Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ánh sáng mang sự sống

§ Lm Phêrô Hồng Phúc

Hôm thứ Hai Tuần Thánh ngày 06/04/2009, đã xảy ra một trận động đất tại Italia. Tin đầu tiên cho biết 50 người đã thiệt mạng. Chính phủ huy động mọi phương tiện để đến hiện trường giải cứu cho những người còn đang bị nạn dưới đống đổ nát. Những nạn nhân có cơ may sống sót đang lọt giữa những kẽ gạch đá hay bê-tông ở dưới lòng đất, xung quanh họ là cả một bóng đen của thần chết. Điều duy nhất họ có thể làm là cố sống để mong chờ sự giải cứu. Những tiếng động đào bới trên mặt đất như là niềm hy vọng. Khi một tia sáng mặt trời lọt tới thì đó không chỉ đơn thuần là ánh sáng chiếu soi, mà là ánh sáng mang sự sống. Chúng ta hãy tưởng tượng họ vui mừng đón nhận ánh sáng ấy như thế nào?

Đêm nay, chúng ta cũng vừa chứng kiến khi mà ánh sáng Phục Sinh chưa bùng lên thì bóng tối thần chết cũng bao phủ toàn thể trái đất. Điều duy nhất người Kitô hữu có thể làm là sống trong niềm hy vọng được giải thoát. Gọi là bóng tối thần chết vì con người sống trong môi trường của sự chết. Cho nên ngay đối với các Tông đồ thời đó: cái chết của Đức Giêsu như là quy luật của sự chết tất yếu phải đến và nó xoá đi tất cả mọi chương trình hoạch định của Thiên Chúa. Riêng đối với Maria Madalena, chị chỉ nghĩ tới nấm mộ đang niêm phong – một tảng đá rất to “Ai sẽ đẩy tảng đá cho mình đây” - chị nghĩ tới và Thầy chưa xức đủ thuốc thơm vì vội vã của ngày Sabat sắp tới mà không được làm thêm. Chị thấy trong môi trường của sự chết tràn đầy một bóng đêm của sự chết, cho nên chẳng thấy xác Thầy đâu, cho tới khi sứ thần nói: “Sao các bà lại tìm Người sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dạy rồi” (Lc 24, 5-6a). Tất cả những biểu hiện của sự chết còn đó, nhưng Chúa Giêsu không phải là biểu hiện của sự chết. Chính sự chết đã bị tiêu tan và Đức Giêsu Kitô là sự sống. Vì thế, sứ thần đã nói với các bà: “Tại sao các bà lại tìm Người sống ở giữa nơi kẻ chết?”

Vâng, đúng là sự sống là ánh sáng đã bừng lên từ ngọn nến Phục Sinh, ngọn nến tượng trưng ánh sáng Phục Sinh của chính Đức Giêsu Kitô. Ánh sáng này mang những tính chất siêu nhiên vĩnh cửu được Giáo hội khắc hoạ trên cây nến Phục Sinh:

* Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay;
* Là Alpha và Omega, nguyên thủy và cùng đích;
* Người làm chủ thời gian và muôn thế hệ.

Đây là những tính chất siêu nhiên trong ánh sáng bừng lên của ngày Phục Sinh đêm nay.

* Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay

Quả vậy, Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay vì vết tử thần còn in rõ nơi trái tim Chúa bị lưỡi đòng xuyên qua, vậy mà Đức Giêsu Kitô vẫn sống. Có ai mang một trái tim bị đâm thủng mà sống được không? Đức Giêsu Kitô đã sống ngay khi mang trên mình trái tim bị đâm thủng, đó là dấu chứng của cuộc chiến thắng tử thần. Ca tiếp liên khẳng định: “Tướng lãnh sự sống đã chết đi nhưng vẫn sống mà cai trị”. Phục Sinh là sự kiện diễn ra trong thời gian, diễn tả theo ngôn ngữ của con người. Nhưng ngôn ngữ của Đức Giêsu Kitô đã khẳng định: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Nhìn vào sự kiện Phục Sinh hôm nay, ta nhận thức rõ hơn sự sống lại và sự sống. Hay dễ hiểu hơn, ta xác tín niềm tin như Giáo Hội phân định: “Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và mãi đến muôn đời.” (Dt 13,8)

* Là Alpha và Omega - Nguyên thuỷ và cùng đích mọi loài

Diogène nhà hiền triết Hy Lạp đã từng soi đèn giữa ban ngày đi trong thành phố Athènes nổi tiếng văn minh của thời cổ đại. Người ta hỏi: “Ông làm gì mà lại xách đèn giữa ban ngày như vậy?”. Ông nói: “Tôi đi tìm một người”. Người ta nghĩ: Ông là một người có vấn đề. Nhưng đúng, ông là người đặt vấn đề vì tìm đâu ra “ một con người” theo đúng nghĩa hoàn hảo của “một con người” vì thắp đèn giữa ban ngày đi trong thành phố cũng không thấy. Nếu Đức Giêsu Kitô không phải là mô phạm thì bài học của Diogène mãi vẫn còn cho thế giới biết rằng: không thể tìm được “người” đúng nghĩa hoàn hảo. Cho dù Thánh Kinh khẳng định “con người là hình ảnh của Thiên Chúa, làm chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (x.St 1,26). Nhưng cái chết xoá đi tất cả, khiến hình ảnh của Thiên Chúa bị con người chôn vùi dưới nấm mộ; danh hiệu là chủ cá biển, chim trời, mặt đất trở nên sáo ngữ vì sự chết san bằng vạn vật. May thay, tình trạng vũ trụ bị đắm chìm trong tội lệ vẫn mãi như lời thánh Phaolô diễn tả: “Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.” (Rm 8,20-23).

Đức Giêsu Kitô là Alpha và Omega chính – nguyên thủy và cùng đích, chính là mô phạm cho con người, là hình ảnh của Thiên Chúa vĩnh cửu được Thiên Chúa thông quyền làm chủ vạn vật. Ngài đã sống lại để khẳng định tất cả những điều đó: “Người là trưởng tử giữa đàn em đông đúc” (Rm 8,29) để sự Phục Sinh chiến thắng thế gian, chiến thắng tử thần của Ngài cũng là sự Phục Sinh cho mỗi người chúng ta, vì cũng theo thánh Gioan: “Chúng ta sẽ nên giống như Người, vì người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,2).

* Người làm chủ thời gian và muôn thế hệ

Chúng ta tiếp tục tìm đến với lời khẳng định của Giáo Hội: Người làm chủ thời gian và muôn thế hệ. Chính thánh Phaolô là người đã khẳng định: “Giờ đây Đức Kitô sống lại là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Chúa đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết, bởi Chúa đã bắt mọi sự quy phục dưới chân Người” (1Cor 15, 20. 25-27a). Ngày lễ Phục Sinh hôm nay, là khẳng định cho chúng ta sự chiến thắng đó để Đức Giêsu Kitô thâu hồi vạn vật dưới chân của Ngài.

Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng được biến đổi như Ngài:

“Giữa vũng nước đục bùn lầy nọ, ở dưới những cành lá sen, có những con ấu trùng chúng đang tụ tập lại và bàn bạc, thắc mắc lấy làm khó hiểu: tại sao có bao nhiêu những con ấu trùng trong bọn chúng đã vượt lên được khỏi mặt nước trở lại để kể cho bọn chúng biết ở trên mặt nước có gì. Vì thế, chúng đồng ý với nhau rằng: từ nay, hễ có con ấu trùng nào lên ai trèo lên trên khỏi mặt nước thì sẽ cố gắng phải trở lại, kể lại cho những ai còn ở dưới biết trên mặt nước có gì.

Ít hôm sau, có một con ấu trùng được leo lên cây sen trên mặt nước. Nó định sẽ trở lại kể cho chúng bạn nghe những gì nó thấy, những gì xảy ra cho nó trên mặt nước. Nhưng vừa nhú đầu khỏi nước, nó đã thấy một bầu trời chan hòa ánh sáng; nó thấy những mầu sắc và không gian lồng lộng cao; mắt nó hoa lên vì những sự việc kỳ lạ xảy ra cho nó. Không mấy chốc, nó thấy có một cái gì đó không chỉ là lạ với cả một không gian tráng lệ với không khí ấm áp bên ngoài mà nó còn thấy một sự chuyển vận trong cơ thể, hình như là nó đang được thay hình đổi dạng, từ một con ấu trùng mềm nhũn trở nên con chuồn chuồn với đôi cánh rực rỡ. Kế đó nó bắt đầu giang đôi cánh bay...Nó bay lượn trên mặt nước, cả một bầu trời in hình dưới mặt nước. Từ trên mặt nước, nó nhìn xuống đáy hồ, nó thấy tất cả các bạn của nó ở dưới đó. Theo lời hứa, nó muốn trở lại báo cho các bạn biết. Thế nhưng, nó bông nghĩ ra rằng: “Bây giờ chắc chắn các bạn mình không thể nhận ra mình được nữa, cho dù mình có trở lại thì các bạn không còn nhận ra mình vì mình đã hoàn toàn được biến đổi, đã trở thành một tạo vật mới và không còn là con ấu trùng ở dưới nước nữa nhưng là một con chuồn chuồn bay lượn trên không trung.” (theo Minh họa Lời Chúa)

Vâng, đêm thánh Phục Sinh nhắc mỗi người chúng ta thân phận được biến đổi nên giống Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, khiến chúng ta không phải là ở trong một cuộc sống thân xác tăm tối nhưng lại được biến đổi để nên giống Đức Giêsu Kitô trong sự sống mới. Sự biến đồi hôm nay là sự canh tân trong tâm hồn để nhờ biến cố Phục Sinh mỗi người trở nên mới hơn, trong yêu thương, trong an bình, trong hạnh phúc giữa gia đình và cộng đoàn. Và ngày sau, trong viễn ảnh đời đời, xin cho chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô Phục Sinh trong sự sống vinh quang muôn đời.

Lm Phêrô Hồng Phúc

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 13.04.2009. 22:58