Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết (3)

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

(tiếp theo)

III. Sự chết và khoa thần bí học

Những tác động của những trải nghiệm về sự chết “giả” như đã trình bày đã chứng tỏ cho thấy rằng vấn đề được đề cập tới ở đây không chỉ là sự chuyển tiếp giữa sự sống và cái chết, nhưng những người trong cuộc còn lãnh hội được những cảm nghiệm thiêng liêng rất mạnh mẽ. Những người này phải đối mặt với một thực tại tinh thần rộng lớn. Thỉnh thoảng họ còn trải nghiệm cả đến một sự tan hòa, một sự kết hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa. Bởi vậy, sự cảm nghiệm về sự chết như thế cũng có thể được coi như là sự “cảm nghiệm về Thiên Chúa”. Một sự cảm nghiệm như thế chứa đựng màu sắc tôn giáo, tức sự cảm nghiệm mang tính cách thần bí học.

1) Những cảm nghiệm thần bí học

Nhưng trước hết thần bí học (mystique) là gì? Trong sách tự điển, thần bí học được định nghĩa là hình thức đặc biệt của lòng mộ đạo hay sự trải nghiệm thiêng liêng, trong đó một người đạt tới được trạng thái kết hiệp với Thiên Chúa, qua sự tận hiến và suy ngắm sâu lắng cao độ. Và qua đó, tự bản chất, thần bí học không phải là tôn giáo, nhưng là sự trải nghiệm đột biến tự nhiên về một thực tại siêu việt ở bên kia biên giới của cuộc sống vật chất này. Mỗi người trong chúng ta - bất kể tôn giáo, sự xác tín cá nhân - đều có thể trải qua những cảm nghiệm thần bí. Tự bản chất của nó, thần bí học là một tình trạng ý thức rộng lớn, vượt mọi giới hạn và mọi phạm trù của sự hiểu biết tự nhiên, tương tự như sự ý thức trong khi cảm nghiệm về sự chết, đến nỗi người trải nghiệm đó cảm nghiệm được sự đơn nhất của tất cả mọi sự vật.

Người có cảm nghiệm thần bí có thể nhìn thấy được những thực tại siêu việt, vượt lên trên tất cả mọi phạm trù hiểu biết của trí năng con người và làm cho người ấy được hạnh phúc siêu thoát trong cõi linh thiêng. Những vấn nạn “tôi là ai?” và “ý nghĩa đời tôi là gì?” đều được giải đáp trong việc thực thi tình yêu thương và sự hợp nhất một cách vô điều kiện trong đời sống xã hội(1). Tất cả những mâu thuẫn của cuộc sống sẽ được giải quyết, và nhất là chân lý – Thiên Chúa hiện hữu – trở nên một sự tri thức toàn diện.

2) Ánh sáng

Nguồn cội chung của những cảm nghiệm như thế chính là ánh sáng mà người trong cuộc được chiêm ngắm. Nhà thần bí người Ba Tư Sumi nói: “Có nhiều ngọn đèn, nhưng chỉ có một ánh sáng.” Còn ông Sai Baba, nhà hiền triết Ấn Độ, lại thêm: “Tất cả mọi tôn giáo là những thực tại của một chân lý.” Còn Công Đồng Vatican II còn cụ thể hơn, khi dạy rằng: “Mọi dân tộc đều có chung một mục đích tối hậu là Thiên Chúa.”(2)

Tất cả mọi tôn giáo đều trình bày một khía cạnh nào đó của Thiên Chúa và luôn khẳng định rằng niềm xác tín của mình là trọn hảo và đầy đủ nhất.

Nhưng nếu đứng trước một Thiên Chúa tuyệt đối, Đấng hoàn toàn vượt lên trên mọi phạm trù hiểu biết của trí năng phàm nhân, mà con người lại khẳng định một cách tuyệt đối rằng chỉ có một con đường duy nhất dẫn tới cùng Thiên Chúa, hay ngườit ta chỉ có thể tôn thờ Thiên Chúa bằng một cách nhất định nào đó, v.v…, là một tội phạm thượng, vì đã tương đối hoá Đấng Tuyệt Đối, đã đặt ra một giới hạn nhất định cho Đấng Vô Hạn.(3) Bởi vậy, Lão Tử đã hoàn toàn chí lý khi nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo; Danh khả danh phi thường danh”, nghĩa là: Đạo mà có thể gọi được, thì không còn phải là đạo thường; Danh mà có thể gọi được, thì không còn phải là danh thường nữa.(4)

Dĩ nhiên, một sự thật hiển nhiên khác mà không ai có thể chối cãi được, đó là nếu có nhiều con đường khác nhau dẫn tới cùng một mục đích, thì điều đó không có nghĩa là mọi còn đường đều giống nhau. Vâng, có những con đường mòn vòng vo theo các bụi bờ, có những con đường băng qua các núi rừng, có những con đương quốc lộ tương đối thẳng, nhưng lại chạy qua các làng xã thôn xóm, và cuối cùng có những con đường xa lộ thẳng tắp. Nếu vậy, khi vượt qua các con đường khác nhau như thế, người ta sẽ kinh nghiệm được rằng có những con đường dẫn người bộ hành thẳng đến đích dễ dàng và nhanh chóng hơn và có những con đường có thể làm người ta dễ bị lạc đường, mất định hướng, và nhiều khi thay vì đạt được mục đích tối hậu, người ta chỉ dừng lại tại những mục đích phụ thuộc thứ yếu.

Cũng thế, nếu mọi tôn giáo đều dạy con người phải “ăn ngay ở lành” hay nói theo quan điểm của Công Đồng Vatican II là các tôn giáo ngoài Kitô giáo “cũng thường mang lại ánh sáng chân lý”(5) nào đó, thì không có nghĩa là mọi tôn giáo đều có thể dẫn đưa con người đi thẳng tới mục đích tối hậu của đời họ là Đấng Tối Cao, là Thiên Chúa và là nguồn sống của mọi sự sống. Đó là chưa nói đến trường hợp của những tôn giáo - ví dụ Phật giáo - không nhằm tìm về cùng Đấng Tối Cao, tức Thiên Chúa như mục đích tối hậu của đời con người.

3) Sự chết và cảm nghiệm thần bí

Ngay trong thời cổ đại, văn hào Themistios người Hy Lạp đã viết: “Linh hồn con người vào lúc chết cảm nhận được những người đã được đem vào trong những huyền nhiệm cao cả như thế nào. Trước hết người ta phải mệt nhọc vội vàng đi đi lại lại và hành trình trong tối tăm một cách đầy ngờ vực như một đứa bé chưa có kinh nghiệm. Tiếp đến, tất cả những sự khiếp đảm trước cuộc chung thẩm xuất hiện: Rùng mình ớn lạnh, toát mồ hôi, run rẩy và kinh ngạc; tiếp sau đó, người ta được bao phủ bởi một ánh sáng kỳ diệu và được đem vào trong một cánh đồng cỏ tinh khiết, đầy những tiếng ca và những vũ khúc và vẻ uy nghiêm của những âm thanh và hình thể thần linh. Ở đây, những ai đã hoàn tất được cuộc chung thẩm thì có thể thong dong tản bộ đó đây; được giải cứu, người ấy được đội triều thiên, được tham phần vào cộng đồng thần linh và được giao hảo với những người tinh tuyền và thánh thiện”(6) Tất cả những yếu tố mà Themistios trình bày trong bản văn của ông, luôn là những nguyên tố nền tảng của cuộc sống con người hằng được tái lặp lại.

Còn những nhà thần bí Kitô giáo đã gọi diễn tiến sự biến đổi này là “đêm tối của linh hồn”, mà người ta phải trải qua để đạt tới được sự hạnh phúc của Thiên Chúa.

Mỗi người đều có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa. Người ấy trở nên một thành phần của sự thánh thiêng bao la vô bờ bến, một sự thánh thiêng ở khắp mọi nơi và ngự trị trong tâm hồn mỗi người. Nhưng con người với trí năng bình thường sẽ không nhận ra được mối tương quan đó trong cuộc sống thường ngày của mình. Tất cả các nhà thần bí đều nổ lực tìm cách hoà tan mình vào trong ánh sáng tinh tuyền của các thần thánh, hoàn toàn tan chảy ra trong đó, nhưng đồng thời vẫn đầy đủ ý thức về chính mình.

Cảm nghiệm đó đã được hằng triệu người kể lại khi họ trải nghiệm về sự chết. Vâng, chắc chắn rằng sự chết là một cảm nghiệm thần bí, mà mỗi người trong chúng ta, dù muốn hay không, cũng sẽ một lần phải trải nghiệm. Chỉ có sự khác biệt trong thực tế là ở chỗ: một khi chúng ta đã chết thì chúng ta không còn cơ hội quay trở lại trong thể xác của mình nữa, trái ngước lại với những cảm nghiệm thiêng liêng và những cảm nghiệm về sự chết “giả”. Điều được đề cập tới trong sự chết cũng như trong những trải nghiệm thần bí, là sự sẵn sàng loại bỏ tư duy vật chất và trực tiếp bước vào trong sự cảm nghiệm, hầu trở nên ý thức được rằng mình là thành phần của sự vô biên. Tuy nhiên, người ta cũng không tránh khỏi được nỗi sợ hãi trước sự xa lạ.

Những cảm nghiệm tiêu cực về sự chết thường xảy ra trong giai đoạn vượt qua đường hầm tối đen. Nhiều người sợ không còn kiềm soát được chính mình. Có thể họ sẽ không đón nhận sự trải nghiệm của mình và qua đó sẽ làm cho những cảm xúc mạnh bùng nổ. Và khi chúng ta thường xuyên phải đối mặt với chính thế giới nội tâm của mình, và cả những nỗi lo sợ của chúng ta cũng có thể làm cho chúng ta mất đi cảm nghiệm về ánh sáng. Công trình khảo cứu về sự chết đã rõ ràng cho thấy rằng một khi loại bỏ được những sợ hãi thì cuộc hành trình được tiếp tục ngay và sẽ có được sự cảm nghiệm tích cực. Các ranh giới đối với tất cả những tiêu cực được vượt qua trong đường hầm, khi sự ý thức của chúng ta thay đổi và trải rộng ra. Trên một lãnh vực sâu xa, thì những cảm nghiệm về sự chết chính là những trải nghiệm thần bí.

4) Cảm nghiệm về sự chết của thánh nữ Têrêxa Avila

Thánh nữ Têrêxa Avila, một trong những vị đại thánh thuộc Giáo Hội Công Giáo, thường hay được trải nghiệm tình trạng xuất thần. Những gì thánh nữ trình bày sau đây hoàn toàn đồng hóa với một sự cảm nghiệm về sự chết: “Tôi cảm thấy mình được đưa lên trời; và những người đầu tiên tôi nhìn thấy ở đó là hai ông bà thân sinh của tôi.” Và thánh nữ Têrêxa cũng so sánh những cảm nghiệm của bà với sự chết. Bà thường nói về giây phút: “… khi linh hồn thoát ra khỏi ngục tù giam hãm nó trong một giây lát và được đưa vào trong sự an bình yên tĩnh… và sự mặc khải về những điều thật cao siêu mà linh hồn chiêm ngắm trong lúc xuất thần như thế, thì đối với tôi là một điều hết sức tương tự giống như sự linh hồn lìa ra khỏi xác… Linh hồn chấp nhận điều đó”; Thánh nữ tâm sự là bà được kết hiệp với Thiên Chúa. Và từ đó bà nhận thức được một cách chắc chắn rằng bà hoàn toàn không thể rời bỏ đức tin đó được: “… Tôi đã không biết được rằng Thiên Chúa hiện hữu trong mọi sự, và theo tôi là một điều bất khả, là Thiên Chúa lại hiện diện cách thân tình với tôi dường ấy, như tôi đã trải nghiệm được điều đó.”(7)

Tiếng nói chính thức của thần bí học vượt lên trên các quan điểm truyền thống và siêu việt hoá thời gian và không gian. Chứng từ về chân lý vĩnh cửu của ánh sáng mang đến cho chúng ta những cảm nghiệm về sự chết. Có một người nữ bệnh nhân bị mổ não và trong suốt thời gian mổ như thế thì não bộ của bà ngừng hoạt động, sau đó tỉnh lại bà đã viết: “Ánh sáng tràn ngập trong tâm hồn, chung quanh và chiếu toả ra khắp mọi nơi. Đó là ánh sáng làm nên các hào quang trên đầu các thánh nhân. Đó chính là Thiên Chúa hiện thực: ở trong tâm hồn, ở chung quanh bên ngoài và khắp mọi nơi.”(8) Qua đó chúng ta thấy được rằng tuy mỗi người diễn tả hơi khác nhau một chút, nhưng cảm nghiệm của thánh nữ Têrêxa Avila và của người nữ bệnh nhân hoàn toàn đồng nhất, tức cả hai cùng cảm thấy mình được kết hiệp với Thiên Chúa.

Và ánh sáng, mà các người trong cuộc đã cảm nghiệm được như thế, bao trùm toàn vũ trụ tạo vật. Đồng thời ánh sáng quán triệt và gói ghém trọn tình yêu thương, bao hàm các tư duy, các ước muốn, sự hiểu biết và ý chí của người thị kiến. Những cảm nghiệm trọng điểm như thế vượt lên trên các ranh giới của văn hoá và lịch sử. Ánh sáng là sự minh triết và sự đồng cảm, tràn ngập tinh thần và làm tăng sự ý thức vượt mức, đến nỗi những người trong cuộc cho rằng chỉ duy trong một nháy mắt họ đã hiểu thấu được các bí nhiệm của vũ trụ:

“Nói một cách tóm tắt là người ta hoàn toàn trở nên sung mãn: Sự ý thức của tôi trải rộng ra, trở nên bao la và có thể tiếp nhận được nhiều điều hơn nữa, tôi đã phát huy chính mình, và luôn có thêm được nhiều điều hơn nữa. Đó quả thật là một ơn huệ, một điều hoan lạc! Và tiếp đến, càng ngày tôi càng cảm nhận được một điều gì đó, điều mà cuối cùng tôi đã nhận thức ra được là mình bất tử, bất khả bị hư hoại. Tôi không thể bị đả thương. Tôi không thể bị hư mất. Chúng ta không cần phải lo lắng sợ hãi… và vũ trụ thì hoàn hảo, tất cả những gì qua đi là thành phần của một kế hoạch trọn hảo. Hôm nay tôi không còn hiểu được thành phần này nữa, nhưng tôi biết chắc chắn rằng thành phần đó có thực.”(9)

5) Những cảm nghiệm của Carl Gustav Jung

Carl Gustav Jung (1875-1961), một triết gia và là một nhà phân tâm học thời danh người Thụy sĩ, đã nhấn mạnh trong tác phẩm quan trọng để đời của ông là giữa thần bí học và sự cảm nghiệm về sự chết có một sự tương quan chặt chẽ. Trong tác phẩm “Aion”, một công trình khảo cứu về hiện tượng của cái mình, ông đề cập đến một sự kiện hoàn toàn tương đồng: “… nơi sự chết của sinh vật… và tương tự như thế nơi sự chết tượng trưng đều được coi như là một sự trải nghiểm thần bí.” Vào đầu năm 1944, Jung bị tai nạn què mất một chân và hậu quả tiếp theo sau đó là ông bị đứng tim. Trong suốt thời gian bệnh kéo dài mấy tháng trời, ông đã trải qua nhiều thị kiến. Một chỗ trong bài tường trình của ông về những chiêm ngưỡng này, Jung đã viết: “Vào buổi chiều, tôi ngủ thiếp đi và giấc ngủ của tôi kéo dài đến khoảng nửa đêm. Sau đó tôi tỉnh lại và có lẽ tôi thức như thế vào độ một giờ đồng hồ, nhưng trong một trạng thái hoàn toàn thay đổi khác hẳn. Tôi thấy mình như ở trong một trạng thái xuất thần hay trong trạng thái được hạnh phúc tột độ. Tôi cảm thấy mình như thể bay lượn trong một căn phòng, như thể được che chở trong lòng của vũ trụ - trong một sự trống rỗng lạ thường, nhưng lại chứa đầy cảm giác vô cùng hạnh phúc. Đó chính là sự hạnh phúc vĩnh cửu, một sự hạnh phúc không ai có thể diễn tả được. Tôi nghĩ rằng đó là một điều quá tuyệt vời…”(10)

Giáo sư Jung còn trải nghiệm được cả “Đám cưới con chiên” ở Giê-ru-sa-lem. “Tôi không đủ khả năng để diễn tả hết được sự kiện đó với các chi tiết nhỏ được. Đó là những trạng thái hạnh phúc khôn tả. Trong đó có các Thiên thần và ánh sáng. Còn chính tôi là đám cưới con chiên.” Đối với Carl Gustav Jung thì vẻ kiều diễm và cường độ các cảm xúc của ông trong khi thị kiến là một điều không sao diễn tả nổi. Ông có cảm giác “… sự sống là một mảnh nhỏ của cuộc hiện hữu, một mảnh nhỏ xảy ra trong một hệ thống vũ trụ ba chiều đã được thiếp lập.”

Những gì xảy ra trong thời gian thị kiến, thì đã được gồm tóm lại trong một toàn thể khách quan. “Tôi không bao giờ nghĩ rằng người ta có thể trải nghiệm được những điều như thế, tức có thể có được sự hạnh phúc vĩnh cửu. Những thị kiến và những trải nghiệm hoàn toàn thực tiễn; chứ không có chút gì gọi là do cảm xúc cả, tất cả hoàn toàn đều khách quan.”

Giai đoạn thực sự thành công của giáo sư Jung được bắt đầu ngay sau cơn bệnh và những thị kiến của ông. Những tác phẩm chính của ông được viết ra sau đó, vào lúc mà sự nhận thức và sự gẫm suy về sự tận cùng của mọi sự đã mang lại cho ông sự can đảm biết tin tưởng vào các trực giác của chính mình. Như vậy, thần bí học và sự cảm nghiệm về sự chết gặp nhau trong sự hiện hữu thực tiễn là con người, một sự hiện hữu cống hiến cho chúng ta một vận may hy hữu độc nhất vô nhị, để đạt tới được sự cứu rỗi vĩnh cửu, để linh hồn được bước vào trong hạnh phúc Thiên Đàng.

6) Sự cảm nghiệm về Thiên Chúa

Ý niệm về Thiên Chúa hoàn toàn vượt khỏi mọi phạm trù hiểu biết của trí năng con người. Thomay Sawyer, nhà thể thao chạy xe đạp nổi danh ở New York, Hoa Kỳ, đã kể lại: “Tim tôi ngừng đập… sự trống rỗng đó mang hình thức một con đường hầm, sau đó tôi đã nhìn thấy trước mặt tôi một ánh sáng chói loà. Đó là ánh sáng của tất cả mọi ánh sáng. Nói một cách đơn giản, đó chính là yếu tính của Thiên Chúa. Yếu tính của Thiên Chúa chứa đựng tất cả mọi tri thức, chứa đựng sự toàn tri và tình yêu tuyệt đối; và tôi có thể tiếp cận với tình yêu đó. Tôi đã tự hỏi mình là điều gì sẽ xảy đến cho tôi, và bấy giờ tôi cảm thấy rằng tất cả mọi vấn nạn đều được Thiên Chúa giải đáp lập tức. Tôi đã trải nghiệm được một sự hiểu biết trọn vẹn. Nơi đây không hề có niên đại của các biến cố đã xảy ra, bởi vì sự thông tri viễn cảm xảy đến trực tiếp. Tất cả đều là hiện tại, thời gian như ngừng lại, chứ không qua đi.”(11)

Sự hiệp nhất với Thiên Chúa như thế, vốn được coi như là sự hiển linh ngời sáng, chính là mục đích, là ý nghĩa của cuộc sống chúng ta. Con người được tràn ngập ánh sáng ấy và qua đó được hoà nhập với Thiên Chúa. Vâng, sau khi đã bỏ lại sau lưng tất cả mọi sự thuộc cuộc sống trần thế, con người trở nên một với Thiên Chúa. Trạng thái ý thức này được gọi là “unio mystica”, sự hiệp nhất huyền nhiệm.

Meister Eckhart (1260-1327), nhà thần bí nổi danh thuộc Dòng Đa Minh, đã phát biểu như sau: “Nếu anh được Chúa Cha đưa vào trong chính ánh sáng ấy, … thì Người ban cho anh quyền cùng với Người sảnh sinh ra chính anh và tất cả mọi sự…Như vậy, cùng với Chúa Cha và trong sức mạnh của Người, anh sảnh sinh không ngừng chính mình anh và tất cả mọi sự trong giây phút hiện tại. Trong ánh sáng ấy, như tôi đã nói, Chúa Cha không còn nhận ra sự khác biệt giữa anh và Người… Bởi vì Chúa Cha và chính anh và tất cả mọi sự và cả chính Ngôi Lời (= Đức Kitô) trở nên một trong ánh sáng ấy.”(12)

Những nhà đạo sĩ Ấn giáo và Phật giáo coi sự cảm nghiệm về sự hiệp nhất như thế là cái Không, là cái Trống rỗng tuyệt đối. Nền tảng sâu kín nhất của sự nhận thức về Thiên Chúa như thế, ngày nay người ta cũng tìm gặp trong những cảm nghiệm về sự chết: Người ta trải nghiệm được Thiên Chúa như là nguồn cội của mọi hữu thể. Trong yếu tính của Người, Thiên Chúa phải được hiểu như là nguồn mọi năng lực, mà nhờ đó vũ trụ được phát sinh và tồn tại, và tất cả mọi sự đều tác động hỗ tương lên nhau và cho nhau. Trong sự hiệp nhất trọn vẹn cuối cùng với Thiên Chúa, thì toàn bộ mọi vấn nạn của cuộc sống đều được minh giải.

Sứ điệp mà các nhà thần bí cũng như những người đã trải nghiệm được sự chết qua các thị kiến của họ muốn truyền đạt cho chúng ta, đó là tất cả mọi sự đều liên kết ràng buộc với nhau trong mạng lưới vũ trụ sống động của sự hiệp nhất. Như thế, bao lâu chúng ta xét như con người là một toàn thể không phân chia và không tách lìa khỏi Thiên Chúa, thì chúng ta là thành phần của sự biểu hiện của Người. Các nhà thần bí cũng như các người có cảm nghiệm về sự chết tường trình về một ý thức bao la, có thể đạt tới nguyên ủy của sự sáng tạo. Một sứ điệp đầy an ủi cho mỗi người trong chúng ta chính là con người nhận thức được sự hiện hữu một nơi chốn giữa trung tâm ánh sáng, một nơi mọi vấn nạn của cuộc sống đều được giải đáp. Thật vậy, những vấn nạn của con người như “tại sao” hay “làm thế nào” sẽ được giải đáp, sẽ được chấm dứt khi gặp gỡ được Thiên Chúa chân thật, Đấng là nguyên ủy của mọi quyền lực và sức mạnh được che giấu phía sau tất cả mọi sự hữu.

Sự so sánh những cảm nghiệm về sự chết với những trải nghiệm thần bí trong mọi thời đại đã cho thấy rằng sự trải nghiệm về ánh sáng mang một ý nghĩa trọng tâm. Đó cũng là điều được minh chứng trong Kinh Thánh và trong quan niệm truyền thống của các dân tộc về sự chết.

Chú thích:

1. x. Mt 22,40; Cl 3,14; Gl 5,14.

2. Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 1.

3. Trích theo: Timothy Freke/Peter Gandy: “Die Welt der Mystik”. München 2001. trang 34.

4. Đạo Đức Kinh, chương 1.

5. Nostra Aetate, số 2.

6. Trích theo: L.R. Farnell: “The cults of the Greek States”. Band III. Oxford 1907, trang 179.

7. Michael Baigent: “Spiegelbild der Sterne.” Trang 233.

8. Carol Zaleski: “Nah-Todeserlebnisse und Jenseitsvisionen vom Mittelalter bis zur Gegenwart.“ Frankfurt a.M. 1993, trang 191.

9. cùng chỗ, trang 191.

10. Tất cả các trích dẫn ở đây được lấy từ: Carl Gustav Jung: “Erinnerungen, Träume, Gedanken.“ Zürich và Stuttgart 1962, trang 293-301.

11. Flenburger Hefte. “Nah-Todeserfahrungen. Rückkehr zum Leben.“ IV, 1995, trang 114.

12. Peter Reiter: “Geh den Weg der Mystiker. Meister Eckhards Lehren für die spirituelle Praxis im Alltag.“ Freiburg 2001, trang 256.

Lm Nguyễn Hữu Thy

- Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết, phần (1), (2) & (3)

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 26.11.2008. 12:05