Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Các Dân Ngoại giờ đây được đồng thừa tự Lời Hứa

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Chú giải Thư Thánh Phaolô Chúa Nhật Lễ Hiển Linh (Ep 3, 2-3a. 5-6)

Trong bài Thánh Thư Chúa Nhật IV Mùa Vọng, Hội Thánh đã dùng Vinh Tụng Ca kết thức Thư gửi tín hữu Rôma của Thánh Phaolô để ca tụng Mầu Nhiệm đã được giấu kín từ đời đời nhưng nay được bày tỏ cho các Dân Ngoại để họ vâng phục trong Đức Tin. Hôm nay Lễ Hiển Linh, Hội Thánh cũng nhắc lại mầu nhiệm này qua Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữi Êphêxô. Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng Đức Kitô đến không phải chỉ để cứu Dân Do Thái mà còn cứu Dân Ngoại và mời gọi họ trở thành những tảng đá sống độngtrong ngôi nhà Hội Thánh. Đây là một mầu nhiệm được Đức Kitô mặc khải cho các Tông Đồ và các Ngôn Sứ cùng ban cho các ngài sứ vụ rao giảng và ban phát các ân sủng cho mọi người.

Câu 2 và 3a - Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm

Vì không thuộc về Nhóm Mười Hai nên Thánh Phaolô bị nhiều người chống đối và cho rằng ngài không phải là một Tông Đồ chính hiệu. Hơn nữa, nhiều người Do Thái còn tố cáo ngài là xúi dục dân chúng chống lại Lề Luật. Nhưng đối với các tín hữu, Thánh Nhân là người được Chúa trao cho thừa tác vụ rao giảng Tin Mừng và ban phát ân sủng cho Dân Ngoại. Thánh Phaolô ý thức rất rõ ràng về sứ vụ của ngài trong chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong các thư, ngài đã nhiều lần nhắc lại ơn gọi này đặc biệt là với các tín hữu Côrinthô (x. 1 Cor. 9:1-2). TrongThư gửi tín hữu Galatê, ngài còn xác định rằng chính Chúa đã trao nhiệm vụ làm Tông Đồ Dân Ngoại cho ngài (x. Gal 2:8).

Khi trao nhiệm vụ này cho ngài, Chúa cũng mặc khải cho ngài một mầu nhiệm. Mầu nhiệm này đã được nói đến trong đoạn kết của Thư Rôma. Ở đây ngài nhắc lại rằng giờ đây qua việc rao giảng Tin Mừng của các Tông Đồ, mọi người dù là Doi Thái hay Dân Ngoại được mời gọi gia nhập vào cùng một Nhiệm Thể của Đức Kitô là Hội Thánh, có cùng một Đức Tin.

Nếu không được Thiên Chúa mặc khải cho thì không ai có thể biết mầu nhiệm này vì đó là “Điều mà mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa hề nghĩ đến, là điều mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cor 2:9). Nhưng một khi được ơn mặc khải thi ai cũng có thể hiểu được mầu nhiệm này. Đối với Thánh Phaolô, Đức Kitô mặc khải cho ngài biềt về mầu nhiệm này khi hiện ra với ngài trên đường đi Đamascô. Cuộc gặp gỡ ấy là một khúc quanh lịch sử trong đời ngài, và ảnh hưởng đến toàn thể sứ vụTông Đồ của ngài trong tương lai.

Nhờ đọc Thánh Kinh trong Hội Thánh, chúng ta cũng được thấu hiểu mặc khải này. Mặc khải này mở ra cho chúng ta có một liên hệ đầy ý nghĩa với Đức Kitô. Nhờ đó chúng ta được gặp Người. Không những thế, mặc khải này còn cho chúng ta thấy rõ căn tính của mỗi người trong chúng ta. Quả thật, khi Thiên Chúa tỏ Mình ra cho con người, Ngài cũng tỏ cho con người biết về chính họ là một tạo vật được dựng nên giống hình ảnh Ngài và có một phẩm giá vô cùng cao quý. Hơn nữa, khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, mỗi người chúng ta còn được Thiên Chúa trao cho sứ vụ làm tông đồ cho người khác, được cộng tác vào sứ vụ mà Chúa Con đã trao cho các Tông Đồ. Ngài luônban ân sủng để giúp chúng ta chu toàn sứ vụ này. Tất cả mọi ơn gọi đều dựa trên ân sủng, là hồng ân Chúa ban. Bất cứ ai đáp lại ơn gọi của Thiên Chúa và hợp tác với ân sủng Ngài ban đều có thể chu toàn sứ vụ của mình.

Câu 5 - mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần.

Khi nói rằng con cái loài người các thế hệ khác không được biết, Thánh Phaolô không có ý nói rằng đây là một điều “bí mật” chỉ được tỏ ra cho một số người xuất chúng hay một nhóm người thông thái nào đó. NhưngThiên Chúa có ý tỏ “mầu nhiệm” này ra cho mọi người. Các Tông Đồ cũng như các Tiên Tri hay Ngôn Sứ không phải là “những tay trong” của Thiên Chúa, nhưng là những sứ giả có nhiệm vụ đặc biệt là rao giảng và truyền bá mầu nhiệm của Ngài. Nhờ biết khiêm nhường và vâng phục trong Đức Tin, các ngài đã nghe lời Chúa Giêsu rao giảng và hiểu được điều Thiên Chúa muốn mặc khải cho nhân loại. Nội dung của mầu nhiệm này không phải là một sứ điệp được viết trong một quyển sách hay qua lời rao giảng, nhưng là một con người: Con người Đức Chúa Giêsu Kitô. Đức Kitô vừa là sứ điệp, vừa là Đấng rao giảng sứ điệp ấy. Thánh Kinh nói về Đức Kitô và những công việc của Người. Thánh Kinh chỉ cho chúng ta phương pháp sư phạm của Thiên Chúa đối với Dân Ngải, về lòng kiên nhẫn và nhân hậu vô bờ của Ngài. Các Tông Đồ và các Ngôn Sứ không phải là Thầy dạy chúng ta mà chính Đức Kitô, vị Thầy Duy Nhất, dùng các ngài mà giảng dạy cho chúng ta. Còn Đức Kitô thì xác nhận rằng Người giảng dạy giáo huấn của Thiên Chúa Cha chứ không phải của riêng Người. Vì thế những ai được trao phó sứ mạng rao giảng Đức Kitô phải luôn nhớ lời Người: “Giáo huấn của Tôi không phải là của chính Tôi, nhưng là của Ðấng đã sai Tôi” (Ga 7:17).

Mầu nhiệm này được tỏ ra cho các Tông Đồ và các Tiên Tri hay Ngôn Sứ. Như đã nói ở trên, Tông Đồ là những sứ giả được Chúa sai đi rao giảng và truyền bá mầu nhiệm này cho muôn dân. Các Tiên Tri hay Ngôn Sứ ở đây nên được hiểu là các Ngôn Sứ của Tân Ước (x. Eph 4:11; 1 Cor 12:28tt; Cv 11:27). Chúa Thánh Thần đã mặc khải mầu nhiệm cho họ “để họ có thể rao giảng Tin Mừng, khơi động Đức Tin vào Chúa Giêsu, là Đấng Mêsia, và là Chúa, và tụ họp lại thành Hội Thánh” (Dei Verbum, 17).

Chúa Thánh Thần là Đấng giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm của Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã hứa. “Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn dắt các con đến tất cả chân lý” (Ga 16:13); Ngày nay nhiều người không nhận ra được mầu nhiệm này vì họ hoàn toàn dựa vào khoa học thực nghiệm và sự hiểu biết của họ. Họ coi khoa học hơn Thiên Chúa, vì thế họ không thể chấp nhận được Thần Chân Lý vì họ không thấy và cũng không biết Ngài theo khoa học. Còn chúng ta, nếu muốn hiểu biết chân lý thì phài chấp nhận Chúa Thánh Thần và mời Ngài đến ngự giữa chúng ta, và trong mỗi người chúng ta (x. Ga 14:17).

Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong Hội Thánh. Ngài “là linh hồn của Hội Thánh. Chính Ngài là Đấng giải thích cho các tín hữu ý nghĩa sâu xa của giáo huấn của Chúa Giêsu và mầu nhiệm của Người. Chính Chúa Thánh Thần, hôm nay, cũng như thời Hội Thánh sơ khai, hoạt động trong bất cứ nhà truyền giáo nào để cho Ngài chiếm đoạt và dẫn dắt mình. Chúa Thánh Thần đặt trên miệng người ấy những lời mà người ấy không thể tự mình tìm ra, đồng thời, Chúa Thánh Thần sửa soạn tâm hồn người nghe để họ cởi mở và sẵn sang chấp nhận Tin Mừng cùng với Nước Trời được loan báo” (Phaolô VI, Evangelii nuntiandi, 75).

Câu 6 - Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.

Các Dân Ngoại được biết đến mầu nhiệm này là nhờ nghe biết và tin vào Tin Mừng. “Nhưng làm sao mà họ sẽ được nghe, nếu không có người rao giảng? Làm sao mà họ rao giảng, trừ khi được sai đi?Như có lời viết, ‘Ðẹp thay bước chân những người loan báo tin mừng!’ Nhưng không phải tất cả mọi người đã vâng theo Tin Mừng. Vì ngôn sứ Isaia đã nói, ‘Lạy Chúa, ai đã tin những điều họ nghe chúng con giảng?’ Như vậy, đức tin có được là nhờ nghe, mà nghe là nghe rao giảng lời Ðức Kitô” (Rom 10:14-16). Mọi tín hữu, qua Bí Tích Rửa Tội đều có sứ vụ mang Tin Mừng đến cho những người chung quanh mình.

Nhờ tin vào lời rao giảng của chúng ta mà họ được đồng thừa tự với Dân Do Thái lời Thiên Chúa hứa với Tổ Phụ Abraham và Vua Đavid. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã hứa với Tổ Phụ Abraham rằng nhờ miêu duệ của ông mà mọi dân tộc sẽ được chúc phúc (x. St 12:3; Hc 44:21). Đồng thời Ngài cũng hứa với Vua Đavid rằng Ngài sẽ làm cho triều đại ông được bền vững đến muôn đời (x. 2 Sam 7:12-16), nhưng Ngài không cho các ông biết việc ấy sẽ xảy ra thế nào. Người Do Thái luôn nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện các lời hứa ấy qua việc gửi đến một Đấng Mêsia quyền thế, và Ngài sẽ cho dân Israel làm bá chủ hoàn cầu đến muôn đời.

Nhờ Thiên Chúa mặc khải Thánh Phaolô hiểu rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện những lời hứa ấy cách khác. Đó là qua Đức Kitô, Ngài sẽ đưa Dân Ngoại vào Dân Mới của Ngài là Hội Thánh. Trong Hội Thánh này, dù là Do Thái hay Dân Ngoại, mọi người đều bình đẳng như những chi thể của một thân thể duy nhất là Nhiệm Thể Đức Kitô, tức là Hội Thánh. Trong Nhiệm Thể ấy Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người một nhiệm vụ riêng với những đặc sủng riêng để xây dựng Hội Thánh (x. Eph 4:11-12).

Kết Luận

Chúa Giêsu giảng trần để cứu độ toàn thể nhân loại. Việc ba nhà Đạo Sĩ dõi theo ánh sao đến gặp Hài Nhi Giêsu và Mẹ Người là cảnh mở màn chương trình Cứu Độ cho Dân Ngoại này. Trong khi Chúa Giêsu còn tại thế, Người chỉ giảng dạy cho con cái Isreal. Nhưng trước khi về Trời, Người đã truyền cho các môn đệ đi rao giảng cho muôn dân. Không những thế, Người còn đích thân đánh ngã Thánh Phaolô trên đường Đamascô và đặc biệt truyển chọn ngài để rao giảng cho Dân Ngoại. Ngày nay chúng ta được tham gia vào chính mầu nhiệm này của Thiên Chúa trong Hội Thánh, không phải vì tài năng của mình, nhưng vì ân sủng của lòng thương vô biên của Ngài Chúa. Cho nên chúng ta cũng có nhiệm vụ là những ánh sao dẫn người khác đến cùng Thiên Chúa qua những hoạt động truyền giáo và đặc biệt là qua cách sống của mình, để ý muốn của Thiên Chúa cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” ( Tim 2:3-4) được sớm thể hiện trên thế gian, để mọi người được đồng thừa lời hứa ngàn xưa của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con ý thức được trách nhiệm Ngôn Sứ mà Chúa đã trao phó cho con trong ngày gia nhập Hội Thánh để con luôn sống xứng đáng là một phần tử của Nhiệm Thể Chúa trong lời nói, việc làm và cách sống của con, ngõ hầu qua con người khác có thể nhận ra Chúa, yêu mến Chúa cùng gia nhập Nhiệm Thể Chúa, để họ cũng được thừa hưởng lời Chúa đã hứa với Tổ Phụ Abraham tự ngàn xưa. Amen.

Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận

  1. Mầu nhiệm mà Thánh Phaolô nói đến là gì? Bạn hiểu mầu nhiệm ấy khi nào và mầu nhiệm ấy bén rễ trong lòng bạn thế nào?
  2. Đối với cuộc đời bạn, mầu nhiệm ấy có ý nghĩa gì?
  3. Làm sao để bạn có thể chia sẻ mầu nhiệm ấy với người khác mà không làm cho họ tự ái, đồng thời giúp họ tin?
  4. Bạn đang sống mầu nhiệm ấy thế nào?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 06.01.2009. 11:22