự chết, được viết vào giữa năm 2100-600 trước công nguyên và lưu hành rộng rãi tại thành Ba-by-lon (thuộc I-rắc ngày nay) và các nước thuộc vùng Tiểu-Á, kể lại rằng vua Gilgamesch của nước Uruk, một vị anh hùng của dân tộc ông, đã can đảm cất bước đi tìm sự bất tử và ông đã thành công là đã lọt vào được trong nước của sự chết và rồi sau đó lại quay trở về cõi trần. Trong bản văn của tác phẩm đó đã ghi lại cảm nghiệm thực tiễn về sự chết, đó là: Đường hầm tối tăm, ánh sáng và quang cảnh của thiên đàng. Bản văn viết:

"Gilgamesch từ bỏ trần gian và vất vả bò qua một đường hầm tối tăm và dài vô tận. Đó quả là một con đường vừa dài vừa khó khăn trắc trở… Nhưng sau cùng vào cuối đường hầm ông đã nhìn thấy được ánh sáng. Khi ông bước ra khỏi cái đường hầm tối đen kia, ông đã nhìn thấy một khu vườn đầy tráng lệ huy hoàng. Các cây cối trong vườn đó mang đầy những hoa quả bằng ngọc và các đồ nữ trang hết sức quý giá, nhất là một dòng suối ánh sáng tuyệt diệu tuôn trào vẻ huy hoàng rực sỡ của nó. Và đương nhiên, Gilgamesch rất ước ao được lưu lại trong một thế giới thần tiên như thế mãi mãi. Nhưng vị thần mặt trời đã đưa ông qua đường hầm trở lại với cuộc đời trần thế."(2)

2) Triết gia Platon. Trong tác phẩm thời danh thuộc lãnh vực chính trị "Politeia" của ông, Platon, một triết gia vĩ đại người Hy-lạp vào thời thượng cổ, đã trình bày kinh nghiệm sâu sắc của một chiến binh. Trong một cuộc giao tranh anh đã bị tử thương và sau đó anh đã phải đi qua các thế giới bên kia. Nhưng sau đó ít ngày anh lại quay trở về trong thân xác của anh mà người ta vừa đặt lên sàn củi để chuẩn bị thiêu. Ông Luigi Moraldi đã tóm tắt câu chuyện của Platon lại một cách ngắn ngọn và đầy đủ như sau: "Sau khi người chiến binh rời bỏ thân xác, anh đã tới một nơi ở bên kia thế giới có bốn cái hang vĩ đại xuyên qua (…). Ở giữa các hang đó có các vị quan toà ngồi xét xử các vong nhân, các ông tuyên án mỗi người về các hành vi thiện ác của người đó: Những người công chính thì các quan toà mời đứng sang phía bên phải để lên Thiên đàng sau khi khi các ông đã ghi dấu hiệu vào ngực của họ để nhận diện được rằng họ đã được xét xứ. Trong khi đó, những kẻ tội lỗi thì phải đứng sang phía bên trái để bị kết án trầm luân dưới hầm sâu và trên lưng họ, các quan tòa đóng một ấn sắt nung đỏ, vừa đau đớn vừa nhục nhã, nói lên tội ác của những người này.

Các quan toà làm hiệu cho người chiến binh tử trận tiến lại gần và giải thích cho anh là anh cần phải loan báo cho những người khác biết những gì đã xảy ra nơi này và yêu cầu anh phải nghe và phải quan sát cho chính xác những gì từ trên trời đã rơi xuống vẫn còn tiếp tục xảy ra (…), và các quan toà nói đến niềm hoan lạc và sự hạnh phúc vô biên được thông ban cho họ ở trên trời."(3)

3) Trong Kinh Thánh Tân Ước, người ta cũng đọc thấy: nhờ một thị kiến về ánh sáng, một Saulô hung hăng quá khích đã biết hồi tâm và hoán cải thành một Phaolô thánh thiện và nhân hậu (x. Cv 9,1-19). Và tiếp đến, nếu nhìn theo phương diện một biến cố lịch sử đã được ghi lại trên một văn bản lịch sử, chứ không nhìn theo phương diện chú giải Kinh Thánh và thần học, thì thị kiến về thiên đàng, mà thánh Phaolô đã được diễm phúc nếm thử và chính thánh nhân đã ghi lại trong Thư II gửi Cô-rin-thô, là một cảm nghiệm của thánh nhân về sự xuất ra khỏi thân xác, nghĩa là một cảm nghiệm về sự chết. Trong bản văn đó, thánh Phaolô viết: "Tôi biết có một người môn đệ Đức Kitô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tầng trời thứ ba – có ở trong thân xác hay không, tôi không biết, có ở ngoài thân xác hay không, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết. Tôi biết rằng người đó đã được nhắc lên tận thiên đàng - trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết -, và người đó đã được nghe những lời không tả mà loài người không được nói lại…"(4)

4) Vào thời trung cổ, hay nói nói đúng hơn vào thế kỷ V, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô đã cho thu tập các trường hợp của những người đã có được cảm nghiệm về sự chết và ngài còn đích thân gặp gỡ và hàn huyên với những người đó nữa. Chúng ta biết rằng, trong thời trung cổ người ta thường truyền bá những câu chuyện về các thị kiến có tính cách tiêu cực thuộc về ma quỷ, nhưng rồi đa số các thị kiến đó lại biến thành tích cực. Trong các thị kiến như thế, những người trong cuộc thường được nhìn thấy các Thiên thần và cá Thánh nhân hơn là được nhìn thấy các người thân của mình đã qua đời. Mục đích các câu chuyện đó là nhằm tới việc cảnh báo các tín hữu trước các hành vi tội lỗi và nhất là nhằm giúp cho các kẻ sai lầm biết ăn năn hối cải. Vì thế, các bài tường trình trong tập tài liệu này mang một giá trị đặc biệt về luân lý đạo đức. Ở đây chúng ta thử trích dẫn một đoạn trong tập tài liệu này của ĐGH Grêgôriô: "Ông nói – và từ đó, sự việc được nhiều người biết đến hơn - ở nơi đó có một chiếc cầu bắc qua, phía dưới chiếc cầu có một dòng nước đen ngòm tuôn chảy, và từ dòng nước đen ngòm đó bốc lên từng làn hơi khói thối tha không thể chịu được. Còn phía trên cầu có những bãi cỏ xanh tươi mơn mởn và điểm thêm những bụi hoa thoảng bay ra mùi hương thơm rất dịu dàng, và trên những bãi có xanh đó xuất hiện một đoàn người mặc toàn áo trắng đang đứng bên nhau. Mùi hương thơm từ các bụi hoa bay toả ra ngậm tràn cả vùng đất và bao trùm tất cả những người đứng ở đó. Trên nơi đó, mỗi người đều có một chỗ ở riêng, được bao phủ một ánh sáng huy hoàng rực rỡ."(5) Ngoài ra, tập tài liệu còn ghi nhận các chứng tích huyền bí về các Thánh nhân và các người được thánh hiến.

II. Những nghiên cứu tân tiến về sự chết

Vào cuối năm 1975, nhà phân tâm học và triết gia người Hoa Kỳ Raymond Moody cho xuất bản cuốn "Life After Life" (Cuộc sống phía sau cuộc sống), và hai năm sau, tức năm 1977, tác phẩm nổi danh đó được phiên dịch sang tiếng Đức với tựa đề "Leben nach dem Tod" (Cuộc sống sau khi chết). Qua tác phẩm, R. Moody đã làm thay đổi quan niệm của nhiều người về sự chết. Vâng, cuốn sách của Moody đã gợi lên cho cả một thế hệ những nhà khảo cứu sự quan tâm tìm hiểu tình trạng ý thức của những người hấp hối với những phương tiện khoa học. Công việc mở đường của ông cho sự cảm nghiệm về sự chết mà mãi tới lúc bấy giờ rất ít ai biết tới, đã mở ra một lối đi dẫn tới một thế giới của những cảm nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Nhờ thế ngày nay chúng ta mới có thể dễ dàng đề cập tới những cảm nghiệm trong các trường hợp gần bên bờ sự chết. Ngày nay những cảm nghiệm về sự chết là một hiện tượng rất phổ cập: trên khắp thế giới có khoảng 50 triệu người đã trải qua những cảm nghiệm đó. Theo sự thăm dò của đại học Konstanz thì nguyên ở Đức đã có 3,3 triệu người đã từng có được cảm nghiệm đó.

Qua các cuộc nghiên cứu cụ thể người ta luôn luôn đưa ra được những dẫn chứng về sự hiện hữu một qui tắc của sự chết và người ta còn xác định được một cách chắc chắn là qui tắc đó do tính di truyền tạo ra.

Tiếp đến, qua các cuộc nghiên cứu đó, người ta cũng có thể xác định được một cách chắc chắn tương tự rằng:

Trong nội tâm thẳm sâu nhất của chúng ta, chính con người chúng ta là những yếu tính tinh thần và được tiếp nhận bởi một ánh sáng vô cùng dịu dàng êm ái. Vì thế, không phải sự giàu có vật chất và các qui luật là điều chính yếu và có giá trị bền vững, nhưng chuẩn đích có giá trị phổ quát là tình yêu thương bác ái mà người ta trao ban cho nhau trong cuộc sống. Đây là một điều hoàn toàn phù hợp với đức tin Kitô giáo, mà Thánh Gioan tông đồ đã tóm tắt lại trong 4 chữ: "Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4,16), và được thánh Phaolô trình bày một cách rõ ràng trong bài ca Đức Mến của ngài (x. 2Cr 13,1-13). Bởi vậy, qua công cuộc khảo cứu của tiến sĩ Moody, vào cuối thập niên 70 của thế kỷ XX vừa qua người ta đã càng ngày càng ý thức và đánh giá được tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của lòng đạo đức trong cuộc sống hằng ngày.

Nhưng người đã từng sát cánh và luôn đồng hành với công trình nghiên cứu về sự chết chính là bà bác sĩ Elisabeth Kübler-Ross, người Thụy Sĩ. Vào giữa thập niên của thế kỷ vừa qua, bà là người đầu tiên đã biết can đảm ngồi bên giường những người hấp hối và trao đổi với họ về cảm giác và ý nghĩ của họ trong lúc sắp phải lìa đời. Vì thế, theo sự nhận xét của bà, sự chết vào lúc hấp hối là cả một hiện tượng y khoa bất tự nhiên, hoàn toàn thuộc phạm vi cá nhân và đầy linh thiêng của người trong cuộc, chứ xã hội không còn đóng bất cứ vai trò nào trong đó nữa. Và trong cơn hấp hối của một người như thế, người ta thường không thích nói sự thật với anh, tức nói cho anh biết về cái chết của anh đang đến gần kề; trái lại, do tình thương không đúng chỗ đối với anh, người ta thường dối gạt anh, vì họ nghĩ rằng khi người bệnh biết được sự thật về mình, thì người đó sẽ buồn bã, thất vọng và như thế có thể sẽ gây nguy hại cho sức khõe của anh. Bởi vậy, những người hấp hối thường mù tịt về tình trạng sức khỏe của họ. Các bác sĩ thường cho rằng, sự thật về sự chết có thể gây tác hại cho người bệnh và có thể đánh tan niềm hy vọng của đương sự. Và điều đó không sai, mặc dù các nhà xã hội học từ xưa cũng đã chứng minh cho thấy rằng đa số những người hấp hối thường biết được cách chắc chắn là họ sẽ phải chết. Xã hội luôn tìm cách trái né và không muốn phải đối mặt với cái chết. Do đó, khi nhìn lại người ta không mấy ngạc nhiên khi bà Elisath Kühler-Ross thấy mình là nguyên cớ cho các đồng nghiệp và các cộng sự viên ghen ghét.

Công lớn nhất của bà E. Kühler-Ross là đã chứng minh được rằng những người hấp hối thường đau khổ nhiều nhất là ở chỗ họ cảm thấy mình cô đơn và lẻ loi, vì họ sợ sẽ bị mọi người trong gia đình cũng như ngoài xã hội bỏ rơi và lãng quên. Vào năm 1969, Elisabeth Kühler-Ross cho xuất bản tác phẩm trình bày về công trình khảo cứu về sự chết với tựa đề: "Interviews mit Sterbenden" (Những cuộc phỏng vấn các người hấp hối), rất được độc giả khắp nơi đón nhận, và mãi cho đến ngày nay vẫn còn được coi là một công trình cần tham khảo đối với các bác sĩ, các nhân viên y tế, các nhà tâm lý học và các nhà thần học. Cuốn sách trình bày các giai đoạn xung khắc, vật lộn đầy gay cấn và đầy xúc động của những người hấp hối trước cái chết gần kề của mình.

Bà E. Kühler-Ross ghi lại năm giai đoạn tiêu biểu:
- Thái độ chối bỏ hay chạy trốn trước cái chết,
- Sợ sự cô lập trong cái chết,
- Thái độ tức giận trước cái chết,
- Tình trạng suy yếu buông xuôi,
- và sau cùng là chấp nhận hoàn cảnh.

Những khám phá này của Elisabeth Kühler-Ross trước hết đã được xã hội đồng tình. Còn các hệ thống và các tổ chức y khoa chăm sóc sức khỏe cho đại chúng cảm thấy bị đe dọa bởi quan điểm của bà Kühler-Ross cho rằng những người hấp hối vẫn còn có đầy đủ cảm giác. Chúng ta biết rằng các nhà thương và trạm xá vào lúc bấy giờ ở Thụy Sĩ cũng như ở khắp nơi trên thế giới đều đã được thiết lập lên để chỉ lo cứu chữa sự sống, chứ không hề để ý tới việc cùng đồng hành và giúp đỡ người hấp hối hay làm vơi nhẹ đi phần nào sự đau đớn của sự chết. Vì thế, qua các khám phá mới mẻ này, xã hội rất bị nao núng khi biết được rằng những người hấp hối còn phải hết sức cực nhọc vật lộn với chính cái chết của mình một mất một còn như thế.

Còn về phần bà Elisabeth Kühler-Ross không hề để cho phản ứng của dư luận làm lung lạc. Trái lại, bà cương quyết kiến tạo một bầu không khí công khai hóa về sự chết, mà mãi cho tới lúc bấy giờ vẫn là luôn là một vấn đề cấm kị, hoàn toàn khép kín. Nhờ vào công trình nghiên cứu mới mẻ này mà sự cảm nghiệm về sự chết đã có thể khởi đầu vào thập niên bảy mươi của thế kỷ trước. Chính bà Kühler-Ross đã viết lời tựa cho tác phẩm của Raymond Moody để khuyến khích ông xuất bản tác phẩm đó.

Nhưng tất cả những sự kiện đó có thể được coi là một điều mỉa mai của lịch sử, vì bình thường y khoa luôn coi thường và hạp thấp những người hấp hối và khoán trắng cho tôn giáo, thì nay chính y khoa lại phát huy những kỹ thuật tân thời trong việc làm hồi sinh. Vì thế, ngay từ thập niên bảy mươi của thế kỷ trước việc làm hồi sinh các bệnh nhân khi tim không còn hoạt động nữa, đã trở nên một việc hoàn toàn bình thường, mà từ trước cho tới mãi lúc bấy giờ rất ít người có cơ may sống sót sau khi y khoa tuyên bố đã chết.

Thật vậy, ngày nay chính nhờ vào sự quan tâm triệt để của y khoa, đã có rất nhiều người sau khi đã được coi là chết, tức tim ngừng đập, lại được cứu sống. Đây là những kết quả đã được Raymond Moody trình bày đầy đủ trong tác phẩm "Life After Life" của ông. Tiến sĩ Moody chứng minh rằng cái chết hoàn toàn không đơn thuần là sự dập tắt sự sống, nhưng là một sự diễn biến đầy thiêng liêng và sống động, và mang đến những chiều kích mới mẻ của cuộc sống. Và gần ba mươi năm sau đó, các nhà nhà nghiên cứu và các bác sĩ đều đồng ý cho rằng những cảm nghiệm về sự chết là thực tiễn và là một phần tất yếu trong suốt diễn biến của cái chết.

Bở vậy, từ các thập niên vừa qua cho tới ngày nay đã có nhiều nhà nghiên cứu theo gót Raymond Moody và Elisabeth Kühler-Ross trong việc chứng nhận những khám phá mới về những cảm nghiệm về sự chết và truyền bá rộng rãi ra khắp nơi.

Trong cuốn "Life at Death", xuất bản năm 1980, Kenneth Ring đã trình bày lần đầu tiên một khảo cứu rất có hệ thống và đầy đủ về sự chết. Năm 1984, K. Ring lại công bố một công trình nghiên cứu vĩ đại khác của ông chứa đựng nhiều bằng chứng về thực tại những cảm nghiệm về sự chết. Sau cùng, trong một trong các tác phẩm mới nhất của ông là cuốn "Mindsight: Near Death and Out-of-Body-Experiences in the Blind", xuất bản năm 1999, K. Ring đã trình bày cùng với Sharon Cooper về những trường hợp rất đặc biệt của những người mặc dù bị mù lòa, nhưng trong suốt thời gian có được cảm nghiệm ngoài thân xác ở ngưỡng cửa sự chết, thì đã nhìn thấy được toàn diện cảnh vật chung quanh mình.

Còn tiến sĩ Melvin Morse, một bác sĩ nhi đồng, đã đưa ra một khảo cứu có giá trị, được thực hiện tại bệnh viên nhi đồng ở Seattle/USA về những cảm nghiệm về sự chết của trẻ con. Trong cuốn "Zum Licht" (Tiến ra ánh sáng), xuất bản năm 1990, Morse đã minh chứng rằng những cảm nghiệm như thế là một phần thực tiễn của diễn biến sự chết và không do thuốc hay sự thiếu không khí để thở tạo ra. Qua tác phẩm của ông xuất bản năm 1992 với tựa đề "Verwandelt vom Licht" (Được biến đổi nhờ ánh sáng) Melvin Morse đã cho thấy ông là một trong các người khảo cứu đầu tiên đã chuyên tâm tìm hiểu một cách khoa học những thay đổi bản chất cá tính của những người sau khi đã trải qua những cảm nghiệm về sự chết.

Bác sĩ chuyên khoa về tâm y học Michael Sahom đã trình bày trong cuốn "Light and Death" (Ánh sáng và sự chết) của ông về trường hợp cụ thể của nữ bệnh nhân Pam Reynolds là trong suốt cuộc phẫu thuật thì EEG(6) của bà nằm ở gạch số không và trong suốt thời gian này bệnh nhân hoàn toàn xuất ra khỏi thể xác của mình.

Vào tháng ba năm 2001, một cuộc thí nghiệm tại phòng thí nghiệm của đại học Arizona chứng minh được sự hiện hữu của linh hồn mỗi người và sự cuộc sống vẫn tiếp tục bên kia cái chết. Để làm trắc nghiệm về sự chính xác của những khám phá của mình, các nhà nghiên cứu còn xin các phương tiện truyền thông hãy tìm hiểu những thông tin về các kẻ đã qua đời mà họ không quen biết. Và quả thật, đã có trên 90% trong số các thông tin đã chứng nhận khám phá đó là đúng.

Năm 1997, các giáo sư về thần kinh học của đại học California ở San Diego/USA cho hay rằng họ đã tìm ra được một phần của não bộ con người chịu trách nhiệm về những cảm nghiệm thiêng liêng và huyền bí của con người. Và qua phần não bộ phía bên trái người ta thấy được rằng con người sản xuất ra một tiềm năng sinh học có thể thông giao với toàn thể vũ trụ. Còn phần nửa não bộ phía bên phải, tuỳ theo sự kích thích phù hợp, có thể cung cấp được những hiểu biết sâu xa về ý nghĩa cuộc đời và đồng thời dẫn tới những cảm nghiệm được những yếu tố nhất định của qui luật sự chết.

Sau cùng, các bác sĩ và các nhà phân tâm học người Hoa Kỳ Emily Kelly, Bruce Greyson và Jan Stevenson đã tìm thấy rằng ý thức con người hiện hữu độc lập với thể lý của họ, khi các ông khảo sát và phân tích một cách khoa học ba yếu tố hợp thành sau:

1. Hiện tượng khả năng hoạt động của ý thức con người vẫn tăng cao trong suốt thời gian đương sự đang trong tình trạng bất tĩnh, đã chứng minh cho thấy rằng ý thức con người không bị tùy thuộc vào các diễn biến của thể lý.

2. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy rằng các bệnh nhân sau khi chết và tỉnh lại đã diễn tả được các đối tượng mà trong suốt thời gian qua họ đã không hề hay biết. Họ đã quan sát được chính thân thể của họ từ một vị trí khác trong không gian.

3. Những người từng có được những cảm nghiệm về sự chết thì có được những nhận thức siêu nghiệm. Họ cảm nghiệm được về những biến cố xa lạ mà trước đó chưa từng biết tới, dĩ nhiên đây là những biến cố có thể kiểm chứng được, đó là khi họ hoặc gặp mặt được người đã qua đời hoặc nhận biết được các biến cố xảy ra ở một nơi xa, mà họ không có điều kiện để biết được.(7)

Nói tóm lại, qua những dòng trình bày trên đây chúng ta nhận thức được rằng, tuy xét về phương diện thể lý, con người là một tạo vật như bao tạo vật khác trong vũ trụ. Nhưng con người lại không cùng đứng chung trên bảng xếp hạng các giá trị với các tạo vật khác. Con người hoàn toàn đứng riêng ở một vị trí nhất định mà Thiên Chúa đã dành riêng cho con người mà thôi. Bởi vì:

• Con người không chỉ có thể xác, nhưng còn có linh hồn thiêng liêng và bất tử.

• Đối với con người, chết không phải là hết, là chấm dứt cuộc hiện hữu của mình như các tạo vật khác, nhưng sau cái chết, con người vẫn còn tiếp tục sống. Dĩ nhiên, đó không phải sự kéo dài cuộc sống hiện tại ở đời này, nhưng là một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ, tựa các thần linh (x. Mt 22,30). Và chính trong cuộc sống mới này, con người được thụ hưởng hay phải đền trả về những thiện-ác mình đã làm trong cuộc sống trần thế của mình.

• Con người là một tạo vật được Thiên Chúa Tạo Hóa yêu thương và ưu ái đặc biệt, nhưng đồng thời Thiên Chúa cũng muốn tình yêu thương đó của Ngài dành cho người phải được phát triển và đâm hóa kết trái mãi khi con người thi thố cho nhau trong cuộc sống cùng chính tình yêu thương ấy.

(Còn tiếp)

Chú thích:

1. Từ "chết" được dùng ở đây để chỉ một sự chết thật theo nghĩa y khoa, tức khi tim ngừng đập và não bộ ngừng hoạt động; tuy nhiên lại không phải là một sự chết vĩnh viễn, vì sau khi chết trong một khoảng thời gian nào đó, người chết lại sống động lại. Từ "chết" theo nghĩa này được dùng trong tiếng Anh là "Near Death" và trong tiếng Đức là "Nahtod". Và chúng ta có thể tạm dịch là "chết giả".

2. Trích trong Stefan Högl: "Leben nach dem Tod? Menschen berichten von ihren Nahtod-Erfahrungen". Rastatt 1998, trang 108.

3. Luigi Moraldi: "Nach dem Tode". Zürich 1987, trang 106-108.

4. Thư II Cô-rin-thô 12,2-4.

5. Carol Zaleski: "Nah-Todeserlebnisse und Jenseitsvisionen vom Mittelalter bis zur Gegenwart". Frankfurt a.M. 1993, trang 48.

6. EEG viết tắt của chữ "L’électro-encéphalographie", một dụng cụ dùng để đo tình trạng hoạt động của não bộ bằng điện.

7. xem thêm "Nahtod. Erlebnisse hinter dem Vorhang zum Jenseits". Trong "PM PerspeKtive" 1/2002, trang 62-65.

(Suy tư trong tháng Các Linh Hồn)

Lm Nguyễn Hữu Thy

- Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết, phần (1), (2) & (3)

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 08.11.2008. 17:45