Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

3. Ngoan Cố Nên Phản Bội

§ Lm An Thanh, DCCT

Chân Dung Con Người (Suy niệm Tuần Thánh, Mùa Chay 2007-2009)

Thứ Tư Tuần Thánh

Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế mà nói: "Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu." Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.

Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: "Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? " Người bảo: "Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: "Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy." Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.

Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Đang bữa ăn, Người nói: "Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy." Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: "Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao? " Người đáp: "Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn! " Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: "Ráp-bi, chẳng lẽ con sao? " Người trả lời: "Chính anh nói đó!" (Mt 26, 14-25)

Ngoan Cố Nên Phản Bội

Chúng ta đang sống trong bối cảnh toàn cầu hóa, cả thế giới được hình dung như một ngôi làng. Các quyền lực kinh tế, văn hóa và cả chính trị nữa đang được tập trung lại ở một số trung tâm của các khu vực. Những người có sáng kiến toàn cầu hóa nghĩ rằng khi quyền lực được tập trung lại và với lương tâm nhân loại rộng lớn, những người đói và các nước nghèo sẽ được giải quyết nhanh chóng, thế giới sẽ hoa bình. Nhưng ước mơ này đã càng ngày càng bộc lộ nhiều yếu kém. Bởi vì hạt nhân của vấn đề là đời sống cá nhân chủ nghĩa chưa được thay thế, và nếu không nói ngoa là nó đang bùng lên, làm cho ước mơ ban đầu bất khả thi. Tình trạng nước nghèo và người đói vẫn còn nguyên, chiến tranh và chết chóc vẫn không dứt.

Quyền lực nơi con người trước tiên là muốn tự điều khiển mình, rồi dần già muốn điều khiển người khác vì quyền lợi của mình hoặc ích ra vì một chân lý do mình xác định … và sẽ dẫn đến xem người khác như là một món hàng để trao đổi hay buôn bán vì mục tiêu làm vui thỏa lòng mình. Nhưng khi đã thi thố quyền lực cách mang rợ đó rồi, liệu con người có được thư thả như mong ước hay lúc bấy giờ mới tỏ tường mình đang bị mãnh lực thế gian chi phối, chẳng qua mình chỉ là con rối trong tay thế giới tối tăm và làm nô bộc cho tội lỗi mà thôi.

Yuđa Iskariôt đến gặp các thượng tế đặt vấn đề: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?” “Ông ấy” như là mẻ cá mới đánh bắt được, “tôi” là ngư phủ, còn “quý vị” là tập đoàn thu mua hải sản. “Quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?” Tức là mẻ cá đó là của tôi, tôi có quyền trên nó, tôi trao cho quý vị, tôi bán cho các ông. Các ông mua giá bao nhiêu? Chỉ ba năm thôi chứ có lâu đâu, từ Yêsu - Thầy Chí Thánh, Con Thiên Chúa hằng sống - trở thành mớ cá trong tay anh chài lưới, để anh ta ngã giá bán buôn. Còn Yuđa từ là môn đệ trở thành ông chủ lúc nào không biết, nên đã dám mang Thầy mình đi rao bán như một anh hàng cá ế ẩm cần người ta thương xót mua nhanh: “quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?”

Xét về cuộc bán buôn thì bên bán có vẻ yếu thế, còn bên mua ở thế cao hơn, nên người bán không dám ra giá mà chỉ dám nài xin người mua cho một giá tùy ý họ muốn, và thậm chí bao nhiêu cũng được.

Xét về mặt giá trị thì Yuđa không phải không phải là ngư phủ, nên không có quyền bán cá và nhất là Yêsu là Chúa Cứu Thế, là Thầy của Yuđa chứ không phải mẻ cá để đem bán. Còn những thượng tế là những người thay mặt dân thờ phượng Thiên Chúa chứ không phải những thương gia. Giá trị bị đảo lộn trong cuộc bán buôn này. Tư tế muốn làm nhà buôn, học trò muốn làm ông chủ, và sư phụ bị biến thành món hàng trao đổi.

Trong câu 15, chương 26 của Tin mừng Matthêu còn có một chữ đáng để chúng ta chú ý nữa, đó là “nộp”, “tôi nộp”. Nghe chữ “nộp”, chúng ta có cảm giác người nộp có trách nhiệm phải làm điều đó. Ví dụ học sinh làm bài phải “nộp” bài; mua xe phải “nộp” thuế, các nhà xe khách muốn yên thân để làm ăn lâu dài phải “nộp” mãi lộ. Như vậy có phải Yuđa rơi vào tình thế phải nộp Thầy Yêsu của mình không? Thánh Kinh nói rất vắn gọn về chuyện này, nên chúng ta cũng không thể suy luận rằng Yuđa có bị người ta khống chế bằng cách bắt mẹ bắt con để ép phải nộp Chúa Yêsu cho họ không? Cứ theo cách suy nghĩ bình thường là không! Yuđa không bị khống chế như thế, nên Yuđa không bị buộc phải “nộp” Chúa Yêsu cho ai cả. Như vậy Yuđa có phần tự nguyện làm việc đó. Chữ “nộp” đã được các dịch giả Thánh Kinh Việt Nam dịch từ chữ “Paradidomi” tiếng Hylạp. Từ “paradidomi” này có nghĩa phản bội đem giao cho / nộp cho. Theo nghĩa này Yuđa là người phản bội đã mang nộp Yêsu cho các tư tế như lễ vật để được họ chấp nhận anh như là người của họ. Ngoài ra từ “paradidomi” còn có nghĩa là phụ bạc, phụ lòng, lừa dối. Chúng ta thử thay từ “nộp’ bằng những từ này sẽ rõ: thay vi “tôi nộp ông ấy cho quý vị” thì sẽ là “tôi phụ lòng ông ấy cho quý vị” hoặc “tôi lừa dối ông ấy cho quý vị”. Xét theo nghĩa này, Yuđa đã công khai việc làm sai trái và vô luân của mình trước các tư tê, là những nhà cầm cân nảy mực về luân lý trên dân. Theo lẽ thường tình các tư tế sẽ cảnh cáo Yuđa, sẽ răn dạy hắn bỏ đường tà để được sống, nhưng họ đã không làm như vậy, mà khuyến khích việc làm sai trái đó bằng cách trao cho anh ta 30 quan tiền.

Yuđa thật quá đáng, anh muốn có quyền trên mình, muốn có quyền trên người khác và muốn có quyền phản bội thầy của mình nữa.

Đôi khi trong cuộc đời, chẳng một ai ép mình làm việc xấu cả, nhưng như để tỏ ra lòng thành, mình đã tự làm việc xấu như họ để được đồng hội đồng thuyền với họ. Nhiều lần trong số những lần đó, chúng ta chỉ nhận được phần công sức một cách tuổi nhục, làm cho họ mà còn bị họ khinh miệt. Lúc đó ta tự an ủi mình rằng đã lỡ leo lên lưng cọp rồi, đã lỡ phóng lao rồi nên phải theo lao thôi.

Rõ ràng Yuđa đã quyết tâm giao nộp Chúa Yêsu, và Yuđa cố thực hiện cho bằng được ý mình. Chứ theo lẽ thường tình, một người có ý định xấu đã bị chính người mình định hại lên tiếng cảnh cáo thì không còn đủ can đảm để làm nữa. Ở đây Yuđa không như vậy, nên khi nghe Chúa Yêsu nói trong số các đồ đệ sẽ có một người phản bội, Yuđa đã trực tiếp hỏi Chúa : “Rabbi, chẳng lẽ con sao ?” Và Chúa Yêsu cũng đã thẳng thắn trả lời : “Chính anh nói đó !” (x. Mt 26, 21-25). Tưởng rằng nghe như thế, Yuđa sẽ từ bỏ ý định xấu sa của mình, nhưng không ngờ, Yuđa vẫn đường ta ta đi, việc ta đã định ta sẽ làm bất kể đúng sai, bất kể vô luân hay bất nhẫn.

Thật khủng khiếp khi phải sống chung với những người như vậy !

Nhưng dẫu có đáng tởm thì chúng ta vẫn phải đang sống chung với “lũ” đó thôi. Hàng loạt những quyết định sai trái, ai cũng biết rõ là sai, mà vẫn cứ khăng khăng thực hiện cho bằng được. Nhà văn Tô Hoài đã viết rõ về điều này trong tác phẩm Ba người khác khi trình bày về vấn đề cải cách ruộng đất. Ai cũng biết sai, nhưng không ai chịu ngưng lại. Cho đến khi huynh đệ tương tàn, phụ tử nát tan thì mới ngưng lại để sữa. Hoặc cụ thể hơn hàng loạt các cơ sở, ruộng vườn, nhà cửa của các tôn giáo và của cả thường dân nữa đã bị tước đoạt để buôn bán, chuyển nhượng, phân chia, biến của công thành của tư, biết của người này thành của người khác. Có ai chẳng rõ đó là việc làm sai, mà vẫn cứ cố bám vào những lý luận, những quy định không phục vụ lợi ích con người thật sự để làm cho bằng được.

Đừng nói chi xa, ngay trong xa gia đình chúng ta thôi cũng vậy. Có ai là người Công giáo mà lại không biết phá thai là bị mắc vạ ? Tất cả đều biết ! Nhưng trong thực tế đã có những ông bố bà mẹ ép con mình phải phá thai, để giữ danh dự cho chính họ. Vì quyết bảo vệ danh dự của mình, họ đã ép con mình làm điều ác và đang tâm giết những đứa cháu nội cháu ngoại của mình. Các anh chị trong Nhóm bảo vệ sự sống cho tôi biết, khi thuyết phục các cô gái đi phá thai, thì thuyết phục người Công giáo đừng phá thai khó hơn người không có đạo. Tại sao vậy ? Có phải vì ta đã quyết rồi, nên ta phải làm cho bằng được, bất chấp sự khuyên lơn và sự lên án của lương tâm như Yuđa không ?

Còn ngay chính các bạn thì sao, từng người chúng ta thì sao ? Chúng ta có bám vào ý riêng mình đến mức bất chấp chân lý của Chúa chưa ?

Vừa qua, một bạn đã đọc bài tôi viết về vấn đề tự tin và lòng tin vào Chúa đã nói với tôi đại ý là không thể không tự tin, mặc dù vẫn biết là không có Chúa thì chúng ta không thể làm được gì. Tôi cũng nói nhiều điều, nhưng sau đó cũng cảm thấy những lời mình sẽ không đi đến đâu, nên tôi bảo bạn ấy mở thư Roma đọc chương 7, từ câu 14 đến 25. Đọc xong, vài ngày sau bạn ấy bảo : Con đã đọc đoạn Rm 7, 14-25 rồi, con chẳng hiểu gì cả, con phát khùng lên rồi. Đơn giản là sự thật Lời Chúa đã nói khác những gì bạn ấy suy nghĩ và đang sống, nên bạn ấy không thể chấp nhận.

Nhứ thế mới nói, đôi khi chúng ta phê bình người ta duy ý chí, nhưng chưa chắc chúng ta không duy ý chí. Đôi khi chúng ta lên án chủ nghĩa cá nhân hay ghét bỏ một người chỉ vì người ấy cứ làm theo cái tôi của mình, nhưng chưa chắc chúng ta ghét họ không vì cái tôi của mình. Thậm chí chỉ vì cái tôi của họ chiếu sáng quá, còn cái tôi của mình tìm hoài mà không có cơ hội chiếu sáng, nên ghét, nên loại trừ họ thôi.

Quyết làm theo ý riêng của mình đã đẩy Yuđa đến việc phản bội Chúa Yêsu và khướt từ ơn cứu độ. Chỉ nghe và làm theo ý mình đã đưa chúng ta không chỉ xa Chúa mà còn dần dần xa hết mọi người, phản bội Đấng cứu độ và chống lại chính Thiên Chúa.

Lạy Chúa Yêsu, tai chúng con đã nghe quen giọng nói của chính mình rồi, xin Chúa hãy nói to hơn một chút để nhờ đó mà chúng con nghe được Lời Chúa;

Lạy Chúa Yêsu, tim chúng con chỉ ấp ủ những dự định của chính mình và khát khao thực hiện chúng, xin Chúa hãy tuông đổ Máu cứu độ từ Con Tim Chúa tràn đầy tim con, để tẩy xóa, để chữa lành, và để cho con được bắt đầu ấp ủ Lời Chúa.

KẾT

Chẳng ai muốn làm kẻ phản bội như Yuđa, nhưng có vẻ, mỗi người chúng ta khó thoát khỏi chân dung của Yuđa là một người ham tiền, chỉ biết tự tin và làm cho bằng được ý mình.

Điều lớn lao cho chúng ta khi suy niệm những điều này là Thiên Chúa không bỏ chúng ta, là những người đã được Người tuyển chọn và yêu thương. Vì tin vào điều đó, chúng ta biết chắc, nếu muốn, chúng ta sẽ được Đức Yêsu làm mới cuộc đời chúng ta bằng cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài.

Và chỉ khi nào chúng ta để Chúa Yêsu Kitô làm Chúa và có quyền quyện đời sống thần linh của Ngài trong thân xác và tâm hôn của chúng ta, thì lúc đó đời sống của chúng ta mới thoát khỏi các cạm bẫn đưa chúng ta đến chổ trở thành kẻ phản bội. Trong Đức Kitô Yêsu, chúng ta được thanh luyện để trở nên những người trung tin nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.

Lm An Thanh, DCCT

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.04.2009. 13:58