Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bóc Tem

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Mc 1, 7 11

Có lẽ ảnh hưởng “con tem” xác nhận hàng chính hiệu thời gian qua người ra dán lên những chai rượu, những hộp bánh kẹo,những bao thuốc lá và nhiều mặt hàng có giá trị dễ bị làm giả, - gần đây nhất là những chiếc mũ bảo hiểm – mà khi mất công tra từ điển, cuốn Tiếng Lóng Việt-Nam của Nguyễn-Văn-Khang (Nhà xuất bản Khoa Học Xã hội, 2001, trang 68), tác giả viết : “bóc tem: mới tinh, được sử dụng lần đầu tiên”, với dẫn chứng duy nhất trích từ báo Tiền Phong, số Xuân Đinh Hợi (1997). Xuất xứ từ ngữ “bóc tem” không phải như vậy!

Những năm đầu của thập niên 1960 là thời kỳ huy hoàng nhất của những nhãn hiệu xe máy nước Pháp, như Mobylette, Sachs-Goebels và không kể đến những loại xe đua phân khối cao như Davidson, Harley, thì việc sỡ hữu một chiếc gắn máy sán xuất ở Pháp, đã là mơ ước của đa số người Việt-Nam, ngay ở thành thị. Thế rồi như trong một giấc mơ, so về tốc độ, tính chất bất ngờ và quy mô chẳng khác nào những cuộc đảo chính thịnh hành bấy giờ, những chiếc xe mới hôm qua còn được ước mơ, trầm trồ, thì sáng hôm sau đã thành một thứ đồ cổ, mà người cưỡi chúng cảm thấy lỗi thời, xấu hổ. Một nhãn xe nhập vào Việt-Nam đầu năm 1967, gồm hai chủng loại thích hợp cho nữ giới (dame) và nam giới (67) mà danh từ riêng – tên gọi của loại xe máy nầy - rất mau chóng trở thành danh từ chung [chết!] cho loại hình giao thông nầy : Honda! Chiêu tiếp thị đáng phục nhất của hãng Honda, là bán xe Honda “dame” theo hai giá : 16.000 đồng cho lính (thành phần chủ chốt, có tiềm năng mua và sử dụng đông nhất, với mức lương tháng sĩ quan thiếu uý bấy giờ là 12.000 đồng), không hạn chế số mua, trong khi giá bán cho dân thường là 20.000 đồng. Dù vậy vẫn chưa nhiều những người có khả năng mua sắm. Một loại xe máy được sản xuất tại Ý cũng xuất hiện thời kỳ ấy, không làm mưa làm gió như Honda, nhưng cũng hấp dẫn không ít giới sành điệu: Vespa, Lambretta hai và ba bánh. Trong thời kỳ ấy - những năm cuối thập niên 1960 - những ai tậu được một chiếc Honda, đều vui sướng hãnh diện và không thể bỏ qua được việc “rửa” xe, tất nhiên không phải bằng nước lã, mà bằng một bửa tiệc ê hề rượu bia. Giống như thi cử, chưa vinh quy bái tổ và tiệc tùng đãi đằng làng trên xóm dưới, thì chưa được ai công nhận ông nghè, ông cử. Khi đã thành thông lệ, mấy ai được bỏ qua! “Rửa xe”, chính là “baptême”, mà người ta phát âm trệch đi thành “bóc-tem”.

Ngày nay, ở một đất nước có trên 20 triệu xe máy với hàng trăm thương hiệu, thì việc “bóc tem” chỉ dành cho những chiếc xe hơi tiền tỷ (trong tương lai không xa, có thể dự đoán “baptême – bóc tem” chỉ dành cho máy bay tư nhân, khi xe hơi thành phương tiện giao thông bình thường). Chẳng có ai, dù nghèo đến mấy, mà còn mở tiệc ăn mừng “bóc tem” chiếc xe máy mới mua, dù là hàng mới “cáu cạnh” (từ ngữ được phổ biến vào thập niên 1980, khi hàng hoá máy móc vật dụng phi mậu dịch bắt đầu vào Việt-Nam qua đường “imex”, bán theo phiếu ‘thưởng” tùy mức độ ngoại tệ do thân nhân gửi về. Tuy vậy, với những công trình đóng mới các phương tiện đắt tiền và khổnng lồ, như tàu thủy, máy bay – đặc biệt là chở người và hàng – thì không thể thiếu lễ bay thử và lễ hạ thủy, với thông lệ một chai sâm-banh vỡ ra lênh láng khi va đập vào thân chiếc máy bay hoặc tàu thủy ấy. Người ta gọi là “baptême d’air” (tàu bay) hoặc “baptême d’eau” ( tàu thủy).

Hôm nay phụng vụ cho chúng ta sống lại một hành vi “bóc tem” đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đời của nhân vật mà Thánh Gioan Tẩy Giả sẽ giúp cử hành, để nhân vật nầy khai trương cuộc đời rao giảng công khai Tin Mừng và Nước Thiên Chúa. Tin Mừng và Nước Trời là “Vương Quốc” và “Hiến Pháp” không thể ra đời âm thầm hoặc không được ghi dấu bằng một sự giới thiệu long trọng. Mười Điều Răn Đức Chúa Trời - Hiến Pháp thuở ấy cũng được ban cho dân Do Thái ở núi cao, có khói lửa mịt mù và ánh sáng rạng ngời nói lên uy danh Đức Chúa, có tiếng Thiên Chúa phán như sóng dậy. Đất nước – dân tộc Israel thành lập – dù là thời được đưa ra khỏi Ai Cập hoặc kéo nhau về và hình thành năm 1948 – thì đều được long trọng tuyên bố. Không có lý do nào Hiến Pháp mới (Điều Răn Mới : hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương) và Vương quốc mới (Hội Thánh,mà chính Người làm Đầu) -, lại không được “bóc tem”? Chúa Giêsu Kitô là nhân vật ấy và với phép rửa - ‘bóc-tem’ - Thánh Gioan Tiền Hô giúp Người, hôm nay cũng là ngày khai trương – ‘bóc-tem” – Vương Quốc và triều đại của Người, trong “công lý và hoà bình” (x. Tv 71, 7). Vì vậy, muốn thành công dân Vương Quốc mới nầy, muốn được sống dưới Hiến Pháp nầy, mọi người cũng sẽ phải được “bóc-tem”, để vừa được tẩy gột,vừa được thánh hoá hoặc đúng hơn, làm mới “cáu cạnh”, tái tạo và hoàn lại những gì do tội nguyên tổ và tội riêng làm hư hao.Người ta gọi đó là “quan tân,chế độ tân”:

Vương Quốc mới, Hiến Pháp đổi mới, con người không thể không mới, con người vốn “đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (x. Tv 50) và biết bao tội tình trong cuộc sống, không thể không khoác tấm áo trắng và cầm ngọn nến tâm hồn cháy sáng để được trở thành công dân Hội Thánh.

Hiểu trại đi một chút theo cách của giáo sư Nguyễn-Văn-Khang (cit.), mỗi Kitô-hữu sau khi đã nhận Bí Tích Thánh Tẩy, đều được dán “tem” bảo đảm chất lượng . “Tem” chống hàng giả vốn thường được in rất công phi, lại rất dễ bị giả mạo. Có “tem” chống giả là có ngay “tem”..giả. Nhưng đáng sợ nhất vẫn là “tem” thật, mà chất lượng lại giả, bị hư hao,xuống cấp, bíên chất. Con “tem” giả mà thực chất là phản-Kitô, phản Tin Mừng, không thể che dấu mãi được, nhưng chỉ cần nó tồn tại dưới bỏ bọc “chính hiệu” một thời gian, thì sức phá hoại và những hậu quả nó để lại thật đáng sợ, nhiều khi không tài nào sửa chữa lại được nữa. Không chỉ là sói đội lốt chiên, mà là chiên trở thành sói dữ : một con chó dại, một con sói dại, không dễ gì tha cho đàn chiên cừu. Hội Thánh nhiều phen khốn khổ và khốn đốn vì những con chiên đã hoá thành sói dữ nầy.

Bí Tích Hoà Giải và Bí Tích Thánh Thể là hai bí tích cần thiết nhất trong đời một Kitô-hữu, để chúng ta không ỷ vào chất lượng cao hoặc dựa vào con “tem” bảo đảm, để bỏ qua hoặc lười biếng rà soát,kiểm tra chất lượng đức tin và cuộc sống làm chứng nhân của mình, kẻo rồi lại “treo đầu dê,bán thịt chó”, làm hại cho chính mình và cho anh em chúng ta. Năm cũ [âm lịch] sắp qua : khi dọn dẹp nhà cửa, sửa sang, những chỗ hư hao xuống cấp, đừng quên linh hồn chúng ta cũng cần được lau rửa, làm mới với ơn thánh Chúa qua các Bí Tích.

Tình Ca Cho Người Được Yêu 136

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 08.01.2009. 17:19