Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bây Giờ Tháng Mấy Rồi?

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Chúa Nhật I MV (Năm B): Marc 13, 33-37

Có lẽ do Mùa Vọng khởi đầu vào những ngày cuối thu tàn, cho nên dễ làm liên tưởng tới bài thơ “Ngày khai trường” bất hủ của Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”.

Rồi lại nhớ đến bộ phim tài liệu nổi tiếng của điện ảnh Pháp “Đàn chim di trú” (Le Peuple Migrateur – Winged Migration), một bộ phim ngập tràn hình ảnh những cánh chim di trú từ phương Bắc lạnh lẽo về phương Nam ấm áp, với những cảnh đẹp đến nao lòng của mọi vùng mọi miền trên trái đất xinh đẹp này, được những tay máy lão luyện khắp thế giới ghi lại. Xem Đàn chim di trú, ta như muốn thành một cánh chim bé nhỏ trong đàn chim to lớn ấy để được bay - bay đi tìm tình yêu đầy ấm áp của thiên nhiên. Nhạc phim “To be by your side” (Được ở bên em) làm cho bộ phim không còn giống một phim tài liệu nữa, mà như một chuyện tình buồn.

Bây giờ tháng mấy rồi? Mùa Vọng nhắc nhở mỗi Kitô-hữu “di trú”, rời khỏi miền tội lỗi lạnh lẽo, có nguy cơ gây chết chóc vì giá rét và vì thiếu lương thực. Đây không chỉ là tiếng gọi của bản năng như ở các loài chim, không phải cuộn mình ngủ đông như loài gấu bắc cực, mà di trú về miền nắng ấm Tình Yêu Thiên Chúa, cùng với Giáo Hội.

Rất nhiều nến sáng lãng mạn, ấm áp trong sách báo, trong phim ảnh,dùng để dàn những cảnh đẹp hoặc để tượng trưng những mối tình nồng nàn hay là giới thiệu những nhân vật, những nghệ sĩ tài năng như phim tài liệu “36 Chandelles” năm 1957 của Pháp hoặc bộ phim Việt-Nam dài 45 tập “Ngọn Nến Hoàng Cung”năm 2004. Nhiều nến sáng, đủ màu mè như thế, cũng chỉ là những trang trí, cũng chỉ là những hình ảnh, không dẫn con người tới mục đích cao cả nào khác hơn. Trong mấy tháng qua, ở Hà Nội, ở nhiều giáo xứ miền Bắc (Tổng giáo phận Hà Nội) và một vài giáo xứ miền Trung, miền Nam (Tổng giáo phận Huế và Tổng giáo phận Sàigòn), kẻ được thấy tận mắt (hoặc tham dự vào), người được nhìn qua hình chụp, những vùng rộng lớn rực sáng lung linh ánh nến, thắp lên như muốn xua đi, phá tan bóng đêm còn dầy đặc bao phủ “Công Lý và Hoà Bình”. Vẫn là những ngọn nến, được thắp lên, nhưng không phải để tạo nên một cảnh đẹp, không phải để biểu dương lực lượng, mà để chia cho nhau, truyền cho nhau ngọn lửa chân lý mà mọi tấm lòng hướng về và ước ao cầu xin : công lý và hoà bình. Những ánh nến không còn “câm”nữa, mà nói lên sự “tỉnh thức và sẵn sàng”, với niềm tin được khẳng định, rằng công lý và hoà bình sẽ được thực thi. Ở trong một thế giới đầy dẫy hận thù,bạo lực từ đủ nguyên do, nhưng trên hết là lòng tham, sự vô đạo, chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa hưởng thụ ích kỷ, ở trong một đất nước khắp nơi chỉ thấy gian dối, sa đoạ, bất công và lạm dụng quyền bính thế lực trong hành xử, thì công lý và hoà bình như là những mơ ước thần thoại và ở một số người thì đó chỉ là câu chuyện và ước mơ hoang đường!

Công Lý và Hoà Bình là những món quà Thiên Chúa ban, nhưng con người với tội bất tuân đã phá vỡ thế quân bằng vốn rất mong manh. Mọi người đều có tự do như nhau, mọi người đều có quyền hưởng thụ như nhau, về vật chất, về tinh thần, về tình yêu, về hạnh phúc bây giờ và mãi mãi, nhưng do ích kỷ, kiêu căng, tham vọng thống trị, con người đã tìm mọi cách làm cho cán cân có lợi nghiêng về phía mình, bất kể lương tâm, không sá gì đến Lời Chúa. Nay con người phải xét mình, đấm ngực ăn năn (đấm ngục mình, không đấm ngực người khác) và dùng thời gian Chúa ban trong cuộc sống như một Mùa Vọng, mà “tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!" (Lc 21,36). Đây là sự khác biệt giữa những ngọn nến chỉ có chức năng trang trí và những ngọn nến hiệp nhất trí lòng những con người khát khao Công Lý và Hoà Bình. Ngọn nến thắp sáng tham vọng, hận thù, ích kỷ có thể bùng cháy rực rỡ, nhưng là để tự thiêu đốt mình và chóng lụi tàn. Ngọn nến hiệp nhất trong một đức tin và một tình yêu phải khó nhọc gian nan mới nhen nhúm và bén cháy được, nhưng sẽ không có sức mạnh gì làm cho tắt được nữa. Ngọn nến đó xuất phát từ Chúa Kitô – Ánh Sáng – và đến lượt nó sẽ là ánh sáng để soi cho mọi người. Con người - những con người - Hội Thánh - phải luôn tỉnh thưc và sẵn sàng để giữ cho ngọn nến cháy sáng mãi.

Jacques Cluzaud, đồng đạo diễn bộ phim Le Peuple Migrateur (Đàn Chim Di Trú) diễn tả cảm nhận của ông về sự di trú nầy: “Đó là cả một quá trình khó khăn. Bay tìm nơi di trú không phải là một chuyến bay nhàn hạ từ nơi này sang nơi khác, mà là cả một vấn đề sinh tồn đối với chúng!". Cuộc sống của mỗi Kitô-hữu luôn cảnh giác, luôn xét mình. Luôn tỉnh thức và luôn sẵn sàng để không tự mãn và ngủ quên trong ấm áp tinh thần và vật chất, mà quên đi hiểm nguy những ngày tháng đông dài đe doạ đên sự sống. Nếu bản năng duy nhất đúng nghĩa ở con người là bú, nếu bản năng của loài chim hay muông thú là “đến hẹn lại lên”, đi tìm miền năng ấm hứa hẹn an bình và no đủ, dù phải trải qua những chặng được rất dài rất xa,gần như vô định, thì bản năng của người đã nhận bí tích Thánh Tẩy là tìm về với Thiên Chúa. Để đạt tới đích, không chỉ phải hy sinh gian khổ - thậm chí có thể mất mạng sống - mà phải luôn “tỉnh thức và sẵn sàng”. Người Kitô-hữu không phải thỉnh thoảng sực nhớ và hỏi “bây giờ tháng mấy rồi”, máy móc chờ đến Mùa Vọng mới tìm lại “cảm giác” tỉnh thức, mà phải sống tinh thần “cảnh giác”, “sẵn sàng”, cả ở thế thủ lẫn thế công, để tiến vào hành trình tìm về bên Chúa, về miền nắng ấm Tình Yêu. Những ngày nầy ở miến Nam Châu Úc các đợt tuyết trái mùa rơi phủ chẳng khác mùa đông, nhưng ai cũng biết là mùa hè đang đến và sẽ là những ngày hạ oi ả ngột ngạt, trong khi khí hậu Bắc bán cầu đang hạ thấp mau chóng, hứa hẹn có những vùng miền sẽ đông lạnh ở hàng nhiều chục độ âm. Những đàn chim di trú bay về miền năng ấm bán cầu nam, để rồi sau một thời gian nữa, lại tiếp tục cuộc di cư, tìm ánh sáng, tìm sức nóng, tìm sự sống. Quy trình nầy tiếp diễn mãi suốt đời chúng. Quy trình “tỉnh thức và sẵn sàng” cũng không được khinh súât, ngơi nghỉ trong đời sống đức tin một Kitô-hữu. Hội Thánh luôn trong tư thế “di trú”. Kitô-hữu cũng phải luôn sẵn sàng để nhập đàn, không thể do dự, không được chậm trễ, không thể thoái thác, nếu vẫn muốn tồn tại. Vì thế, tỉnh thức thôi, chưa đủ, mà phải luôn sẵn sàng, để xuất phát ngay khi có hiệu lệnh.

Trong khi nghiên cứu chim di trú, người ta thấy chim luôn giữ đội hình chữ “V”: tuyệt nhiên không phải tình cờ, mà với cách bay như thế không chỉ sẽ bớt lực cản, mà còn tạo lực kéo cho những con bay ở giữa và ở cuối đội hình, thường là những con kém sức hơn do còn non hoặc do ốm yếu. Cả đội hình sẵn sàng sà xuống, đậu lại để nâng đỡ những con bị đuối. Đó là hình ảnh về Hội Thánh Công Giáo trong cuộc lữ hành về Nước Trời, với đầy đủ các Bí Tích bổi bổ,chữa lành, đỡ nâng, giúp mỗi con cái trên hành trình lâu dài và tới đích bình yên.. Đó cũng là lời hướng dẫn, nhắc nhở, cảnh cáo mỗi Kitô-hữu, để luôn hiệp nhất và đồng tâm nhất trí trên con đường tiên về quê hương trên trời. Ai cũng biết chữ “V” chỉ “chiến thắng”. Có chiến thằng nào dễ dàng đâu!

Tình Ca Cho Người Được Yêu 130

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 26.11.2008. 17:28