Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Những Mảnh Vụn Bánh

§ Lm Phêrô Trịnh Như Cung, SSS

Lm Bob Rousseau SSS

Đối với hầu hết chúng ta, từ ngữ “miếng vụn” “mảnh vụn” ám chỉ cái gì đó nhỏ nhoi, tầm thường, không đáng quan tâm mấy; ám chỉ một sự vật hoặc ngay cả một con người bị thải đi, bị gạt đi hay ít nhất bị che khuất dưới thảm. Một miếng vụn thường bị coi là “thừa thãi” hay đồ bỏ. Đó là cái thuộc thành phần thiểu số thực sự (real minority). Người ta coi nó là không cần thiết, gây phiền hà, không quan trọng, nhưng dẫu sao nó vẫn là cái không thể che giấu và phủ nhận được.

altar2.jpg

Điều đó khiến tôi có thể tự hỏi: Nếu Thiên Chúa hiện diện với chúng ta nơi Đức Kitô Thánh Thể và Ngài được tôn thờ ngay cả ở nơi miếng vụn của Bánh Thánh Thể, thì tại sao chúng ta lại không thể nhìn nhận sự hiện diện của cùng một Thiên Chúa là Đức Kitô đang hiện diện trong những miếng vụn của cuộc sống con người, trong những cuộc đời bị coi như những vụn nhỏ, trong những nhân vị thường bị xã hội đối đãi như những miếng vụn bị thải đi, như những thứ thừa thãi.

Trong các sách thiêng liêng nổi tiếng thời xưa, chúng ta thấy không thiếu gì những chuyện tường thuật Đức Kitô hiện ra với các thánh hay cả tội nhân dưới những hình thức bé mọn, những “miếng vụn”: chẳng hạn dưới hình hài của những người cùi, nơi em bé cần băng qua dòng nước lũ cuồn cuộn chảy xiết… Chắc chắn thời đại của chúng ta ngày nay cũng đang tiếp tục viết lên hay phải viết lên những dụ ngôn về sự hiện diện đích thực (real presence) của Chúa dưới những hình thức mới: nơi những con người bị coi như những “miếng vụn”, nơi những cảnh đời của những con người thuộc thành phần “thiểu số”…

Tôi xin chia sẻ hai kinh nghiệm về những con người này.

Cách đây ít lâu, anh Robert mời tôi dự buổi cà phê mạn đàm vào một buổi tối. Anh vừa thoát khỏi bệnh nghiện rượu và á phiện, nhưng rồi mới đây các bác sĩ xét nghiệm và cho biết anh đang mang trong người siêu vi khuẩn HIV. Chàng trai 31 tuổi này không có vẻ gì là đang trong tình trạng khủng khiếp cả. Trông anh khỏe mạnh và có dáng dấp của một thanh niên ngạo nghễ, lối ăn mặc bụi đời khiến người ta có cảm tưởng là anh thuộc loại chẳng mấy quan tâm đến tôn giáo, cũng như chuyện cầu nguyện và đời sống thiêng liêng. Anh chẳng có một chút kiểu cách hay dáng vẻ gì là “người công giáo tốt, siêng năng đi lễ đi nhà thờ”. Ít nhất đó là thiên kiến khởi đầu của tôi với tư cách là “một linh mục từng trải, đồng thời cũng là một nhà giáo”. Tất nhiên, thành kiến, sự thiển cận và thái độ tự cao tự đại đó đã làm tôi phải ngượng ngùng sau này và là lý do khiến tôi ân hận.

Chúng tôi là hai trong số 10 người ngồi tại một quán cà phê nhỏ. Bỗng dưng có người trong nhóm thốt ra những lời nhạo báng Chúa Giêsu. Những lời lẽ ấy tuy không đến nỗi quá tệ, nhưng cũng chẳng tốt đẹp gì. Lời châm chọc vừa thoát khỏi đầu môi người ấy, thì Robert đã phóng cái nhìn chòng chọc qua phía bên kia bàn, khiến những lời phê bình và diễu cợt tương tự phải im bặt ngay tức khắc. Điều đó gây cho tôi sự tò mò!

Mặc dầu sau đó bầu khí đã mau chóng vui vẻ trở lại và buổi họp mặt cũng đã kết thúc trong tình thân mật, nhưng trong khi đi bộ xuống phố để đón xe buýt, tôi không thể kìm được tính tò mò và hỏi Robert về ý nghĩa của cái nhìn ấy. Trong khi trả lời, anh đã tuyên xưng đức tin Kitô giáo khiến tôi phải ngượng ngùng hổ thẹn. Anh nói: “Trước mặt con, không ai có thể nhạo báng Đức Giêsu Kitô được, Người là Chúa và là Đấng Cứu Độ con, vì chính Người đã cho con sống và đồng hành với con”.

Cùng một lúc, tôi nhận ra ngay, như tôi được nghe tất cả những gì về số phận của con người ở Auschwitz, Nam Phi. Vấn đề có thể đơn giản: sở dĩ tôi không muốn dấn thân cho Chúa, Đấng hiện diện ngay cả nơi “những miếng vụn” của người khác, có thể là vì tôi muốn quên rằng, ngay trong tôi cũng có những phần tương tự như những miếng vụn. Trong tôi, cũng có những người bị tước mất quyền công dân, những bệnh nhân SIDA và những người vô gia cư. Đời sống của tôi cũng là một mảnh đời của “những người thuộc thành phần thiểu số”.

Là cá nhân trong cộng đồng nhân loại trên mặt đất, tôi được liên kết chặt chẽ với mọi người, nhất là với những người bị tổn thương hơn cả. Tâm hồn kêu gọi tâm hồn, lòng cảm thương có thể mang đến sức hàn gắn và chữa lành. Tuy nhiên, cá nhân tôi cũng như nhiều người, chúng ta có thể bịt tai trước tiếng nài xin tha thiết của người khác và từ chối băng bó vết thương của họ vì sợ hãi, vô tình, mù quáng hoặc vì nhẫn tâm. Những thái độ đó chắc chắn là kết cục, là hậu quả của ích kỷ và tội lỗi. Như vậy chúng ta có thể làm gì ? Và cá nhân tôi có thể biến đổi được gì?

Một phần của câu trả lời hệ tại sự nhìn nhận mới và ủng hộ mạnh mẽ những tổ chức đưa con người, đưa kitô hữu vào cuộc dấn thân cho công bình xã hội, bằng cách khiêm tốn phục vụ những Robert của thế giới này. Thực ra những Robert của thế giới này phục vụ chúng ta hơn là chúng ta phục vụ họ. Những bệnh nhân SIDA và tất cả những người thuộc thành phần số nhỏ luôn thôi thúc ta nhìn nhận sự hiện diện của Chúa Kitô nơi những thân xác mang cái chết của Chúa và minh chứng cho quyền lực phục sinh của Người. Xét về căn bản, tức là theo Phúc Âm, thì những người bề ngoài bị coi là những “miếng vụn nhỏ” của cuộc sống này có khi lại chính là của dưỡng nuôi lại cho thế giới.

Những chương trình cứu trợ đòi hỏi cuộc dấn thân vượt ra khỏi cung cách phục vụ bằng môi miệng, đó là cuộc dấn thân bằng tay chân và tâm hồn phục vụ. Sự trợ giúp đó mới thiết yếu nếu đức ái kitô giáo thực sự có một tác động sâu xa và trường cửu ở nơi chúng ta.

Tuy nhiên trọng tâm và chiều sâu của câu trả lời thuộc lãnh vực biến cải cá nhân: đó là cuộc cải hoá tâm hồn thực sự, sự thay đổi nếp sống. Công cuộc cải hoá này phải tác động đến tận gốc rễ của con người tôi, nhờ đó tôi mới có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô nơi “những Nhà Tạm mới” do Thiên Chúa kiến tạo, đó là “những Nhà Tạm mà bản tính tự nhiên của con người không ưa thích”. Quả thực, “Giavê Thiên Chúa thuộc thành phần đa số” vì quá yêu thương, nên đã chẳng quản sinh ra nơi “Con người thuộc thành phần thiểu số” và đã truyền cho ta phải cử hành Thánh Thể, không những nơi bàn thờ phụng vụ, mà ngay cả nơi bàn thờ của cuộc sống con người, những bàn thờ này có thể dơ bẩn và thiếu gọn gàng!

Chính nơi đó, chúng ta có thể tìm gặp được Thiên Chúa. Chính nơi đó, Đức Kitô cũng thực sự hiện diện: nơi những miếng vụn, nơi những gì mà con người chúng ta cho là “đồ thừa thãi”, nơi những thân xác và cảnh đời bất hạnh, thiếu vẻ duyên dáng của một con người.

phat-thuoc4.jpg

Nhưng liệu chúng ta còn một lựa chọn nào khác nữa không? Hay phải nhìn nhận Thiên Chúa nơi những người thuộc thành phần thiểu số, nơi cuộc sống của “nhữngmiếng vụn”, đó là: những người nghiện ma tuý, nghiện rượu, những người cô thế cô thân, những người cùi và những bệnh nhân SIDA? Đức Kitô được tôn thờ tại Trung Mỹ và Calcutta. Tiếng nói từ “một miếng vụn” bất ngờ đã chiếm đoạt hồn tôi và đập mạnh vào trái tim tôi. Thiên Chúa, Đấng yêu thương tôi, và đêm hôm đó Ngài đã yêu thương đặc biệt đến nỗi đã phá đổ những gì vây kín tâm hồn tôi, để tôi có thể nhìn thấy nơi chàng thanh niên thuộc thành phần thiểu số đang trong tình trạng nguy kịch, một “Nhà Tạm” mới, một “địa điểm” mới để tôn thờ Thiên Chúa, Đấng mà người ta có thể đụng chạm tới được ngay cả những miếng vụn nhỏ.

Một kinh nghiệm khác tương tự đã xảy ta tại một nhóm nhỏ cử hành Hy Lễ Tạ Ơn, cuộc cử hành này quy tụ một số giáo dân nhiệt tâm để cầu nguyện cho và với những người tương tự như Robert, những người đang là nạn nhân của siêu vì khuẩn HIV hoặc những bệnh nhân SIDA, cùng với những người giúp đỡ họ. Vị chủ tế hôm ấy là một linh mục dòng Phanxicô, cha Juniper Connelly, ngài thuộc thành phần ban lãnh đạo của Hội Damien Ministries hoạt động ở Washington DC; ở Joliet, Illinois và nhiều nơi khác nữa. Tôi “được diễm phúc” nghe cha Juniper giảng Lời Chúa đề cập tới những hoạt động của Hội Damien Ministries và những người mà Hội phục vụ.

Lúc giảng, cha Juiper đã nhờ một người bạn chí thân của ngài nói thêm, đó là em Mickey, 5 tuổi. Ngài bảo chúng tôi, Mickey là người hiểu biếtvề Hội Damien Ministries hơn ngài. Tươm tất trong chiếc mũ vừa vặn, với con gấu búp bê trắng, Mickey nói với mọi người về mẹ em, một bệnh nhân SIDA, và về Jackson, người anh của em cũng mang cùng thứ bệnh nhưng đã về chầu Chúa. Hội Damien Ministries đã đem đến cho họ đồ ăn và tình bạn. Sau khi nói tất cả những gì cần nói, Mickey cho chúng tôi một lời khuyên thật quí giá liên quan đến việc phục vụ những bệnh nhân SIDA, em khuyên chúng tôi hãy đụng chạm tới bệnh nhân, vì đó là cử chỉ mà Chúa Giêsu đã thực hiện và Người muốn ta cũng làm như vậy. Tại sao? Vì cử chỉ đụng chạm giúp cho bệnh nhân cảm thấy sung sướng, an hoà, và được yêu thương, đồng thời cũng giúp họ đến với Chúa Giêsu nữa. Nước mắt chan hoà! Vị linh mục đơn sơ cùng với ngưỡi bạn chí thân khôn ngoan của ngài và toàn thể Cộng Đồng Damien Ministries đã xin tất cả mọi người hiện diện hãy làm những gì mà Thiên Chúa đã làm cho ta, tức là hãy đụng chạm tới “những miếng vụn” với tất cả tình yêu thương chân thành, đó là một hành vi tôn thờ đích thực đối với Đấng Tạo Thành.


Yêu Thương “Những Miếng Vụn”

hop-mat6.jpg

Vấn đề quá đơn giản: đời sống kitô hữu và cầu nguyện chính là lời tuyên xưng và là hành vì tôn thờ Thiên Chúa, Đấng đã chẳng quản tỏ mình ra ngay cả trong “những miếng vụn” của cuộc sống con người, nơi những người mà xã hội mù quáng coi là những miếng vụn thừa thãi.

Nhưng có điều luôn ray rứt tôi, nhất là khi đến tham dự thánh lễ với dân Chúa để tôn thờ Thiên Chúa:tại sao tôi tại từ chối lời mời gọi nhìn xem và cảm nghiệm cùng một vị Thiên Chúa nơi cuộc đời của những anh chị em thuộc thành phần thiểu số, nơi những kẻ bé mọn, nơi những người mà xã hội dường như ruồng rẫy và đào thải? Nhất là khi tôi cảm thấy mình cũng là một tội nhân đã được tha thứ! Tại sao? Tại sao tôi không nhìn thấy ở nơi người khác cái mà Thiên Chúa nhìn thấy ở nơi tôi và còn nhìn thấy nhiều hơn và rõ rệt hơn nữa? Bí tích Thánh Thể cũng chính là Con Người Đau Khổ chẳng mang chút dáng vẻ dễ thương nào.

Đâu là những nam phụ lão ấu đau khổ của hôm nay để ta có thể tôn thờ Thiên Chúa của muôn Vẻ Đẹp? Đâu là “những miếng vụn” mà Thiên Chúa mời gọi ta nhìn xem và yêu thương? Và đâu là những miếng vụn mà ta gặp trên đường đời hôm nay, những miếng vụn thôi thúc ta biến đổi và thăng tiến, những miếng vụn không như Hansel và Gretl bất hạnh, nhưng là những miếng vụn có thể dẫn đưa ta tới bến bờ cuối cùng và bình an, tới cùng đích công chính và hoà bình của Thiên Chúa.

Lm Phêrô Trịnh Như Cung SSS chuyển ngữ

Đọc nhiều nhất Bản in 19.09.2007. 18:17