Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bài giảng khai mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phận Vĩnh Long

§ +GM Tôma Nguyễn Văn Tân

Sáng ngày 24.11.2009, HĐGMVN đã khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện, TGP Hà Nội. Hôm nay, tại Nhà Thờ Chính Tòa Vĩnh Long, chúng ta bước vào Năm Thánh, với Thánh Lễ đồng tế của các Linh Mục trong Giáo Phận sau Tuần Tĩnh Tâm thường niên.

Năm 2000, Hội Thánh Công Giáo cử hành Đại Năm Thánh mừng Con Thiên Chúa làm Người cứu chuộc nhân loại. Trong dòng lịch sử của Hội Thánh trải dài 20 thế kỷ, có những cột mốc liên hệ đến chúng ta, liên hệ đến Giáo Hội tại Việt Nam, như việc các Nhà Truyền Giáo đầu tiên đặt chân lên đất nước chúng ta vào đầu thế kỷ 16 (giáo sĩ Inêkhu đến Ninh Cường năm 1533), việc Tòa Thánh thiết lập hai Giáo phận Tông Tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong ngày 9.9.1659, và ngày 11.6.1933, tấn phong người Việt Nam đầu tiên làm giám mục là Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng.

Năm nay, Giáo Hội tại Việt Nam lấy cột mốc 24.11.1960 ngày Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban tông hiến nâng các Giáo Phận Tông Tòa tại Việt Nam lên Giáo Phận Chính Tòa và thiết lập 3 Tòa Tổng Giám Mục tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn, để vừa tạ ơn khi nhìn lại 50 năm qua Giáo Hội phát triển như thế nào dưới quyền lãnh đạo của hàng Giám mục Việt Nam: nhiều Giáo Phận được thiết lập sau năm 1960, số các tín hữu, cũng như số ơn gọi không ngừng gia tăng, rồi cũng muốn kiểm điểm đời sống của Giáo Hội, để tiếp tục xây dựng tình hiệp thông và hướng nhìn về tương lai với sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh trước tiên là để tạ ơn. Hiệp thông với Giáo Hội tại Việt Nam, Vĩnh Long chúng ta muốn ôn lại thời gian qua để hân hoan tạ ơn. Năm 1960, cùng với việc thiết lập hàng giáo phẩm, Tòa Thánh đã nới rộng lãnh thổ của Vĩnh Long, bao gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Sa Đéc, đồng thời bổ nhiệm cho Vĩnh Long một giám mục mới, là Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, nay ngài được hơn 103 tuổi, và đang nghỉ hưu tại Mougins, miền Nam Nước Pháp, Thời gian ngài điều hành Địa phận xem ra ngắn ngủi, nhưng với đường hướng sáng suốt, rõ rệt. Để mở mang Địa Phận, ngài đã nghĩ đến việc truyền giáo và đào tạo nhân sự, lập Trung Tâm Truyền Giáo và trao cho cha Raphae Nguyễn Văn Diệp làm giám đốc, vừa lo huấn luyện Quới Chức, vừa lo huấn luyện Nhóm anh em Truyền Giáo, thiết lập các Điểm Truyền Giáo. Chúng ta ghi nhớ công ơn của Đức Cha Raphae đã tận tình phục vụ lúc làm giám đốc Truyền Giáo cũng như khi làm Giám Mục Phó suốt 25 năm. Đức Cha Antôn đã khai giảng Đại Chủng Viện Vĩnh Long năm 1964 để đào tạo hàng giáo sĩ. Rất tiếc thời cuộc khó khăn công việc gặp nhiều trở ngại, các Điểm truyền giáo không tồn tại, Đại Chủng Viện bị tịch thu năm 1977 làm chỗ sinh hoạt vui chơi, giải trí cho đến nay! Thời gian từ năm 1968-2001 là những năm khói lửa và, sau đó, những năm bước vào chế độ chính trị mới, đoàn chiên Chúa trải qua biết bao gian khổ với nhiều hy sinh, nhiều mất mát về tài sản cũng như về nhân sự. Hơn bao giờ hết, vào thời điểm nầy, Vĩnh Long sống mầu nhiệm thập giá, với Chúa Giêsu bị đóng đinh, bị tước đoạt danh dự, bị vu khống và treo lên giữa hai tên trộm cướp, không một mảnh vải che thân. Thế nhưng đây là thời kỳ mà gia đình Giáo Phận lại hợp nhất với nhau hơn. Và, nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, nâng đỡ, với sự trợ giúp của Tòa Thánh, của các Hội Truyền Giáo, Địa phận đã dần dần phục hồi sức sống, tiếp tục phát triển.

Ngày nay, không riêng gì ở Việt Nam, do ảnh hưởng của xu hướng theo chủ nghĩa duy khoái lạc, tại Châu Âu, người ta chối bỏ nguồn gốc Kitô giáo của nền văn minh của họ, muốn tháo gỡ Thánh Giá khỏi nơi công cộng; họ cho rằng đặt Thánh Giá nơi công cộng là vi phạm đến tự do tín ngưỡng của những người theo tôn giáo khác. Than ôi ! cái văn minh duy vật đã làm cho con người ra mê muội, chối bỏ Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

“Đấng bị treo trên Thánh Giá không gây ra một sự kỳ thị nào. Đấng chịu đóng đinh vẫn thinh lặng. Đấng chịu đóng đinh đại diện hết mọi người. Bởi vì, Trước Chúa Kitô, chưa có ai nói được rằng mọi người đều bình đẳng và tất cả là anh chị em của nhau, kẻ giàu cũng như người nghèo, người có tín ngưỡng cũng như không tín ngưỡng, Do Thái hay không phải Do Thái, da đen hay da trắng” (Natalia Ginzburg trong Osservatore Romano 10.11.2009,tr.1.5).

Dầu cho có ai muốn loại trừ Chúa Giêsu Kitô, muốn tiêu diệt Hội Thánh của Ngưới, tất cả chúng ta nài xin cho được ơn bền lòng theo Chúa Kitô, để cùng với anh chị em Công Giáo Việt Nam, xây dựng một cộng đoàn hiệp thông, cộng đoàn sống đức tin và loan báo Tin Mừng, và mong cho mọi người đón nhận Chúa Kitô, được quy tụ trong Nước Chúa, là Nước của sự thật và sự sống, yêu thương và an bình. “ Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ chúng con trong danh Cha” (Gioan 17, 11).

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám Mục Vĩnh Long

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.12.2009. 09:46