Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bài học khiêm tốn và vị tha

§ Lm Trần Bình Trọng

Chúa Nhật 22 Thường Niên, Năm C
Hc 3:17-18, 20, 28-29; Dt 12:18-19, 22-24a; Lc 14:1, 7-14

Ðối với người Á đông như người Do thái thời xưa thì việc ngồi chỗ cao trong bàn tiệc là điều quan trọng. Ðược một chỗ danh dự nơi bàn tiệc là một dấu chỉ mình có địa vị và có tầm ảnh hưởng. Trong một buổi yến tiệc, người ta xếp chỗ ngồi theo cấp bậc, chức tước hay địa vị của mỗi nhân vật. Phúc âm hôm nay kể lại việc người Pharisêu mời Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà. Có lẽ đa số khách được mời đến dự tiệc là người Pharisêu vì bữa tiệc do người thủ lãnh nhóm Pharisêu khoản đãi. Phúc âm ghi lại, họ cố dò xét Ðức Giêsu (Lk 14:1). Tại sao họ lại dò xét Người? Ta có thể suy ra là họ làm như vậy để xem Chúa chọn ngồi ở đâu. Quan sát thấy thiên hạ cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, Người mới bảo họ khi được mời đi dự tiệc, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ ra có ai quan trọng hơn cũng được mời, mà phải nhường chỗ chăng? (Lc 14:7-9).

Ngày nay chỗ ngồi ở bàn tiệc đối với nhiểu người không còn là điều quan trọng, nhất là ở những xã hội dân chủ. Tuy nhiên người ta có thể dùng những mánh lới khác để tâng bốc mình, như khoe khoang, tự phụ về mình để đưa mình lên, phê bình chỉ trích người khác để hạ họ xuống. Trong Phúc âm hôm nay Chúa dạy ta bài học khiêm tốn. Khiêm tốn là một nhân đức nói lên sự thật về mình, chấp nhận những gì mình có: những khả thể, những giới hạn của mình, không tự tâng bốc, cũng không phủ nhận và chối từ. Có người định nghĩa: Khiêm tốn là khả năng chấp nhận sự thật về mình ngay cả khi sự thật làm đau lòng. Người khác lại nói: Khiêm tốn và biết mình đi đôi với nhau. Ðoán là người ấy muốn nói biết mình, nghĩa là biết về những ưu điểm và cả những khuyết điểm và giới hạn của mình, thì mới khiêm tốn được.

Người khiêm tốn là người thừa nhận mình tùy thuộc vào ân sủng và quyền năng của Thiên Chúa. Họ qui hướng lời nói và hành động về việc làm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Người khiêm tốn thì tìm làm đẹp lòng Chúa (Hc 3:18) và còn làm tôn vinh Chúa (c. 19). Người khiêm tốn khi làm việc đạo, thì nhắm tìm kiếm vinh danh Chúa, chứ không phải để trình diễn cho người khác chú ý và khen ngượi. Người khiêm tốn khi làm việc thiện và việc phục vụ không mong được đáp trả.

Người khiêm tốn là người cảm thấy mình yên ổn và an toàn trong lòng. Thiếu đức tính khiêm tốn, người ta có thể khoe khoang tự phụ về tài năng, của cải mình có. Người khiêm tốn biết mình có thể làm được những gì, và những gì mình không làm được. Không có lòng khiêm tốn, người ta có thể ghen tuông, khó chịu khi thấy người khác có tài hơn, được giàu sang phú quí hơn, hay được ca tụng hơn. Thiếu đức khiêm tốn, người ta sẽ buồn lòng, bực bội khi có người nói về khuyết điểm của họ. Sớm hay muộn, tính ghen tuông và bực tức có thể bộc phát ra bằng tội ác, làm điều có hại cho người khác như Cain đã sát hại em mình là Aben (St 4:8).

Người khiêm tốn là người sống trung thực với lòng mình. Họ nhận ra điểm xấu củng như điểm tốt nơi mình. Khiêm tốn không phải là tự tâng bốc, hay thổi phồng những của cải tài năng của mình, cũng không phủ nhận những tài năng mình có. Người khiêm tốn là người biết đánh giá tài năng và ưu điểm Chúa ban, những việc lạ lùng Chúa đã làm trong đời mình. Khi người ta giả vờ cho rằng mình là vô dụng và không đáng là gì, có thể chỉ là khiêm tốn giả. Khiêm tốn thật là nhận ra những ân huệ và tài năng của Chúa đã ban cho mình để rồi sống trong tâm tình cảm tạ..

Ðó là điều mà trinh nữ Maria đã làm khi nhận ra những việc vĩ đại Chúa đã làm nơi mình mà không làm mất đức khiêm tốn. Vào trước thời Chúa cứu thề giáng sinh, nhiều phụ nữ Do thái mơ ước được làm mẹ đấng cứu thế. Còn trinh nữ Maria thì lại khấn hứa giữ mình đồng trinh ngay cả khi thiên thần truyền tin là bà sẽ thụ thai và sinh con. Thiên Chúa thấy lòng khiêm tốn của trinh nữ và đã chọn trinh nữ làm mẹ Ðấng cứu thế. Trong lời kinh Ngợi khen: Magnificat, trinh nữ nhận ra những việc vĩ đại Thiên Chúa đã làm nơi mình khi đoái nhìn đến phận hèn tôi tớ của mình. Lời kinh Ngợi khen đã là đề tài cho bao người suy gẫm và chiêm niệm và là nguồn cảm hứng và ủi an cho muôn người từ cổ chí kim, nhất là người có lòng khiêm tốn, mặc dầu họ học cao hiểu rộng, và người có tinh thần nghèo khó mặc dầu họ được giầu sang phú quí.

Chúa Giêsu đến làm đảo ngược những giá trị của loài người. Trong Phúc âm hôm nay Chúa dạy: Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (Lc 14:11). Các thần dữ vì bất phục tùng Thiên Chúa nên đã bị tống ra khỏi trời (Kh 12:7-9). Ađam và Evà bị đuổi ra khỏi vườn Ðịa đàng vì tội sa chước cám dỗ của quỉ mà không vâng lời Thiên Chúa (St 3). Kiêu ngạo và tự phụ là con đường cụt, không đưa người ta tới đâu, mà còn dẫn đến huỷ hoại. Có bao giờ ta khoe khoang mạo nhận, rồi đêm nằm khi chưa ngủ được, vắt tay lên trán suy nghĩ, mà cảm thấy lòng mình trống rỗng và hổ thẹn với mình không? Hổ thẹn là bước đầu để chống trả tính kiêu ngạo.

Chính Chúa đã dạy loài người bài học khiêm tốn. Người là Thiên Chúa mà đã hạ mình, mặc lấy thân phận làm người để cứu chuộc loài người và mời gọi ta đến và học cùng Người vì Người hiền lành và khiêm nhượng trong lòng (Mt 11:24). Rồi Chúa còn dạy ta phục vụ cách vị tha, thay vì muốn được đáp trả, nên mới bảo các môn đệ khi đãi tiệc, thì: Mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và mù loà (Lc 14:14) vì họ không có khả năng mời lại.

Lời cầu nguyện xin cho được học bài học khiêm tốn:

Lạy Ðức Giêsu, Chúa trời đất!
Vì yêu thương nhân loại tội lỗi,
Chúa đã khiêm hạ mặc lấy thân xác loài người
để cứu chuộc và phục vụ nhân loại.
Xin tha thứ những lần con tỏ ra ích kỉ
bằng cách chọn chỗ tốt và phần tốt cho mình.
Xin dạy con biết quên mình trong việc phục vụ
để cho danh Chúa được tỏ hiện. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 26.08.2010. 16:22