Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Anh em sắp được cứu độ

§ Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm C (29.11.2009)
Gr 33,14-16; 1Tx 3,12 – 4,2; Lc 21,25-28.34-36

Mùa Vọng không chỉ là mùa chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất, mà còn là mùa các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Bài tin mừng hôm nay nói với chúng ta về biến cố Chúa Kitô đến lần thứ hai ấy (Lc 21,25-28) và kêu gọi chúng ta luôn tỉnh thức đón chờ (Lc 21,34-36).

1. Cuộc Quang Lâm của Con Người (21,25-28)

25 "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét.26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc."

Miêu tả các hiện tượng vũ trụ là một đặc điểm của văn chương khải huyền. Các hiện tượng vũ trụ vừa loan báo vừa đi kèm sự can thiệp của Thiên Chúa để phán xét thế gian. Cuộc phán xét này có liên quan đến tất cả tạo thành, trong đó, các yếu tố vật chất vừa làm khung cảnh vừa tham dự vào chính số phận của nhân loại.

"Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét” (c.25). Cảnh tượng mang tầm vóc vũ trụ. Các hiện tượng lạ trên trời được nối kết với các cảnh tượng dưới đất và gây hoang mang lo lắng cho muôn dân. Đáng chú ý là sự quan tâm dành cho cảnh biển gào sóng thét, vốn thường được gắn với tình trạng hỗn mang (G 38,8-11) và vốn luôn khiến cho người Hípri lo sợ.

Một sự sợ hãi lớn lao tấn công loài người trên đất. “Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển” (c.26). Các quyền lực trên trời, tức là các cơ binh tinh tú diễn tả trật tự của vũ trụ, bị lay chuyển toàn bộ: vũ trụ rơi vào trạng thái hỗn mang. Và đó sẽ là dấu hiệu Con Người ngự đến.

Trong khung cảnh được tạo nên bởi những biến động vũ trụ ấy, và đối nghịch với những biến động vũ trụ ấy, xuất hiện Con Người, tức là Đức Giêsu Phục Sinh trong vinh quang và quyền năng vĩnh cửu của ngài. “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (c.27). Đám mây này gợi nhớ đám mây của cuộc Biến Hình (Lc 9,34) và đám mây của ngày Thăng Thiên (Cv 1,9). Đám mây ám chỉ rằng Con Người ngự đến từ thế giới của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, quyền năng và vinh quang (là các phẩm tính của Thiên Chúa) được kể đến ở đây để nhấn mạnh quyền Chúa của Đức Kitô. Khi ấy, quyền Chúa của Ngài sẽ hiển lộ hoàn toàn rõ ràng.

Lối miêu tả mang tính khải huyền về cuộc quang lâm của Con Người, về mặt văn chương, có lẽ đã được gợi hứng từ Đn 7,13 (LXX). Tuy nhiên, không nên giải thích hình ảnh này một cách trực tiếp từ bản văn của Đaniel, mà phải giải thích dưới ánh sáng của những truyền thống có sau. Quả thực, trong Do Thái giáo, đã có một sự tiến triển trong cách hiểu về hình ảnh Con Người: đi từ hình ảnh mang tính tập thể sang hình ảnh mang tính cá nhân, đi từ hình ảnh Con Người đến bên Thiên Chúa để lãnh nhận quyền Chúa sang hình ảnh Con Người đến với nhân loại để thực thi việc phán xét. Lòng tin Kitô giáo sẽ đồng hoá việc Con Người đến với biến cố Quang Lâm của Đức Giêsu Phục Sinh.

Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (c.28). Khác với Mc 13,27, tác giả Lc không nói đến một cuộc tập họp các kẻ được chọn, nhưng nói đến một cuộc giải thoát. Tất nhiên, cả Mc lẫn Lc đều chú tâm đến khía cạnh tích cực là thực tại Con Người giải thoát các kẻ tin, nhưng trong Lc, mối bận tâm khích lệ anh em tín hữu có vẻ rõ nét hơn. Đối với các tín hữu Chúa Kitô, những hiện tượng lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao không phải là lý do gây sợ hãi, hoang mang, lo lắng, nhưng đó là dấu hiệu của niềm hy vọng, vì chưng, ơn giải thoát đã gần kề.

Trong thời gian Hội Thánh đi trên hành trình trần gian, để khuyến khích các tín hữu trung thành giữa những hoàn cảnh khó khăn, thánh Luca kêu gọi họ hãy kiên nhẫn (21,19), cúi đầu chấp nhận tình cảnh bị bắt bớ, bị bách hại. Bây giờ, vào thời gian sau hết, khi cuộc Quang Lâm diễn ra, ông mời gọi họ hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên (21,28), vì đó là dấu hiệu của hy vọng và chiến thắng (x. Tl 8,28; Tv 83,3; G 10,15).

2. Lời khuyên tỉnh thức (21,34-36)

34 "Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em,35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người."

Đoạn văn này bao gồm:

- Lời cảnh cáo (c.34) : một mệnh lệnh (“anh em phải đề phòng”) được tiếp nối bằng hai mệnh đề chỉ mục đích (“kẻo lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” và “kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em”);

- Lời khuyên (c.36): một lệnh truyền (“anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”) được tiếp nối bằng hai mệnh đề chỉ mục đích (“hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến” và “đứng vững trước mặt Con Người”);

- Ở giữa là phần nói về “ngày” (với một ẩn dụ lấy từ Is 24,17): “Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất” (c.35).

“Ngày ấy” là một cách diễn tả truyền thống trong Kinh Thánh, để nói về “ngày của YHWH” mà các ngôn sứ đã loan báo và được đồng nhất với cuộc Quang Lâm. “Ngày ấy” sẽ bất thần xảy đến, cho dù các tín hữu có thể nhận ra “ngày ấy” nhờ vào những dấu hiệu đã được nói ở các câu 25-28 trên kia.

Trong cuộc sống, có thể có rất nhiều nguy hiểm làm cho “lòng ra nặng nề”, tức là làm cho con người ta mất đi sự bén nhạy, mất đi khả năng chú ý vào thực tại thật đang diễn ra. Thánh Luca nhắc đến hai nguy hiểm: chè chén say sưa và lo lắng sự đời. “Chè chén say sưa” ở đây có lẽ là một hình ảnh ẩn dụ, có ý nói đến tình trạng tâm trí u mê, bị đầu độc bởi các trào lưu thế gian, như người say rượu bị ma men làm cho không còn tỉnh táo nữa. Còn những lo lắng sự đời (Lc 8,14; 12,22tt) thì sẽ làm cho người ta không nhận ra được cái gì là chính yếu, và chỉ biết tập trung sống cho những lợi lộc ích kỷ ngắn hạn đời mình.

Bên cạnh lời cảnh cáo (c. 34: “phải đề phòng”) là một lời khuyên nhủ tích cực: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (c.36). Sự tỉnh thức được thực hiện bằng cách cầu nguyện luôn, trong mọi lúc. Chính việc cầu nguyện trong mọi lúc sẽ làm cho chúng ta tỉnh thức, sẵn sàng hiểu biết và đón nhận biến cố Con Người đến.

Có hai lý do được nêu ra cho lời khuyên hãy cầu nguyện luôn. Thứ nhất: việc cầu nguyện sẽ đem lại sức mạnh giúp “thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến”, tức là thoát khỏi sự sợ hãi do các biến động lớn lao cùng tận gây ra, như đã được nói đến ở cc.25-27. Thứ hai: một cách tích cực, việc cầu nguyện sẽ giúp cho tín hữu “đứng vững trước mặt Con Người” như lời kêu gọi ở c.28 trên kia. Như vậy, giữa lời khuyên tỉnh thức cầu nguyện (cc.34-36) và những gì nói về cuộc Quang Lâm của Con Người (cc.25-28) có một sự tương ứng rất rõ ràng.

***

Thánh Luca viết sách Tin Mừng cho các tín hữu thời đại ngài, nhưng cũng là cho các tín hữu mọi thời, tức là cho mọi người sống lòng tin vào Chúa Kitô giữa thế gian. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta vẫn đầy những khó khăn, những biến động, những đau khổ. Nhưng ngay cả khi những biến động ấy làm cho muôn dân lo lắng hoang mang hồn xiêu phách lạc, thì đối với các tín hữu, đó vẫn có thể là dấu hiệu của thực tại cứu độ đang đến gần. Và do đó, họ có thể và cần phải đối diện với những biến động đó trong tư thế của những con người mang nơi mình niềm hy vọng vĩ đại: đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì sắp được cứu chuộc.

Tuy nhiên, trong một cái nhìn rất thực tế, cần phải ghi nhận rằng cuộc đời cũng mang nơi nó nhiều nguy hiểm và cám dỗ khiến lòng trí người tín hữu có thể ra nặng nề u mê và hèn yếu bạc nhược. Luôn luôn tỉnh thức và chuyên cần cầu nguyện, đó chính là cách sống mà Tin Mừng đề nghị cho chúng ta hôm nay. Đó cũng chính là một trong những điểm nhấn chínhyếu của Mùa Vọng.

Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.11.2009. 09:30