Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Anh em không còn tối tăm, … vì tất cả anh em là con cái sự sáng!

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Chú Giải Thánh Thư Chúa Nhật XXXIII Thường Niên - A (1 Th 5:1-6)

Bài đọc Chúa Nhật tuần này là một phần của Giáo Lý về Cánh Chung của Thánh Phaolô. Mở đầu Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Thêxalônica Thánh Phaolô đã ca tụng cách sống các nhân đức Tin Cậy Mến của họ. Trong Chương 4, ngài khuyên họ sống trong sạch và thương yêu nhau. Bắt đầu từ câu 4:13, Thánh Nhân nói với họ về cái chết và niềm hy vọng của các tín hữu đã an nghỉ trong Đức Kitô. Đối với những người có Đức Tin, chết là chấm dứt cuộc đời dương thế, nhưng không phải là hết. Chết “trong Đức Kitô” là được kết hợp vĩnh viễn với Người, và được Người cho sống lại trong ngày sau hết, khi Người trở lại trong vinh quang. Khi ấy những ai đã chết trong Chúa sẽ sống lại trước, và những ai còn sống mà trung thành với Người thì sẽ được đi với Người. Tuy nhiên vì không ai biết ngày giờ nào Chúa sẽ trở lại, nên hôm nay Thánh Nhân khuyên chúng ta phải luôn sẵn sàng khi Người đến, và sống xứng đáng là con cái sự sáng giữa thế gian, để khi Người đến chúng ta sẽ được sống với Người. Nếu không Ngày Chúa Đến sẽ là một ngày kinh hoàng cho chúng ta.

Câu 1 - Anh em thân mến, về thời nào và lúc nào, anh em không cần chúng tôi viết cho anh em.

Làm người ai cũng tò mò muốn biết tương lai mình và thế giới ra sao. Đó là lý do tại sao nhiều người tìm đến các thầy tử vi, bói toán…, thậm chí có những người phải cầu cơ để biết tương lai. Nhiều người nghĩ rằng nếu mình biết trước tương lai thì có thể tránh những điều tai hại. Thực ra biết trước tương lai chưa chắc đã là cách tốt nhất để sửa soạn cho tương lai. Vì chúng ta có thể ỷ nại vào việc biết trước ấy mà ăn chơi hưởng thụ cho đến khi nước đến chân mới nhảy thì không còn kịp nữa. Hôm nay Thánh Phaolô bảo chúng ta rằng chúng ta không cần biết, mà cũng không thể biết ngày giờ nào Chúa trở lại. Chính Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Về ngày và giờ đó thì không ai biết, ngay các thiên sứ trên trời, hay cả Người Con, nhưng chỉ một mình Chúa Cha mà thôi” (Mt 24:36; Mc 13:32).

Chữ thời ở câu này là dịch chữ χρονος, có nghĩa là ngày tháng nhất định có thể tính hay đếm được, còn chữ lúc ở đây là dịch chữ καιρος, có nghĩa là mùa, cơ hội, thời cơ, thời điểm, hay kỳ hạn. Thường thì người ta dùng hai chữ này gần như đồng nghĩa với nhau. Nhưng ở đây, cũng như trong phần mở đầu Sách Tông Đồ Công Vụ: “Khi đang tụ họp các ông hỏi Người rằng, ‘Thưa Thầy, có phải Thầy sẽ khôi phục vương quốc Israel lúc này không?’ Người bảo các ông, ‘Các con không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1:6-7), có lẽ tác giả có ý chỉ hai sự kiện khác nhau. Đối với Thiên Chúa, thời gian vừa là ngày tháng (χρονος) vừa là giây phút hay cơ hội (καιρος). Ngày tháng thì chính xác, nhưng cơ hội thì không ai biết khi nào nó đến. Chỉ những ai đã chuẩn bị sẵn sàng thì mới nắm được cơ hội, còn ai chưa sẵn sàng sẽ bỏ mất cơ hội. Vậy ngày Quang Lâm của Chúa là một thời điểm đối với Thiên Chúa, và là một cơ hội đối với những ai trung thành với Chúa.

Câu 2 - Vì chính anh em đã biết rõ ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối.

Ngày Chúa hay Ngày của Chúa thường được hiểu là ngày Tận Thế, nhưng đối với mỗi người cũng có thể là ngày chết của mình. Nói đúng hơn là ngày Quang Lâm, ngày Phán Xét. Theo Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo thì “Tiếp nối các ngôn sứ (x. Ðn 7:10; Ge 3:4; Ml 3:19) và Gio-an Tẩy giả ( x. Mt 3:7-12), Ðức Giêsu cũng loan báo về cuộc phán xét trong Ngày cuối cùng. Lúc bấy giờ cách ăn nết ở (x. Mc 12:38-40) và bí ẩn trong tâm hồn mỗi người (x. Lc 12:1-3; Ga 3;20-21; Rm 2;16; 1Cr 4;5) sẽ được tỏ lộ. Tội cứng lòng tin, coi thường ân sủng của Thiên Chúa sẽ bị kết án (x. Mt 11;20-24; 12;41-42). Thái độ đối với đồng loại sẽ cho thấy người ta đón nhận hay từ chối ân sủng và tình yêu Thiên Chúa (x. Mt 5;22; 7;1-5).” (GLCG 678)

Trong thời Thánh Phaolô, người ta nghĩ rằng Chúa trở lại trong thời đại của họ, nên nhiều tín hữu ở Thêxalônica bỏ bê bổn phận trần thế hằng ngày. Thánh Phaolô đã nhắc cho họ rằng họ không nên bận tâm về ngày ấy, vì không ai biết ngày giờ Chúa đến như Người đã nói trước rằng Người sẽ đến bất ngờ. Không biết nên phải luôn luôn phải sẵn sàng “vì chính giờ các con không ngờ thì con người sẽ đến”(Mt 24:44). Sẵn sàng như các đầy tớ đợi chủ đi xa trở về: “Hãy tỉnh thức, vì các con không biết giờ nào chủ nhà sẽ trở về, vào buổi tối, hay nửa đêm, lúc gà gáy, hay buổi sáng” (Mc 13:35, 36). Thánh Phaolô nói rằng Ngày của Chúa đến bất ngờ như kẻ trộm trong đêm tối, vì đêm tối là lúc chúng ta ngủ say và thiếu cảnh giác nhất. Chúa cũng có thể đến trong đêm tối của cuộc đời chúng ta, lúc chúng ta đang sống trong đêm đen tội lỗi. Sách Khải Huyền nhắc nhở: “Này, Ta đến như kẻ trộm. Phúc cho người nào tỉnh thức và giữ áo mình, để không phải ra đi trần truồng và bị người ta thấy sự loã lồ của mình!” (Kh 16:15).

Câu 3 - Khi người ta nói rằng: "Yên ổn và an toàn", thì chính lúc đó tai hoạ thình lình giáng xuống trên họ, như cơn đau đớn xảy đến cho người mang thai và họ không sao thoát khỏi.

Làm người ai cũng sợ chết, nhưng phần lớn người ta sống như là mình sẽ không bao giờ chết. Họ không ý thức rằng cái chết có thể đến bất thình lình, vào lúc ta không ngờ.

Để cảnh giác chúng ta về điều đó, trong câu này, Thánh Phaolô bảo đảm với chúng ta rằng Ngày của Chúa sẽ đến với mọi người, và không ai có thể trốn được ngày ấy. “Chúng có chui xuống tận âm ty, tay Ta cũng kéo chúng lên khỏi đó. Chúng có bay lên đến tận trời, từ đó, Ta cũng lôi chúng xuống. Chúng có núp trên đỉnh Các-men, tại đó, Ta cũng lùng bắt chúng cho kỳ được; chúng có xuống đáy biển hòng lẩn tránh mắt Ta, tại đó, Ta cũng truyền cho rắn cắn chúng” (Amos 9:2-3).

Đối với những người không tin và chống lại Thiên Chúa thì ngày ấy là ngày tai họa kinh hoàng.

Ngôn sứ Giêrêmia đã cảnh cáo "Chúng bô bô: ‘Bình an vô sự’,… trong khi chẳng có bình an chi cả. Việc chúng làm thật kinh tởm biết bao, lẽ ra chúng phải biết xấu hổ, nhưng nào chúng có xấu hổ gì đâu, cũng chẳng còn biết ngượng mặt nữa chứ. Cho nên chúng sẽ gục ngã giữa bao kẻ ngã gục. Khi đến thời Ta trị tội chúng, chúng sẽ té nhào” (Gier 6:14-15).

Ngôn sứ Isaia cũng tiên báo "Chúng kinh hoàng, lên cơn đau, quằn quại, đau thắt như sản phụ. Chúng sửng sốt nhìn nhau, mặt đỏ bừng như lửa. Kìa, ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày khắc nghiệt, ngày của phẫn nộ và lôi đình, ngày làm cho đất tan hoang và tiêu diệt phường tội lỗi, không còn một tên nào ở đó” (Is 13:8-9).

Sách Khải Huyền nói rằng khi ấy “có động đất mạnh. Mặt trời tối đen như vải thợ dệt bằng lông, mặt trăng hoàn toàn ra như máu. Sao trên trời sa xuống đất, tựa những trái vả xanh rụng xuống từ cây vả bị gió lớn lay mạnh. Trời bị cuốn đi như một cuốn sách cuộn lại, mọi núi non và hải đảo bị dời đi nơi khác. Vua chúa trần gian, vương hầu khanh tướng, người giàu sang, kẻ quyền thế, và mọi người, nô lệ hay tự do, tất cả đều phải trốn vào hang hốc và núi đá. Họ bảo núi và đá: ‘Đổ xuống đè ta đi và che giấu ta cho khuất mắt Đấng ngự trên ngai, cho khỏi cơn thịnh nộ của Con Chiên; vì Ngày lớn lao, Ngày thịnh nộ của các Ngài đã tới, và ai có thể đứng vững được?’" (Kh 6:12-17).

Vì thế nên Chúa Giêsu đã ân cần dặn bảo chúng ta: “Hãy đề phòng, đừng để tâm hồn các con ra nặng nề vì chơi bời phóng đãng, chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy bất ngờ chụp xuống đầu các con, vì như một cái bẫy ngày ấy sẽ ụp xuống mọi người cư ngụ trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và luôn cầu nguyện, để các con có sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy ra, và để đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21:34-36).

Câu 4 -Phần anh em, hỡi anh em thân mến, anh em không còn tối tăm, đến nỗi ngày đó bắt chợt anh em như kẻ trộm,

Sự tối tăm ở đây là tối tăm trong tâm hồn, là thiếu ánh sáng của Thiên Chúa, là sống dưới quyền lực ma quỷ. Muốn thoát khỏi sự tối tăm này thì chúng ta cần ân sủng Chúa. Đặc biệt là cần được Lời Chúa soi sáng, bởi vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi bước chân con, là ánh sáng soi đường con đi” (Tv 119 [118]:105), như đề tài của Đại Hội Giới Trẻ năm 2006. Để không sống trong tăm tối, chúng ta phải “xây dựng đời sống mình trên Đức Kitô, phải đón nhận Lời Người với niềm vui và đem các giáo huấn của Lời Chúa ra thực hành” (ĐTC Bênêđictô XVI, Sứ Điệp cho Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 21). Cũng theo ĐTC trong sứ điệp này thì bí mật để có được “một tâm hồn hiểu biết” là huấn luyện tâm hồn mình biết lắng nghe. Điều đó được thể hiện bằng các kiên tâm suy niệm Lời Chúa và tiếp tục đâm rễ sâu vào Lời Chúa qua quyết tâm kiên vững trong viêc hiểu biết Lời Chúa một ngày một hơn. ĐTC thúc giục mọi người, nhất là người trẻ “hãy làm quen với Thánh Kinh, và có nó trên tay để Thánh Kinh có thể trờ thành la bàn chỉ cho các con con đường phải đi” (ibid). Trong nhiều bài giảng, thông điệp, sứ điệp, và đặc biệt là trong Năm Thánh Kinh này, ĐTC và Hội Thánh khuyên mọi tín hữu cầu nguyện bằng Thánh Kinh qua phương pháp Lectio divina. Việc này tạo thành một cuộc hành trình thiêng liêng thật sự và chân chính được đánh dấu bằng những giai đoạn là đọc, suy niệm, cầu nguyện và chiêm niệm. Đọc Thánh Kinh bằng phương pháp này giúp chúng ta chú ý vào sự hiện diện của Đức Kitô mà Lời Người “như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em” (2 Phr 1:19). Nhờ Lời Chúa hướng dẫn, chúng ta không còn sống trong tăm tối, và luôn luôn sẵn sàng cho Ngày của Chúa, chứ không sợ ngày ấy bắt chúng ta như kẻ trộm.  

Câu 5 - vì tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày;

Tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu và làm theo giáo huấn của Người đều trở nên “con cái sự sáng” như Người đã nói trong Tin Mừng Thánh Gioan: “Khi các người còn có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để các người trở nên con cái sự sáng” (Ga 12:35-36). Bởi vì “Ngôi Lời là Ánh Sáng thật, ánh sáng chiếu soi mọi người, đã đến trong thế gian” (Ga 1:9). Cho nên “ai theo Người, sẽ không đi trong tăm tối, nhưng sẽ có ánh sáng của sự sống.” (Ga 8:12) Vì thế Chúa khuyên chúng ta phải làm những việc lành khi trời còn sáng (x. Ga 9:4).

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói rằng muốn là con cái sự sáng, chúng ta phải (1) xác tín rằng Chúa Giêsu đã sống lại và ở chúng ta luôn mãi; (2) xác tín rằng Đức Kitô đang ở với chúng ta. Và trong Đức Kitô thế giới tương lai đã bắt đầu, điều này cũng cho chúng ta niềm hy vọng chắc chắn; (3) Khi Đức Kitô đến, Người vừa là Thẩm Phán và Đấng Cứu Độ chúng ta. Cho nên chúng ta có thể tin tưởng vào sự tốt lành của Người và tiến bước với lòng can đảm phi thường (x. Triều Yết Chung ngày 12/11/2008).

Câu 6 - chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ.

Theo Thánh Phaolô thì muốn là con cái sự sáng, chúng ta không được phép ngủ mê, nghĩa là “loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13:12-14).

Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải tỉnh thức và điều độ. Tỉnh thức để đề phòng, để cảnh giác không bị những cám dỗ thế trần làm chúng ta sa ngã. Tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa bất cứ giờ nào Người đến. Muốn tỉnh thức thì phải biết điều độ, không ăn uống, rượu chè, chơi bời, và ngay cả làm việc quá đáng. Hai đức tính này bổ túc cho nhau. Người tỉnh thức thì tránh được những điều thái quá. Người điều độ thì dễ tỉnh thức. Tỉnh thức và điều độ giúp chúng ta giữ vị thế sẵn sàng để xem xét những dấu chỉ thời gian có liên quan đến việc Chúa trở lại. Và nhờ đó chúng ta sẵn sàng ra đón Ngườinhư những người đầy tớ trung thành ra đón người chủ từ phương xa trở về.

Hơn nữa, trong những câu kế tiếp, Thánh Nhân nói: “Vì chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc giáp che ngực là Đức Tin và Đức Ái, đội mũ sắt là Hy Vọng ơn cứu độ. Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta chịu cơn thịnh nộ, nhưng được ơn cứu độ, nhờ Ðức Chúa Giêsu Kitô” (1 Th 5:8-9).

Để thực thi Đức Ái, hay Đức Mến, đối với anh chị em, chúng ta “phải cảnh cáo những kẻ vô kỷ luật, khuyến khích những người nhút nhát, nâng đỡ những người yếu đuối, và kiên nhẫn với hết mọi người. Hãy coi chừng để đừng ai lấy ác báo ác, nhưng hãy luôn luôn cố gắng làm điều lành cho nhau cũng như cho mọi người.” (1 Th 5:14-15).

Còn đối với Thiên Chúa thì: “Hãy luôn luôn vui mừng, và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1 Th 5:16-18).

Kết Luận

Thánh Phaolô đã mở đầu Thư này của ngài bằng cách nhắc đến các nhân đức Tin Cậy Mến của các tín hữu Thêxalônica. Giờ đây ngài cũng kết thúc Thư của ngài bằng cách nhấn mạnh rằng Tin Cậy Mến chính là áo giáp và mũ sắt che chở con cái sự sáng trong khi chiến đấu với các quyền lực tối tăm. Để kết thúc, chúng ta hãy hợp ý với ĐTC Bênêđictô mà cầu xin Chúa tiếp tục đến với chúng ta và với thế gian trong khi chúng ta mong đợi Ngày Quang Lâm của Người:

Lạy Chúa, xin hãy đến! Xin hãy đến theo cách thức của Chúa! Tùy theo cách Chúa biết. Xin hãy đến những nơi có bất công và bạo lực! Xin hãy đến các trại tị nạn, ở Darfur, ở Bắc Kivu, ởquá nhiều nơi trên thế giới. Xin hãy đến những nơi mà dịch ma túy đang hoành hành. Xin hãy đến giữa những người giầu có nhưng đã quên Chúa, và chỉ biết sống cho mình. Xin hãy đến những nơi mà người ta chưa biết đến Chúa. Xin hãy đến theo cách của Chúa và canh tân thế giới hôm nay. Xin hãy đến trong lòng chúng con, xin hãy đến và canh tân đời sống chúng con, xin hãy đến trong lòng chúng con để chính chúng con có thể trở thành ánh sáng của Thiên Chúa, trở thành sự hiện diện của Chúa. Maranà, thà! “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!”.

Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận:

1.Bạn hiểu thế nào về Ngày Của Chúa?

2.Khi nghĩ đến cái chết hay ngày Tận Thế, bạn có sợ không? Tại sao có, và tại sao không? Đoạn này giúp bạn sửa soạn cho cái chết ra sao?

3.Nếu Chúa đến với bạn ngay giờ này, bạn đã sẵn sàng chưa? Bạn sẵn sàng như thế nào?

4.Có việc gì bạn làm trong bóng tối và sợ bị người khác biết không? Nếu có hãy đan cử ba trường hợp cụ thể. Nếu không cũng đưa ra ba trường hợp bạn làm mà không sợ người khác biết đến. Bạn cảm thấy ra sao về những việc ấy?

5.Bạn đang thức hay đang mê ngủ? Tại sao?

6.Tại saoThánh Phaolô nhấn mạnh đến ba nhân đức Tin, Cậy, Mến? Ba nhân đức này đã giúp bạn những gì? Bạn sống ba nhân đức ấy thế nào ở nhà, ở sở làm và trong cộng đoàn của bạn?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 13.11.2008. 10:09