Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bánh Ú Đi, Bánh Dì Lại

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Tin Mừng Chúa Nhật XXII TN (Năm C). Luc 14, la. 7-14

Cũng làm từ gạo nếp, nhưng bánh ú được gói với nhân thịt có hình tháp trước khi nấu chín; còn bánh dì hay còn gọi là bánh dầy, hoặc bánh quết, thì dùng chày giã nhuyễn nếp đã nấu chín, ngắt từng viên tròn đặt trên lá.

Quy tắc xã giao ở đời vẫn luôn là thế. Lý thuyết về kinh tế học hành vi (behavioral economics) có thể giải đáp vấn đề này. Cụ thể là lý thuyết về “có đi có lại mới toại lòng nhau” (reciprocity) trong hành vi kinh tế. Tóm lại đó là sự “sòng phẳng với nhau”: từ quan hệ giữa các quốc gia, giữa các tổ chức trong xã hội, giữa những cá nhân với nhau, đều cần có sự “sòng phẳng” nầy, để củng cố lòng tin và giữ vững các giềng mối. Nhưng vô tình quy tắc nầy lại mặc nhiên tạo ra tính “môn đăng hộ đối” và rút cuộc chỉ là những cuộc trao đổi, hai bên cùng có lợi. Ngoài lý do không muốn tự mang vào cổ cái ách đạo đức, tôn giáo, có thể khiến họ rất dễ “há miệng mắc quai”, Trung Quốc (và Việt Nam) không mặn mà gì với việc thiết lập bang giao với Toà Thánh, vì chẳng có lợi lộc kinh tế gì. Đó là điều mà Chúa Giêsu chỉ trích quyết liệt hôm nay, tại nhà một thủ lãnh Biệt phái, những kẻ thường xuyên bị Chúa Giêsu đả kích mạnh mẽ vì thói giả hình, hợm mình và xa lánh người nghèo khó, bất hạnh.

Ngày 05.08.2010, Hãng tin AP đưa tin 40 gia đình và cá nhân giàu có nhất nước Mỹ, bao gồm ít nhất 30 tỷ phú, vừa tuyên bố sẽ hiến tặng một nửa tài sản cho các hoạt động từ thiện theo kêu gọi của hai tỷ phú Warren Buffett và Bill Gates, trong một sáng kiến có tên là The Giving Pledge (cam kết hiến tặng), để thuyết phục những người Mỹ giàu có nhất tặng của cải cho những lý tưởng xứng đáng trong lúc còn sống hoặc sau khi chết đi. Ông Buffett gọi 40 cam kết hiến tặng này là bước khởi đầu đầy hứng khởi. Bill Gates và Warren Buffet ước tính, nếu tất cả các tỷ phú Mỹ hưởng ứng, tổng số các khoản tiền quyên góp được sẽ lên tới gần 600 tỷ USD! Những tâm hồn có những suy nghĩ và quyết tâm thật đáng nể. Chẳng hạn như tỷ phú Warren Buffet dám tuyên bố là: “Hơn 99% tài sản của tôi sẽ được đưa vào tổ chức từ thiện khi tôi qua đời” và muốn tiền của mình sẽ được người khác sử dụng một cách hữu ích và đóng góp cho xã hội. Điều ta dễ nhận ra, ấy là ảnh hưởng tinh thần và giáo dục không chỉ nhân bản, mà bén rễ sâu Kitô giáo nơi những tỷ phú nầy, khác xa với sự hưởng thụ ích kỷ của những tỷ phú “mới nỗi” (arriviste) từ các nước thuộc liên xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa vô thần. Những người nầy không từ một thủ đoạn nào để làm giàu và tăng thế lực : vụ sữa nhiễm chất mélamine ở Trung Quốc năm 2008 hoặc chuyện những “làng ung thư” ở Việt Nam do các công ty hoá chất gây ra, bất cần lưu ý đến sự sống chết của người dân, là những điển hình. Đuổi dân nghèo và tịch thu đất đai của họ, để xây sân golf, biệt thự, casino, resort phục vụ thú ăn chơi sa đoạ, trác táng, là những gì xảy ra hằng ngày.

Ngày 05.03.2010, Tạp chí Forbes bình chọn bà Trần Thụ Cúc (Chen Shu Chu), 61 tuổi, người Đài Loan, là nhà từ thiện kiết xuất nhất năm 2010 và ngày 29. 04, Bà được tạp chí Time xếp vị trí thứ tám trong số 100 nhân vật tiêu biểu của năm 2010. Không có tài sản lớn lao như các tỷ phú, thậm chí là nghèo và sống rất đạm bạc: Hằng ngày, bà cảm thấy vui nhất, là sau khi làm việc vất vả được ăn một bát mì nóng, thỉnh thoảng có thêm mấy món rau xanh. Bà là người chuyên bán rau xanh ngoài chợ Đài Đông và đem toàn bộ số tiền kiếm được giúp đỡ những người thiếu thốn như trẻ mồ côi, bệnh tật. Bà đã lặng lẽ góp vào quỹ từ thiện tới 10 triệu đồng tiền Đài Loan, tính ra khoảng 320.000 USD! Tạp chí Time đã trích dẫn một câu nói của bà: "Tiền phải dùng cho người cần nó mới hữu ích". Trong khi đó, một đất nước nghèo như Việt Nam, lại vung tiền qua cửa sổ mỗi năm hàng chục ngàn tỷ đồng cho 7.966 lễ hội trên toàn quốc, chưa kể hàng chục ngàn lễ kỷ niệm, khai mạc, khánh thành …Bất cứ dịp nhỏ nào cũng được những đầu óc vụ lợi biến thành lễ hội! (thời sự 19:00 VTV1 22.08.2010)

Từ thiện và bác ái có thể ví với việc vẽ một bức tranh. “Công việc từ thiện” đích thực có thể phát xuất từ lòng nhân ái, tình nhân đạo, lại hoàn toàn không phải tự phát, ngẫu hứng, mà do nền tảng giáo dục nhân bản tốt đẹp từ gia đình, từ cộng đồng tôn giáo. Nhưng vẫn chỉ là những nét ký hoạ đẹp, chưa làm nên một tác phẩm hội hoạ giá trí đích thực. “Công việc bác ái” chính là những mảng màu làm cho những nét ký hoạ trở nên rõ nét, sống động. Nhưng muốn bức tranh có giá trị, thì phải người hoạ sĩ tài năng phả vào đó cái “thần”. Vì thế mà một bức vẽ hoa súng (les nymphéas) của Monet [ông có tới khoảng 60 bức như thế] được bán đấu giá tới hơn 30 triệu bảng Anh, trong khi một bức vẽ hoa súng của một thợ vẽ may mắn lằm cũng chỉ bán được vài trăm ngàn đồng Việt Nam. Cái “thần” mà “từ thiện” còn thiếu để trở thành “bác ái”, chính là “Thần Khí” tình yêu Chúa Kitô. Nói cách khác, “bái ái” là “từ thiện” vì Chúa Kitô, chứ không chỉ đơn thuần là một cử chỉ nhân đạo, một hành vi nhân ái, cho dù việc từ thiện có gía trị vật chất lớn đến đâu đi nữa, như trường hợp các tỷ phú Mỹ nêu trên đây. Và đó là điều khác biệt giữa họ với Mẹ Têrêxa Calcutta, vị chân phước của Giáo Hội mà cả thế giới vừa kỷ niệm 100 năm ngày sinh vào Thứ năm ngày 26 tháng 8 vừa qua.

Dù người ta tôn vinh Mẹ là “thiên thần của người nghèo”, nhưng như Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã phân tích trong bài “Truyền giáo theo gương Mẹ Têrêxa Calcutta” (13.10.2009), Mẹ đến với người nghèo, say mê phục vụ người nghèo, theo bốn phương cách :

  1. Phương cách thứ nhất: cầu nguyện. Trước hết Mẹ là con người cầu nguyện. Những giờ cầu nguyện triền miên phát xuất từ nỗi niềm khao khát Chúa. Cầu nguyện đã đưa Mẹ đến phục vụ người nghèo. Rồi việc phục vụ người nghèo đã đưa Mẹ trở về với kinh nguyện. Có thể nói cuộc đời Mẹ là cuộc đời chiêm niệm trong hoạt động.
  2. Phương cách thứ hai: thấm nhuần Lời Chúa. Lời Chúa thấm vào tận mạch máu thớ thịt, để Mẹ suy nghĩ, nói năng và hành động theo Lời Chúa. Mẹ thường nói: Lời Chúa phải ở trên đầu ngón tay ta. Theo Mẹ 5 từ ngữ quan trọng khắc ghi tên 5 đầu ngón tay của Mẹ là: You did it for me (tức là các con đã làm cho chính Thầy – Mt 25).
  3. Phương cách thứ ba: yêu mến người nghèo. Nơi Mẹ, yêu mến người nghèo thực sự phát xuất từ một đức tin sâu xa. Tin thật Thiên Chúa đang ở trong nhưng người nghèo. Vì yêu mến người nghèo Mẹ đã tự nguyện sống nghèo.
  4. Phương cách thứ tư: phục vụ bằng tình yêu. Vì tin Chúa đang ngự trong người nghèo, nên phục vụ người nghèo chính là phục vụ Chúa.

Vì thế, phục vụ người nghèo là một bổn phận phải thực hiện trong khiêm nhường. Phải phục vụ một cách kính cẩn. Phải phục vụ bằng tình yêu. Không chỉ như các tỷ phú hào hiệp quảng đại, không chỉ như bà Trần Thụ Cúc, Mẹ Têrêxa yêu Chúa và phục vụ Chúa qua người nghèo. Vì thế Mẹ không chỉ tìm mọi cách giúp đỡ người nghèo khổ bất hạnh, mà Mẹ còn cho họ trái tim Mẹ, cả cuộc đời Mẹ : Từ Trái Tim đến trái tim : Qua Trái Tim Yêu Thương Vô Biên của Chúa Giêsu là suối nguồn đến trái tim của những người khốn khổ. Trái Tim Chúa Giêsu là mạch trường sinh, vì thế bác ái không chỉ quan tâm đến vật chất và tinh thần, mà còn – và chủ yếu – là bằng gương sáng và lời cầu nguyện, cầu xin ơn sự sống muôn đời trong Nước Trời cho hết mọi người. Không có mục tiêu nầy, thì việc bác ái vẫn chỉ hữu danh vô thực và vẫn chỉ là việc từ thiện.

Dễ hiểu là khi nhìn ra Chúa nơi con người - nhất là người nghèo khổ, bất hạnh – thì không có chuyện “bánh ú đi, bánh quy lại” nữa! Chẳng phải chúng ta thưa với chủ: chúng tôi làm điều đáng làm và phải làm mà thôi, ư? Hơn nữa, từ thiện hay bác ái thì cũng chỉ là chia sẻ những nén bạc Chúa giao cho hay nói chính xác hơn : chúng ta trả một phần tiền lãi trong những nén bạc mà Chúa đã giao. Từ thiện luôn đi kèm với vật chất cụ thể (tiền bạc, cơm bánh, thuốc men ...). Không ai đi làm từ thiện với nụ cười, ánh mắt suông. Bác ái thì khác: vật chất chỉ là thứ yếu, là phương tiện. Nụ cười, ánh mắt, lòng trắc ẩn, tình thương, chăm sóc ân cần, và bình an Chúa Kitô (qua lời cầu nguyện) mới là chính yếu. Vì thế, từ thiện chỉ cải thiện điều kiện sống của những người được hưởng, còn bác ái biến đổi thân phận con người và cả nhân loại, san bằng mọi khoảng cách.

Chuyện kể rằng: Ghi lại danh sách khoảng 30 nhà hảo tâm gửi tiền đến Hộp Thư Từ Thiện Đài Truyền Hình tỉnh K.H, - kẻ ít cũng 100.000, người nhiều nhất là 2 triệu đồng, - và chọn ngẫu nhiên 2 em nhỏ, 3 cụ già, 4 người dân buôn bán nhỏ. Kết quả thật bất ngờ : không có một người Công giáo nào trong số đó. Tuần thứ nhất tháng 04.2010 như thế. Tuần thứ ba tháng 06.2010 cũng chẳng khác chút nào : người Công giáo nghe bác ái, nói bác ái, đọc kinh bác ái và không cần làm từ thiện! Người Công giáo đóng góp nhiều khoản (ví dụ tiền bỏ oi, tiền xin lễ, …), cũng là làm việc bác ái rồi: xay lúa kẻo bế em, mà!

Hãy Hát Lời Tình Yêu - Thánh Vịnh 63
Hồng Ân Chúa Ban Suốt Tháng Năm Trong Đời (*)

Đức Chúa chúng ta đã diễn tả một cách tuyệt vời vẻ đẹp của thế giới nầy do bàn tay Chúa Cha tạo dựng. Người đã nếm tỏ tường hương vị của những của cải giàu sang và những kho báu của nó: từ hoa huệ đồng nội, được điểm trang lộng lẫy hơn cả vua Salomon trong tất cả vẻ huy hoàng (x. Lc 12, 27) cho tới những con chim bé nhỏ mà Chúa Cha chăm sóc cho đến con cuối cùng (x. Mt 6, 26; 10, 29). Người Kitô hữu phải tìm thấy trong thiên nhiên nầy, trong trật tự hoàn hảo của thiên nhiên, trong sự phong phú yên tĩnh và dồi dào vô tận, những sức mạnh của thiên nhiên cân đối hoà hợp nhau vì lợi ích con người, một trong những đối tượng để con người chiêm ngưỡng và là một trong những động cơ làm con người được lòng cậy tin. Quyền năng của Thiên Chúa, vốn toả ra với một sức mạnh làm cho kinh hãi, được biểu hiện ở đó một cách yên tĩnh và linh hồn vốn cần tựa nương nơi Thiên Chúa, sẽ tìm thấy sự quan phòng đầy ân cần của Thiên Chúa.

(*) “Corona benignitatis anni Dei”, (1915) là tựa đề mà Paul Claudel đặt cho một trong những tuyển tập thơ hay nhất của ông.

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 29.08.2010. 19:08