Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Các Môn Đệ Nhớ Lại

§ Phêrô Vũ văn Quí

Lễ Cung Hiến Đền Thờ - Ga 2, 13-22

Qua bài tường thuật Đức Giêsu tẩy uế Đền Thờ, với cảm nhận lúc này của tôi, thánh sử Gioan một phần nào đã cho tôi nhận ra rằng trước khi Chúa Giêsu phục sinh, một số đọan Kinh Thánh chẳng có ý nghĩa gì đối với các môn đệ. Nhưng sau Phục Sinh Vinh Hiển, “các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân [Tv 69, 10]” (Ga 2, 17), và “các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó. Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói.” (Ga 2, 22)

Như vậy, việc “nhớ lại” làm sáng tỏ sâu xa ý nghĩa việc tẩy uế Đền Thờ của Chúa Giêsu. Hơn nữa, sự Sống Lại của Người làm nẩy sinh việc nhớ lại và nhớ lại trong ánh sáng Phục Sinh làm nổi bật ý nghĩa của lời nói khó hiểu trước đó. Ánh sáng Phục Sinh đã mở mắt tâm hồn các môn đệ ra và nhờ đó, các ngài hiểu được những gì đã xẩy ra. Sự “nhớ lại” này không thuần túy là một tiến trình tâm lý hay trí thức. Nhưng việc nhớ lại này là một tác động thâm sâu của Chúa Thánh Thần, là sự hướng dẫn của Đấng ban cho các ngài thấy được sự nối kết giữa biến cố với Lời Chúa, sự nối kết giữa Lời Chúa và thực tại. Nhờ đó, dẫn đưa các ngài vào trong mọi chân lý.

Đây cũng chính là mặc khải trong bữa Tiệc Ly mà Chúa Giêsu đã nói trước cho những người đi theo Người:

Khi nào Thần Khí sự thật đến,
Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn
.” (Ga 16, 13)

Suy tư này dẫn tôi đến mẫu gương sáng chói trong việc “nhớ lại”. Thánh Luca nhấn mạnh việc suy niệm nội tâm của Đức Maria trong biến cố thờ lạy của các mục đồng: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2, 19) Rồi khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi ngồi trong Đền Thờ cùng với các nhà thông thái khác, thánh sử đã kết thúc tường thuật này với điểm nhấn như sau: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2, 21)

Sự việc suy đi nghĩ lại trong lòng được đánh dấu rất linh động bằng vào việc sau khi Đức Maria đã được sứ thần truyền tin và Mẹ đã “xin vâng” về lời xác tín của sứ thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1, 35)

Quả thật, chính nhờ Thần Khí Sự Thật mà các môn đệ mới tin vào Sách Thánh và lời Chúa Giêsu đã nói cũng như dẫn các ngài đi đến chân lý là: “Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là Thân Thể Người”. Từ Thân Thể Mầu Nhiệm Người mà sau này thánh Phaolô đã thâm tín rằng: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.” (1Cr 3, 16-17)

Mà “phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy” là gì, nếu không phải là “Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót, còn ai thương xót, thì chẳng quan tâm đến việc xét xử.” (Gc 2, 13)

Ngẫm tới đây, tôi nghe được lời giáo huấn trong Sứ Điệp của THĐGM thế giới lần thứ 12 ghi rõ như sau:

"Kinh Thánh là 'chứng từ' của Lời Chúa dưới hình thức chữ viết, là văn kiện tưởng niệm theo qui luật, lịch sử và văn chương, làm chứng biến cố mạc khải sáng tạo và cứu độ. Vì thế, Lời Chúa đi trước và đi xa hơn Kinh Thánh, Kinh Thánh cũng được Thiên Chúa linh hứng, và chứa đựng Lời Chúa hiệu năng (cf 2 Tm 3,16). Chính vì thế, đức tin của chúng ta không có trọng tâm là cuốn Kinh Thánh mà thôi, nhưng là lịch sử cứu độ và một nhân vật là Chúa Giêsu Kitô, Lời Thiên Chúa nhập thể làm người và là lịch sử. Vì thế, người đọc Kinh Thánh luôn luôn cần có sự hiện diện của Chúa Thánh Linh, Ðấng dẫn đến chân lý toàn vẹn (Ga 16,13). Ðây chính là đại Truyền Thống, là sự hiện diện hữu hiệu của Thánh Thần chân lý trong Giáo Hội, là người giữ gìn Kinh Thánh, được Huấn Quyền Giáo Hội giải thích chính. Với Truyền thống, ta đi đến sự hiểu biết, giải thích, thông truyền và làm chứng về Lời Chúa. Chính thánh Phaolô, khi công bố kinh Tin Kính đầu tiên của Kitô giáo, đã xác nhận mình "truyền lại" điều đã nhận được từ Truyền Thống (1 Cr 15,3-5). “ (số 3)

Nhờ “nhớ lại” hay nhờ “sự hiện diện hữu hiệu của Thánh Thần Chân Lý trong Giáo Hội”, những người theo Chúa được dẫn đến chân lý tòan vẹn là không chỉ yêu mến “lectio divina” mà còn hăng say làm chứng cho Chúa bằng tất cả trái tim và tâm hồn chạnh lòng thương của mình, vì sự nối kết kỳ diệu giữa Lời Chúa vào cuộc sống hiện tại, tức nhận ra những người đang gặp đau khổ họan nạn chính là Đền Thờ của Thiên Chúa. Mới đây, tôi thích thú và cảm thấy hưng phấn khi đọc được bản tin của tác giả JB Nguyễn Hữu Vinh tường thuật có đoạn như sau:

“Trái ngược với hình ảnh thường thấy của những quan chức nhà nước đến thăm nạn nhân bão lụt với hàng đoàn ô tô, ghe xuồng đưa đón, người cầm ô, kẻ đưa rước. Thậm chí có những cuộc cứu trợ đã được nói đến là tốn phí cho việc quan chức đi thăm còn gấp mấy số tiền được đưa đi cứu trợ.

Chiều nay, Đức Tổng GM Hà Nội Ngô Quang Kiệt đã xuống đến Làng Tám, với một bộ quần áo giản dị và đôi dép lê, một cây gậy tre cầm tay và cùng xắn quần móng lợn lội nước bẩn thăm những nạn nhân. Có những chỗ nước sâu ngập hết cả hai ống quần với làn nước dày đặc bèo, rác và muôn vàn thứ bẩn thỉu và hôi hám.

Ngài đã không ngại ngần mưa gió, ướt át và bẩn thỉu đến thăm những người dân này đã mấy ngày nay không bước chân ra khỏi nhà vì nước ngập, vì ốm đau. Ngài đến thăm “chú bé” đã hơn 20 tuổi vẫn nằm nguyên một chỗ với ông bà nội, nay mưa lũ phải di chuyển sang ở nhờ nhà khác. Ngài đến thăm những gia đình cô đơn, già cả, yếu đau bệnh tật… Tất cả thể hiện tấm lòng yêu thương của Ngài, nêu cao tấm lòng tận tụy vì nhân dân, vì tha nhân.

Cuộc viếng thăm của Ngài chiều nay, là thể hiện một sự hi sinh hết mình với tinh thần “Ta đến để phục vụ mà không phải là để được phục vụ” đúng như khẩu hiệu của Ngài đã nói lên tất cả “Chạnh lòng thương”.

Lạy Cha Yêu Thương,
Xin Cha ban Thánh Thần Chân Lý của Cha xuống tràn đầy trong tâm hồn và trái tim để chúng con yêu mến Lời Cha cũng như dẫn đưa chúng con đến Chân Lý toàn vẹn là nhận ra những người đang gặp khốn khó chính là Đền Thờ Thiên Chúa.

Xin Chúa Thánh Thần thánh hóa Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Chúa chung con. Amen.

Lễ Cung Hiến Đền Thờ, 9/11/2008

Phêrô Vũ văn Quí

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 08.11.2008. 01:09