Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ánh Sáng đã bừng lên trong đêm tối (Lc 2,1-14)

§ Lm Jude Siciliano, OP

Thưa quý vị.

Theo lịch thời tiết thì hàng năm, có một đêm dài nhất vào mùa đông và một ngày dài nhất vào mùa hè. Năm nay đêm dài nhất xảy ra tuần vừa qua. Mùa đông trời âm u, chúng ta chẳng có mấy ánh sáng. Có lúc trời tối quá, chẳng xem thấy gì cả, nhưng cũng không cần ai nói cho chúng ta hay. Thời buổi văn minh, chúng ta có thể tự lo liệu ánh sáng cho mình, chẳng cần ngoại lực trợ giúp. Tối đến chúng ta có thể thắp sáng suốt đêm thâu cho nhà cửa, trường học, văn phòng, xí nghiệp, bệnh viện,… khi đèn đường bật sáng, các quán rượu, nhà hàng, bãi đậu xe, sân thể thao,… sáng trưng như ban ngày. Như vậy không phải trời thiếu ánh sáng, làm chúng ta bồn chồn lo âu. Đúng hơn những thứ bóng tối khác làm loài người sợ hãi. Đó là bóng tối tâm linh, lương tâm sa đoạ, mất tính người, chẳng còn cảm thức tội lỗi…

Nhìn quanh mình, trên thế giới ngày nay không thấy mấy tin vui. Bầu trời luân lý, đạo đức xem ra ngày càng suy đồi. Những đám mây khổng lồ vô luân, trác táng, băng hoại, bạo lực vần vũ khắp năm châu, bốn bể. Chẳng nơi đâu còn được chút an lành. Một thành phố nhỏ xíu ở Việt Nam hàng năm đã có hơn hai trăm ngàn thiếu nữ vị thành niên phá thai. Một xóm đạo nổi tiếng lại có tỉ lệ nạo thai cao nhất nước! Các quốc gia Châu Phi đang chìm dần vào lụt hồng thuỷ Aids! Đâu đâu cũng nghe tiếng kêu cứu chết đói, cướp bóc, hối lộ, tham nhũng, nội chiến, áp bức, bóc lột, bệnh tật. Hàng ngày tin từ Apghanistan, Irắc tràn ngập báo chí về số các thương vong, ôm bom tự sát, bắn phá bừa bãi. Hôm qua thôi, một quả bom nổ ở Baghdad giết hại mấy chục trẻ em học sinh vô tội. Trái đất có năm Châu thì Châu nào cũng đầy dẫy hãi hùng. Thí dụ như Châu Mỹ giàu có tài nguyên nhất, vậy mà người ta tính được hàng trăm triệu người nghèo đói, riêng nước Mỹ là ba mươi triệu ! Các Châu lục khác con số còn nhiều hơn. Miếng ăn đã vậy, điều kiện sống lại càng tồi tệ hơn. Môi trường ô nhiễm, thiên nhiên bị tàn phá, hệ sinh thái tốt thu hẹp dần nhường chỗ cho con người khai thác, thú vật hoang dã đang bị diệt chủng. Hàng chục năm nay, ai cũng biết không khí chúng ta hít thở có quá nhiều độc hại, bầu trời nóng dần lên, các khoa học gia nhóm họp ở Kyoto, Nhật Bản, đã đề nghị các biện pháp phòng ngừa. Chính phủ Hoa Kỳ thẳng tay bác bỏ, không chấp nhận phần đóng góp của mình! Dĩ nhiên, các nước thuộc thế giới thứ ba nghèo khó phải gánh chịu nhiều hậu quả nhất của việc gia tăng nhiệt độ hành tinh: Lụt lội, hạn hán, mất mùa, đói kém. Và chẳng có công tắc nhiệm mầu nào để bật sáng tình hình, hoặc các nhà bào chế thuốc sản xuất kịp liều lượng an thần “giấu buồn làm vui” cho thế giới. Tuy nhiên, nếu nhân loại can đảm và lương thiện nhìn lên Thượng Đế, hẳn Ngài vẫn xót thương ban ánh sáng để không phải mò mẫm đi trong bóng tối sự chết. Đêm Giáng Sinh hôm nay, chúng ta thành khẩn cầu xin Thượng Đế làm người, ban cho mỗi linh hồn một ngọn nến thần linh để thắp sáng thế giới.

Thực tế, tiên tri Isaia trong bài đọc 1 đã vuốt mặt gượng vui, khi ông được ơn Chúa, loan báo cho dân tộc Israel đang chịu cảnh lưu đày Babylon: “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng, đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (1,9). Rồi đưa ra lý do: “Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng”. Ong viết về quá khứ, nhưng cho cả hiện tại chúng ta ngày nay. Thế sự tuy buồn thảm nhưng mọi sự không thể như vậy mãi. Chúng sẽ qua đi mau chóng và chúng ta có lý do để mừng lễ: Thượng Đế đã xuống cư ngụ giữa loài người. Thực ra bài đọc 1 hôm nay là một bài thơ, bài thơ tạ ơn. Mà thơ thì luôn tràn trề hy vọng. Ngôn sứ đưa ra ba lý lẽ để tạ ơn, mỗi lý lẽ đứng sau một chữ “Vì”. Ngôn sứ Isaia viết về lòng thương xót của Thiên Chúa, cứu chữa tuyển dân thoát ách nô lệ Assyria. Cuối cùng tuyển dân được giải phóng khỏi: “Cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy”. Tuyển dân vui mừng vì được Thiên Chúa giơ tay che chở. Vì thế họ dâng lời tán tạ ngợi khen. Chữ “Vì” thứ ba là trung tâm của tư tưởng bài thơ. Đó là về một sự sinh nở. Đứa trẻ có mặt bảo đảm Thiên Chúa ở với dân tộc Do Thái mà Ngài đã tuyển chọn từ muôn quốc gia. Chẳng có chi vui sướng cho bằng. Những hình ảnh cuối cùng: “Cố vấn kỳ diệu, thần linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” nói lên triều đại vua David, ước vọng to lớn nhất của dân Do Thái, sẽ được thực hiện. Con trẻ mới sinh ra sẽ dõi theo con đường David, làm khí cụ cho Thiên Chúa, vững chắc đem lại công lý, bình an, hạnh phúc cho toàn dân. Những khao khát này đêm nay Chúa Giêsu bé thơ thực hiện cho linh hồn chúng ta. Liệu mỗi người chúng ta có sẵn sàng đón nhận không?

Ngôn sứ Isaia khi kể lại việc Chúa giải phóng, ông cũng mong đợi sự đáp trả của tuyển dân, ăn ở đạo đức, ngay chính, để rút ngắn tai hoạ. Ông kêu gọi chúng ta xét lại nếp sống của mình, ngõ hầu tránh được những điều chẳng lành và dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, cứu giúp mình qua khỏi những ngõ tối của cuộc sống. Chẳng ai kể xiết những lần mình được cứu thoát, những lần mình đã đi trong đêm tối và đã nhận ra ánh sáng vĩ đại của bàn tay Thiên Chúa! Tiên tri cũng khích lệ chúng ta hy vọng. Những chi Chúa làm trong quá khứ, Ngài vẫn tiếp tục trong hiện tại và tương lai. Ngài vẫn tiếp tục ban ánh sáng “chói lọi” vào hiện tình tối tăm của thế giới, giúp chúng ta thoát khỏi “địa ngục” trần gian. Chúng ta tin rằng nếu đêm nay Ngài ban ánh sáng và sự sống qua con của Ngài, bé thơ Giêsu, thì Ngài cũng ban cho lý do để hoan hỷ mừng lễ. Bởi ánh sáng này sẽ chẳng bao giờ mờ tắt trong trái tim các giáo dân và thế giới, như tiên tri Isaia tuyên bố trong bài đọc thứ nhất.

Các tác giả Phúc Âm có lối kể chuyện đặc biệt về Chúa Giêsu. Các tình tiết câu chuyện bộc lộ những đề tài rộng lớn họ muốn nhắm tới. Thánh Luca trong câu chuyện đêm nay không ngoài thông lệ đó. Chuyện của ông nghiêng hẳn về số phận những người nghèo khó. Hai ông bà Giuse, Maria, những mục đồng, bò lừa là chuyện của những kẻ bất hạnh. Các thiên sứ loan báo tin vui cho họ, tức cho các kẻ khốn cùng của thế giới. Vào thời bấy giờ, mục đồng là kẻ nghèo khó nhất trong xóm làng, họ hay ăn cắp vặt, bị khinh bỉ, xua đuổi và sống lang thang ngoài cánh đồng. Nói cách khác, họ bị dân chúng đẩy ra ngoài lề xã hội, như quan niệm ngày nay. Ngoài ra, công việc hàng ngày không cho phép họ tuân theo các quy định của luật pháp tôn giáo, họ là những kẻ vô đạo, không trung thành với lề luật, hạng mạt kiếp, đáng nguyền rủa. Tuy nhiên sự mau mắn đáp lời Thiên Sứ không chứng minh những điều trên. Ngược lại họ là những kẻ đầu tiên được hưởng lời chúc phúc: “Bình an dưới thế cho những kẻ lòng ngay”. Hoá ra thiên hạ thường nhầm cả đám. Liệu ngày nay chúng ta còn đủ lương tâm trong sạch để đáp ứng Lời Chúa? Liệu chúng ta có đủ can đảm để mau lẹ nghe “tin vui” thiên thần báo? Chúng ta thường dựa vào “xác thịt nặng nề” để dễ bề thoái thác, liệt kê thí dụ thì vô số!

Những người chăn chiên nhận tin mừng trong đêm tối. Tin mừng đó là vĩ đại đúng như tiên tri Isaia loan báo trước: Đấng Cứu Thế sinh ra cho thế gian. Liệu ngày nay chúng ta còn có thể nghe được tiếng vang vọng của vị ngôn sứ nữa không? Thời gian viên mãn đã khởi sự. Thiên Chúa chẳng hề bỏ quên chúng ta trong tăm tối nhưng đã thắp lên một ngọn lửa vĩ đại để chúng ta nhìn tỏ và cùng nhau tiến về nhà mình. Thánh Luca thuật lại câu chuyện Giáng Sinh rất đơn giản. Nhưng ông đã nhìn thấy sự quan trọng của nó đối với tuyển dân Do Thái, ông dẫn nhiều lời Thánh Kinh Cựu Ước để minh chứng Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua David. Cũng như vua David, Chúa Giêsu sinh ra tại làng Belem nhỏ bé. Tuy nhiên vị trí của Chúa rộng lớn hơn và quan trọng hơn nhiều: Toàn thể thế gian. Thánh nhân kể Cesar Augustus lúc ấy là Hoàng Đế thượng vị Rôma và lời của ông ngự trị khắp đế quốc. Ông truyền rằng mọi thần dân phải về quê hương đăng ký, và mọi người vâng lời. Nhưng một Lời khác cũng sinh ra trong đêm nay, nó mặc thân xác như một em bé vô danh, giữa đám dân bị áp bức. Tuy nhiên Lời của em còn ảnh hưởng lớn hơn và bền vững hơn nhiều. Lời của Tin mừng cho khắp nhân loại, đến muôn thuở, muôn đời. Lời của Cesare chẳng thể sánh kịp!

Chuyện Chúa Giêsu giáng trần luôn hấp dẫn và cảm động. Trẻ em yêu thích nghe kể mãi: Máng cỏ, thiên thần, ba vua, các mục đồng, nến sáng, âm nhạc, cây thông xanh tươi, lấp lánh các ngôi sao, quà bánh, thiệp chúc mừng. Ngày hôm sau, mọi thứ dư thừa đều sẽ bị thu dọn và bỏ vào lửa. Người ta nghĩ đến công việc ở sở làm, xí nghiệp, trường học, buôn bán. Đúng ra, Giáng Sinh là lễ hội của người lớn. Những ngày sau lễ mới là môi trường thử nghiệm. Có đúng chúng ta tin vào những điều mình cử hành? Thiên Chúa mặc xác phàm cư ngụ giữa nhân loại? Ngài trở nên một phần của loài người, nối kết với mọi người trong hy vọng, sợ hãi, cố gắng an ở tốt, lành thánh, là bé thơ đúng nghĩa, thanh niên đúng nghĩa, cha mẹ, ông bà, cô chú, chú dì, hàng xóm láng giềng, bạn bè đúng nghĩa. Ngày sau lễ mới là ngày chứng tá của bánh ngọt Giáng Sinh: Khi tiếng hát thiên thần đã lắng, khi các vì sao đã thôi lung linh, khi các mục đồng đã trở về với đoàn vật, thì là lúc công trình giáng thế mới khởi đầu: tìm kiếm linh hồn đã mất, hàn gắn các vết thương, nuôi nấng kẻ đói nghèo, giải phóng tù nhân, xây dựng xã hội, mang hoà bình cho muôn dân, nhạc vui đến hết mọi tâm hồn. Lúc ấy danh Thiên Chúa mới thực sự rạng ngời trên chốn trời cao và an bình mới thực sự ban cho nhân loại lầm than. Amen.

Lm Jude Siciliano, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.12.2008. 23:29