Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

ST207: Người Trộm Lành

§ Lm P.M. Nguyễn Châu Hải, SSS

Phúc âm Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc.23,39-43)

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!". Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!". Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!". Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."

SUY NIỆM

Người bị đóng đinh bên hữu Chúa Giêsu được gọi là người trộm lành. Anh bị chính quyền Rôma kết án đóng đinh treo khổ giá vì tội trộm cướp, giết người.

Bên tay trái Chúa cũng có một người khác bị đóng đinh. Anh này hung hăng, chửi bới lung tung, thóa mạ đả kích cả sĩ quan. Nhìn sang bên, anh thấy Đức Kitô im lặng không nói gì, anh càng điên lên và xỉ vả Người : Tiên tri gì mà cũng bị chúng đóng đinh, sao không tự cứu mình và cứu chúng tôi nữa ?

Người bị đóng đinh bên hữu Chúa nghe vậy thì nói lại : Chúng ta bị đóng đinh thế này cũng là xứng với tội chúng ta. Chứ vị này, Ngài vô tội mà. Rồi anh nhìn Chúa dịu giọng và khiêm nhường nói với tất cả niềm tin rằng : Khi nào Ngài về nước trời, xin cứu con với.

Và anh được nghe Chúa dịu dàng nói : Ngay hôm nay, con sẽ được hưởng hạnh phúc với ta.

Điều ta nhận xét được trong trình thuật Tin Mừng này là :

1. Chúa đã cam chịu khổ đau và cực hình để giải thoát ta khỏi khổ đau đời đời. Vì thế khổ đau không luôn luôn là sự dữ mà nhiều khi còn là phương thế giải thoát ta khỏi đau khổ đời đời vì xa Chúa.

2. Người trộm lành đã biết nhận ra khổ đau mình phải chịu chính là do tội lỗi mình gây ra cho mình, nên anh đã sám hối và được thứ tha.

3. Chúa Cứu Thế luôn luôn bao dung và thương xót mọi người, dù là những người tội lỗi và gian ác.

Vì thế, chúng ta cũng cần ý thức rằng, khi chúng ta gặp trắc trở, hoặc thiếu thốn và cả khi gặp khổ đau như bệnh tật, tai ương, mất của, mất con... là Chúa cho chúng ta có cơ hội để tham dự vào cuộc tử nạn sinh ơn cứu độ của Chúa.

Cũng cần tìm hiểu Chúa có ý gì, khi để chúng ta gặp đau khổ. Phải chăng là Chúa dùng đau khổ nhẹ mà tránh cho ta đau khổ lớn.

Phải chăng đó là tiếng Chúa cảnh báo ta để ngưng lại điều chúng ta đang làm hay dự tính làm, vì có thể là điều sai trái, có khi là điều gây tai họa lớn cho ta.

Phải chăng đó là phương thế Chúa thanh tẩy ta và giúp ta phương thế để sửa sai, để đền tội, nếu chúng ta đã biết lỗi lầm của mình mà sám hối.

Dù chúng ta chỉ sám hối, vì hành động của chúng ta đã làm cho chúng ta mất tiếng, mất việc, nhưng Chúa lại chỉ muốn cho ta nhìn lại cuộc sống của ta mà nhận ra điều sai trái. Lúc đó Chúa sẽ ban cho ta dồi dào ơn sám hối chân thành và thanh tẩy ta.

CẦU NGUYỆN

1. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì tội lỗi chúng con Chúa đã tự hiến thân chịu khổ đau để đền thay cho chúng con. Chúng con thật lòng hối cải vì tội lỗi chúng con.

* Hát : Lòng con đau đớn... (trang 3)

2. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa không chỉ chịu khổ đau mà còn chết cho chúng con được tái sinh, làm con cái Thiên Chúa.

* Hát

3. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, như người trộm lành, chúng con nhận biết mình có tội và cảm tạ Chúa đã cho chúng con gặp đau khổ để cảnh báo chúng con.

* Hát

4. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, như người trộm lành, chúng con xin Chúa nhớ đến chúng con đang thật lòng sám hối.

* Hát

* Kinh Lạy Cha

Đọc nhiều nhất Bản in 01.06.2007. 18:52