Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Biết Ơn Người Cao Tuổi

§ Lm JB Vũ Xuân Hạnh

Nguồn: chungnhanduckito.net

Kính dâng hương hồn Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình.
Kính tặng Đức Cha GB. Bùi Tuần, các Đức Giám mục, linh mục, tu sĩ về hưu.

Tôi đọc trong mục Thông báo của tài liệu tĩnh tâm linh mục giáo phận Phú Cường tháng 6.2006, thấy một mẫu thông báo ngắn: “Tiền thau thu được trong lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu (ngày 23.06.2006) sẽ được dùng để giúp đỡ quý cha hưu dưỡng của giáo phận. Xin quý cha nhắc nhở giáo dân quảng đại giúp đỡ quý cha hưu dưỡng…”.

Tôi hiểu giáo Phú Cường có những nỗ lực hết sức, và quan tâm cách cụ thể đến những mục tử trong giáo phận, mà nay đang sống ở tuổi xế chiều. Điều đó đúng đắn, đáng hoan nghênh, đáng nhân lên.

Nhưng cũng từ mẫu tin ngắn ấy, tôi hiểu rằng, sự giúp đỡ vật chất chưa phải là tất cả của lòng quan tâm, sự nâng đỡ. Suy nghĩ đó, gợi lên trong tôi mấy việc phải làm, có khi còn quan trọng hơn cả vật chất. Đó là lòng biết ơn đối với những người cao niên. Từ lòng biết ơn, tôi biết mình cần phải thông cảm và cầu nguyện cho những người cao niên.

I. Lòng Biết Ơn.

Ngày ấy, khi chúng tôi đến thăm, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã yếu nhiều. Biết chúng tôi ở giáo phận A., và cũng trong thời gian đó, Đức Giám mục L. của giáo phận chúng tôi vừa qua đời. Nhưng dường như mọi người đều muốn dấu Đức Tổng Phaolô tin buồn này. Vì thế, Đức Tổng chẳng biết gì. Đức Tổng hỏi thăm: “Đức Cha của anh em đã khỏe chưa?”. Trong một thoáng, chúng tôi nhìn nhau không biết trả lời thế nào. Rồi một người anh em của chúng tôi có vẻ nhanh trí hơn, đã trả lời Đức Tổng bằng một câu… không thành thực cho lắm: “Kính thưa Đức Tổng, Đức Cha của chúng con không còn ở nhà thương nữa ạ!”. Không biết Đức Tổng Phaolô hiểu câu nói ấy thế nào, mà lại vui ra mặt: “Thế là tốt rồi. Không biết chúng tôi đã làm được gì cho giáo phận. Nhưng những lúc yếu đau như thế này, giáo phận vất vả với chúng tôi quá. Chúa thương chúng tôi quá”.

“Chúa thương chúng tôi quá”. Một lời nói quá đơn sơ, nhưng tôi lại thấy chứa cả một nỗi niềm của đức tin, của sự cậy trông và của lòng bình an lớn. Đối với người bình thường, thì lời nói ấy sẽ rất bình thường. Tôi cũng hay nói như thế. Nhưng có khi trong tôi, đó chỉ là lời sáo rỗng, nói để mà nói, nói để người ta thấy mình… “có Chúa”. Nhưng với một người đang tiến về cõi chết như Đức Tổng, đó phải là lời nói của một người biết mình đang tiến về cùng Cha. Vì thế, trong giọng nói yếu ớt, run run ấy, lại có sức lôi cuốn và gây cảm động.

Lời của Đức Tổng làm chúng tôi nghèn nghẹn làm sao ấy. Bởi chính lúc già nua tuổi tác và yếu đau thế này, là lúc cả giáo phận và mỗi một thành viên trong giáo phận phải chứng tỏ lòng biết ơn của mình qua những cử chỉ chăm sóc, viếng thăm, thì chính Đức Tổng lại biết ơn giáo phận! Bởi thế, dù Đức Tổng đã ra đi khá lâu rồi, nhưng không chỉ lời nói mà cả hình ảnh của ngài, tôi vẫn nhớ như in. Người lẽ ra phải được đền ơn, lại là người mang ơn người khác. Chính những lời, những hình ảnh cuối đời ấy của Đức Tổng đã nhắc tôi rất nhiều về lòng biết ơn những người già cả, trong đó có cha mẹ tôi, những người thân yêu trong gia đình, trong dòng họ, bạn bè, và đông đảo những người già cả âm thầm dâng hiến những hy sinh từng ngày để cầu nguyện cho ơn gọi trong Hội Thánh. Trong số đó còn có không biết bao nhiêu hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ ở tuổi nghỉ hưu.

Cách riêng, là linh mục đang coi xứ, tôi duy trì lòng biết ơn các vị tiền nhiệm của mình. Nơi giáo xứ mà tôi đang có trách nhiệm, có cả một bề dày lịch sử hàng trăm năm. Hàng trăm năm, để lại dấu ấn của không biết bao nhiêu người đã đi qua. Từ những vị thừa sai khởi gieo mầm giống đức tin, đến tất cả những ai chung sức, chung lòng, nhuộm thắm mồ hôi, nước mắt, và cả xương máu nữa, trao lại gia sản đức tin quý giá cho đời sau. Vì thế, để thỏa lòng biết ơn của mình, thế hệ con cháu phải làm sống động đức tin, lòng đạo đức và xây dựng giáo xứ bằng tất cả tinh thần trách nhiệm của mình.

II. Niềm Cảm Thông.

Đã chứng kiến những ngày cuối đời của Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình, gần đây lại được đọc cảm nghiệm lắng sâu như một lời trăn trối của một vị Giám mục “chẳng còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”, tôi lại thấy lòng mình dâng tràn thương cảm, đồng thời cũng kính phục sự chiến đấu dũng cảm đối với những đau đớn, bệt tật, sự cô đơn của những con người ở tuổi hoàng hôn khi phải cùng vác thánh giá với Chúa Kitô lên Đồi Tử Nạn. Cảm nghiệm lắng sâu đó là hai bài viết của Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần: “Xin đừng sa thải và bỏ rơi con” (Công giáo và Dân tộc số 1549) và “Cuộc đời thanh vắng” (Công giáo và Dân tộc số 1560).

Để thông cảm với người lớn tuổi, và thông cảm cách hiệu quả nhất, thông cảm như chính mình là người trong cuộc, tôi nghĩ, cách hay nhất là lắng nghe tâm tư của họ. Tôi coi những chia sẻ rất cảm động của Đức Cha Bùi Tuần là đại diện cho nỗi lòng của lớp người lớn tuổi. Đọc lại những chia sẻ đó, tôi thấy mình thật sự gần gũi, không chỉ với Đức Cha mà còn với lớp lớp người tuổi cao, sức yếu.

Bằng suy niệm Thánh Kinh: “Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng. Chớ bỏ rơi con khi sức lực suy tàn” (Tv 71,9), Đức Cha Gioan Baotixia Bùi Tuần, không chỉ muốn viết về mình, viết cho mình mà còn viết về và viết cho cả một lớp người dễ bị chúng ta “bỏ quên”, hoặc tệ hơn, nhiều người già bị con cháu coi là “phế nhân”: “Đây là những lời (tức TV 71,9) xem ra nói lên đúng hoàn cảnh của tôi. Thiết tưởng hoàn cảnh của tôi cũng là hoàn cảnh của nhiều người" (Xin đừng sa thải và bỏ rơi con).

Đức Cha thật lòng bộc bạch: “Các ngài đang sống hiệp thông giữa Hội Thánh Việt Nam vừa hoạt động, vừa thầm lặng. Gánh nặng trách nhiệm đã trao nay được cất khỏi các ngài. Nhưng gánh nặng về bệnh tật thân xác và về khổ đau tâm hồn nhiều khi lại mỗi ngày mỗi tăng thêm. Với những gánh nặng âm thầm ấy, nhiều vị sống cuộc đời hưu thanh vắng. Trong cuộc sống thanh vắng ấy, nhiều giáo sĩ và tu sĩ về hưu đã là những thành phần thật sự phục vụ hữu ích, ngay trong hoàn cảnh bại liệt…” (Cuộc đời thanh vắng). Hoặc: “Tuổi già sức yếu và bao điều đi theo tuổi già sức yếu đều là những xuống cấp gây nên do luật tự nhiên một cách thông thường” (Xin đừng sa thải và bỏ rơi con).

Dù phải gánh nhiều khó khăn nơi thân xác, lẽ ra người ta sẽ rã rời mệt mỏi. Cũng có thể, có lúc do phải chịu đựng nhiều, người ta dễ cay đắng cho bản thân mình. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Những người phải sống “cuộc đời thanh vắng”, lại cảm nghiệm rất sâu lòng yêu thương của Chúa. Dường như chính lúc thanh vắng này, là lúc sự cảm nghiệm ấy càng mạnh mẽ, càng lớn lao: “Mặc dầu hưu, các ngài vẫn đi theo Chúa bằng cách thích hợp mà Chúa soi cho các ngài…Nhiều vị về hưu đã chia sẻ cho tôi biết sự các ngài nghe tiếng Chúa gọi các ngài trong đời hưu” (Cuộc đời thanh vắng). Dù phải sống cuộc đời thanh vắng, các ngài vẫn khẳng định: “Đó không phải là dấu Chúa sa thải, bỏ rơi. Trái lại, những ai khiêm tốn vâng phục ý Chúa, chấp nhận chuyển biến tự nhiên đó, sẽ cảm thấy thanh thản. Hơn nữa, nếu họ đón nhận với lòng mến Chúa, với ý thức mình được Chúa yêu thương, thì họ sẽ được hạnh phúc. Hạnh phúc này Chúa dành riêng cho những ai chịu thử thách mà vẫn trung thành” (Xin đừng sa thải và bỏ rơi con).

Đọc lại, dù chỉ là một chút những tâm tình của Đức Cha, chúng ta thấy trong nội tâm của chính mình gọi về một đòi hỏi lớn: đó là niềm kính trọng, sự yêu thương đối với người cao tuổi. Yêu thương và kính trọng sẽ giúp ta thông cảm với những đổi thay của tuổi già. Những đổi thay đó càng gây cực lòng bao nhiêu, thì càng phải cảm thông bấy nhiêu. Niềm cảm thông của chúng ta còn là sự nâng đỡ tốt nhất mà người tuổi già rất cần. Niềm cảm thông ấy lớn bao nhiêu thì sẽ mang lại cho người tuổi già sự vui sống, lòng ham thích được sống lớn bấy nhiêu. Chúng ta không được quyền bỏ rơi người lớn tuổi, càng không bao giờ được phép coi họ như phế nhân. Hãy để cho người tuổi già có dịp trụ lại trong trái tim mỗi người chúng ta. Vì nếu cư ngụ được trong trái tim ai, đó là hạnh của người được cư ngụ. Hạnh phúc khi được trụ lại trong trái tim yêu thương của ta, hạnh phúc ấy chính là quà tặng quý giá vô cùng, ta dành cho người ở tuổi cao.

Nếu Chúa muốn chúng ta sống lâu năm, thì rồi bất cứ là ai, giai tầng nào, đều phải sống những ngày hoàng hôn của đời mình. Đọc những suy tư quý báu của Đức Cha, tôi không chỉ hiểu và đồng cảm hơn với người tuổi già, mà còn nhìn thấy trước chính tương lai đời mình. Càng hiểu rằng bất cứ ai cũng đều có thể bước vào hoàng hôn cuộc đời, tôi càng muốn chia sẻ thật nhiều, nhiều hơn nữa niềm thông cảm của mình với người tuổi cao.

III. Cầu Nguyện.

Cầu nguyện phải là việc làm trước tiên, khi chúng ta tỏ lòng kính trọng, yêu mến người già. Chính bản thân tôi, không thể nhớ là bao nhiêu lần, đã xin người khác cầu nguyện cho mình. Mỗi một lần thăm viếng bệnh nhân, thăm viếng người già yếu liệt, tôi đều xin họ dâng hy sinh của chính họ cầu nguyện cho tôi. Cũng vậy, không ít lần, anh chị em được tôi thăm viếng đã ngỏ lời xin tôi cầu nguyện. Hiểu được tầm quan trọng của ơn Chúa cho đời người, trong các giờ kinh hằng ngày, tôi vẫn thường thốt lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin Chúa đoái thương đến tất cả những người đã từng xin con cầu nguyện, những người con có trách nhiệm phải cầu nguyện cho, những người con đã hứa cầu nguyện cho. Xin Chúa ban cho họ ơn của Chúa và giúp họ sống theo thánh ý Chúa”.

Tin tưởng vào ơn Chúa là món quà rất đỗi thánh thiêng, hiệu nghiệm, có sức mạnh diệu kỳ, tôi vẫn thầm thỉ cầu nguyện cho những bậc cao niên. Những bậc cao niên ấy là ông bà, cha mẹ, mọi người thân thuộc của tôi. Họ cũng là tất cả những người để lại những dấu ấn, những kỷ niệm trong cuộc đời tôi. Họ còn là tất cả những người tôi biết mặt biết tên, hay không biết mặt, biết tên:

Tôi xin Chúa ban cho họ sức mạnh để họ chịu đựng những khó khăn, những bệnh tật và vô vàn các giới hạn của tuổi già.

Tôi hiến dâng những người lớn tuổi cho Chúa Kitô thánh giá, Người sẽ biến đau khổ của những bậc già nua thành hoa trái đạo đức, hoa trái của ơn cứu chuộc.

Tôi hiến dâng những người lớn tuổi cho mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, để từ trong chính những đau khổ của mình, họ được nâng đỡ, được vui mừng và hạnh phúc vì được tin tưởng và cảm nhận sức sống của ơn thánh bừng lên trong đau khổ mà họ phải chịu đựng.

Tôi xin Chúa chấp nhận và biến lòng can đảm, sự chịu đựng của người lớn tuổi thành hoa trái của ơn truyền giáo, để danh Chúa được cả sáng và họ được tham dự vào sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh.

Tôi xin Chúa, nhờ những hy sinh và lời cầu nguyện thầm lặng của những người lớn tuổi, làm cho mọi người thiện tâm được ơn thánh hóa; người nguội lạnh được ơn trở lại; người đau khổ, nghèo khó, bệnh tật, dốt nát, tù đày, mồ côi, bị bỏ rơi, mỏi mệt, bạc mệnh, thất vọng, bị phụ tình, góa bụa, các trẻ em và các phụ nữ bị mua bán, bị lợi dụng… được ơn ủi an và nâng đỡ; người vất vả lầm than được ơn hiểu biết sức mạnh cứu chuộc trong lao động; cả những người giàu sang, hạnh phúc cũng được ơn biết rung động con tim, để họ không vô tâm nhưng chia sớt và thông cảm trước những anh chị em rủi ro, xấu số; và tất cả những ai là con cháu, người thân thuộc, những ai được coi là bình thường, mạnh khỏe, trẻ trung được ơn yêu mến, tận tụy, kiên nhẫn, quan tâm săn sóc những người lớn tuổi, những người thiếu khả năng về tinh thần cũng như thể lý…

Tôi xin Chúa ban cho các mục tử ơn quan tâm đặc biệt đối với những bậc già cả và người bất hạnh trong công tác mục vụ hằng ngày.

Tôi cũng xin Chúa ban cho mọi người, nhất là anh chị em tín hữu ơn yêu thương, quý trọng các mục tử đã từng sống với họ, và tất cả các giáo sĩ, tu sĩ hiện đang phải sống trong tuổi hoàng hôn.

Tôi đặc biệt xin Chúa ban cho tôi có một trái tim biết đập bằng chính những nhịp đập của Trái Tim Chúa Giêsu, để như Người, tôi luôn sống với mọi người bằng đức bác ái mục tử cao độ, nhất là sống bác ái với những người lớn tuổi xung quanh tôi.

Lm Vũ Xuân Hạnh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.08.2006. 23:08