Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Anh Em Đã Noi Gương Chúng Tôi Và Noi Gương Chúa

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Chú giải Thánh Thư Chúa Nhật XXX TN – A (1 Tx 1, 5c-10)

Trong bài Thánh Thư tuần trước, Thánh Phaolô nói đến quyền năng của Chúa Thánh Thần trong việc rao giảng Tin Mừng đồng thời nhắc cho các tín hữu Thêxalônica rằng Thiên Chúa yêu thương họ, và việc họ đáp trả tình yêu này bằng ba nhân đức Tin, Cậy và Mến như thế nào. Bài đọc tuần này tiếp tục phần mở đầu của Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Thêxalônica. Trong đó ngài cám ơn họ vì sự tiếp đãi nồng hậu họ đã dành cho ngài. Đồng thời ngài ca ngợi họ về việc họ noi gương các ngài làm tông đồ bằng gương sáng thay vì bằng lời nói. Nhờ họ đã sống đạo một cách gương mẫu như thế mà Lời Thiên Chúa được lan ra khắp vùng, tạo điều kiện dễ dàng cho các Tông Đồ khi đi rao giảng.

5c - Khi chúng tôi còn ở giữa anh em, anh em biết chúng tôi sống thế nào vì anh em.

Trong câu này Thánh Phaolô nhắc lại cách ngài đã sống và cư xử với mọi người khi còn ở Thêxalônica. Một vị tông đồ chân chính là người sống những điều mình rao giảng. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Câu này không những thích hợp cho các tông đồ, như các linh mục, mà còn cho tất cả những ai có nhiệm vụ giáo huấn người khác, kể các cha mẹ, các thầy cô, các Giáo Lý viên và các bậc huynh trưởng. Chúng ta không mong con cái mình chân thật nếu chính mình lại nói dối. Chúng ta không hy vọng học sinh vâng lời chúng ta khi chính mình lại chống đối bề trên. Chúng ta không mong giáo dân đạo đức khi chủ chăn nguội lạnh. Chúng ta không mong gì con cái yêu Chúa khi cha mẹ yêu tiền hơn Chúa. Chúng ta không mong có học sinh tốt khi thầy cô xấu….

Câu 6 - Và anh em đã noi gương chúng tôi và noi gương Chúa, đã nhận lấy lời rao giảng giữa bao gian truân, với lòng hân hoan trong Thánh Thần,

Anh em đã noi gương chúng tôi và noi gương Chúa– Thánh Phaolô không nói rằng noi gương Chúa trước rồi mới noi gương chúng tôi, mà ngài đặt gương của chúng tôi trước gương của Chúa. Thật ra gương của chúng ta cũng là gương của Chúa vì chúng ta là công cụ Chúa dùng để mọi người thấy Chúa. Mỗi Kitô hữu là một tấm gương phản chiếu hình ảnh Chúa cho mọi người. Ngày nay người ta không còn trực tiếp gặp Đức Kitô nữa, nhưng gặp Người qua các Kitô hữu. Nếu hình ảnh của Chúa nơi chúng ta bị lu mờ hay méo mó thì người khác cũng thấy Chúa lu mờ hay méo mó qua chúng ta. Thánh Phaolô nhiều lần nhắc nhở các tín hữu phải theo gương ngài. Chính anh em biết rằng anh em phải theo gương chúng tôi; chúng tôi đã không sống vô kỷ luật khi ở giữa anh em. Chúng tôi cũng đã không ăn bánh của ai mà không trả tiền, nhưng chúng tôi đã vất vả khổ cực làm việc đêm ngày để không trở nên gánh nặng cho ai trong anh em. Không phải là vì chúng tôi không có quyền, nhưng là làm gương để anh em noi theo chúng tôi” (2 Th 3:7-9).

Ngày nay có bao nhiêu mục tử dám nói với giáo dân hay Giáo Lý viên nào dám nói với học viên của mình: “Anh em, hãy cùng nhau bắt chước tôi, và để tâm đến những ai sống theo gương mà anh em thấy nơi chúng tôi” (Ph 3:17) không?

Chỉ có một cách duy nhất để làm gương cho người khác là chúng ta phải noi gương Chúa: khiêm nhường, hiền lành, vâng phục Thánh Ý Chúa Cha. Noi gương Chúa là nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” cùng “yêu người như yêu chính mình” (x. Mt 22:37,39). Có như thế lời khuyên các tín hữu Do Thái của thánh Tông Đồ mới thật sự có hiệu quả: “Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo anh em, là những người đã giảng lời Chúa cho anh em. Hãy đi theo đức tin của họ, bằng cách suy nghĩ đến kết quả của đời họ” (Dt 13:7).

Đã nhận lời rao giảng giữa bao gian truân

Nghe Lời Chúa như là trò tiêu khiển thì rất dễ. Đó là lý do tại sao có nhiều người nghe những mục sư gảng đạo trên truyền hình có tài ăn nói hấp dẫn như Joe Osteen mà không chán. Đó là lý do tại sao có một số linh mục dùng tòa giảng làm nơi kể chuyện tiếu lâm. Đó là lý do tại sao có một số linh mục không dám nói về những vấn đề luân lý vì sợ chướng tai giáo dân. Đó là lý do ngày nay người ta nói rất nhiều về tình yêu của Thiên Chúa và hầu như không đả động gì đến sự công thẳng của Ngài. Chấp nhận lời Thiên Chúa là chấp nhận một cuộc đổi đời, là chấp nhận trở thành một người mới trong Đức Kitô. Là chấp nhận “vác thập giá mình hằng ngày mà theo Người” (x. Mt 10:38; 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23; 14:27). Chấp nhận Lời Chúa là chấp nhận mọi gian truân và đau khổ, kể cả cái chết; là chấp nhận “chịu Phép Rửa trong cái chết của Đức Kitô”,“cùng được mai táng với Người và kết hợp với Người trong cái chết” (x. Rom 6:3-5). Khi chấp nhận Lời Chúa, các tín hữu Thêxalônica đã bị người ta vu oan và bách hại (x. Cv 17:5-6). Khi chấp nhận Lời Chúa, chúng ta chấp nhận từ bỏ tiền tài, danh vọng và mọi thú vui tạm bợ, coi mình như đã chết cho tội lỗi, và đang sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô (Rom 6:11). Vật chất chỉ là phương tiện giúp chúng ta sống để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Khi đặt vật chất làm cứu cánh là chúng ta bỏ Chúa mà quay về thờ tà thần.

Với lòng hân hoan trong Thánh Thần – Lòng hân hoan hay niềm vu chính là một trong những hoa quả của Chúa Thánh Thần (x. Gal 5:22-23). Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta niềm vui giúp chúng ta chấp nhận Tin Mừng một cách vô điều kiện, và thắng vượt bất cứ trở ngại nào chúng ta gặp phải trên đường theo Chúa. Thánh Goan Kim Khẩu viết: “Một người có thể vui mừng dù bị đánh đập nếu họ chấp nhận những điều ấy vì Đức Kitô. Một đặc tính của niềm vui này của Chúa Thánh Thần là tạo ra một niềm vui không thể cầm hãm được ngay cả trong những đau khổ và lo buồn…. Theo lẽ tự nhiên của các biến cố thì đau khổ không tạo ra niềm vui: vui là một đặc ân dành cho những ai chấp nhận chịu đau khổ vì Đức Chúa Giêsu Kitô; đó là một trong những điều tốt lành mà Chúa Thánh Thần ban cho” (Bài Giảng về 1 Thexalônica).

Câu 7-8 - đến nỗi anh em đã nên mẫu mực cho mọi kẻ tin đạo trong xứ Macêđônia và Akaia. Vì từ nơi anh em, lời Chúa vang dội không những trong xứ Macêđônia và Akaia, mà còn trong mọi nơi; lòng tin của anh em vào Thiên Chúa đã quá rõ rồi, đến nỗi chúng tôi không còn nói thêm làm gì nữa.

Trong việc sống Đức Tin ai cũng cần những mẫu gương. Thánh Phaolô và các cộng sự viên của Ngài làm gương cho các tín hữu Thêxalônica. Đến lượt họ, họ đã trở thành gương mẫu cho tất cả những ai tiếp xúc họ. Thêxalônica là một trung tâm thương mại và truyền thông quan trọng của người Hy Lạp trong vùng Macêđônia và Akaia. Trong số các Kitô hữu ở thành này có nhiểu người thế giá, kể cả nhiều phụ nữ quý phái (x. Cv 17:4). Chính nhờ danh tiếng và ảnh hưởng, đặc biệt là gương sáng của họ mà Kitô giáo được phát triển mạnh mẽ trong những vùng này.

Trong việc truyền giáo, chúng ta không cần rước sách linh đình, quảng cáo rầm rộ hoặc xây cất những cơ sở đồ sộ, nhưng trước hết và trên hết cần có đời sống gương mẫu. Cần có một Đức Tin thật vững mạnh vào Thiên Chúa. Cần có một lòng mến Chúa nồng nàn và yêu người tha thiết bằng việc làm. Truyền đạo mà không sống đạo thì truyền đạo để làm gì? Truyền đạo phải đi đôi với sống đạo thì việc truyền đạo mới có hiệu quả. Vì thế nhiệm vụ chính của các linh mục, các Giáo Lý viên và cha mẹ Công Giáo là lo vun trồng đời sống Đức Tin và Đức Ái của những người Thiên Chúa trao cho mình trước. Còn những việc khác phải coi là thứ yếu.

Chính qua đời sống gia đình và xã hội của chúng ta mà Lời Chúa được lan ra. Nếu đời sống của một Kitô hữu được lời Chúa biến đổi thì chính người ấy sẽ trở thành Lời sống động của Chúa hoạt động giữa thấ gian. Nếu mỗi gia đình Công Giáo sống đạo như các tín hữu Thêxalônica thì xã hội sẽ được biến đổi trong Chúa Thánh Thần. Nếu mỗi giáo xứ thật sự sống như các cộng đồng tín hữu thời Hội Thánh sơ khai (x. Cv 2:42-47) thì Hội Thánh sẽ lan tràn khắp nơi.

Câu 9 - Vì người ta thuật lại việc chúng tôi đã đến với anh em thế nào, và anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa làm sao để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân thật.

Chúng ta thấy Thánh Tông Đồ vui mừng ra sao khi thấy việc rao giảng của ngài làm cho người ta bỏ tà thần mà trở về với Thiên Chúa. Tà thần đây có nghĩa là tất cả những gì người ta coi là cứu cánh của đời họ như tiền tài, danh vọng, thú vui…. Việc Phúc Âm hóa là giúp người ta bỏ chúng mà trở về với Thiên Chúa. Đó chính là toàn thể mục đích của việc rao giảng Tin Mừng. Ngày này có một số thần học gia cho rằng không cần truyền giáo, mà nếu có truyền giáo thì mục đích chính không phải là kêu gọi người ta trở về với Thiên Chúa. Quan niệm này sai lầm tận gốc. Nếu không cần trở về với Thiên Chúa thì Đức Kitô phải chết để làm gì? Đức Thánh Cha Phaolô VI nói “Đối với Hội Thánh, việc truyền giáo có nghĩa là đem Tin Mừng đến cho mọi tầng lớp nhân loại, và qua ảnh hưởng của nó biến đổi nhân loại từ bên trong cùng canh tân nó” (Evangelii nuntiandi, 18). Còn ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng dạy Giáo Lý có hai nhiệm vụ là làm cho Đức Tin ban đầu được trưởng thành, và giáo dục các môn đệ chân chính của Đức Kitô bằng cách cung cấp cho họ một sự hiểu biết sâu xa và có hệ thống hơn về Con Người và sứ điệp của Đức Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Catechesi Tradendae, 19). Vì thế truyền giáo rất quan trọng, và việc tiếp tục dạy Giáo Lý để giúp giáo dân biết sống Đức Tin là điều thật cần thiết. Người Việt Nam thường quan niệm rằng học Giáo Lý là việc của trẻ em mà thôi, còn người lớn thì không cần. Chính vì thế mà nhiều người trong chúng ta có thói quen giữ đạo hình thức chứ không thật sự sống Đức Tin. Cần phải có những lớp đào luyện giáo dân trưởng thành trong các cộng đoàn và giáo xứ Việt Nam để thay đổi não trạng này và giúp người Việt Nam sống đạo thật sự. Chỉ khi đó các mục tử mới thật sự làm tròn bổn phận Chúa trao phó cho mình.

Câu 10 - để trông đợi Con của Người từ trời mà đến, "Đấng mà Người đã làm cho từ cõi chết sống lại", là Đức Giêsu, Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi cơn thịnh nộ sắp đến.

Khác với các tôn giáo khác kể cả Do Thái giáo, sứ điệp Kitô giáo là sứ điệp hy vọng trong Đức Kitô và mong đợi Đức Kitô. Hai điểm căn bản của giáo huấn Kitô Giáo được xác nhận trong câu này. Đó là Đức Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng đã sống lại từ cõi chết và sẽ trở lại để phán xét mọi người.

Điểm thứ nhất là Đức Kitô đã đến chịu nạn chịu chết và sống lại để giải thoát chúng ta và biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết: “Chúa Giêsu, chính Ngài, đã chịu chết trên Thánh Giá, mang lại cho chúng ta những gì hoàn toàn khác: một cuộc gặp gỡ với Chúa của các chúa, một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, và qua đó gặp gỡ một niềm hy vọng còn mạnh hơn những cơ cực của kiếp nô lệ, một niềm hy vọng, do đó, thay đổi cuộc sống và thế giới tự bản chất bên trong” (Spe Salvi, 4).

Điểm thứ nhì là Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Người ta sợ chết và phán xét vì họ không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta không sợ vì chúng ta có Thiên Chúa, chúng ta là con cái Thiên Chúa. Gặp gỡ Thiên Chúa chính là niềm hy vọng của chúng ta. “Từ thời xa xưa, viễn ảnh của sự Phán Xét đã ảnh hưởng đến các Kitô hữu trong đời sống hàng ngày như một tiêu chuẩn để sắp xếp trật tự cho đời sống hiện tại của họ, như những lời réo gọi trong lương tâm của họ, và đồng thời như niềm hy vọng vào công lý của Thiên Chúa. Đức tin vào Chúa Kitô không bao giờ chỉ nhìn lui lại phía sau hay nhìn lên trên, mà cũng luôn luôn nhìn về phía trước về giờ phán xét mà Chúa luôn nhắc nhở. Việc nhìn về phía trước này làm cho Kitô hữu thấy được tầm quan trọng của hiện tại” (Spe Salvi, 41).

Cơn thịnh nộ sắp đến – là một lời nói bóng gió về hình phạt dành cho những người tội lỗi. Ngày nay nhiều người cho rằng không có Hỏa Ngục vì Thiên Chúa là Đấng Nhân Lành, Ngài sẽ không nỡ lòng phạt ai trong Hỏa Ngục đời đời. Lý luận như thế là tự lừa dối mình. Vì nhân lành, Thiên Chúa muốn cho mọi người được lên Thiên Đàng. Ngài không bắt ai phải xuống Hoả Ngục hết. Nhưng vì tôn trọng sự tự do của chúng ta Ngài cũng không ép ai phải lên Thiên Đàng cả. Khi còn sống Thiên Chúa để cho chúng ta tự do lựa chọn hoặc làm con cái Ngài hoặc theo ma quỷ chống lại Ngài. Và chúng ta phải chịu trách nhiệm về dự chọn lựa của mình trong ngày sau hết.

Kết Luận

Sở dĩ Hội Thánh phát triển vững mạnh qua nhiều kỷ nguyên bởi vì các Thánh Tông Đồ đã noi gương Chúa Giêsu trong khi rao giảng Tin Mừng. Gương của các ngài ảnh hưởng đến các tín hữu, và gương của các tín hữu ảnh hưởng đến môi trường họ đang sống. Những mẫu gương này tạo thành những phản ứng dây chuyền, như một vết dầu loang làm cho Lời Chúa lan tràn khắp nơi. Ngày nay ở nhiều nơi vết dầu này chỉ còn hời hợt bên ngoài mà không còn cường độ vì thiếu những mẫu gương Đức Tin sống động, nhất là của các mục tử và các tông đồ giáo dân. Nếu đời sống của mỗi linh mục, của mỗi tín hữu, trở thành những chất xúc tác của Đức Tin để tạo ra những phản ứng dây chuyền mạnh mẽ mới của Tin Mừng thì chúng ta sẽ có thể biến đổi và canh tân nhân loại từ bên trong như ĐTC Phaolô VI đã nói ở trên.

Lạy Chúa xin giúp con sống Đức Tin để biến đời sống của con thành một lời rao giảng âm thầm cho những người chung quanh con. Amen.

Câu hỏi để thảo luận

Bạn có dám hãnh diện nói với những người bạn đã phục vụ như Thánh Phaolô rằng “anh em biết tôi sống thế nào khi còn ở giữa anh em” không? Bạn cảm thấy thế nào về cách cư xử của bạn khi phục vụ trong quá khứ? Điều gì làm bạn ân hận nhất? Điều gì làm bạn hãnh diện nhất?

Trong việc tông đồ, cái gì là ưu tiên một của bạn?

Bạn hy vọng gì trong khi phục vụ? Điều gì làm bạn thất vọng nhất?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 25.10.2008. 00:28