Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ý Nghĩa Và Tầm Quan Trọng Của Thánh Lễ Ngày Chúa Nhật

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: xin Cha giải thích lý do sâu xa phải tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật.

Trả lời: Ngày 27-11-2006 vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã gửi cho Đức Hồng Y Francis Arinze, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích một văn thư để nói rõ về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cử hành Thánh Lễ Ngày Chúa Nhật trong Phụng vụ thánh của Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã gửi thư trên nhân dịp Thánh Bộ này tổ chức kỷ niệm lần thứ 43 ngày công bố Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium) của Công Đồng Vaticanô II. (4-12-1963). Sau đây là những điểm chính trong thư của Đức Thánh Cha.

1- Trước hết, Đức Thánh Cha nhắc lại lời dạy của Thánh Công Đồng Vaticanô II về ý nghĩa việc cử hành Thánh Lễ Ngày Chúa Nhật, theo đó: “Giáo Hội cử hành Mầu nhiệm Phục sinh vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là Ngày của Chúa hay Ngày Chúa Nhật.” (x SC, số 106).

Như thế, Ngày Chúa Nhật là tâm điểm của năm phụng vụ bắt nguồn từ sự Sống Lại của Chúa Kitô, nhờ đó ý nghĩa đời đời đã đi vào ý niệm của thời gian. Nói khác đi, chính sự Phục Sinh của Chúa Kitô đã mang lại cho Ngày Chúa Nhật ý nghĩa về sự sống đời đời vì Chúa đã sống lại để đi vào cõi vĩnh hằng. Biến cố Phục Sinh đã hoàn tất công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa. Chính ngày thứ nhất trong tuần sau ngày thứ bảy, các phụ nữ và các Môn đệ đã gặp Chúa Phục Sinh và hiểu rằng: “đây là ngày Thiên Chúa đã lập ra” (x Ps 118; 117:24). Đó là Ngày của Chúa: Dies Domini, ngày mà phụng vụ thánh ca tụng là ngày “chan hoà ánh sáng vinh thắng của Chúa Kitô”.

Thánh Giáo phụ Origen cũng dạy rằng: “Ngôi Lời đã biến đổi ngày SaBát ra ngày có ánh sáng và cho chúng ta hình ảnh một ngày nghỉ ngơi thực sự: đó là Ngày Chúa Nhật, Ngày Cứu Độ, ngày đầu tiên của ánh sáng trong đó Đấng Cứu Thế, sau khi hoàn tất công cuộc của mình đối với loài người và chiến thắng sự chết, đã đi qua ngưỡng cửa vào Thiên Đàng, vượt qua công trình sáng tạo của 6 ngày và được hưởng ngày nghỉ ngơi trong Thiên Chúa.” Với ý nghĩa sâu xa này, Thánh Ignatius Thành Antioch đã quả quyết rằng: “Từ nay chúng ta không còn giữ Ngày Sa-Bát nữa mà giữ Ngày của Chúa.” tức Ngày Chúa Nhật.

2- Ngày của Chúa thật quan trọng vì các Kitô hữu đầu tiên đã tham dự cử hành phụng vụ Ngày Chúa Nhật với niềm khát vọng được thuộc về Chúa Kitô, được hiệp thông với Thân Thể Nhiệm Mầu của Người trong khi hân hoan chờ ngày Chúa trở lại trong vinh quang.

Tâm tình khao khát thuộc về Chúa ở đây đã được biểu lộ cách hùng hồn khi các anh hùng tử đạo ở Abitene, đối diện với cái chết, đã reo vang lên: “Sine dominico, non possumus: Không có (Lễ Tạ Ơn) Ngày Chúa Nhật, chúng ta không thể sống được! (we cannot live without Sunday Eucharist)

Như thế đủ cho thấy sự cần thiết phải khẳng định lại tính chất linh thiêng về Ngày của Chúa và cần thiết phải cử hành và tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn Ngày Chúa Nhật vì Thánh Lễ này chính là cột trụ của Ngày Chúa Nhật và của đời sống Giáo Hội.

Nghiã là Chúng ta không được để cho khuynh hướng dửng dưng tôn giáo (religious indifference) và tục hoá (secularism) của thế giới ngày nay che phủ viễn ảnh siêu việt mà quên rằng “dân Thiên Chúa được phát sinh từ cuộc vượt qua của Chúa Kitô trong ngày Chúa Nhật phải quay trở về với ngày này là nguồn vô tận để thấu hiểu hơn nữa về căn tính và lý do sinh tồn của mình”.

Ngoài ra, cũng theo Đức thánh Cha thì ngày Chúa Nhật trước tiên không phải do các Kitô hữu chọn mà do các Tông Đồ và chính Chúa Kitô đã chọn, vì ngày đó, “ngày thứ nhất trong tuần, Chúa đã sống lại và hiện ra với các môn đệ.“ (x, Mt28:1; Mk 16:9; Lk24:1; Jn 20:1; Acts 20:7; 1Cor 16:2). Người cũng hiện ra với các ông lần nữa tám ngày sau đó (x Jn 20:26). Như vậy, ngày thứ tám hay ngày Chúa Nhât là “Ngày Chúa Chúa Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ, mời họ vào bàn ăn, chia sẻ chính Mình Người để sau này họ cũng tụ họp và nhân danh Người mà thờ phượng Thiên Chúa cách đích đáng.”

Tóm lại, Đức Thánh Cha tha thiết kêu gọi và hy vọng mọi tín hữu chú tâm hơn nữa vào việc tham dự Ngày của Chúa, vì mỗi khi cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn ngày Chúa Nhật, thì dân Kitô giáo được thánh hoá và sẽ còn iếp tục được thánh hoá cho đến một ngày Chúa Nhật chắc chắn nào đó khi mọi tạo vật được gặp gỡ chính Thiên Chúa.

Đó là tất cả ý nghĩa và tầm quan trọng của Thánh Lễ ngày Chúa Nhật theo Tông thư của Đức Thánh Cha Benedict XVI. (Cf. L’OSSERVATORE ROMANO. N 50, 13 December 2006)

Lm Phanxiô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đọc nhiều nhất Bản in 16.01.2007. 15:00