Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bí Tích Thánh Thể như là một mầu nhiệm hiệp thông

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

(Bài chú giải Tin Mừng của Cha Raniero Cantalamessa, OFM Cap)

ROMA (Zenit.org) – Trong Bài Đọc Hai, Thánh Phaolô trình bày Bí Tích Thánh Thể như là một mầu nhiệm hiệp thông: “Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là hiệp thông với Máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao?”

Hiệp thông có nghĩa là trao đổi, là chia sẻ. Bây giờ, đây là định luật căn bản cho việc chia sẻ: đó là cái gì của tôi là của bạn và cái gì của bạn là của tôi. Chúng ta hãy thử áp dụng định luật này vào việc hiệp thông trong Bí Tích Thánh Thể. Khi làm như thế chúng ta sẽ thấy tính cao quý của sự hiệp thông này.

Điều gì tôi đang có thật sự là “của tôi”? Sầu khổ, tội lỗi: Chỉ có những điều này là của riêng tôi. Điều gì Chúa Giêsu có nếu không phải là sự thánh thiện, sự toàn hảo về mọi nhân đức “của Người”? Như thế, hiệp thông là ở việc tôi tặng cho Chúa Giêsu tội lỗi và sự nghèo nàn của tôi, và Người tặng lại cho tôi sự thánh thiện của Người. Như phụng vụ định nghĩa, trong sự hiệp thông này, “admirabile commercium”, hay “một trao đổi tuyệt vời” được thực hiện.

Chúng ta biết về nhiều loại hiệp thông. Một loại hiệp thông rất mật thiết là hiệp thông giữa chúng ta với thức ăn chúng ta dùng -- thức ăn trở thành thịt của thịt chúng ta, xương của xương chúng ta. Tôi đã được nghe các bà mẹ nói với con mình khi các em ôm và hôn các bà: “Mẹ yêu con quá đến nỗi mẹ muốn nuốt sống con!”

Sự thực thì thức ăn không phải là một người có sự sống và trí khôn mà chúng ta có thể chia sẻ tư tưởng và sự quý mến, nhưng bây giờ giả sử thức ăn tự nó sống động và có khôn ngoan: Trong trường hợp này chúng ta có thể có một sự hiệp thông hoàn toàn không? Đây chính là điều xảy ra trong sự hiệp thông Thánh Thể. Chúa Giêsu phán trong Tin Mừng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. […]thịt Ta thật là của ăn. […] Ai ăn thịt Ta sẽ có sự sống đời đời.” Ở đây của ăn không còn là một vật đơn giản nữa, nhưng là một người đang sống. Đây là sự hiệp thông mật thiết nhất, mà còn là một sự hiệp thông mầu nhiệm nhất.

Chúng ta hãy xem điều gì xảy ra trong thế giới tự nhiên về dinh dưỡng. Chủ thể sống mạnh mẽ hơn tiêu hóa chủ thể yếu ớt hơn. Thực vật tiêu hóa khoáng chất; động vật tiêu hóa thực vật. Ngay cả trong tương quan giữa Đức Kitô và con người, định luật này cũng được áp dụng. Chính Đức Kitô đồng hóa chúng ta với Người; chúng ta được biến đổi nên Người, Người không biến đổi thành chúng ta. Một nhà vô thần vật chất thời danh đã nói: “Người ta là điều họ ăn”. Vô hình chung ông ta đã định nghĩa chính xác về Bí Tích Thánh Thể. Cảm tạ Bí Tích Thánh Thể, chúng ta thực sự trở nên điều chúng ta ăn: Thân Thể Đức Kitô!

Chúng ta hãy đọc hết phần còn lại của bài trích Thư Thánh Phaolô: “Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh.” Rõ ràng là trong trường hợp thứ hai này, từ “thân thể” không còn nói về thân thể của Đức Kitô do Đức Mẹ sinh ra, nhưng nói về “tất cả chúng ta”, từ này ám chỉ Thân Thể lớn hơn của Đức Kitô là Hội Thánh. Điều này có nghĩa là sự hiệp thông trong Bí Tích Thánh Thể luôn luôn là sự hiệp thông giữa chúng ta. Cùng ăn một tấm bánh chúng ta trở thành một thân thể.

Cái gì đi kèm theo sự hiệp thông này? Chúng ta không thể ở trong sự hiệp thông với Đức Kitô nếu chúng ta chia rẽ nhau, nếu chúng ta thù ghét nhau, nếu chúng ta không sẵn sàng hòa giải với nhau. Thánh Augustinô đã nói, nếu anh em làm mất lòng anh em của mình, nếu anh em đối xử bất công với người ấy, mà đi đến rước Lễ như là không có chuyện gì đã xảy ra, dù là lòng đầy sốt sắng trước mặt Đức Kitô, thì anh em cũng giống như một người thấy một người bạn đã lâu không gặp đang đi về phía mình. Anh ta chạy đến gặp người bạn, ôm lấy cổ và hôn bạn. Nhưng khi làm như thế anh ta không thấy rằng mình đang đá bạn bằng những đinh nhọn ở đế giầy.

Anh em của chúng ta, đặc biệt là những người nghèo khổ và những người bị bỏ rơi, đều là chi thể Đức Kitô, họ là những bàn chân của Người vẫn còn ở trên thế gian. Khi trao Mình Thánh cho chúng ta, vị linh mục nói, “Mình Thánh Đức Kitô”. Chúng ta thưa, “Amen!”

Chúng ta biết là chúng ta đang thưa “Amen”, “Vâng” với ai. Chúng ta không những chỉ thưa với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, mà còn với những người lân cận chúng ta.

Trong Lễ Mình Máu Thánh Đức Kitô tôi không thể che giấu một số nỗi buồn. Có một số hình thức bệnh thâm thần nào đó đang làm cho người ta không thể nhận ra những người gần gũi họ. Những người này còn tiếp tục gào thét hết giờ này đến giờ khác: “Con tôi đâu? Vợ tôi đâu? Tại sao họ không đến?” Có thể người con và người vợ đang cầm tay họ và nói: “Có tôi đây. Ông không thấy tôi sao? Tôi đang ở với ông!”

Điều này cũng đang xảy ra cho Thiên Chúa. Những người đương thời với chúng ta đang tìm kiếm Thiên Chúa trong vũ trụ hay trong những nguyên tử; họ bàn cãi về việc có một Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng thế gian hay không. Họ tiếp tục hỏi: “Thiên Chúa ở đâu?” Họ không nhận ra rằng Người đang ở với chúng ta và thật sự Người trở nên của ăn và của uống để được kết hợp mật thiết hơn với chúng ta.

Tiếc thay, Thánh Gioan Tẩy Giả đã phải nhắc lại: “Có một Người ở giữa anh em mà anh em không biết.” Lễ Mình Máu Thánh Đức Kitô được lập ra chính là để giúp các Kitô hữu ý thức được sự hiện diện này của Đức Kitô giữa chúng ta, để làm cho điều mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi là “Kỳ Quan Thánh Thể” được sống mãi.

The Two Bodies of Christ [2008-05-23]
Gospel Commentary for Corpus Christi

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 24.05.2008. 09:56