Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ cầu cho những người bị ảnh hưởng bởi coronavirus

§ Đặng Tự Do

Sáng thứ Hai 9 tháng Ba 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại Casa Santa Marta để cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi coronavirus.

Một ngày trước đó, hôm Chúa Nhật, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định dâng Thánh Lễ hàng ngày vào lúc 7giờ sáng sau khi Hội Đồng Giám Mục Ý đi đến quyết định đình chỉ các thánh lễ cho đến tận Chúa Nhật Lễ Lá.

Sáng thứ Hai mùng 9 tháng Ba, khi bắt đầu cử hành thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Trong những ngày này, tôi sẽ dâng thánh lễ cho những người bị nhiễm coronavirus, cho các bác sĩ, y tá, tình nguyện viên đang giúp đỡ họ, cho gia đình họ, cho người già trong các viện dưỡng lão, và cho các tù nhân.”

Sau đó, Đức Thánh Cha đã yêu cầu tất cả mọi người cùng nhau cầu nguyện trong tuần này, theo ý chỉ của bài ca nhập lễ ngày thứ Hai trong tuần thứ Hai Mùa Chay.

“Lạy Chúa, xin cứu chuộc và thương xót tôi. Chân tôi đứng vững trên đường ngay thẳng, tôi sẽ chúc tụng Chúa trong các cộng đoàn.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài đọc Thứ Nhất trong ngày, trích từ Sách Tiên tri Daniel (9: 4-10).

Toàn văn bài đọc Thứ Nhất như sau:

“Chúng con đã phạm tội và đã làm điều gian ác”.

Bài Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Lạy Chúa là Thiên Chúa cao cả và đáng kính sợ, Ðấng giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với những ai kính mến Người và tuân giữ những giới răn của Người. Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác; chúng con đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa. Chúng con đã không nghe lời các tiên tri tôi tớ Chúa, những người đã nhân danh Chúa nói với các vua chúa, thủ lãnh, cha ông và toàn dân trong xứ chúng con. Lạy Chúa, sự công chính thuộc về Chúa, còn phần chúng con là phải chịu hổ mặt như ngày hôm nay, chúng con là những người thuộc dòng dõi Giuđa, những dân cư ở Giêrusalem, toàn dân Israel, những kẻ gần xa, sống trong mọi nước mà Chúa đã phân tán họ tới đó, vì tội ác mà họ đã phạm nghịch cùng Chúa. Lạy Chúa, điều dành cho chúng con, các vua chúa, thủ lãnh, cha ông chúng con là phải chịu hổ mặt, vì đã phạm tội. Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con, vì chúng con phản bội Chúa. Chúng con đã không vâng theo tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng con, để sống theo lề luật mà Chúa đã dùng các tiên tri, tôi tớ Chúa, rao giảng cho chúng con.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha đã mô tả bản văn này như một “lời thú nhận tội lỗi” đáng cho chúng ta bắt chước.

Mọi người nhận ra rằng họ đã phạm tội. ‘Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác; chúng con đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa. Chúng con đã không nghe lời các tiên tri tôi tớ Chúa, những người đã nhân danh Chúa nói với các vua chúa, thủ lãnh, cha ông và toàn dân trong xứ chúng con’. Đây là một lời thú nhận tội lỗi, một sự thừa nhận rằng chúng ta đã phạm tội.

Đức Thánh Cha mô tả tiếp rằng, khi chúng ta chuẩn bị đón nhận Bí tích Hòa giải, chúng ta phải làm một việc gọi là ‘tự vấn lương tâm’. Đức Thánh Cha phân biệt giữa một danh sách các tội lỗi được thực hiện trên bình diện trí tuệ, và sự thừa nhận chân thành tội lỗi chúng ta. “Liệt kê các tội lỗi thôi thì không đủ,” Đức Thánh Cha nói.

Quan sát việc chuẩn bị đón nhận Bí tích Hòa giải của nhiều người, Đức Thánh Cha nói:

Tôi sẽ lập một danh sách những tội lỗi trong tâm trí, rồi nói ‘Tôi đã phạm tội”, rồi thưa cùng linh mục và sau đó linh mục tha thứ cho tôi. Điều đó giống như lập ra một danh sách những việc cần làm hoặc những thứ tôi cần phải có hoặc những gì tôi đã làm sai. Điều này chỉ lảng vảng trong tâm trí chúng ta. Một lời thú nhận tội lỗi thực sự phải ở lại trong con tim chúng ta.

Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta tiến lên một bước để “nhìn nhận sự khốn khổ của chúng ta, nhưng từ thẳm sâu trái tim mình”. Đây là những gì Tiên tri Daniel đã làm: “Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con, vì chúng con phản bội Chúa.”

Khi tôi nhận ra rằng tôi đã phạm tội, rằng tôi đã không cầu nguyện tốt, và tôi cảm thấy điều này trong lòng, một cảm giác xấu hổ đến với tôi. Cảm thức xấu hổ về tội lỗi của mình là một ân sủng mà chúng tôi cần phải kêu cầu.

Một người đã mất cảm thức xấu hổ thì đã mất đi ý thức phân định luân lý, đã mất sự tôn trọng đối với người khác, và mất cả lòng kính sợ Chúa. Trái lại, nếu chúng ta có cảm thức nhục nhã về tội lỗi của mình, thì chúng ta phải nói được như Tiên tri Daniel: ‘Lạy Chúa, điều dành cho chúng con, các vua chúa, thủ lãnh, cha ông chúng con là phải chịu hổ mặt, vì đã phạm tội. Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con.’ Đức Thánh Cha nhận xét rằng: đầu tiên vị Tiên tri đề cập đến công lý, sau đó, ngài nói đến lòng từ bi Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích thêm rằng khi một cảm thức xấu hổ vì đã phạm tội được thêm vào ký ức chúng ta, thì “điều này khiến Thiên Chúa mủi lòng”. Cảm thức xấu hổ khiến chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa. Khi đó, những lời thú tội của chúng ta sẽ không chỉ giới hạn trong việc đọc một danh sách các tội lỗi, nhưng bao gồm cả việc nhận ra những gì chúng tôi đã làm với một Thiên Chúa tốt lành, từ bi, rất công chính.

Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Hôm nay, chúng ta hãy xin ân sủng biết xấu hổ, biết cảm thấy nhục nhã vì tội lỗi của chúng ta. Xin Chúa ban ân sủng này cho tất cả chúng ta.

Source: Vatican News Pope offers live-broadcast Mass for those suffering from coronavirus

Đặng Tự Do

Đọc nhiều nhất Bản in 09.03.2020 15:30