Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bước chân Tông Đồ qua đôi gánh nước

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

Chúa Nhật V Thường Niên (B)

Dẫn nhập đầu lễ: Kính thưa ông bà và anh chị em,

Những ngày Tết rộn ràng đã trôi qua, và cái tưng bừng náo nhiệt đón Xuân cũng đã dần dần lắng dịu để nhường chỗ cho cuộc sống đời thường với lo toan vất vả, với tất bật ngược xuôi đang từ từ đi tới. Sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật hôm nay muốn chúng ta hãy biến cuộc sống mỗi ngày, cho dù đơn điệu nhàm chán, cho dù vất vả nhọc mệt, cho dù ẩn khuất nghèo hèn…luôn trở thành “Lời loan báo Tin Vui”, luôn trở nên “Sứ điệp của niềm hy vọng”. Đó chính là cuộc sống của chính Chúa Kitô, của các vị Tông Đồ và của những ai đã hơn một lần được Ngài chinh phục và gọi mời tiếp bước trong cuộc hành trình loan báo Tin Mừng. Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để xứng đáng cử hành thánh lễ.

Giảng Lời Chúa:

1. Từ một ngày bận rộn của Chúa Giêsu:

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một “chương trình dày đặt” trong một ngày làm việc của Chúa: Ngài rao giảng ở Hội đường (câu 21); giảng xong, chữa một người bị quỷ ám (cc 23-28); rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon Phêrô (cc 29-32); chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa (cc 32-34); Sáng sớm hôm sau khi trời còn tối mịt, Ngài thức dậy sớm đi đến một nơi hoang vắng để cầu nguyện (35); các tông đồ đến tâu trình lên Chúa những người đến gặp Chúa (36); Ngài lại ra đi rao giảng và trừ quỷ (39)…

Cũng trong ý nghĩa đó, gần gũi hơn, Tin Mừng hôm nay còn giới thiệu cho chúng ta nhân vật khác; bà Nhạc vợ của Tông Đồ Phêrô: Ngay sau khi được chữa lành bà cụ liền bắt tay vào phục vụ. Bà cụ đã dùng phần sức khoẻ hồi phục của mình để phục vụ một cách mới mẻ. Không ai rõ thái độ phục vụ của bà có tác động đến chàng rể Phêrô như thế nào, nhưng sau này, với tư cách là lãnh tụ Giáo hội, Phêrô đã viết thư khuyên giáo dân: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc chúng tôi tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô”.(1Pr 4,10-11).

Như thế, chúng ta có thể nhận ra dụng ý của sứ điệp Lời Chúa hôm nay đó chính là: hãy biến cuộc đời thành khí cụ phục vụ và loan báo Tin Mừng; hãy nhiệt tâm làm việc thiện để cọng tác với Thiên Chúa mà đẩy lùi sự dữ và tội lỗi. Chúng ta không cần phải quá lý tưởng để luôn do dự và cũng chẳng có lý do gì quá thận trọng để lần lữa đợi chờ. Thế giới đang biến đổi từng giây phút. Tin Mừng của Chúa Kitô cũng phải được “dậy men” trong mọi nẻo đời thường và mọi phút giây của cuộc sống.

Trong nhịp sống của Hội Thánh suốt 2000 năm nay, đã không thiếu những mẫu gương Tông Đồ hưởng ứng lời mời gọi của Đức Kitô, dấn thân phục vụ trên muôn nẻo đường nhân loại để Tin Mừng của Chúa thấm sâu vào mãnh đất tâm hồn của bao ức triệu con người.

Trong những giai thoại, chuyện kể về gương tông đồ của các linh mục Việt nam trong thời bách hại, có câu chuyện “linh mục gánh nước thuê” thường được giáo dân truyền tụng:

Vào thời vua Tự Đức cấm đạo gắt gao, có một linh mục tên “cụ Thanh” cải trang đi gánh nước thuê tại chợ Đông Ba, kinh đô Huế. Ban ngày lam lủ tất bật tối về phố Gia Hội ngụ nơi nhà bà Tham. Nhờ gánh nước thuê mà cụ Thanh tiếp xúc được với nhiều giáo dân, trao ban các bí tích, nhất là bí tích giải tội cho các phạm nhân trong tù và những anh chị em Kitô hữu sắp ra pháp trường để lãnh triều thiên tử đạo.

Khi linh mục Đặng Đức Tuấn, gốc địa sở Gia Hựu thuộc tỉnh Bình Định, bị bắt đưa về kinh đô Huế để xử, có được một thời gian tại ngoại thong dong để viết điều trần. Trong những ngày tháng ấy, cha Tuấn hay ghé lại thăm nhà bà Tham và được một người đầy tớ hầu hạ cơm nước tử tế. Sau nhiều lần gặp mặt, cha Tuấn linh cảm người đầy tớ nầy có nét thân quen, nên một hôm đã thẵng thừng hỏi: “Phải mầy không Thanh”. Người đầy tớ ấy đã trả lời: “Thưa phải”. Cha Tuấn sững sờ reo lên: “Trời đất ! Vậy mà bao nhiêu tháng nay tao nhìn không ra”. Nói đoạn, hai người ôm nhau niềm vui dâng lên trong nước mắt chan hòa… Thì ra đây là hai linh mục cùng học một thời tại chủng viện Penang (Malaysia), sau bao năm xa cách giờ mới gặp lại nhau !...

Rồi Cụ Thanh lại tiếp tục nghề gánh nước thuê…Cho đến một ngày, triều đình ban bố sắc lệnh tha đạo, Đức Cha Bình (Sohier) ra mắt công khai và chọn ngày cử hành lễ tạ ơn trọng thể tại Kim Long, nơi đặt Tòa Giám Mục. Đông đảo giáo dân tụ hội. Có cả quan viên trong triều đình và bà con bên lương vùng kinh đô cũng đến quan chiêm. Chính trong thánh lễ trọng thể ấy, vị chủ tế không phải là Đức Giám Mục Sohier mà lại là…”cụ Thanh gánh nước”. Giáo dân ngỡ ngàng, người lương ngạc nhiên trong tiếng trầm trồ khen ngợi: “Ngỡ là ai, hóa ra cụ Thanh gánh nước thuê ở chợ Đông Ba. Không ngờ ông ta giữ chức vụ to đến thế. Ông ta ca Latinh thật hay, mà cả ông Tây cũng phải quỳ chầu nữa…” (Những người lữ hành trên đường hy vọng, trang 116-117)

Đời sống chứng nhân qua đôi gánh nước của cha Thanh phải chăng là một chứng từ rõ nét và hiệu quả của cuộc sống Tông Đồ thời bách hại; nhưng cũng là mẫu gương và lời gọi mời rõ nét để tất cả chúng ta tìm được những phương pháp tông đồ thích hợp cho thời đại mình, môi trường sống của mình, dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa Thánh Linh.

2. Để lo việc Chúa phải biến đổi chính mình:

Tuy nhiên, để có được cảm nhận và rồi hành động tích cực trong công tác gieo trồng hy vọng và loan báo Tin Vui, điều cần thiết đầu tiên là “hãy biến đổi chính mình”, hay như cách nói của Đức Cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận trong taqcs phẩm Đường hy Vọng:

Giáo dân thời sơ khai diễn tả cách nôm na: Tông Đồ là người có Chúa Kitô trong lòng, Chúa Kitô trên mặt, Chúa Kitô trong miệng, Chúa Kitô trên tay, Chúa Kitô trong óc, Chúa Kitô trên vai…Tóm tắt là một người đầy tràn Chúa Kitô và cho người khác Chúa Kitô.(ĐHV 292).

Và để áp dụng cụ thể vào chiều kích nhân bản của việc dấn thân cho công tác Tông Đồ, Đức cố Hồng Y lại khuyên:

Đừng nói nhiều mà làm ít.
Đừng hoạt động dài mà cầu nguyện ngắn.
Đừng nhận rộng rãi mà cho hẹp hòi.
Đừng khoan dung cho mình mà khắt khe với người khác.
(ĐHV 304)

Để minh họa cho ý nghĩa nầy, chúng ta có thể đọc lại cảm nghiệm của một nhà hiền triết về lời cầu nguyện qua các giai đoạn cuộc đời:

Lúc thiếu thời tôi là một kẻ hiếu động. Trong sự hăng hái của tuổi trẻ, tôi thường xin Chúa cho tôi sức mạnh biến đổi thế gian này nên tốt hơn. Khi được nửa đời người, tôi ý thức mình chưa làm được gì cả, chưa thay đổi được bất cứ người nào, tôi liền đổi lại lời cầu nguyện cho thiết thực hơn: “Lạy Chúa, giờ đây con chỉ xin Chúa cho con khả năng thay đổi cuộc sống của những con người tiếp xúc hằng ngày thôi”. Nhưng rồi khi tuổi đời sắp hết, tôi thấy rằng mình qúa cao vọng và ảo tưởng, tôi lại thay đổi lời nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn thay đổi chính đời sống của con”. Nếu từ tuổi thanh xuân tôi đã cầu nguyện như thế thì có lẽ tôi không phải hối tiếc vì đã sống một cuộc đời vô ích” (Trích “Mỗi ngày một niềm vui”).

3. Đôi chân Tông đồ với con tim thinh lặng:

Lời Chúa đòi hỏi là như thế, Chúa Giêsu làm gương và gọi mời như thế, nhưng thực tế đời thường không luôn dễ dàng thực hiện. Quả thật, cuộc đời của mỗi chúng ta, không sớm thì muộn, không ít thì nhiều đều phải trãi qua những đêm dài tăm tối, chán nản, buồn tênh…mà có lẽ tâm sự của ông thánh Gióp trong những tháng ngày bị Chúa thử thách đã nói lên tất cả như trong bài đọc 1 hôm nay:

…Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng. Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt không một tia hy vọng. Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ” (BĐ 1).

Cho dù đời thường có phải trãi qua những đêm tối như thế, những ngày buồn như thế, thì Lời Chúa lại không cho phép chúng ta đầu hàng, bỏ cuộc hay tìm cách bám trụ để tìm một nơi trú ẩn an toàn. Đức Kitô cho dù biết trước con đường lên Giêrusalem sẽ dẫn tới đau thương và khổ nạn, nhưng Ngài vẫn hiên ngang mạnh mẽ dẫn đầu các Tông đồ ra đi và tiến lên phía trước…cho đến khi uống cạn chén đắng. Cho dù Ngài có thể ở lại đâu đó trong thành Caphanaum để được dân chúng tung hô và tự hào với những thành quả rao giảng và làm phép lạ chữa lành cho vô số bệnh nhân…thì Ngài lại vẫn cứ thanh thản ra đi đến với các con chiên lạc, với những thành, những làng chưa nghe đến Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

Tổng thống De Gasperi của Cộng hòa Italia từ năm 1945-1954, một nhân vật chính trị lừng danh của Âu Châu sau thời đệ nhị thế chiến, đã lèo lái công cuộc phục hưng quốc gia Italia sau những hoang tàn đổ nát của chiến tranh. Lúc ông mất (1954), người ta khám phá ra trong phòng ông có hai rương đầy ắp giấy tờ. Kiểm tra kỹ, thì toàn là những bài nguyện gẫm mỗi ngày do chính tay ông ta viết ra từ năm nầy qua năm nọ…Ai nấy đều ngạc nhiên và thán phục quý mến một nhà chính trị khéo léo nhưng đồng thời là một tông đồ thánh thiện, hy sinh cả cuộc đời cho dân cho nước. Vừa tận tụy với với công việc đời thường vẫn không bỏ qua những phút giây sống nội tâm nguyện cầu. (Những người lữ hành trên đường hy vọng, trang 114)

Vâng, cuộc sống của những người Kitô hữu hôm nay, những tông đồ của thời đại mới, phải là những bước chân ra đi, phải là những cuộc lên đường dấn thân cho sứ vụ tông đồ và truyền giáo đầy mạnh mẽ nhiệt tình như lời tuyên bố quyết liệt của thánh Phaolô trong thư Côrintô trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. (BĐ 2). Nhưng để có những “đôi chân Tông Đồ” như thế, thì trước tiên luôn phải có những tâm hồn thinh lặng, nguyện cầu như ước nguyện của Mẹ Á Thánh Têrêsa Cacutta, Vị Tông đồ vĩ đại của thế kỷ 20:

Lạy Thiên Chúa, Đấng ưa thích sự thinh lặng,
Xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài,
Trò chuyện, lắng nghe và thấm nhuần Lời Hằng Sống.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt,
Biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân,
Biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai,
Để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói,
Để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.
Xin dạy chúng con thinh lặng trong miệng lưỡi,
Để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người,
Tránh mọi lời nói gây đớn đau, đổ vỡ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn,
Để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.
Cuối cùng, xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim,
Để tránh xa mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét,
Để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên mọi sự. Amen

Và đó cũng chính là những lời nguyện chúng ta dành cho nhau và cho chính mình trong thánh lễ hôm nay.

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.02.2009. 09:17