Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bí quyết xây dựng hạnh phúc Gia Đình theo Thánh Phaolô

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Chú Giải Thánh Thư Lễ Thánh Gia Thất (Cl 3, 12-21)

Hôm nay Lễ Thánh Gia, Hội Thánh dùng một đoạn trong Chương 3 của Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôxê để chỉ cho chúng ta phương thức xây dựng hạnh phúc gia đình. Tuy Thánh Phaolô không trực tiếp thành lập giáo đoàn này, nhưng cộng sự viên của Ngài, Êpaphra, là người thành lập. Mục đích chính của Thư là cảnh giác các tín hữu về những giáo huấn sai lạc, và đưa ra một khuôn mẫu sống đạo trong Đức Kitô. Trong chương này, Thánh Phaolô khuyên họ xa lánh tội lỗi. Vì một khi đã là môn Đức Kitô, họ trở thành những con người mới trong Người. Họ không còn sống cho mình nữa, nhưng sống cho Thiên Chúa. Muốn sống cho Thiên Chúa thì phải từ bỏ con người cũ, nếp sống cũ, với những hành vi của nó, và mặc lấy con người mới, con người được canh tân trong tri thức theo hình ảnh Ðấng Tạo Hoá (x. Col 4:10).

Câu 12 - Như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại,

Như những môn đệ Đức Kitô, được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu thương, Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải mặc lấy con người mới. Nhưng mặc lấy con người mới không chỉ là việc làm bề ngoài như mặc quần áo mới, mà là một sự thay đổi toàn diện con người: từ linh hồn, thể xác, cách suy nghĩ đến cách cư xử. Muốn được như thế, trước hết chúng ta phải “giết đi các phần tử thuộc về thế gian trong anh em, đó là gian dâm, ô uế, ham mê tình dục, thèm muốn xấu xa, và tham lam, mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3:5). Chừa tật xấu chưa đủ mà còn phải tập nhân đức, đặc biệt là những nhân đức giúp chúng ta tạo dựng hạnh phúc trước hết là trong gia đình, rồi trong cộng đoàn, và xã hội. Những đức tính ấy là: từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại …

Từ bi và nhân hậu là đặc điểm của Đức Bác Ái. Khiêm cung, ôn hòa và nhẫn nại là đặc điểm của Đức Khiêm Nhường. Đức Khiêm Nhường và Bác Ái cũng là hai nhân đức căn bản mà Chính Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta học cùng Người (x. Mt 11:29).

13 - chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau.

Có khiêm nhường thì mới biết rằng mình cũng là người bất toàn, nhờ thế mà biết tha thứ cho sự bất toàn của người khác. Có bác ái thì mới biết chịu đựng lẫn nhau. Nhờ biết tha tha thứ cho nhau và chịu đựng lẫn nhau mà gia đình được hạnh phúc.

Chịu đựng phải đi đôi với tha thứ. Chịu đựng mà không có tha thứ là đè nén lòng mình. Cho đến một ngày nào đó không còn đè nén được nữa thì lòng mình sẽ nổ tung, sẽ đi đến đổ vỡ, ly thân ly dị, và còn nhiều hậu quả động trời hơn nữa.

Tha thứ cho người khác còn là một điều kiện tiên quyết để được Thiên Chúa tha thứ (x. Mt 6:12;14-15; Mc 11:26; Lc 6:37). Không những thế, Chúa Giêsu còn cảnh cáo chúng ta trong dụ ngôn Tên Ðầy Tớ Bất Nhân (Mt 18:23-35) rằng “Cha Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với mỗi người trong các con như thế, nếu các con không tha thứ cho anh em các con tận đáy lòng” (Mt 18:35).

Đồng thời nếu chúng ta không biết tha thứ thì Thiên Chúa sẽ không nhận lời cầu nguyện của chúng ta: “Khi các con cầu nguyện, hãy tha thứ, nếu các con có chuyện bất bình với ai, để Cha các con là Ðấng ngự trên trời, cũng tha tội các con. Nhưng nếu các con không tha thứ, thì Cha các con là Ðấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha tội các con” (x. Mc 11:25-26).

Nhưng tha thứ không phải là dễ nếu không có ơn Chúa. Cho nên cần phải cố gắng và cầu nguyện nhiều để Chúa giúp chúng ta thực hành những điều ấy.

Câu 14 - Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện.

Thánh Phaolô coi Đức Yêu Thương hay Đức Bác Ái là mối dây ràng buộc tất cả các nhân đức lại với nhau. Thiếu Đức Ái thì tất cả các nhân đức khác đều vô ích, đến nỗi Thánh Nhân phải nhấn mạnh: “Nếu tôi có đem hết tất cả những gì tôi có mà bố thí, hay hiến thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức ái, thì tôi cũng chẳng được ích gì” (x. 1 Cor 13:3).

Thánh Phanxicô đệ Salê viết: “Không có xi măng và vữa, là điều gắn các viên gạch lại với nhau và củng cố các bức tường, thì toàn thể ngôi nhà sẽ có nguy cơ xụp đổ; một thân thể con người cũng sẽ bị tan rã nếu không có các thần kinh, bắp thịt và gân; nếu thiếu Đức Ái, các nhân đức khác cũng không thể liên kết với nhau được” (Luận về Tình Yêu của Thiên Chúa, 11,9). Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Ðức Ái gợi hứng và thúc đẩy việc tập luyện mọi nhân đức. Ðức Ái là ‘mối dây liên kết tuyệt hảo’ (Cl 3,14); là mô thể của các nhân đức; liên kết và phối hợp các nhân đức; là nguồn mạch và cùng đích của việc thực hành các nhân đức trong đời sống Kitô hữu. Ðức ái bảo đảm thanh luyện và nâng khả năng yêu thương của con người lên mức hoàn thiện siêu nhiên, trở thành tình yêu thiêng liêng” (GLCG 1827).

Nhưng Đức Ái là gì? Theo Thánh Phaolô: “Đức ái thì kiên nhẫn, ân cần, không ghen tương, không khoe khoang, không tự đắc, không thô lỗ, không tìm tư lợi, không nóng giận, không oán thù, không vui mừng vì điều bất chính, nhưng vui mừng vì điều chân chính. Đức ái hoàn toàn bao dung, hoàn toàn tin tưởng, hoàn toàn hy vọng, chịu đựng tất cả” (1 Cor 13:4-7).

Câu 15 - Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa.

Bình an hay hoà bình ở đây không có nghĩa là vắng bóng chiến tranh, nhưng là bình an của Đức Kitô, bình an đến từ ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Ân sủng cho phép chúng ta trực tiếp đến gần Thiên Chúa, là sự bình an mà con người hằng tìm kiếm. “Ngài đã dựng nên chúng con cho chính Ngài, và tâm hồn chúng con vẫn khắc khoải bao cho đến khi được nghỉ ngơi trong Chúa” (Thánh Augustin, Tự thú, 1,1). Đây không phải là bình an mà thế gian có thể ban cho (x. Ga 14:27), bởi vì bình an này không thể mua được bằng tiền bạc, danh vọng hay những thú vui tạm bợ.

Bao lâu con người còn theo đuổi những mục đích riêng tư của mình mà không tôn trọng những trật tự của Thiên Chúa, bấy lâu thế giới sẽ không có hoà bình. Đức Thánh Cha Gioan XXIII nói: “Hòa nbình trên thế giới, mà mọi người ở mọi thời đại đều tha thiết mong mỏi, chỉ có thể đạt được cách vững chắc khi người ta sẵn sàng tuân theo trật tự được Thiên Chúa xắp đặt” (Pacem in terris, 1).

Cho nên tâm hồn mỗi người chúng ta và gia đình chúng ta chỉ được bình an khi tuân hành Thánh Ý Thiên Chúa, sống theo trật tự mà Thiên Chúa đã an bài.

Câu 16 - Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em.

“Lời Đức Kitô” là toàn thể giáo huấn của Người mà các Tông Đồ là những nhân chứng xác thực đã truyền lại trong Hội Thánh. Đó là Kho Tàng Đức Tin” được truyền lại qua Thánh Kinh và Thánh Truyền (x. GLCG 76). Nhờ Thánh Truyền, "Hội Thánh qua giáo lý, đời sống và việc phượng tự của mình, bảo tồn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình và tất cả những gì mình tin"(DV 8). "Giáo huấn của các thánh giáo phụ chứng thực sự hiện diện tác sinh của Thánh Truyền ấy mà sự phong phú đã thâm nhập vào nếp sống đạo của Hội Thánh hằng tin tưởng và cầu nguyện" (DV 8). Như vậy, việc Chúa Cha thông ban chính mình nhờ Ngôi Lời và trong Thánh Thần, vẫn hiện diện và tác động trong Hội Thánh: "Thiên Chúa Ðấng xưa đã phán dạy, nay vẫn không ngừng ngỏ lời với hiền thê của Con yêu dấu mình; và Thánh Thần, Ðấng làm cho tiếng nói sống động của Tin Mừng vang dội trong Hội Thánh, và nhờ Hội Thánh làm vang dội trong thế giới, vẫn hướng dẫn các tín hữu nhận biết toàn thể chân lý và làm cho lời Chúa Kitô tràn ngập trong lòng họ" (DV 8) (GLCG 78-79).

Vì thế muốn được “Lời Đức Kitô cư ngự dồi dào” trong mình, chúng ta phải yêu mến và học hỏi Thánh Kinh trong Hội Thánh, và đưa ra thực hành trong đời sống. Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha đã dành năm 2009 để chúng ta học hỏi về “Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ vụ Hội Thánh.” Lời Chúa là tất cả sự khôn ngoan mà Hội Thánh muốn chúng ta cùng nhau học hỏi trong năm nay. Chớ gì mỗi giáo xứ có những chương trình học hỏi Lời Chúa, mỗi gia đình có những giờ phút chia sẻ Lời Chúa, và mỗi cá nhân dành dăm ba phút mỗi ngày để nghe Chúa nói trong Thánh Kinh. Có như thế, Lời Chúa sẽ thấm nhuần mỗi người và làm cho chúng ta càng ngày càng nên giống Đức Kitô, mẫu gương lý tưởng mà chúng ta ước mong đạt đến.

Thánh Kinh không phải chỉ để cho chúng ta đọc, nhưng còn để cầu nguyện, để đàm đạo với Thiên Chúa, để cảm tạ và chúc tụng Ngài. Trong tất cả các kinh nguyện, Thánh Vịnh là những kinh nguyện tuyệt vời, là kho tàng cầu nguyện quý giá mà Cựu Ước để lại. Thánh Phaolô nhắc nhở rằng chúng ta phải dùng những bài Thánh Vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần Khí mà ca tụng Thiên Chúa. Không những chỉ ngoài miệng mà còn trong lòng mònh. Thánh Bernađô coi Thánh Vịnh như những món ăn mỹ vị cho tâm hồn (Bài Giảng về Sách Nhã Ca, 7, 5)

Câu 17 - Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.

Dù là giáo dân hay tu sĩ, tất cả chúng ta đều được mời gọi để nên thánh. Phương pháp nên thánh hữu hiệu nhất là kết hợp với Đức Kitô trong mọi việc chúng ta làm. Thánh Công Đồng Vaticanô II viết: “các tín hữu giáo dân trong khi chu toàn các bổn phận trần thế trong những điều kiện bình thường của đời sống, không được tách rời sự kết hợp của họ với Đức Kitô ra khỏi đời sống thường nhật; qua chính việc thực thi những bổn phận của mình, là những điều Thiên Chúa muốn họ làm, họ thực sự đẩy mạnh đà tăng trưởng của sự kết hợp với Người. Đây là con đường mà các tín hữu giáo dân phải đi theo trong khi tiến lên một cách hăng say và vui vẻ (Apostolicam actuositatem, 4).

Là Kitô hữu, chúng ta “phải coi mình như đã chết cho tội lỗi, và đang sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô” (Rm 6:11). Mà đang sống cho Thiên Chúa thì “dù anh em ăn, uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa” (1 Cor 10:31).

Tiếc rằng có nhiều người trong chúng ta phục vụ Hội Thánh và tha nhân không phải vì Danh Đức Kitô mà vì cái tôi, vì một chút danh lợi chóng qua của mình. Chính vì thế mà trong các giáo xứ hay cộng đoàn vẫn có nhiều tranh chấp và đổ vỡ. Nếu ai cũng ý thức rằng mình làm mọi sự vì Danh Chúa thì đã không có những hiềm khích và tranh chấp như vậy.

Câu 18 và 19 - Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó.

Bây giờ Thánh Phaolô nói đến nhiệm vụ giữa hai vợ chồng. Với quan niệm nam nữ bình quyền, nhiều người cho rằng lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô ở đây là lỗi thời. Thực ra Thánh Phaolô không bảo các bà vợ phải phục tùng chồng một cách vô điều kiện, nhưng “phục tùng trong Chúa cho phải phép”. Phục tùng trong Chúa có nghĩa là nhìn nhận vai trò của người vợ và người chồng như Thiên Chúa đã hoạch định. Thiên Chúa định cho người phụ nữ là người bạn đồng hành và bổ túc cho người nam. Ngài cho hai vợ chồng kết hợp thành một xương một thịt (x. St 2:18,24). Đã là một xương một thịt thì họ bình đẳng với nhau và ngang hàng với nhau. Nhưng, cũng như các chi thể trong một thân xác, hai người không có cùng một phận vụ và công tác như nhau. Vì người chồng, người cha trong có nhiệm vụ làm chủ gia đình, nên mọi người trong gia đình phải phục tùng ông, kể cả bà vợ (x. 1 Cor 11:3; 12-14). Nhưng phục tùng trong Chúa và phục tùng phải phép chứ không phải là phục tùng phi lý. Còn người chồng có nhiệm vụ phải yêu thương và kính trọng vợ chứ không được coi vợ như nô lệ hay đồ chơi. “Địa vị và nhiệm vụ của người cha trong và đối với gia đình rất đặc thù và quan trọng không thể thay thế được…. Trong việc tỏ lộ và làm sống lại trên thế gian chính tình phụ tử của Thiên Chúa (x. Eph 3:15), một người được mời gọi để đảm bảo sự phát triển một cách hài hòa và đoàn kết của tất cả các phần tử của gia đình” (ĐTC Gioan Phaolô II, Familiaris consortio, 25).

Câu 20 - Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa.

Con cái phải vâng lời Cha mẹ trong mọi sự là mệnh lệnh của Thiên Chúa (x. Xh 20:12; Hc 3:8 tt). Theo Giáo Lý Công Giáo thì “bao lâu còn chung sống với cha mẹ, con cái phải tuân giữ mọi điều cha mẹ dạy, vì lợi ích của mình và của gia đình. ‘Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa’ (Cl 3:20) (x. Eph 6:1 ). Trẻ em còn phải vâng lời thầy cô và người giám hộ. Theo lương tâm, nếu thấy vâng theo một lệnh truyền nào đó là làm điều xấu, thì con cái không buộc phải vâng lời” (GLCG 2217).

Không những thế, khi lớn lên vẫn phải kính trọng cha mẹ (x. GLCG 2218), dù không còn ở trong gia đình hay có gia đình riêng của mình.

Câu 21 - Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt.

Tình phụ tử của Thiên Chúa là nguồn mạch của tình phụ tử nơi loài người (Eph 3,14). Cha mẹ phải làm mọi sự để nuôi nấng dạy dỗ con cái. Nhiều cha mẹ la mắng con cái cho thỏa cơn tức giận của mình chứ không phải vì muốn dạy con. Làm như thế là phản giáo dục. Cho nên Thánh Phaolô khuyên chúng ta đừng phẫn nộ với con cái. Nóng giận không giúp gì được con cái mà chỉ làm cho chúng ra nhát đảm và sợ sệt, nhiều khi đâm ra thù ghét cha mẹ.

Kết Luận:

Ðức Kitô đã muốn sinh ra và lớn lên trong gia đình Thánh Gia. Gia đình tín hữu là nơi con cái tiếp nhận nền móng đức tin. Vì vậy, gia đình được gọi rất đúng là “Hội Thánh tại gia”, cộng đồng ân sủng và cầu nguyện, trường học phát triển các đức tính tự nhiên và đức ái Kitô giáo. Chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và niềm vui, yêu thương huynh đệ, quảng đại tha thứ luôn, nhất là phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống (x. GLCG 1654-1656). Gia đình Kitô giáo là dấu chỉ và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi. Việc sinh sản và giáo dục con cái phản ánh công trình sáng tạo của Chúa Cha. Kinh nguyện hằng ngày và chăm đọc Lời Chúa củng cố đức ái trong gia đình. Gia đình Kitô giáo mang sứ mạng loan báo Tin Mừng truyền giáo. Những liên hệ trong gia đình đưa tới những cảm tình, những trìu mến, sở thích, những quyền lợi giống nhau, nhất là do việc biết tôn trọng lẫn nhau (x. GLCG 2205-2206).

Lạy Chúa xin giúp con khiêm nhường luôn ý thức về những khuyết điển và yêu đuối của mình, để có thể chịu đựng và tha thứ cho người khác, đặc biệt là những người thân yêu của con khi họ vô tình xúc phạm đến con. Xin cho con Đức Ái để con mến Chúa và yêu người vô điều kiện như Chúa đã yêu thương con. Amen.

Câu hỏi để thảo luận:

1. Những tâm tình mà Thánh Phaolô muốn chúng ta mặc lấy là những tâm tình gì? Những tâm tình trái ngược với chúng là gì? Hãy suy nghĩ và viết trên giấy xem hiện giờ bạn đang ở mức độ nào giữa những tâm tình trái ngược nhau ấy?

2. Bạn có hay tức giận hoặc nổi nóng khi người khác trong gia đình làm mất lòng bạn không? Có khi nào bạn làm mất lòng người khác không? Và khi đó bạn có muốn người khác nổi nóng với bạn không?

3. Tại sao chịu đựng, tha thứ và kính trọng nhau là ba điều quan trọng nhất trong việc tạo dựng hạnh phúc gia đình?

4. Bạn có hay la mắng con cái không? Bạn thật sự la mắng để thỏa cơn giận ha vì yêu thương con cái? Có khi nào bạn đặt mình vào vai trò đứa con trong tình trạng bị bạn la mắng không?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 28.12.2008. 23:15