Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bánh rượu Menkixêđê –Rượu Bánh Giêsu

§ Lm Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Năm – C
( Mc 14, 12-16. 22-26)

Hôm nay, Giáo hội cử hành trọng thể Mầu nhiệm đã được thiết lập trong bữa Tiệc Ly. Nếu hằng năm được nhớ đến vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, thì hôm nay được biểu lộ cho tất cả, được bao bọc bởi đức tin sốt mến và lòng sùng kính của cộng đoàn Giáo hội bằng việc cử hành lễ của Chúa, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu với cao điểm là Rước Kiệu Mình Thánh.

Bánh rượu Menkixêđê dâng tiến

Nói đến Mình Thánh Chúa Giêsu là nói đến bánh dưới dạng « lương thực ». Từ « bánh thánh » có nghĩa là « hy sinh » : từ này được dùng để chỉ các lễ hy sinh Cựu Ước như : lễ vật của Aben tôi trung của Chúa, hy lễ của Abraham, và lễ vật tinh tuyền của Menkixêđê, thượng tế của Chúa.

Bài đọc I trích sáng Sáng Thế (14,18-20) đề cập đến bánh và rượu của Menkixêđê vua thành Salem mang đến xin Chúa chúc phúc. Menkixêđê là ai vậy ? Ông là một nhân vật hơi huyền bí, không cha, không mẹ; đột nhiên xuất hiện rồi lại biến mất, những người bà con họ hàng cũng không hay biết về nguồn gốc, ông khác biệt bởi nhân đức cao vời nên người ta gọi ông là « Menkixêđê » vua Công Chính.

Một ngày kia ông xuất hiện trên núi sau này là núi Sion (Giêrusalem) và vạch ra những danh giới cho một thành gọi là « Salem », thành hòa bình. Ông sống ở đó trong thinh lặng và an bình, phụng sự Thiên Chúa, Đấng sáng tạo trời đất và dạy người ta ca tụng Danh Thánh Chúa. Ông không chỉ là người tôn thờ vị Thượng Tế Tối Cao, mà còn dâng bánh và rượu, lễ vật hy sinh và những hoa quả đầu mùa lên Chúa.

Thánh lễ này, chúng ta dâng lên Chúa bánh rượu "là hoa màu ruộng đất và lao công vất vả của con người" để trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Và như vậy, Thánh lễ đã bắt nguồn từ xa xưa và kiện toàn mọi lễ dâng từ thời Abel qua Melkisedek cho tới nay. Menkixêđê là hình ảnh báo trước về Chúa Kitô sau này.

Bánh rượu của Chúa Giêsu

Cựu Ước có rất nhiều dấu chỉ và biểu tượng về Bí tích Thánh Thể được hoàn tất trong Tân Ước. Các hình ảnh tiên trưng về Bích tích Thánh Thể như : lễ vật của Abraham, Menkixêđê, Manna trong sa mạc, bánh trưng hiến trong Đền Thờ Giêrusalem, đặc biệt là chiên Vượt Qua.

Chúa Giêsu đã chọn bánh và rượu làm dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện của Người nơi trần gian. Bánh và rượu do vị thượng thế Menkixêđê dâng tiến (Ga 14, 18) báo trước về bánh và rượu do Chúa Giêsu, Thượng Tế Tối Cao, Vua muôn thủa dâng tiến ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Vì Chúa Giêsu « đã trở thành Thượng tế cho đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê » (Dt 6,20).

Tối hôm trước ngày chịu khổ hình, sau bữa Tiệc Ly Vượt Qua, Chúa Giêsu cầm bánh trong tay thánh thiện khả kính, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ và nói : « Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta ». Đoạn, cầm lấy chén rượu nho, tạ ơn, trao cho họ và họ uống cạn chén ấy. Và nói : « Chén này là Tân Ước trong Máu Ta » (1 Cr 11, 23-26). Chỉ trong mấy câu vắn tắt, Phaolô đã thuật lại toàn bộ lịch sử tình yêu cứu độ của Thiên Chúa với con người. Không chỉ là quá khứ mà còn được dự đoán trong tương lai.

Dưới hình bánh rượu, Chúa Giêsu đã tự trao ban chính mình cách hoàn toàn, chứ không phải chỉ một phần. Chúa Giêsu hiện diện thực sự ở đó trót Mình và Máu Người, để dâng lên Chúa Cha một hiến lễ không đổ máu và trở nên lương thực cho linh hồn tín hữu. Bánh rượu của Chúa Giêsu mang thêm ý nghĩa lịch sử và giao ước cũ. Ðây không chỉ là hoa màu ruộng đất nhưng còn là công lao của con người. Thiên nhiên và con người đều phải trở nên tạo vật mới nhờ mầu nhiệm Chúa Giêsu nơi Bí Tích Bánh Rượu mà chúng ta tiếp tục dâng trên bàn thờ để cho thế gian được sống (Ga 6,51).

Bước theo Bánh Giêsu

Ở mọi nơi mọi thời, Chúa Giêsu muốn gặp gỡ con người và mang đến cho họ sự sống của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dùng bánh và rượu, một thứ lương thực đơn giản gồm một ít nước và bột, giống như thức ăn của người nghèo. Việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, là nguyên tắc cho việc thần thiêng hoá tạo vật. Vì thế, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô có đặc điểm hết sức riêng biệt là rước kiệu Mình Thánh Chúa, một cử chỉ đầy ý nghĩa.

Khi đi kiệu và thờ lạy, chúng ta hướng nhìn vào Bánh Thánh đã được truyền phép là chính Chúa Giêsu và bước theo Bánh ấy, đưa Bánh Thiêng từ Trời xuống vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta; với ước muốn xin Chúa Giêsu cùng đi với chúng ta bất cứ nơi nào chúng ta đi, và sống bất cứ nơi nào chúng ta sống.

Trong lễ của Chúa, chúng ta tuyên xưng rằng Bí Tích Thánh Thể thuộc trọn về mình, là chính sự sống của mình, là nguồn mạch tình yêu chiến thắng sự chết. Từ sự hiệp thông với Chúa Kitô Thánh Thể, phát sinh tình bác ái có sức biến đổi cuộc đời chúng ta và nâng đỡ cuộc hành trình của tất cả chúng ta đang tiến về quê trời vinh phúc.

Khi rước kiệu, chúng ta bước theo Bánh Giêsu và cầu xin Bánh chỉ cho chúng ta đường phải đi đến với Giáo hội. Nhìn vào nhân loại đau khổ, lang thang bấp bênh giữa ba đào, đang bị cái đói về thể lý và tâm lý hành hạ. Xin Chúa ban cho nhân loại bánh để nuôi dưỡng xác hồn. Xin cho họ có công ăn việc làm. Xin tẩy rửa và thánh hóa chúng ta trong mọi sự, giúp chúng ta hiểu rằng phải qua Khổ Nạn, qua lời "xin vâng" trên cây Thập Giá, với sự từ bỏ mới đạt tới vinh quang. Xin Chúa qui tụ những ai tản mác khắp nơi về một mối. Xin Chúa hiệp nhất chúng ta với Giáo hội, đoàn kết chúng ta với anh em bị chia rẽ. Và nhất là xin Chúa ban cho chúng ta ơn cứa độ đời đời. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Văn Độ

Tags: Lễ Mình Máu Thánh Chúa

Đọc nhiều nhất Bản in 30.05.2018 16:19