Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Các thánh tử đạo - chứng nhân của 3 nhân đức đối thần

§ Lm Giuse Nguyễn Thành Long

Trong khoa tu đức, người ta chia tử đạo ra thành 3 lọai : tử đạo đỏ (…), tử đạo trắng (…) và tử đạo xanh (…). “Tử đạo đỏ” là tử đạo theo nghĩa hẹp, tức là đổ máu vì niềm tin của mình. Các thánh tử đạo Việt Nam thuộc hàng tử đạo theo nghĩa hẹp này, tức là “tử đạo đỏ”. Việt Nam hiện đang tạm giữ kỷ lục về con số các vị hiển thánh tử đạo: 117 vị cộng với một vị chân phước là thánh Anrê Phú Yên. Dĩ nhiên, đó chỉ là con số các vị được tuyên phong, còn nếu nói về con số chưa được tuyên phong thì cao gấp ngàn lần (khoảng 300.000 người, nghĩa là gấp 2 lần số giáo dân giáo phận Phan Thiết chúng ta). Cũng cần nói thêm, truyền thống Giáo hội vẫn tin rằng tất cả các thánh sau khi chết vẫn phải thanh luyện ít nhiều, ngoại trừ các thánh tử đạo theo nghĩa hẹp. Ngay sau khi chết, các ngài được diễm phúc lên thẳng thiên đàng liền mà không cần phải qua lửa luyện tội nữa.

Trở lại với khái niệm tử đạo. Thực ra từ ngữ “tử đạo” ban đầu có nghĩa là làm chứng. Như vậy người tử đạo có nghĩa là người làm chứng, tức “chứng nhân”. Thế thì ta có thể tự hỏi rằng các thánh tử đạo là chứng nhân của những điều gì ?

- Trước hết, các ngài là những chứng nhân của đức tin, một đức tin kiên trung :

Đức Giêsu đã nói với các môn đệ của Người rằng : “Anh em hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp anh em cho công nghị, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Anh em sẽ bị điệu ra trước vua chúa và quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết” (Mt 10,17-18).

Trải qua 300 năm, với 53 sắc dụ cấm đạo dữ dội, Giáo Hội Việt Nam đã sống chính kinh nghiệm bị bách hại mà lời Chúa đã tiên báo. Hơn mười vạn tổ tiên chúng ta đã đổ máu mình ra vì Chúa Kitô. Các ngài đã chịu đủ mọi cực hình : bị xiềng xích, lao tù, bị tra tấn, bỏ đói, bị chém đầu, bị thắt cổ, bị bá đao, phanh thây, bị kìm kẹp, bị voi dày, bị thiêu sống, bị buộc đá thả trôi sông, bị tống cổ ra khỏi nhà cửa, làng mạc, sống vất vưởng trong rừng sâu nước độc : chết đói, chết khát, chết bịnh và bị dã thú ăn thịt,… Tuy nhiên điều đáng nói là mặc dù các ngài đã bị tước đoạt quyền sống, nhưng vẫn không chối bỏ đức tin. Đến nỗi vua chúa, quan quyền, những kẻ bày ra đủ mọi cực hình tàn bạo để hành hạ các ngài, phải sững sờ kinh ngạc và kính phục lòng tin sắt đá của các ngài.

Các ngài vui lòng đón chịu mọi cực hình đau đớn và hiên ngang tiến ra pháp trường nhận cái chết thương đau để minh chứng cho niềm tin và lòng trung thành của mình đối với Thiên Chúa và với Đức Kitô. Cái chết của các ngài làm sáng lên đức tin anh dũng kiên trung. Tuy miệng lưỡi đã im tiếng, nhưng sự việc còn vang dội sâu xa, các ngài như vẫn đang nói, đang giảng thuyết; lời rao giảng của các ngài vẫn vượt không gian thời gian, như một kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện :

Chẳng một lời, một lẽ
Chẳng nghe thấy âm thanh
Mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
Và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển
” (Tv 18,45).

- Thứ đến, các ngài là những chứng nhân của lòng mến, một lòng mến nồng nàn :

Đức Thánh Cha GP II, trong Tông sắc Mầu Nhiệm Nhập Thể đã viết : “Ghi niệm về các vị tử đạo là một dấu hiệu bền vững cho chân lý về tình yêu của Kitô giáo,….. Vị tử đạo, đặc biệt vào thời đại của chúng ta, là dấu chỉ tình yêu lớn lao nhất, thâu tóm mọi giá trị khác” (MNNT, 13).

Nếu việc tử đạo là minh chứng cho lòng tin, thì tình yêu chính là động lực của việc tử đạo. Các ngài sẵn sàng đón nhận mọi cực hình, mọi gian lao đau khổ, và cuối cùng là cái chết, không phải vì các ngài có máu anh hùng hảo hán, cũng không phải vì muốn được nổi tiếng…, nhưng là vì tình yêu đối với Đức Kitô. Vì tình yêu Đức Kitô, các ngài đã sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì mình có, kể cả mạng sống. Vì tình yêu Đức Kitô, các ngài đã khao khát hiến thân từng giây phút đời mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân : “Khi tử đạo, người môn đệ đồng hóa với Thầy mình, Đấng đã tình nguyện đón nhận cái chết để cứu độ thế giới. Và người môn đệ nên giống Người trong việc đổ máu” (LG, 42). Trong thư gởi các chủng sinh, thánh Phaolô Lê bảo tịnh đã viết : “Vì cháy lửa yếu mến Chúa, tôi thà chịu chết và chịu phân thây để chứng tỏ lòng tôi yêu mến Chúa”.

Quả thế, các ngài đã không xem việc tử đạo như là một cực hình đau khổ, nhưng lại coi đó như một quà tặng tình yêu mà Thiên Chúa đã ưu ái ban phúc cho mình, nên cương quyết dành lấy nhành lá vạn tuế khải hoàn. Chính vì thế, Giáo Hội luôn coi việc tử đạo như một ân huệ lớn lao và là một bằng chứng cao cả về đức ái.

- Sau nữa, các ngài là những chứng nhân của niềm hy vọng, một niềm hy vọng sáng ngời :

Bị lăng nhục, hành hạ, tra tấn và bị kết án tử, nhưng các vị tiền bối tử đạo vẫn khẳng khái hiêân ngang, vui tươi, bình an và chứa chan hy vọng về một cuộc sống bất diệt. Các ngài nhẫn nại và can trường trong đau khổ vì đã có được Đức Kitô là nền tảng đích thực của niềm hy vọng hằng sống : “Các con hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho các con ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12). Thánh Bảo tịnh đã nói lên điều xác tín đó : “Giữa cơn bão táp của bách hại, tôi đã một đã thả một cái neo vào tận ngai Thiên Chúa, đó là niềm hy vọng sống động trong lòng tôi”. Đau khổ và cái chết chỉ là cuộc thử thách và thanh luyện để Thiên Chúa đón nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”, các vị tử đạo đã trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết, là dấu chỉ hy vọng cho thế giới, khi lấy chính cái chết của mình diễn tả chân lý về sự sống bất diệt và hạnh phúc trường cửu ở nơi Thiên Chúa.

(Xin được mở ngoặc ở đây một chút : Có người nói rằng làm thánh tông đồ, thánh hiển tu, thánh giáo hoàng, giám mục, thánh đồng trinh… thì khó, chứ còn làm thánh tử đạo thì dễ. Vì chỉ cần chấp nhận để cho người ta chém một cái là bay vèo lên đài vinh quang dành cho các thánh tử đạo. Sự thật có dễ như thế không ? Thực ra cả cuộc đời, các ngài đã sống tinh thần tử đạo rồi. Đức tin, đức cậy, đức mến của các ngài đã được tôi luyện nhiều trong cuộc sống rồi. Vì nếu cả cuộc đời không tin Chúa hay đức tin non yếu, thì đến lúc gặp gian lao, tù đày, tra tấn, các ngài sẽ không giữ vững được đức tin đâu. Nếu cả cuộc đời chỉ yêu mến thế gian, xác thịt, tiền tài, danh vọng… thì đến lúc bị đưa ra đọan đầu đài, không đủ sức mạnh để chọn lựa Chúa đâu. Cả cuộc đời không biết hy sinh là gì, thì đến lúc đau khổ thử thách tới, buông súng đầu hàng ngay là cái chắc, chứ chưa nói đến cái chết).

Máu các vị tử đạo là hạt giống đức tin”. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã trở nên hạt giống được gieo vào lòng đất, chịu mục nát, thối rữa, để có thể trổ sinh vô số bông hạt đức tin. Các ngài là những chứng nhân đã gieo hạt giống ân sủng trong nước mắt, để hôm nay hứa hẹn một mùa thu hoạch dồi dào. Tất cả những gian lao đau khổ, máu và nước mắt của các vị tử đạo hướng đến mùa lúa vàng của Thiên Chúa, trên cánh đồng Giáo Hội : “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo. Lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv125,5-6).

Ngày nay, Cây Đức Tin của Giáo Hội Việt Nam đã đâm rễ sâu trong lòng đất Việt, được nuôi dưỡng bằng mầm đất thấm máu các vị tử đạo, cây đó đang lớn mạnh, cành lá sum xuê, hoa trái dồi dào, khác nào cây trồng bên suối nước được diễn tả trong sách Khải huyền : “Những chòm cây hằng sống, có quả mười hai lần, mỗi tháng một lần”.

Là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta đã sống đức tin, đức mến và đức cậy như thế nào ? Chúng ta đã thực sự sống xứng đáng là con cháu các ngài chưa ?

Lm Giuse Nguyễn Thành Long

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 13.11.2009. 16:52