Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bài giảng lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phận Thanh Hoá

§ +GM Giuse Nguyễn Năng

Đây không phải là một lễ hội, nhưng là một biến cố của Giáo hội Việt Nam, một biến cố trọng đại ghi dấu một chặng đường của Giáo hội tại Việt Nam. Giáo hội lữ hành trong lịch sử đã đi qua một chặng đường, và giờ đây chúng ta dừng chân nhìn lại với tâm tình tạ ơn để chuẩn bị bước sang giai đoạn mới.

Dựa vào Lời Chúa ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm, và theo tinh thần Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam về việc công bố Năm Thánh 2010, xin được chia sẻ một vài tâm tình :

1. Trước hết, chúng ta tạ ơn Chúa.

Thánh Phaolô nói trong thư gửi Epheso :

“Chúc tụng Thiên Chúa, vì trong Đức Kitô, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô”.

Lời này áp dụng trước hết cho Đức Maria : Mẹ được tiền định để được hưởng muôn ơn phúc của Thánh Thần, được gìn giữ tinh tuyền không mắc nguyên tội để trở thành cung điện cho Đấng Cứu thế.

Về phần mình, chúng ta cũng tạ ơn vì được Chúa ban tặng muôn hồng ân Thánh Thần, được ơn đức tin để trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa.

Tạ ơn vì chặng đường đã đi qua, tạ ơn vì những hy sinh của các bậc tiền nhân, các ân nhân cũng như các chứng nhân đức tin.

Vào năm 1533, khởi đầu chỉ có thương nhân I-ni-khu là một Kitô hữu đã đến Việt Nam, nhưng sau đó con số Kitô hữu tăng nhanh, để rồi ngày 09 tháng 09 năm 1659, Tòa Thánh đã thiết lập hai giáo phận tông tòa : giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong. Từ đó đến nay tròn 350 năm, Giáo hội tại Việt Nam vẫn không ngừng phát triển. Hiện nay, con số Kitô hữu công giáo đã lên tới hơn sáu triệu người, hiện diện trong 26 giáo phận, với hàng trăm giám mục Việt Nam, hàng ngàn linh mục và hàng vạn tu sĩ. Đến năm 1960, hàng Giáo Phẩm của Giáo hội tại Việt Nam đã được thành lập, và Năm Thánh 2010 này có mục đích đánh dấu 50 năm thành lập ấy.

Giáo hội đã lữ hành xuyên qua những thăng trầm của lịch sử, đôi khi với những bước chân chậm chạp và do dự, nhưng Chúa Thánh Thần luôn luôn hướng dẫn để Giáo hội từng bước hòa nhập và ăn sâu vào lịch sử cũng như văn hóa của các dân tộc.

Chúng ta tạ ơn đặc biệt vì các chứng nhân đức tin : hơn 100.000 chứng nhân đã đổ máu mình ra để làm chứng cho Đức Tin, trong số đó 117 vị đã được phong hiển thánh và một chân phước là thánh Anrê Phú Yên. Giáo phận Thanh Hóa cũng hãnh diện vì cũng đóng góp nhiều người con đã đổ máu mình ra để làm chứng cho đức tin.

Các thánh tử đạo chính là ân nhân của chúng ta trong đức tin. Tử đạo không phải là một thất bại nhưng là một hồng ân. Tertulliano đã nói : “Máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu”.  Chính vì máu các thánh tử đạo đã đổ xuống trên quê hương đất nước Việt Nam, mà ngày nay Giáo Hội Việt Nam mới được chứng kiến sự phát triển và trưởng thành.

Trong chương VIII của Hiến chế tín lý về Giáo hội, Công đồng Vaticano II dạy : Giáo hội lữ hành trong khó nghèo và bách hại, Giáo hội bước đi giữa cơn bách hại của thế gian và trong niềm an ủi của Thiên Chúa. Tuy nhiên Giáo hội được vững mạnh nhờ thần lực của Chúa Phục sinh để chiến thắng các khó khăn sầu muộn, chiến thắng không phải bằng vũ lực, nhưng bằng yêu thương và kiên trì.

2. Chúng ta tạ ơn Chúa, nhưng đồng thời chúng ta cũng nhìn lại lịch sử của Giáo hội để sám hối.

Đoạn sách Sáng Thế Ký khẳng định nguyên tổ loài người đã phạm tội. Adam phạm tội, Evà phạm tội, tất cả loài người đều phạm tội, chỉ trừ Chúa Giêsu, vì Người là Con Thiên Chúa, và trừ Đức Maria là người được tuyển chọn cách riêng để làm Mẹ Đấng Cứu thế.

Giáo hội lữ hành trong lịch sử, có nghĩa là đang bước đi trên con đường vẫn còn pha trộn bóng tối và ánh sáng. Giáo hội là thánh thiện nhưng ôm ấp trong lòng những tội nhân. Khi nhìn lại lịch sử, chúng ta nhìn nhận rằng chính chúng ta, những người con của Chúa, chúng ta chưa sống thánh thiện, chưa sống đúng Tin Mừng của Chúa. Vì thế, như Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nói trong Tông thư “Ngàn Năm Mới Đang Đến” để chuẩn bị bước vào năm 2000 : Giáo hội không thể bước vào ngàn năm mới nếu không thanh tẩy ký ức, nếu không biết sám hối. Và quả thực, nhân danh toàn thể Giáo hội, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã xin lỗi, xin lỗi Chúa, xin lỗi nhân loại, xin lỗi anh chị em.

Do đó, khi kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận đầu tiên và mừng 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm, chúng ta cũng không thể bước vào giai đoạn mới nếu hôm nay chúng ta không nhìn lại để sám hối tội lỗi của mình.

Trong phần nghi thức sám hối, chúng ta đã nói lên lời xin lỗi Chúa, xin lỗi anh chị em, về biết bao nhiêu lỗi lầm. Chúng ta đã giận hờn ghen ghét, đã tạo ra những nghi kị, và làm tổn thương sự hợp nhất trong Giáo hội và tình đoàn kết đối với anh chị em đồng bào. Chúng ta đã không quan tâm đến các thành phần trong xã hội để phục vụ và yêu thương với tinh thần Phúc âm của Chúa. Chúng ta đã làm hoen ố hình ảnh tươi đẹp và dung nhan tinh tuyền của Hiền Thê Đức Kitô, đã lơ là trong công cuộc rao giảng tin mừng.

Cần nhìn lại thực tế đau buồn đó để thanh tẩy ký ức, để xin lỗi. Càng khiêm tốn thống hối, bộ mặt Giáo hội lại càng tinh tuyền và xinh đẹp. Giáo hội là thánh thiện không phải vì chúng ta không bao giờ phạm tội. Trái lại, Giáo hội là thánh thiện bởi vì chúng ta đã từng phạm tội, nhưng chúng ta biết sám hối và quyết tâm hoán cải để sống thánh thiện hơn. Càng biết nhìn nhận lỗi lầm của mình, Giáo Hội của Chúa càng đáng tin và đáng mến. Càng thanh luyện, Giáo hội càng có thêm sức mạnh để bước vào chặng đường mới.

3. Chúng ta sám hối để tiếp tục lữ hành trong lòng lịch sử Việt Nam hôm nay. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một bối cảnh mới, không còn những cảnh bách hại đẫm máu như 300 năm về trước, nhưng chúng ta đang đối diện với những thách đố mới, những khó khăn mới.

Nhiều người chạy theo lối sống duy vật và duy lợi nhuận, tranh thủ làm giàu và làm giàu với bất cứ giá nào, đôi khi liều mình đánh mất nhân phẩm và đè bẹp người khác để kiếm đồng tiền. Người ta giành giật nhau, hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu đậm. Người giàu càng ngày càng giàu hơn và người nghèo càng ngày càng nghèo thêm.

Con người ngày nay thích hưởng thụ, thích dễ dãi an nhàn và tìm lạc thú tính dục ; một số người theo lối sống thác loạn, tìm thú vui trước mắt và không lường tới hậu quả ngày mai.

Chúng ta cũng đang đối diện với những bất công, những gian dối, thái độ coi thường người thấp cổ bé miệng.

Ngoài ra, còn một khủng hoảng lớn xảy ra ngay trong lòng gia đình mỗi người : hôn nhân nhiều gia đình bị tan vỡ, nạn phá thai, ly dị, giới trẻ chạy theo lối sống tự do và buông thả.

Hôm nay, Giáo hội của Chúa đang lữ hành giữa một bối cảnh đầy khó khăn như vậy. Nếu ngày xưa các thánh tử đạo Việt Nam đã phải đối diện với những thế lực muốn loại trừ Thiên Chúa, thì hôm nay cũng có những hình thức mới của ngẫu tượng và những lối sống mới muốn loại trừ Thiên Chúa.

Và thách đố đặt ra cho chúng ta là : chúng ta, Giáo hội của Chúa, những môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta có dám sống trung thành với niềm tin của mình không ? Chúng ta có dám noi gương các thánh tử đạo để đặt nền tảng đức tin trên mầu nhiệm thập giá không ? Có dám làm chứng cho các giá trị tinh thần và đạo đức, và không để cho những cám dỗ vật chất và lạc thú quật ngã mình không? Chúng ta có dám sống theo tinh thần tám mối phúc thật, nghĩa là tinh thần của yêu thương, của khó nghèo, hiền hòa, của lòng thương xót, bao dung, của sự tha thứ và phục vụ khiêm tốn không ? Chúng ta, Giáo hội của Chúa, chúng ta có dám chấp nhận chết đi cho tội lỗi của mình, chết đi cho tính ích kỷ để sống cho Thiên Chúa và tha nhân không ?

Bao nhiêu câu hỏi đặt ra, thật không dễ trả lời ; hay nói đúng hơn, có thể trả lời bằng môi miệng nhưng rất khó thể hiện bằng đời sống của từng cá nhân, từng cộng đoàn.

4. Chính vì vậy, bước vào Năm Thánh, chúng ta phải có những quyết tâm mới để canh tân bản thân, canh tân Giáo hội, để rồi mới có thể tham gia vào sứ mạng của Giáo hội.

Đức Mẹ được ơn vô nhiễm nguyên tội, không phải chỉ để trang trí, nhưng để được Thiên Chúa trao cho một sứ mệnh. Mẹ được mời gọi đảm nhận một trách nhiệm trong lịch sử cứu độ. Sứ mạng làm Mẹ Thiên Chúa thật cao cả, nhưng Mẹ đón nhận với thái độ can đảm và khiêm tốn : Này tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy thực hiện cho tôi như lời thiên thần báo tin.

Là người đã được thánh hiến trong bí tích rửa tội, mỗi Kitô hữu phải thực sự tham gia vào công cuộc của Giáo hội, tích cực dấn thân vào đời sống Giáo hội. Mỗi Kitô hữu, từ giám mục, linh mục, tu sĩ tới từng người anh chị em giáo dân, tất cả chúng ta đều đồng trách nhiệm về Giáo hội. Giáo hội không phải của riêng hàng giáo sĩ mà là của tất cả chúng ta, và mỗi người phải góp phần xây dựng Giáo hội tùy theo ơn gọi và đặc sủng Thiên Chúa ban cho mình.

Mỗi Kitô hữu phải thực sự là tông đồ có khả năng làm chứng về Chúa bằng chính đời sống của mình, bằng chính hành động bác ái, chia sẻ, phục vụ anh chị em, nhất là những người nghèo, người bị bỏ rơi, các bệnh nhân, những người xấu số. Khi hạt giống Tin Mừng mới được gieo vào đất nước Việt Nam, thì Kitô giáo đã được gọi là “đạo của những người yêu thương nhau”. Bước vào Năm Thánh 2010 này, chúng ta cũng hãy làm sống dậy tên gọi ấy, làm sao cho đạo công giáo có thể được gọi là đạo của những người yêu thương nhau.

Người Kitô hữu phải trở thành muối của thế gian, và men của xã hội. Hãy góp phần tích cực để thánh hóa thế giới, cách riêng là để đổi mới đất nước Việt Nam. Hãy có những hành động cụ thể để xây dựng công lý, hòa bình và liên đới, và làm cho mọi người nhận biết và tin vào Chúa Kitô.

Đó là cả một chương trình lớn lao vĩ đại, một chương trình hành động đòi hỏi những quyết tâm cụ thể. Ước gì hôm nay mỗi người hãy nói lên những lời hứa quyết tâm đối với Chúa và với anh chị em mình.

Hôm nay chúng ta vui mừng bởi vì Giáo hội đã đi qua một chặng đường. Rồi Giáo hội lại tiếp tục lên đường như một kẻ lữ hành hướng vể tương lai. Ngày mai không biết sẽ ra sao, nhưng chúng ta tin rằng Chúa là Chúa của lịch sử luôn dẫn dắt Giáo hội, dẫn dắt lịch sử, để thế giới đi tới hạnh phúc đích thực. Ngày mai phải được xây dựng từ bây giờ. Dung mạo Giáo hội ngày mai được viết bằng nỗ lực của mỗi người ngay từ hôm nay, những nỗ lực nhỏ bé hằng ngày với quyết tâm đổi mới Giáo hội và bản thân. Như vậy, ngày lễ hôm nay không phải là một lễ hội, và Năm Thánh 2010 sẽ thực sự là một biến cố cứu độ cho chúng ta và cho anh chị em chúng ta. Xin Đức Mẹ Vô nhiễm là Mẹ của Giáo hội chúc lành và đồng hành với chúng ta. Amen.

+ Giuse Nguyễn Năng
Giám mục giáo phận Phát Diệm

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.12.2009. 00:00